Đề bài: Viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến về ứng xử trên không gian mạng.
Bài tham khảo 1:
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông đã đem đến nhiều thay đổi to lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người. Đặc biệt, chúng ta phải kể đến việc ứng xử trên không gian mạng.
Ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học cùng sự tiến bộ vượt bậc của nhân loại về công nghệ kĩ thuật giúp con người dễ dàng kết nối qua internet. Chúng ta không chỉ giao tiếp, ứng xử trực tiếp mà còn tiếp nhận thêm phương thức liên lạc trên mạng. Vậy, ứng xử trên không gian mạng nghĩa là gì? Để trả lời được câu hỏi này, trước hết, chúng ta phải hiểu “ứng xử” nghĩa là gì? Ứng xử nghĩa là việc con người trò chuyện, trao đổi, giao tiếp hay tương tác với nhau trong cuộc sống. Ứng xử trên không gian mạng có sự thay đổi môi trường, từ ứng xử trong đời sống hàng ngày chuyển sang không gian mạng internet. Như vậy, ứng xử trên không gian mạng chính là việc chúng ta giao tiếp, tương tác, bày tỏ thái độ, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân trước những thông tin, sự việc sự kiện được đăng tải trên mạng internet như Facebook, Tiktok, Youtube,…
Có thể nói, cuộc sống càng phát triển, con người càng bộn bề công việc càng dẫn đến việc tiếp xúc ít hơn với những người thật, việc thật. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng dành thời gian quá nhiều trên không gian mạng để cập nhật thông tin. Từ đây, không gian mạng cũng giống như không gian sống thứ hai của con người. Chúng ta cập nhật tin tức từ mạng xã hội, nhắn tin tương tác với bạn bè người thân cũng thông qua mạng xã hội hoặc các ứng dụng nhắn tin. Và đặc biệt, hầu hết mỗi người đều sở hữu một chiếc smartphone tiện lợi, đồng nghĩa với việc dân cư trên không gian mạng chỉ tăng chứ không giảm. Hàng ngày, vô vàn các sự kiện xảy ra ngoài đời thực nhưng được cập nhật liên tục, tạo thành tin tức mới mẻ và “hot” trên mạng internet. Lướt một vòng các trang mạng phổ biến, không khó để thấy được các bài chia sẻ, các bình luận đến từ rất nhiều người dùng dưới những thông tin nóng hổi. Tuy nhiên, không phải sự việc hay sự kiện nào cũng được thảo luận một cách văn minh. Đôi khi, trong một vài trường hợp bất đồng quan điểm, người ta không ngần ngại buông lời chửi rủa, lăng mạ bằng những ngôn từ tục tĩu. Họ lan truyền các tin tức không đúng sự thật, làm ảnh hưởng tới rất nhiều người. Hay họ còn lợi dụng sức hot của vụ việc để lôi kéo người khác công kích cá nhân hay tổ chức nào đó.
Đứng trước sự độc hại của ứng xử trên không gian mạng hiện nay, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân để có phương hướng khắc phục kịp thời. Trước hết, nguyên nhân lớn nhất đến từ chính chúng ta – những người sử dụng mạng xã hội và internet. Đôi khi, chúng ta tham gia thảo luận, bàn bạc về một vấn đề nhưng lại cố chấp, bảo thủ với cái tôi của bản thân. Một số khác thì có cách hành xử yếu kém, vô đạo đức khi tỏ ra hống hách, thượng đẳng và thiếu lịch sự. Bên cạnh đó là những người dùng chưa biết trang bị kiến thức cho bản thân, dễ dàng bị người khác lôi kéo và lợi dụng.
Thông qua những nguyên nhân trên đây, chúng ta dễ dàng tìm ra các phương hướng khắc phục để “không gian sống thứ hai” trở nên trong lành và thân thiện, văn minh. Theo tôi, thứ cần thay đổi đầu tiên đến từ bản thân mỗi người dùng mạng. Chúng ta hãy học cách sử dụng internet và mạng xã hội một cách thông minh. Ai cũng nên tự ý thức về lời lẽ phát ngôn và hành xử của bản thân. Khi tham gia thảo luận, chúng ta bày tỏ quan điểm bằng thiện chí và phải tôn trọng các cá nhân khác. Đứng trước vô vàn thông tin, sự kiện trên không gian mạng, chúng ta luôn tỉnh táo để đánh giá thông tin này đúng hay sai, giả hay thật, từ đó không để bản thân kích động mà hành xử sai trái.
