Đề 2: bài viết làm văn số 6 - nghị luận văn học - ngữ văn 12 tập 2 trang 68 sgk
Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Bài Làm:
Từ xa xưa đến nay thiên nhiên vốn được biết đến là một trong những người bạn vô cùng thân thiết của thi sĩ. Hình ảnh những dòng sông, ngọn núi hữu tình đi vào thơ ca bỗng trở nên gần gũi đáng yêu biết nhường nào. Trong đó hình ảnh hai dòng sông đã đi vào văn học Việt Nam với vẻ đẹp vô cùng trữ tình thơ mộng đó là dòng sông Đà mạnh mẽ, man dại trong Tùy bút sông Đà của Nguyễn Tuân hay vẻ đẹp lãng mạn dịu dàng của sông Hương trong Ai đã đặt tên của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Có thể nói đây được xem như hai tác phẩm vô cùng thành công của nền văn học Việt Nam khi nói về vẻ đẹp của dòng sông. Hai dòng sông dưới hai cái nhìn, hai cách cảm nhận hoàn toàn khác nhau nhưng tựu chung lại nó mang đến cho người đọc cảm nhận vô cùng đẹp đẽ. Nếu như sông Đà ở phần thượng nguồn hung dữ, hạ lưu man dại thì sông Hương lại từ đầu tới cuối mang trong mình một vẻ gì đó e ấp dịu dàng như hình ảnh người con gái xứ Huế thơ mộng. Có thể nói hai tác phẩm chính là hai bức tranh thiên nhiên vô cùng hoàn hảo, hùng vĩ về cảnh thiên nhiên trên mảnh đất hình chữ S này.
Trong chuyến khám phá tìm chất lạ của mình trên dẻo cao Tây Bắc, nhà văn Nguyễn Tuân đã vô cùng may mắn khi bắt gặp vẻ đẹp của dòng Đà giang. Thế rồi ông say sưa đi khám phá hết vẻ đẹp man dại của nó, cuốn theo từng cảm nhận vô cùng phong phú và thích thú. Con sông ấy trong trang viết của ông mang đậm chất thơ và lắng sâu những cảm xúc trữ tình. Mở đầu ông viết “Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình…”Sông Đà là linh hồn của đất trời vùng Tây Bắc. Phép so sánh sông Đà như một áng tóc trữ tình không chỉ đặc tả vẻ đẹp của sông mà còn gợi ra chiều dài, hình dáng , dòng chảy của nó. Đến đây ta không thấy hình ảnh của con sông hung dữ nữa mà thay vào đó nó mềm mại, uốn lượn và duyên dáng như mái tóc của thiếu nữ tuổi đôi mươi xuân thì. Mái tóc đó bồng bềnh như chảy mãi vào trong vô tận. Không chỉ nhìn sông Đà ở một khía cạnh, Nguyễn Tuân đã đi sâu vào khám phá vẻ đẹp của Đà giang ở mọi khía cạnh mọi góc độ để rồi ở bất cứ phương diện nào nhà văn cũng thấy những nét đẹp độc đáo của nó. Khi thì xuyên qua cảnh vật, khi thì bay tạt ngang, khi thì từ trên xuống…. Sông Đà bỗng trở nên sinh động có hồn có sắc hơn. Sắc nước sông Đà còn thay đổi theo mùa. Có khi thì xanh trong suốt, khi đỏ đậm đặc khi lại rực sáng đến diễm lệ… Những hình ảnh gây ấn tượng mạnh đến giác quan tác động mạnh mẽ đến cảm nhận của con người.
Càng ngắm nhìn càng khám phá mới càng thấy thú vị không thôi. Hình ảnh con người gặp sông Đà như cảm nhận gặp lại cố nhân xưa. Mỗi dòng mỗi chữ như chứa chan tình cảm yêu mến không thôi với dòng sông.Gặp lại sông Đà nhà thơ không khỏi ngỡ ngàng bổ vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Nó khiến thi nhân trở nên say sưa, mê hoặc.
