Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 8 CTST: Đề tham khảo số 3

<p>Trọn bộ đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 8 CTST: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện</p>

ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 2 LỚP 8 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO ĐỀ 3

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

"Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn

Rồi rong ruổi trên nẻo đường lặng lẽ

Ôi , những trái na , hồng , ổi , thị ...

Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu

Con nghe mùa thu vọng về những yêu thương

Giọt mồ hôi rơi trong chiều của mẹ .

Nắng mong manh đậu bên thật khẽ

Đôi vai gầy nghiêng nghiêng!

Heo may thổi xao xác trong đêm

Không gian lặng im ...

Con chẳng thể chớp mắt

Mẹ trở mình trong tiếng ho thao thức

Sương vô tình đậu trên mắt rưng rưng ".

( Lương Đình Khoa )

Câu 1 (1.0 điểm): Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?

Câu 2 (1.0 điểm):  Xác định thể thơ của đoạn trích trên?

Câu 3 (1.0 điểm): Chỉ ra hệ thống từ láy được sử dụng trong đoạn trích trên và nêu tác dụng của nó?

Câu 4 (2.0 điểm): Viết đoạn văn ngắn khoảng 10-15 dòng chia sẻ cảm nhận của em về đoạn thơ

B. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm) Thuyết minh về một cuốn sách mà em yêu thích.

Hướng dẫn trả lời: 

        A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (5.0 điểm)

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2:

- Thể thơ: tự do

Câu 3:

Hệ thống từ láy trong đoạn trích trên là: rong ruổi, lặng lẽ, ngọt ngào, chắt chiu, mong manh, nghiêng nghiêng, xao xác, thao thức, rưng rưng..

Ý nghĩa:

Góp phần giúp người đọc hình dung rõ hình dáng sự tảo tần và vất vả của mẹ. Đồng thời mô tả nhấn mạnh cảm xúc tâm trạng của người con góp diễn tả sinh động và sâu sắc tình cảm của con dành cho mẹ.

Câu 4:

Có ai đó đã từng nói với tôi rằng: "Mẹ là bến đỗ bình yên đón đợi con sau những dông bão cuộc đời, giúp con vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, giúp con sống tốt hơn, đẹp hơn". Quả thật là như vậy tình mẹ đối với chúng ta là một thứ tình cảm rất thiêng liêng. Đó là lòng biết ơn tình yêu thương chăm sóc tần tảo của người mẹ. Nhà thơ Lương Đình Khoa trong tác phẩm “Mùa thu và mẹ” đã thể hiện được lòng biết ơn, tình yêu thương, kính trọng đối với người mẹ tảo tần, giàu đức hi sinh…. Với các từ láy trong bài thơ: rong ruổi, lặng lẽ, ngọt ngào, chắt chiu đã phần nào diễn tả được hình ảnh một cách chân thật nhưng không kém phần tinh tế nói lên vẻ đẹp của người mẹ trong gia đình và xã hội. Với thể thơ tự do nhẹ nhàng như cảm xúc rưng rưng của người con khi nghĩ về mẹ làm cho câu thơ ngân lên giai điệu của tình mẫu tử thiêng liêng. Việc sử dụng phép liệt kê: na, hồng, ổi, thị…. đã làm gợi lên những món quà quê hương được chắt chiu từ bàn tay mẹ qua bao năm tháng. Vị ngọt ngào từ những loại quả được kết tinh từ những giọt  mồ hôi rơi, từ đôi bàn tay từ đức hi sinh tần tảo của mẹ. Nghệ thuật nhân hóa mượn hình ảnh của thiên nhiên: nắng, sương, mùa thu để gửi gắm tâm tư tình cảm của người con dành cho mẹ. mùa thu vọng về những yêu thương/ Nắng mong manh đậu bên thật khẽ….. Mẹ gom nhặt từng trái một trong vườn rồi vác trên vai trên con đường lặng lẽ không bóng người qua lại. Từng hương vị ngọt thơm của trái cây mẹ trồng cũng là nhờ sự chăm sóc không kể công cùng sự yêu thương các con vô bờ bến nên những gì tốt nhất cho con mẹ đều có thể làm được dù phải trải qua khó khăn thế nào đi chăng nữa. Đoạn thơ đã làm sáng tỏ sự đẹp đẽ của hình ảnh người mẹ và tình yêu của người con với mẹ như vơi đi phần nào sự nhọc nhằn của mẹ. Cảm ơn tác giả đã dành cho mẹ những ngôn từ tuyệt vời. Trân quý những sản phẩm văn chương đã lưu lại và lan tỏa tình cảm mẫu tử thiêng liêng cao quý.

B. PHẦN VIẾT: (5.0 điểm)

Nếu bạn từng có tuổi thơ với những ngày hè mộng mơ bên trang sách dang dở của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay từng lớn lên từ những miền quê Việt Nam thanh bình chắc hẳn bạn cũng không thể bỏ qua cuốn sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - tác phẩm được giải thưởng văn học ASEAN năm 2010 của Nguyễn Nhật Ánh. Quyển sách đã gây sốt trở lại khi được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành bộ phim với tựa đề được giữ nguyên.