Qua đây, ta thấy được không gian mạng đóng một vị trí quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Để không gian mạng mãi là không gian sống thứ hai trong lành, văn minh, chúng ta phải cùng nhau chung tay xây dựng và giữ gìn những giá trị tốt đẹp, loại bỏ các yếu tố “ô nhiễm, bụi bẩn” ảnh hưởng đến cách ứng xử lịch sự.
Bài tham khảo 2:
Văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân là cơ sở đánh giá cả về học vấn lẫn ý thức. Từ xưa đến nay, kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam có không ít những câu chuyện, những lời hát, lời ca ý nghĩa ẩn chứa bài học ứng xử lễ nghĩa chuẩn mực. Cho đến ngày nay, văn hóa ứng xử vẫn luôn là vấn đề nổi cộm trong xã hội, đặc biệt là đối tượng giới trẻ, tương lai và bộ mặt của đất nước.
Ứng xử được định nghĩa là sự giao tiếp cả về lời nói và cử chỉ của con người khi gặp các tình huống xã hội. Mỗi người sẽ có một thái độ, hành vi khác nhau khi bị đặt vào trong cùng một trường hợp bị tác động, tùy thuộc vào tính cách và học thức của người đó. Cách ứng xử chính là tấm gương phản chiếu thẳng thắn nhất bản chất của mỗi người, cách bạn nói năng, hành xử với những người xung quanh quyết định bạn là ai, bạn đáng giá bao nhiêu.
Trên thực tế, hành vi ứng xử của các bạn trẻ trong xã hội ngày nay là sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa đông và tây, giữa cái mới và cái cổ điển. Với sự bùng nổ của thiết bị công nghệ, các bạn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, từ đó hình thành cung cách ứng xử tiến bộ, hợp thời. Không còn những hủ tục như trọng nam khinh nữ, đạo tam tòng như thế hệ cũ, các bạn trẻ thể hiện sự tôn trọng với phái yếu bằng những hành động "ga - lăng" như luôn nhường phụ nữ đi trước, mở cửa, kéo ghế cho các bạn gái, nói năng vừa đủ nghe, lịch thiệp,... Ngoài ra, được bồi bổ kiến thức đa chiều, văn hóa ứng xử của các bạn trẻ cũng được nâng tầm, từ đó tác động đến những lối suy nghĩ còn lạc hậu, không theo kịp thời đại nhằm từng bước thay đổi, loại trừ.
Văn hóa ứng xử của các bạn trẻ được xét trên các khía cạnh như cách đối xử với ông bà, cha mẹ, người thân, đối xử với mọi người xung quanh và đối xử với chinh bản thân mình. Hầu hết giới trẻ đều được giáo dục từ nhỏ về bài học lễ nghi, chào hỏi người lớn tuổi nên dù có hội nhập, những đức tính tốt đẹp ấy vẫn được bảo tồn và phát huy. Con cái vẫn kính trên nhường dưới, đặt chữ hiếu lên đầu, biết lo lắng và suy nghĩ cho cha mẹ, ông bà. Ra ngoài xã hội, các bạn dần có nếp sống văn minh hơn như biết xếp hàng đợi đến lượt, nói lời cảm ơn khi nhận lại tiền thừa từ người bán hàng,... Ngay với những vấn đề cá nhân như tình yêu, giới trẻ cũng biết cách ăn nói sao cho hấp dẫn, biết đối xử vừa công bằng vừa hợp tình để duy trì mối quan hệ dài lâu. Các bạn trẻ cũng biết tôn trọng sở thích cá nhân, không có thói quen chê bai, dè bỉu, đánh giá một người khác biệt về phong cách ăn mặc. Như vậy, nhìn chung, văn hóa ứng xử của giới trẻ ngày nay là điều đáng mừng đối với toàn thể công dân xã hội.
