Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 CTST: Đề tham khảo số 4

<p>Trọn bộ đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 CTST: Đề tham khảo số 4 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện</p>

ĐỀ THI CUỐI HỌC KÌ 2 LỚP 8 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO ĐỀ 4

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Từ 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế xã hội, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt năm 2021, đại dịch hoành hành đã khiến hàng ngàn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, hàng triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch, không được đến trường, thiếu điều kiện học trực tuyến hoặc gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách thiết thực nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu của thực tế, vì vậy cần có sự chung tay của cộng đồng, góp sức cùng Chính phủ giúp trẻ em thực hiện ước mơ đến trường.

Với phương châm: "Không để ai bị bỏ lại phía sau" của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hơn lúc nào hết, sự chung tay của toàn xã hội đã giúp đỡ kịp thời không chỉ riêng với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn mà còn giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ chết vì mắc Covid-19.

Năm 2021, Quỹ BTTEVN được Bộ LĐ-TB&XH giao chỉ tiêu vận động 90 tỷ đồng để hỗ trợ cho 110.000 lượt trẻ em. Dự kiến đến hết 31/12/2021, Quỹ BTTEVN sẽ vận động 92.070 tỷ đồng (đạt 102,3% kế hoạch) hỗ trợ 115.196 lượt trẻ em, đạt 104,7% kế hoạch 2021.

Năm 2021, ngoài các hoạt động, dự án thường niên, Quỹ BTTEVN vận động hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hơn 20 tỷ đồng cho 15.288 trẻ em bị ảnh bởi dịch Covid-19 tại 47 tỉnh, thành phố. Định mức hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em mồ côi 5 triệu đồng/trẻ em, 1 triệu đồng/trẻ em sơ sinh và các hỗ trợ khác bằng hàng hóa hoặc tiền mặt từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng/trẻ em cho trẻ em khác bị ảnh hưởng.

Đối tượng nhận hỗ trợ là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trẻ em thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, trẻ em là con của công nhân, nông dân mất việc làm và trẻ em sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ Quỹ BTTEVN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh còn chủ động vận động quà và nhu yếu phẩm từ nguồn xã hội hóa của tỉnh và hội đồng hương để hỗ trợ thêm cho nhóm trẻ em này.

Như vậy, sau khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào cuối năm 2019, trong năm 2020 và 2021, Quỹ BTTEVN đã vận động hỗ trợ cho hơn 30 ngàn trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng (bao gồm cả tiền và hàng hóa).

Tiếp tục thành công của những năm trước, chương trình "Mùa xuân cho em" lần thứ 15 năm 2022 sẽ tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào 20h ngày 9/1/2022. Chương trình thật sự là cầu nối giữa các nhà tài trợ cùng chắp cánh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện ước mơ của chính các em - đó là quyền được sống, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia.

(Theo “Đem mùa xuân cho em” trong những ngày “bão giông” Covid-19 – nguồn Dantri.com)

Câu 1 (1 điểm). Văn bản trên thể hiện nội dung gì?

Câu 2 (1 điểm). Trong văn bản trên tác giả có đề cập đến đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 Từ văn bản và hiểu biết của mình em hãy nêu những ảnh hưởng mà các bạn nhỏ đó phải gánh chịu?

Câu 3 ( 1 điểm). Trong hoàn cảnh đó Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã thực hiện những hoạt động nào để khắc phục những ảnh hưởng này? Kết quả của hoạt động đó ra sao?

Câu 4 ( 2 điểm). Viết một đoạn văn khoảng 6-8 dòng nêu suy nghĩ của em sau khi đọc xong văn bản trên, trong đó có sử dụng 1 câu có thành phần trạng ngữ và 1 cụm danh từ.

B. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1. (5.0 điểm). Viết bài văn bàn luận về thói vô cảm trong xã hội hiện nay.

