Câu 7: Ai đó đã từng nói: “Văn chương có hai loại, một loại đáng thờ và một loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chú ở con người”; hãy phân tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân để làm rõ luận điểm đó.
Bài Làm:
“Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm hướng đến con người với những mộc mạc, gần gũi nhất. Rất đúng với lời bình “Văn chương có hai loại, một loại đáng thờ và một loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chú ở con người”. Nét bút văn học của Kim Lân chính là loại đáng thờ như trong luận điểm đó, điều này được thấy rõ qua ngòi bút của ông trong tác phẩm “Vợ nhặt”.
Kim Lân là nhà văn chuyên viết về truyện ngắn. Đề tài của ông thường gắn liền với hơi thở ruộng đồng Bắc Bộ nơi những con người quê hương chân chất thật thà, coi trọng nghĩa tình, rất nhân hậu và giàu yêu thương. “Vợ nhặt” là tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được trích trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Bằng tài năng nghệ thuật bậc thầy, nhất là bậc thầy của miêu tả tâm lý. Kim Lân đã mang đến cho người đọc sự xúc động mãnh liệt thông qua hình ảnh anh cu Tràng, chị vợ nhặt và bà cụ Tứ.
Giữa những tháng ngày đói khổ, mạng người trở nên rẻ rúng thì bỗng hiện lên tình người lớn lao chợt sáng ngời trong đó, những con người hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Trong luận điểm ở trên có nói văn chương đáng thờ là loại chú ở con người, có nghĩa con người là tâm điểm của vũ trụ văn chương, là cái nên bàn và nên nhắc đến. Vì văn chương là cái thực được tìm tòi và được nhìn thấu, nó sinh ra từ cảm quan của con người. Chỉ khi cái thực ấy được đưa vào văn chương thì nó mới trở nên đáng chú ý và trở nên tốt đẹp hơn.Và tác phẩm này của nhà văn đã toát hết được cái hồn đó của văn chương, làm văn chương đẹp hơn thiết thực và gần gũi hơn.
Theo Kim Lân, “nhặt” có nghĩa là nhặt nhạnh, lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Vợ nhặt là vợ theo không, không cưới xin, lễ nghi đàng hoàng, tử tế. Thông thường, người ta chỉ nhặt cọng rơm, cọng rác chứ không ai nhặt được vợ. Trong hoàn cảnh này, thân phận con người rẻ rúng hơn bao giờ hết. Kim Lân đã xây dựng một tình huống truyện bất ngờ nhưng cũng đầy nghịch cảnh, bi hài. Giữa nạn đói, giữa lúc thân mình còn chưa biết có lo nổi hay không thì anh cu Tràng lại nhặt được vợ. Chỉ bằng vài câu nói đùa, bốn bát bánh đúc mà một anh chàng xấu trai, nghèo khổ lấy được vợ. Và cũng có thể do hoàn cảnh đói khát đến cùng quẫn mà thị chịu theo không Tràng.
