Các yếu tố dùng để xác định vị trí địa lí của một địa điểm bất kì trên Trái Đất được gọi là tọa độ địa lí. Các yếu tố này bào gồm:
1. Địa cực
- Trong khi Trái Đất tự quay, có 2 điểm không di chuyển vị trí đó là địa cực Bắc và địa cực Nam.
2. Trục Trái Đất
- Là đường thẳng tưởng tượng nối 2 cực Trái Đất và qua tâm Trái Đất
3. Mặt phẳng xích đạo
- Mặt phảng đi qua tâm và vuông góc với trục Trái Đất là mặt phẳng xích đạo.
- Mặt phẳng này chia Trái Đất làm 2 nửa: bán cầu Bắc và bán cầu Nam.
4. Xích đạo
- Giao tuyến giữa mặt phẳng xích đạo với bề mặt Trái Đất là một vòng tròn tưởng tượng được gọi là Xích đạo.
5. Vĩ tuyến
- Trên bề mặt Trái Đất các vòng tròn song song với Xích đạo được gọi là vĩ tuyến. Các vĩ tuyến chính là giao tuyến của mặt phẳng vuông góc với trục Trái Đất và bề mặt Trái đất.
6. Vĩ độ
- Mỗi vĩ tuyến đều có một góc ở tâm tương ứng được gọi là vĩ độ. Vĩ độ của một điểm là góc ở tâm được tạo bởi bán kính của Trái Đất đi qua điểm đó và hình chiếu của nó trên mặt phẳng xích đạo.
7. Kinh tuyến
- Vòng kinh tuyến là vòng tròn đi qua 2 cực của Trái Đất. Nửa vòng tròn từ cực Bắc tơi cực Nam được gọi là kinh tuyến. Nếu cứ cách 1⁰ lại vẽ được 1 kinh tuyến thì Trái Đất có 360 kinh tuyến. Kinh tuyến gốc là kinh tuyến số 0. Các kinh tuyến tiếp theo phía bên phải là kinh tuyến Đông (1⁰ đến 179⁰Đ). Các kinh tuyến bên trái là kinh tuyến Tây (1⁰ đến 179⁰T). Giữa 2 kinh tuyến 179⁰Đ và 179⁰T là kinh tuyến 180⁰.
8. Kinh độ
- Kinh tuyến gốc được quy ước là kinh tuyến đi qua đài thiên văn Greenwich, ngoại ô London (Anh). Mỗi kinh tuyến đề cách kinh tuyến gốc một khoảng cách góc xác định và được gọi là kinh độ.
- Kinh độ của một điểm ở bề mặt đất là số đo của góc nhị diện được tạo bởi 2 nửa của mặt phẳng có chung trục Trái Đất, trong đó một nửa mặt phẳng chứa kinh tuyến gốc và một nửa mặt phẳng chứa kinh tuyến đi qua đó.
Việc xác định vị trí của một điểm (tọa độ địa lí) trên Trái đất chính là kinh độ và vĩ độ của điểm đó.