Không chỉ nói đến dòng chảy của sông Đà mà cảnh vật không gian hai bên bờ sông cũng vô cùng nên thơ. Nó giống như một chứng nhân lịch sử đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm biến cố của cả dân tộc. Thế nhưng vẻ đẹp của dòng sông ngàn đời vẫn vậy, dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại và tiếp nối đến mãi tận tương lai. Bằng ngòi bút tài hoa của mình kết hợp với những biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điều khiển noogn từ đầy điêu luyện Nguyễn Tuân đã tạo nên một bức tranh sông Đà vô cùng kì vĩ và nên thơ. Những dòng tuyệt bút của ông sẽ mãi mãi là kho tàng để con cháu khám phá.
Không giống vẻ tiềm ẩn, mạnh mẽ của sông Đà. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khám phả vẻ đẹp vô cùng dịu dàng của sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông. Dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đậm hồn cốt, nền nã, dịu dàng, e ấp của người con gái xứ Huế. Vẻ đẹp đó cứ len lỏi, miên man rồi thấm vào hồn người làm trỗi dậy cả một tình yêu với văn hóa xứ sở.
Dưới con mắt ưu ái của nhà thơ, dòng Hương Giang đã được miêu tả vô cùng có hồn. Mang một vẻ đẹp dịu dàng, sang trọng và đằm thắm. Giữa núi rừng hùng vĩ của Tường sơn thì dòng Hương giang được ví như một bản trường ca của rừng già. Cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên. Có thể nói lúc này sông Hương có vẻ gì đó rất giống với vẻ đẹp dữ dằn của sông Đà dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân. Để miêu tả vẻ đẹp của sông Hương nơi thượng nguồn nhà văn Hoàng phủ Ngọc Tường đã có một trường so sánh thật táo bạo nó giống như một cô gái Di gan đầy phóng khoáng và man dại. Sông Hương bỗng trở nên vô cùng có hồn, tình yêu rừng già đã chế ngự bản năng con gái tiềm ẩn trong nó. Chính vì thế khi bắt nguồn vào trong thành phố nó đã trở mình trở nên vô cùng mềm mại, mộng mơ và thâm trầm cổ kính.
Sông Hương được ví như một người con gái đẹp ngủ mơ màng được đánh thức để hòa mình cùng Huế. Đoạn văn miêu tả sông Hương trước khi vào thành phố được miêu tả vô cùng kĩ càng và chi tiết. Đến chân đồi Thiên Mụ dòng Hương giang cùng với tiếng chuông chùa và sự uy nghiêm của lăng tẩm đã khiến nó trở thành một vẻ đẹp văn hóa đặc sắc mang đậm hồn cốt của xứ Huế mộng mơ. Nếu như Nguyễn Tuân tạo nên một dòng sông lịch sử, Hoàng Cầm với sông Đuống nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì thì Hoàng phủ Ngọc Tường đã tạo nên cả một dòng sông văn hóa.Vẻ đẹp của dòng sông Hương gắn liền với truyền thống văn hóa của người xứ Huế, với tiếng chuông chùa Thiên Mụ, của những đêm ca Huế ngọt ngào và những lăng tẩm uy nghi của vua chúa thời xưa.
Có thể nói dù là sông Đà hung dữ hay sông Hương dịu dàng truyền thống thì cũng không thể phủ nhận vẻ đẹp bao la của thiên nhiên Việt Nam. Nó như những bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên đất nước mà chứa đựng bên trong nó cả một giá trị văn hóa dân tộc sâu đậm. Qua hai tùy bút trên ta phần nào cảm nhận được vẻ đẹp trữ tình thơ mộng của hai con sông. Nhưng đồng thời nó cũng thể hiện tình yêu đất nước quê hương thiết tha của nhà văn.