Nói về anh cu Tràng, là một anh nông dân nghèo khổ, xấu xí, ế vợ; thế mà trong những ngày đói khổ nhất, xác chết nhan nhản đầy đường thì anh lại đèo bòng lại rước thêm cái của nợ đời, thêm một miệng ăn trong khi không biết anh có lo nổi bản thân mình không. Tuy nhiên với một vẻ ngoài hơi dở, thô kệch xấu xí không ai theo đó lại là một tấm lòng nhân hậu, anh được người ta theo không mà vẫn tôn trọng và nhận thấy trách nhiệm của mình. Chỉ với vài câu đùa vu vơ
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò
Thì lại đây đẩy xe bò với anh, nì”
và một chặp bốn cái bánh đúc thì anh bỗng nhiên có được vợ, giữa lúc chính bản thân còn không lo được mà anh lại chấp nhận mang theo một người về nhà mình. Anh còn lo nghĩ chuẩn bị bao nhiêu thứ mặc dù vẫn nhận ra gia cảnh mình nghèo, cái tặc lưỡi “chậc kệ” của anh cũng đã bao chứa biết bao suy nghĩ và lo ấu trong đó. Nhưng anh khao khát hạnh phúc, mong có một mái ấm nho nhỏ như bao người để vun vén và phấn đấu. Mặc dù trong hoàn cảnh khốn cùng nhưng anh cu vẫn luôn rất tử tế với người vợ nhặt của mình anh mua cho thị cái thúng con đựng vài đồ lặt vặt rồi cùng thị đánh chén một bữa no nê rồi mới cùng nhau đẩy xe bò về. Tràng cũng có tâm lý của người đàn ông sắp đưa vợ ra mắt gia đình, cũng bồi hồi và lo lắng, Tràng cứ đi ra đi vào xem mẹ về chưa để nói với mẹ về người con dâu mới, dù là người vợ tầm phơ tầm phào gặp nhau vài bữa nhưng anh vẫn luôn coi trọng thị, nanag niu thị và cứ phớn phở khác thường, ngày hôm sau anh thức giấc trong trạng thái hoàn toàn mới ý thức được trách nhiệm của bản thân với mẹ, với vợ. Kim Lân quả thật rất yêu nhân vật của mình, ông vẽ lên hình ảnh thực mà đẹp đến thế, không vương chút khổ đau, tha hóa của hoàn cảnh tăm tối ấy. Anh cu Tràng như tia sáng giữa bầu trời tối tăm mù mịt.
Nhân vật thị - người vợ nhặt hiện lên giữa cái đói khát ấy mang đầy vất vả, ngay cả cái tên người ta cũng không biết chỉ gọi là “thị”. Trong ba nhân vật, người vợ nhặt là nhân vật được nói đến ít nhất. Thực ra, nếu không có nhân vật người “vợ nhặt” thì nội dung và nghệ thuật của tác phẩm bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đây là nhân vật làm nên giá trị nội dung và tư tưởng của tác phẩm, có vai trò quyết định đến sự hình thành các hình thức nghệ thuật khác. Người vợ nhặt là một nhân vật không có tên gọi, lai lịch, gốc gác, ngoại hình tiều tụy nhưng là một người vợ đúng mực, một người con dâu hiếu thảo và là người đem đến niềm vui, niềm lạc quan cho mọi người. Ngoại hình của thị được tác giả miêu tả rất tỉ mỉ: “Cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che mất đi nửa mặt”. Khi tác giả quay ngược trở lại thời gian ở lần gặp thứ hai của thị với Tràng, ta thấy thị giống như bao kẻ đói khát khác: “Hôm nay trông thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái gương mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Ngoại hình của thị trông rất tiều tụy, thị là hiện thân của những con người bần cùng đói phát phải “tha hương cầu thực”, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” (Nguyễn Khải). Vì khát vọng được sống mà thị phải chỏng lỏn, phải cong cớn để được ăn và cứ thế theo không một người đàn ông xa lạ, có lẽ thị khổ quá rồi, nhưng niềm hy vọng được sống không cho phép thị buông bỏ, nên thị phải rũ bỏ lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh của người phụ nữ để được sống, thị ăn một chặp bốn cái bánh đúc. Thị ăn cho quá khứ cho hiện tại và cho cả tương lai, điều này chứng tỏ khát khao sống mãnh liệt của thị, vẫn mong muốn tương lai. Tuy nhiên nếu thị chỉ hiện lên trong dáng vè chỏng lỏn, cong cớn thì ít ai biết được vẻ đẹp bên trong của thị, thị vẫn là một người phụ nữ đúng nghĩa. Nhưng không, Kim Lân đã cho người ta thấy cái đẹp nơi thi, để người ta thấy hình ảnh một người vợ mới biết thẹn thùng, biết thấu hiểu, khi về đến nhà thấy gia cảnh nhà anh cu Tràng nhúm nhó, tồi tàn thị đã có thất vọng nhưng không hề bộc lộ ra ngoài mà nén lại một tiếng thở dài. Rồi thị lại là người con dâu biết san sẻ niềm vui nỗi buồn, biết yêu thương vun vén và thông cảm cho gia đình chồng. Thị đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nhân vật khác trong tác phẩm: Đối với người dân xóm ngụ cư, người vợ nhặt đem đến cho họ niềm tin vào sự đổi thay. Đối với bà cụ Tứ, người “vợ nhặt” đã đem đến cho bà niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn lao ở cái tuổi gần đất xa trời. Bà cụ Tứ vui mừng khi thấy con cái trưởng thành, con trai mình đã có vợ bà lại nghĩ đến tương lai con cháu mình sau này. Đối với Tràng, người “vợ nhặt” đem đến niềm hạnh phúc thực sự cho Tràng.
