Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 8 CTST: Đề tham khảo số 2

<p>Trọn bộ đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 8 CTST: Đề tham khảo số 2 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện</p>

 ĐỀ THI CUỐI KÌ 1 NGỮ VĂN 8 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO ĐỀ 2

 

A.     PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói ngồi chuyện ngẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi đứng lại để cùng xem. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.

Đoạn năm thầy ngồi bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi bảo:

_Tưởng con voi như thế nào, hóa ra nó sun sun như con đỉa.

Thầy sờ ngà bảo:

_Không phải, nó chần chẫn như cái đòn càn.

Thầy sờ tai bảo:

_Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.

Thầy sờ chân cãi:

_Ai bảo! Nó sừng sững như cái cột đình.

Thầy sờ đuôi lại nói:

_Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tun tủn như cái chổi sể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho là mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toác đầu, chảy máu.

(Thầy bói xem voi – Truyện ngụ ngôn)

Câu 1 (1 điểm): Cho biết biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong những hình ảnh miêu tả con voi của năm ông thầy bói?

Câu 2 (1 điểm): Năm ông thầy bói phán về các bộ phận của con voi có đúng không? Tại sao những hình ảnh họ miêu tả lại làm chúng ta buồn cười?

Câu 3 (1 điểm): Tại sao năm ông thầy nói đều không ai chịu ai? Điều đó đã thể hiện đặc điểm chung gì của họ?

Câu 4 (2 điểm): Viết đoạn văn ngắn khoảng 5-7 câu trình bày bài học em rút tra được từ câu chuyện trên.

B. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1. (5.0 điểm): Hãy viết bài văn trình bày quan điểm của em về chủ đề “không nên tự phụ”.

Hướng dẫn trả lời

A.   PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong những hình ảnh miêu tả con voi của năm ông thầy bói là: biện pháp so sánh.

Câu 2:

Năm ông thầy bói phán về các bộ phận của con voi đều không đúng, bởi ông này thì sờ cái kia còn ông kia thì sờ cái này, không ai nhìn nhận con voi theo quan sát tổng thể, khách quan mà chỉ quan tâm đến một bộ phận nhất định. Những hình ảnh họ nêu ra làm chúng ta buồn cười là vì họ không nhìn nhận, quan sát con voi theo chiều hướng tổng thể cả hình lẫn dáng mà chỉ tập trung vào mỗi một hình ảnh, bộ phận nhất định của nó. 

Câu 3:

Cả năm ông thầy bói đều không ai chịu ai là vì họ luôn nghĩ chỉ có mình là đúng, là chính xác hoàn toàn. Điều đó đã thể hiện được đặc điểm chung giữa họ là : nét tự cao, đề cao cái tôi của mình quá mức, không biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến từ người khác và không biết nhận xét tổng thể mà chỉ quan tâm đến một cái nhất định

Câu 4:

Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” đã gửi gắm một bài học giá trị dưới góc nhìn hài hước. Truyện kể về việc xem voi của năm ông thầy bói nhưng ẩn sau trong đó muốn nói về cách nhìn cuộc sống của con người. Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói rủ nhau đi xem voi xem nó có hình thù như thế nào. Thầy thứ nhất sờ vòi bảo nó sun sun như con đỉa. Thầy thứ hai sờ ngà bảo nó chần chẫn như cái đòn càn. Còn thầy thứ ba bảo nó bè bè như cái quạt thóc. Đến thầy thứ tư sờ chân bảo nó sừng sững như cái cột đình. Cuối cùng, thầy thứ năm sờ đuôi lại bảo nó tun tủn như cái chổi sể. Năm thầy ai cũng cho là mình đúng, không ai chịu ai thành ra xô xát đánh nhau toác đầu chảy máu. Có thể thấy rằng chính sự khác biệt trong nhận thức về hình dáng con voi giữa các thầy bói dẫn đến cuộc tranh luận bất phân thắng bại, thậm chí dẫn tới ẩu đả. Qua việc chế giễu cách xem voi và nhận xét về voi rất phiến diện của năm ông thầy bói mù, tác giả dân gian muốn khuyên chúng ta rằng khi tìm hiểu, xem xét, đánh giá các sự vật, sự việc, hiện tượng xung quanh thì phải thận trọng, kĩ càng và toàn diện để tránh những đánh giá lệch lạc, sai lầm. Thầy bói xem voi là một truyện ngắn gọn nhưng giàu giá trị.