Mặt khác, hành vi ứng xử của giới trẻ cũng hoàn toàn có thể bị tác động tiêu cực vì mạng xã hội. Với nếp sống nhanh, sống gấp, một số bạn trẻ tự cho rằng bản thân mình là cái rốn của vũ trụ, sinh ra thói tự kiêu, tự cao tự đại, chỉ cần bản thân mình mong muốn thì mọi người phải làm theo ý mình. Lối suy nghĩ này rất dễ dẫn đến cách ăn nói xấc xược, hỗn láo khi cha mẹ không ủng hộ ý kiến, ngoài xã hội thì sẵn sàng phản bác, thậm chí gây gổ, dùng đến bạo lực nếu như bị làm phật ý. Thường những đối tượng này sẽ sống cô lập, xa lánh xã hội và ngày càng trở nên tiêu cực. Họ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm do thiếu hụt kĩ năng giao tiếp cũng như tính ái kỉ khiến họ có cái nhìn nông nổi, hạn hẹp. Không những vậy, hành vi ứng xử thô lỗ, cục cằn của những bạn trẻ như vậy dễ gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh công cộng và những người xung quanh. Đơn cử như việc tổ chức đua xe trái phép của những chàng thanh niên mới lớn, thích thể hiện bản lĩnh cái tôi dũng cảm. Hậu quả không những nguy hiểm đến tính mạng, bị phạt hành chính mà còn gây mất trật tự, ảnh hưởng đến khu dân cư.
Trong thời gian gần đây, nổi cộm lên giữa những câu chuyện thường nhật của người dân, cái tên Khá Bảnh được nhắc tới rất thường xuyên. Khá Bảnh, tên thật là Ngô Bá Khá, là một giang hồ mới nổi ngụ tại Bắc Ninh. Anh chàng này nổi tiếng với những hành động rất nực cười như điệu "múa quạt" và cách ăn mặc lố lăng, nhưng lại được rất nhiều các bạn trẻ mến mộ không rõ vì lý do gì. Kênh mạng xã hội của Khá Bảnh nhận được nhiều lượt theo dõi, chủ yếu là các bạn trẻ và các em học sinh độ tuổi Trung học phổ thông. Hành vi đậm chất giang hồ, đâm chém, cờ bạc, ma túy,... của hắn ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và định hướng của các em nhỏ và giới trẻ. Tuy nhiên đến tận mới đây, Bảnh mới bị lực lượng chức năng bắt giữ vì hành vi tổ chức cờ bạc chuyên nghiệp của mình. Thử hỏi xem, trước khi bị bắt, đã có bao nhiêu em nhỏ bị đầu độc bởi những trò kệch cỡm, những hành vi mang tính tha hóa của hắn
Suy đồi hành vi còn thể hiện ở lối sống buông thả, sống nay không biết ngày mai. Bị ảnh hưởng bởi phong cách sống phương Tây, các bạn trẻ cho rằng sống để hưởng thụ, để làm những điều mình thích. Giới trẻ không ngại ngần phá vỡ các quy chuẩn văn hóa dân tộc như kính trên nhường dưới, coi nhẹ chuẩn mực đạo đức xã hội, ma túy, mại dâm,... Thậm chí, việc sống thử trước hôn nhân cũng được các bạn trẻ hào hứng đón nhận, coi đó là hành động hợp mốt, hợp thời, gây ra những hậu quả đáng tiếc như có thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai. Với những nước đã phát triển, giới trẻ thường được giáo dục cách bảo vệ bản thân ngay từ khi còn nhỏ thì tại Việt Nam, việc áp dụng một cách nửa vời vô hình dung gây ra những hậu họa đáng tiếc cho chính bản thân giới trẻ.