Và hình ảnh đẹp nhất về người mẹ, bà cụ Tứ hiện lên thật mộc mạc mà cũng thật lớn lao với tình thương cao cả. Lòng người mẹ nghèo ấy thật đẹp. Khởi đầu tâm lí ở bà cụ Tứ là ngỡ ngàng trước một sự việc dường như không hiểu được. Cô gái xuất hiện trong nhà bà phút đầu là một hiện tượng lạ. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ Tứ được khơi sâu bởi hàng loạt những câu hỏi nghi vấn: "Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong nhà ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?" Rồi lại: "Ô hay, thế là thế nào nhỉ?". Sự ngạc nhiên này thể hiện nỗi đau của người viết: chính là sự cùng quẩn của hoàn cảnh đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm trước việc con trai yêu quý của mình có vợ. Người ta có vợ lúc ăn nên làm ra, ấy vậy mà con mình phải đến khi cuộc sống trở nên mong manh, con người phải dựa vào nhau mà sống thì con mình mới lấy được vợ. Lòng người mẹ ấy vừa tủi hờn, vừa thương xót, thương con trai và thương cả người đàn bà lạ kia; vì chúng nó đến với nhau trong những tháng ngày nguy khốn nhất, nuôi một miệng ăn còn chưa đủ nay lại thêm miệng ăn nữa, cuộc sống đã bế tắc lại thêm phân bế tắc. Tấm lòng của người mẹ ấy sáng lên trong thái độ của bà với việc con mình có vợ, bà tủi hờn cho số phận nhưng không hề trách cứ hay xua đuổi người con dâu; bà chỉ cúi đầu nín lặng rồi nhẹ nhàng chấp nhajajn người con dâu. Bữa sáng đầu tiên khi nhà có thành viên mới thật đẹp, bà mẹ ấy đã nấu cháo cám đắng chat nhưng lại đầy ngọt ngào, đó là vị “ngon”, ngọt của tình yêu thương đầy ắp mà người mẹ dành cho những đứa con của mình. Bữa ăn vui vẻ lạ thường, giữa cái đói khổ tưởng như không thoát ra được thì những con người đó lại quay quần bên nhau để bàn chuyện đời, chuyện tương lai phía trước. Đó là niềm tin mãnh liệt của người mẹ nghèo đối với những đứa con của mình, mong sao các con vượt qua được đói khổ mà tiến lên phía trước, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Truyện mở ra bằng cảnh chiều chạng vạng và kết thúc trong buổi sáng mùa hè với ánh nắng chói lóa, rực rỡ, các nhân vật bắt đầu bằng không gian ảm đảm chết chóc của xóm ngụ cư dưới gầm trời đói khát và khép lại bằng khung cảnh đầm ấm của một gia đình quây quần bên mâm cơm ngày đói. Cách kết thúc đã cho người đọc tin tưởng và tương lai cuộc đời các nhân vật “hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau lưng bạn”. Dù khó khăn đến đâu thì hạnh phúc lứa đôi vẫn đủ khả năng thay đổi con người và hoàn cảnh. Vẻ đẹp con người trong Vợ Nhặt đã là minh chứng rõ nét cho câu nói “loại đáng thờ là loại chú ở con người”, bởi vì nếu văn chương chỉ là văn chương thôi thì nó thực sự sẽ sáo rỗng và không có linh hồn.