B.    PHẦN VIẾT

Câu 1:

Trong cuộc sống chúng ta, chỉ vì tính kiêu ngạo mà nhiều người đã phải chịu hậu quả là thất bại đắng cay. Chúng ta cứ nghĩ ta là nhất, là đầu, nhưng tất cả chỉ là sự tự mãn mà thôi. Ông cha ta đã khuyên chúng ta không được tự kiêu, tự đại quá trớn, quá mức qua câu: "Chớ nên tự phụ".

Tự phụ là tự kiêu, tự đại, tự đắc, đánh giá một cách thái quá về bản thân mình trước người khác. Tự phụ là thiếu tôn trọng người khác, không xem ai ra gì cả. Như vậy lời khuyên nhẹ nhàng mà thấm thía: chúng ta không nên kiêu căng, tự mãn để rồi sẽ làm hại, làm tổn thương chính bản thân mình.

"Chớ nên tự phụ" là kiến hoàn toàn đúng vì tự phụ là một thói xấu của con người mà ai cũng cần tránh. Tự phụ là một thói quen xấu khá phổ biến trong xã hội. Người tự phụ luôn đề cao quá mức về bản thân mình mà không coi ai ra gì cả. Có nhiều người làm ở công ty, công sở nhưng lúc nào cũng tỏ ra là mình thông minh mà thực chất lại không được như thế. Họ luôn khinh thường người dưới để rồi khi được giao nhiệm vụ quan trọng, họ đã thất bại, làm uy tín của công ty giảm sút chỉ vì tính tự phụ cá nhân của họ. Người tự phụ sẽ khiến mọi người xa lánh, không muốn gần gũi, gắn bó và vì thế họ không hợp tác được với người khác trong công việc bởi một điều tự nhiên người khác nghĩ rằng khi bạn kiêu ngạo thì bạn sẽ chẳng cần biết cần nghe ai nói gì và luôn cho là mình đúng.

Người tự phụ sẽ không bao giờ có thể bước tới đỉnh vinh quang của thành công. Trong câu chuyện "Ếch ngồi đáy giếng", chỉ vì tự kiêu luôn cho mình là nhất, là chúa mà khi được ra ngoài giếng, ếch ta không chịu thích nghi với môi trường, vẫn huyênh hoang, tự đắc mà nó đã phải nhận sự trả giá bằng chính cái chết của mình. Bởi vậy nếu ai kia quá tự phụ như con ếch trong truyện thì hậu quả xảy ra với sự tự phụ ấy chính là một cái kết thúc đầy thảm bại.

Chúng ta tồn tại tính tự phụ bởi quá kiêu căng, tự mãn, lúc nào cũng cho mình là nhất mà không chịu học hỏi, khiêm tốn trước người khác. Chỉ vì nghĩ rằng mình là nhất và họ vô tình không tôn trọng người khác dù có thể đó là đàn anh, đàn chị của chính mình. Lời khuyên trên đầy chí lí, chí tình giúp thuyết phục con người: tự phụ là thói xấu, cần phải tránh. Chúng ta phải sống khiêm tốn, hòa nhã với mọi người, không được đánh giá mình quá cao, vượt mức giới hạn trước người khác nếu không sẽ chuốc lấy hậu quả khó lường.

Càng nghĩ tôi lại càng trách mình. Có đôi lúc tôi đã tỏ ra kiêu căng trước mặt bạn bè mà tôi không hề biết để rồi tôi đã nhiều lần mà vô tình suýt đánh mất tình bạn đẹp của mình. Các bạn ơi đừng ai như tôi nhé, tự phụ không hề giúp chúng ta tiến bộ mà nó còn vô tình tự đánh mất những tình cảm đẹp trong cuộc đời ta.

Lời khuyên, lời nhắn nhủ chân tình và sâu sắc biết bao. Chắc hẳn khi hiểu được lời nhắn nhủ này, nhiều người sẽ tự nhìn lại mình để thay đổi bản thân và có lẽ sẽ tự nhủ lòng mình sẽ không bao giờ là người tự phụ dù đôi lúc chỉ là vô tình.

Xem thêm các bài Đề thi ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo, hay khác:

Dưới đây là danh sách Đề thi ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo chọn lọc, có đáp án, cực sát đề chính thức theo nội dung sách giáo khoa Lớp 8.

Lớp 8 | Để học tốt Lớp 8 | Giải bài tập Lớp 8

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 8, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 8 giúp bạn học tốt hơn.