Nguyên nhân của của sự xuống dốc trong hành vi đạo đức là do lối sống cộng đồng, có xu hướng sao chép lẫn nhau của đại bộ phận các bạn trẻ. Là những công dân mới, các bạn luôn đặt vấn đề sành điệu, hợp mốt lên hàng đầu, ví dụ như nhìn thấy hình ảnh nhả khói thuốc từ những nam tài tử, giới trẻ thường học đòi và bắt chước với mong muốn trông cũng thật bảnh bao. Tiếp đó là do môi trường sống, môi trường giáo dục. Do công việc bận rộn, nhiều cha mẹ sẵn sàng để con cái phát triển một cách bản năng, thiếu đi định hướng ứng xử, hành vi khiến những đứa trẻ mất phương hướng, không biết thế nào là đúng sai, dẫn đến hậu quả khi lớn thường khó hòa nhập và giao tiếp với cộng đồng. Lý do quan trọng nhất vẫn là nằm ở bản thân ý thức của mỗi người. Con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hành vi ứng xử xấu, kém văn minh, nếu không giữ vững lập trường và luôn tuân thủ các giới hạn ứng xử của bản thân thì rất dễ sa ngã.
Để khắc phục tình trạng tha hóa đạo đức, hành vi ứng xử văn hóa, nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự phối hợp tác động về mọi mặt. Gia đình uốn nắn hành vi của con trẻ từ khi còn nhỏ, thường xuyên quan tâm, điều chỉnh cách ứng xử của con cái độ tuổi hình thành nhân cách. Nhà trường cần có hệ thống giáo dục bài bản, linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng văn hóa, vừa đảm bảo khuôn khổ chuẩn mực đạo đức. Với xã hội, cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh trước những hành vi sai trái, đồng thời tuyên dương những hành động đẹp nhằm biểu dương và khích lệ các bạn trẻ sống theo đúng đạo đức, truyền thống dân tộc.
Bản thân mỗi chúng ta chính là thế hệ trẻ, là tương lai, vận mệnh đất nước, chúng ta cần từng bước nâng cao nhận thức đúng đắn về cách ứng xử trong giao tiếp, hành động từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cùng với sự chỉ dẫn và quan tâm từ nhà trường, gia đình, hãy hình thành những thói quen tốt đẹp, tích cực tham gia các phong trào bài trừ thói hư tật xấu, rèn luyện trở thành công dân tốt, có lối ứng xử tốt đẹp, lành mạnh. Có như vậy, đất nước mới có tiềm năng phát triển dựa trên nền tảng con người bền vững.
Bài tham khảo 3:
Ngày nay, internet phát triển thịnh vượng kèm theo đó là sự ra đời của rất nhiều mạng xã hội khác nhau. Một thực trạng đang diễn ra đó là các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội rất nhiều và rất phổ biến, kéo theo đó là các vấn đề về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của giới trẻ cũng gây nhiều vấn đề nhức nhối.
Ngày nay, mạng xã hội vô cùng phổ biến, nhà nhà sử dụng mạng xã hội, người người sử dụng mạng xã hội. Ở Việt Nam có rất nhiều mạng xã hội được người dân sử dụng trong đó phải kể đến: Facebook, Zalo, Instagram,… với hàng triệu người truy cập ở những lứa tuổi khác nhau. Mạng xã hội như một thế giới ảo mà ở đó con người có thể giao lưu, tương tác với nhau, từ đó cũng hình thành nên nhiều cách cư xử: trang nhã có, lịch sự có, thậm chí là thô lỗ cũng có.
Nguyên nhân của hiện trạng này đầu tiên phải kể đến ý thức sử dụng mạng xã hội của con người chưa tốt, các bạn trẻ muốn chứng minh bản thân mình với mọi người, muốn mình được chú ý. vì khi được nhiều người chú ý sẽ trở nên nổi tiếng. Hiện nay có rất nhiều “ngôi sao” bước ra từ việc nổi tiếng trên mạng xã hội nên dẫn đến việc nhiều bạn trẻ hùa theo đó. Một nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng từ môi trường sống, chưa được giáo dục đến nơi đến chốn,…
Việc sử dụng mạng gây ra nhiều hậu quả khôn lường: đã có nhiều cuộc xung đột, cãi vã thậm chí là bạo lực đã xảy ra có nguyên nhân là tranh cãi nhau trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều gây tốn thời gian và ảnh hưởng đến những công việc khác của con người. Để khắc phục tình trạng này, trước hết mỗi người tự điều chỉnh lại bản thân mình, cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng mạng xã hội, tập trung vào những công việc khác. Bên cạnh đó, chúng ta cần có một cách ứng xử trên mạng xã hội văn minh và thông thái.