Nguyễn Nhật Ánh quê tại thôn An Mỹ, xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Là nhà văn nổi tiếng của Việt Nam chuyên viết cho tuổi mới lớn. Ông được mệnh danh là ông hoàng của dòng văn học trẻ thơ. Trước trào lưu văn học nước ngoài ngày càng được giới trẻ ưu thích thì những tác phẩm viết về tuổi thơ của ông vẫn thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Đó là minh chứng cho sự tồn tại mạnh mẽ của văn học Việt Nam.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một cuốn tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam ngày 9 tháng 12 năm 2010. Đây là một trong các truyện dài của ông, ra đời sau “Đảo mộng mơ” và “Lá nằm trong lá”. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một trong những quyển sách Việt Nam bán chạy nhất năm 2010 đến bây giờ. Tổng số bản in lên đến hơn 20.000 bản.

Câu chuyện là những trang nhật ký xoay quanh cuộc sống thường ngày và tâm tư của cậu bé Thiều - 13 tuổi. Thiều sống ở một vùng quê nghèo, cùng với một người em trai tên Tường - một cậu bé dễ thương, hiền lành, bao dung. Trong khi đó Thiều vốn là một người hướng ngoại, khá tinh quái, trong thâm tâm mình cậu rất thương em mình và là một người hào hiệp. Truyện cũng mở ra mối quan hệ giữa hai anh em và những người dân trong ngôi làng, gồm cả người thân và những người bạn cùng lớp. Thiều nhận ra mình có tình cảm với Mận - cô bé xinh xắn, học chung lớp nhưng hơn cậu một tuổi. Biến cố xảy ra khi căn gác nhà Mận bốc cháy, gia đình Thiều đã giúp đỡ Mận và đưa cô bé về sống chung với gia đình. Tuy nhiên, sự thân thiết của Tường và Mận khiến cho cơn ghen tức trong Thiều tăng theo thời gian. Mùa lũ đến, cả làng chìm trong nước, khi nước rút đi để lại nhiều hậu quả như đói kém, mất mùa. Cùng lúc đó sự hẹp hòi và đố kỵ trong Thiều nhiều đến mức khiến cho em trai mình bị thương nặng, không thể ngồi dậy được. Một hôm, Thiều mừng rỡ khi Tường ngồi dậy được và kể về một nàng công chúa chơi thân với Tường khiến Tường có động lực hồi phục. Công chúa ấy thật ra là Nhi - con của một người mổ lợn trong làng, có vấn đề về thần kinh nên tự nhận mình là công chúa. Sự nôn nóng được gặp Nhi thôi thúc Tường tập đi lại. Khi hai anh em thấy Nhi bị bắt nạt, Tường đã chạy hết sức bằng đôi chân của mình để bảo vệ Nhi, kỳ diệu thay nhờ đó mà cô bé nhớ ra mọi chuyện và trở lại bình thường.

Đây là câu chuyện cổ tích về tuổi thơ, tình anh em, về tình bạn giữa cuộc sống xô bồ, vội vã này. Nó giống như những bông hoa vàng trên bãi cỏ xanh rộng lớn để rồi khi gấp trang sách lại, ta khẽ mỉm cười, chợt nhận ra có cái gì đó nảy nở trong lòng. Đây là lần đầu tiên ông đưa ra nhân vật phản diện vào tác phẩm của mình. Sự đố kỵ, hung hăng của Sơn khi cố giành bé Mận từ tay Thiều. Bé Nhi chính là yếu tố làm cho câu chuyện liền mạch, tình cảm của các cô - cậu bé cũng gắn bó hơn bao giờ. Đối với những độc giả trung thành của nhà văn thì đây là tác phẩm có nét độc đáo so với các tác phẩm trước. Nguyễn Nhật Ánh trong một lần trả lời phỏng vấn đã chia sẻ: “Tuổi thơ của tôi là cả một thế giới đầy ám ảnh, tôi luôn luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu. Khi ấy là khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga tuổi thơ và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng lại gần”.

Cuốn sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không chỉ là cuốn sách chỉ để đọc một lần, thi thoảng chúng ta mở vài trang rồi gấp lại để khiến tâm hồn thêm chút thư thái, thảnh thơi giữa cuộc sống vội vã. Trong tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh cũng viết rằng: “Cuốn sách này không dành cho trẻ em nhưng viết cho những ai từng là trẻ em”. Và ở cuốn sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng vậy, cuốn sách không chỉ dành cho các em thiếu nhi mà dành cho ai từng có một tuổi thơ.

Xem thêm các bài Đề thi ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo, hay khác:

Dưới đây là danh sách Đề thi ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo chọn lọc, có đáp án, cực sát đề chính thức theo nội dung sách giáo khoa Lớp 8.

Lớp 8 | Để học tốt Lớp 8 | Giải bài tập Lớp 8

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 8, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 8 giúp bạn học tốt hơn.