 

Hướng dẫn trả lời:

        A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (5.0 điểm)

Câu 1:

- Văn bản viết về những hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam để hỗ trợ các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Câu 2:

- Những ảnh hưởng mà trẻ em phải chịu:

+ Ảnh hưởng về sức khỏe, thể chất

+ Mồ côi cha mẹ, tổn thất về tinh thần

+ Không được đến trường

….

Câu 3:

Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã thực hiện quyên góp ủng hộ, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Kết quả:

+ Năm 2021, ngoài các hoạt động, dự án thường niên, Quỹ BTTEVN vận động hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hơn 20 tỷ đồng cho 15.288 trẻ em bị ảnh bởi dịch Covid-19 tại 47 tỉnh, thành phố. Định mức hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em mồ côi 5 triệu đồng/trẻ em, 1 triệu đồng/trẻ em sơ sinh và các hỗ trợ khác bằng hàng hóa hoặc tiền mặt từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng/trẻ em cho trẻ em khác bị ảnh hưởng.

+ Cuối năm 2019, trong năm 2020 và 2021, Quỹ BTTEVN đã vận động hỗ trợ cho hơn 30 ngàn trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng (bao gồm cả tiền và hàng hóa)

Câu 4:

Em cảm thấy rất đau lòng khi suy nghĩ về hoàn cảnh đau khổ mà các em nhỏ phải chịu đựng. Dù vậy, tinh thần đoàn kết và sẻ chia của nhân dân ta luôn là nguồn động viên lớn để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn. Mỗi hành động nhỏ nhưng chân thành đều góp phần tạo nên một cộng đồng tương thân, tương ái, nơi mà mỗi đứa trẻ có thể cảm thấy được yêu thương và sự chia sẻ đến từ mọi người xung quanh. Trước hoàn cảnh đau lòng của những mất mát mà các em nhỏ phải gánh chịu, tôi cảm thấy tự hào về tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân ta. Qua việc chung tay giúp đỡ trẻ em vượt qua hoạn nạn, chúng ta xây dựng cầu nối giữa những tâm hồn chân thành và tình yêu thương vô điều kiện để mang lại niềm vui và hy vọng cho tương lai của những đứa trẻ vô tội.

B. PHẦN VIẾT:

Tham khảo bài viết sau:

Trong ca khúc "Để gió cuốn đi", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rằng: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...". Quả thực, trong cuộc sống tấm lòng yêu thương, sẻ chia, biết quan tâm đến những người xung quanh chính là một điều cần thiết để tô điểm thêm cho bức tranh này những mảng sắc màu tươi đẹp. Thế nhưng, xã hội ngày càng phát triển lại xuất hiện một bộ phận lớn những người có lối sống vô cảm, thờ ơ với cuộc đời, với mọi người quanh họ. Tình trạng này là một điều đáng buồn của cuộc sống hiện đại.

Vô cảm không phải là một căn bệnh do virut gây ra, thế những "bệnh vô cảm" lại có một tốc độ lây lan đến chóng mặt trong xã hội mà nhiều người hiện nay đang mắc phải. Vô cảm là sự thờ ơ, không có xúc cảm trước những gì diễn ra xung quanh mình, kể cả trước những đau khổ, bất hạnh của những người xung quanh. Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực vô cùng đáng lên án bởi nó đang đi ngược lại với những truyền thống, đạo lý tốt đẹp về tình yêu thương, sự sẻ chia của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Vô cảm vốn chỉ là một trạng thái tâm lý, thế nhưng giờ đây nó lại trở thành một căn bệnh - một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đang len lỏi, xâm nhập vào xã hội hiện đại.

Xã hội ngày càng phát triển mang tới cho con người những sự đầy đủ về vật chất, tinh thần thế nhưng cũng gieo mầm và nảy sinh ra những sự ích kỷ, chỉ biết quan tâm tới việc thỏa mãn bản thân mình. Con người giờ đây chỉ tập trung vào cái tôi mà quên đi mất những lợi ích chung của tất cả mọi người. Phải chăng điều này xảy ra bởi những cám dỗ của cuộc sống, bởi những thứ tiền bạc, danh vọng, quyền lực... khiến cho con người ta bị cuốn theo những giá trị vật chất mà quên đi mất cuộc sống tinh thần. Thế nhưng, chúng ta không thể đổ lỗi hết cho những thứ vật chất ấy bởi với một bộ phận lớn, bệnh vô cảm này bắt nguồn bởi sự ích kỷ cũng như những nhận thức hạn hẹp của chính con người đó.