Mọi thứ đều có hai mặt lợi và hại, sử dụng chúng ra sao cho hợp lí là lựa chọn của mỗi người. Chúng ta hãy góp một phần công sức nhỏ bé để xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, lành mạnh, đẹp đẽ hơn.
Bài tham khảo 4:
Xã hội ngày càng phát triển, mạng xã hội cũng dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Cùng với đó, văn hoá ứng xử trên không gian mạng cũng trở thành một trong những vấn đề luôn được quan tâm từ lâu. Theo khảo sát của Microsoft nhân ngày Quốc tế an toàn mạng năm 2021, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Điều này giống như giọt nước tràn ly khiến cụm từ "văn hóa ứng xử trên không gian mạng" vốn đã nhức nhối lại trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Vậy thế nào là văn hóa ứng xử? Thế nào là văn hóa ứng xử trên không gian mạng? Ứng xử là sự ứng phó, đối xử, phản ứng của con người trước tác động của người khác trong tình huống cụ thể. Tất cả những hành động, thái độ, cử chỉ, cách thức giao tiếp giữa người với người như vậy tạo thành văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử phụ thuộc lớn vào tính cách, trải nghiệm, môi trường sống, trình độ tri thức... mỗi người; tạo thành ấn tượng chung để đánh giá mỗi cá nhân hoặc cả một xã hội, cộng đồng. Văn hóa ứng xử trên không gian mạng có thể hiểu là tất cả hành động của con người trên mạng xã hội, từ việc đăng bài đến việc bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ lại bài viết của người khác... Giống như xã hội luôn hướng đến sự phát triển, hiện đại thì văn hoá ứng xử nói chung và văn hoá ứng xử trên không gian mạng nói riêng cũng luôn hướng đến sự văn minh, tiến bộ để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mạng xã hội là công cụ giúp con người giao lưu, kết nối với nhau; là phương tiện hỗ trợ giúp học tập, công việc dễ dàng, thuận tiện hơn. Trong thời gian khó khăn do dịch bệnh, giãn cách những ngày qua, không khó để bắt gặp các bài viết gửi lời chia sẻ, động viên chân thành gửi đến các bệnh nhân mắc Covid hay những người đang ngày đêm ở tuyến đầu phòng chống dịch. Nhờ đó, mỗi chúng ta đều được tiếp thêm năng lượng tích cực, yêu đời; tiếp thêm sức mạnh để vượt qua đại dịch. Nhờ mạng xã hội, những hình ảnh đẹp, những câu chuyện về các hoàn cảnh khó khăn và các chương trình thiện nguyện được cộng đồng chia sẻ, lan truyền mạnh mẽ, phổ biến hơn để người cần giúp đỡ được giúp đỡ, cần ủng hộ được ủng hộ, cần tuyên dương được tuyên dương...
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại không ít các hành vi ứng xử kém văn minh trên mạng. Dạo một vòng quanh trang mạng bản thân đang sử dụng, bạn có thể dễ dàng thấy các bài đăng, bình luận mang tính chất kì thị tôn giáo, giới tính, dân tộc; các phát ngôn sai sự thật hay mang tính chất đả kích, miệt thị, lăng mạ, công kích các cá nhân, tổ chức... Chúng được gọi chung là "rác mạng" và từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội. Giữa năm 2021, ở Trung Quốc, một cô gái trẻ đã tự tử bằng thuốc trừ sâu ngay trong buổi phát sóng trực tiếp (live stream) trên mạng xã hội sau khi chia sẻ về căn bệnh trầm cảm mình đang mắc phải. Đáng nói là ngay ở phần bình luận trực tiếp, có rất nhiều cư dân mạng cổ vũ ý định tự sát của cô gái với nội dung: "Chết đi!", "Uống ngay đi!"...