Bệnh vô cảm giờ đây được biểu hiện dưới rất nhiều mặt của cuộc sống, với những cách khác nhau. Có thể chỉ đơn giản là sự không quan tâm trước những niềm vui hay nỗi buồn của những người xung quanh. Đáng sợ hơn là sự lạnh lùng đến tàn nhẫn trước những mất mát, đau thương to lớn như các em bé mồ côi, những người đồng bào không may qua đời trong đại dịch... Có lẽ trái tim của những người bị "bệnh vô cảm" đã hóa thành sắt đá nên họ chẳng thể nào đồng cảm được trước những sự đau đớn về tinh thần ấy của những người xung quanh mình. Không chỉ vậy, bệnh vô cảm còn thể hiện rõ ràng ở thái độ không mảy may quan tâm, thậm chí là tránh né với những người gặp nạn mà mình nhìn thấy. Có thể là một vụ tai nạn giao thông, cũng có thể là một người nào đó bị cướp giật trên đường, bị ngất xỉu khi đi dưới cái nắng... thế nhưng họ lựa chọn bỏ đi, hoặc đứng lại để xem chứ chẳng đưa tay giúp đỡ bởi sợ mất thời gian, sợ liên luỵ đến bản thân mình.

"Bệnh vô cảm" ấy không chỉ diễn ra ở ngoài đường, ở nơi công cộng mà nó đang dần len lỏi tới môi trường học đường - nơi mà nhẽ ra sẽ luôn tràn ngập những sự yêu thương và sẻ chia. Sự vô cảm ở trường học thể hiện ngay ở việc thiếu sự quan tâm đối với những người bạn có hoàn cảnh khó khăn hay sự cư xử lạnh nhạt, không hòa đồng với bạn bè, thầy cô giáo. Những hành động ấy khiến cho các mối quan hệ bạn bè, thầy trò ngày càng mất đi sự gắn kết và ngày càng trở nên xa cách với nhau hơn. Sự vô cảm diễn ra trong một thời gian dài sẽ biến con người ta thành những người có thái độ vô trách nhiệm, gây ra những thiệt hại đối với xã hội.

Để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn đôi khi rất đơn giản, đó là biết học cách yêu thương. Mỗi chúng ta hãy thử một lần mở lòng mình ra để đối xử với những người xung quanh một cách tử tế, một cách yêu thương bởi khổ đau khi san sẻ sẽ vơi đi một nửa, còn hạnh phúc khi san sẻ sẽ được nhân đôi. Mỗi ngày, chúng ta hãy quan tâm một chút tới những người xung quanh, để cho xã hội ngày càng tốt đẹp, cách đối xử giữa người với người ngày càng trở nên nhân ái và văn minh hơn.

Nói tóm lại, bệnh vô cảm là một con sâu đang dần đục khoét đi những sự tốt đẹp của xã hội ngày nay. Chính vì vậy mà chúng ta cần tạo nên một môi trường sống chan chứa tình yêu, sự quan tâm, sẻ chia với nhau. Một xã hội tốt đẹp là một xã hội mà luôn có những yêu thương, san sẻ và khi đó căn bệnh vô cảm chắc chắn sẽ được đẩy lùi.

Xem thêm các bài Đề thi ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo, hay khác:

Dưới đây là danh sách Đề thi ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo chọn lọc, có đáp án, cực sát đề chính thức theo nội dung sách giáo khoa Lớp 8.

Lớp 8 | Để học tốt Lớp 8 | Giải bài tập Lớp 8

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 8, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 8 giúp bạn học tốt hơn.