Ở Việt Nam, theo một cuộc nghiên cứu được giới chuyên môn thực hiện, gần 80% người dùng mạng xã hội nước ta là nạn nhân hoặc biết tới các trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng - một con số biết nói khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm nhiều điều. Chỉ một clip ngắn quay lại một cảnh nhạy cảm, một cuộc ẩu đả không rõ nguồn gốc, không rõ hoàn cảnh... cũng có thể khiến cộng đồng mạng dậy sóng, kèm theo đó là hàng ngàn bình luận khiếm nhã bình phẩm ngoại hình, truy tìm, tiết lộ thông tin cá nhân... Một số người, thậm chí là người nổi tiếng lại không ngần ngại đăng tải nội dung nói tục, chửi bậy, chia sẻ thông tin sai sự thật lên trang cá nhân... Tháng 9 năm ngoái, một vụ đấu tố qua lại trên mạng xã hội giữa một doanh nhân thành đạt và các nghệ sĩ nổi tiếng về vấn đề từ thiện đã nhanh chóng biến thành vụ lùm xùm phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, biến cụm từ "sao kê" trở thành một trong các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm. Dù chưa có bất cứ kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền nhưng một bộ phận người dùng mạng đã tự phong cho mình chức danh "thẩm phán online", tràn vào trang cá nhân của những người liên quan, mặc sức bôi nhọ, thoá mạ, mạt sát họ và gia đình... Và đó chỉ là một số trong vô vàn minh chứng cho thực trạng đáng buồn của văn hoá ứng xử trên không gian mạng.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này xuất phát từ ý thức sử dụng mạng xã hội của con người. Khi giao tiếp trên mạng, do không đối mặt trực tiếp nên một số người có suy nghĩ mình nói gì cũng được, làm gì cũng được. Việc buông lời kì thị, bắt nạt người khác vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn; cảm giác ăn năn, hối hận cũng ít hơn. Mạng xã hội vô tình trở thành nơi "ẩn thân" để dễ dàng xúc phạm người khác. Một số người, chủ yếu là giới trẻ có tâm lý nổi loạn, thích thể hiện, bất chấp tất cả để thể hiện cái tôi, để nhận được sự chú ý trên mạng xã hội. Một số người thì đánh tráo khái niệm, vin vào cụm từ "tự do ngôn luận" để bao biện cho hành vi công kích người khác. Ranh giới giữa tự do ngôn luận và xúc phạm, làm tổn thương người khác chưa bao giờ trở nên mong manh đến vậy. Ngoài ra, ảnh hưởng của giáo dục, môi trường sống, gia đình khiến một bộ phận người dùng mạng chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc phát ngôn không đúng mực trên mạng; đôi khi thiếu kiến thức dẫn đến việc không biết chọn lọc, đánh giá tính đúng sai của thông tin.
Để xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng văn minh, tiến bộ hơn; các công ty điều hành các trang mạng xã hội lớn hiện nay như Facebook, Youtube, Instagram, Twitter... đã có những giải pháp riêng nhằm thanh lọc thông tin xuất hiện trên mạng xã hội của họ, có biện pháp cảnh cáo, ngăn chặn những hành vi và người dùng kém văn minh. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông nước ta cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đây được coi như giải pháp mềm để mỗi người tự hiểu rõ trách nhiệm của mình khi sử dụng mạng xã hội; nhằm hướng dẫn, định hướng mỗi người tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, tất cả các biện pháp đều không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu con người. Bày tỏ suy nghĩ, chính kiến là chuyện riêng của mỗi người nhưng khi phát ngôn chúng trên không gian mạng thì nó không còn là chuyện riêng nữa. Tất cả những điều bạn thể hiện trên mạng chứng tỏ bạn là ai; là căn cứ để người khác nhìn nhận, đánh giá con người bạn. Vậy nên, mỗi người cần có ý thức chịu trách nhiệm, tự xem xét và điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình trên mạng xã hội. Tiếp cận thông tin một cách chọn lọc, cẩn thận đánh giá tính chính xác và độ tin cậy của thông tin. Trước khi phát ngôn bất cứ điều gì trên mạng, hãy cân nhắc ranh giới nên và không nên, phù hợp và không phù hợp.
Khi bắt gặp một vấn đề không cùng quan điểm, thay vì bày tỏ thái độ tiêu cực thì bạn có thể lướt qua; thay vì bình luận nặng nề, thô tục, hãy chia sẻ quan điểm bằng những từ ngữ phù hợp, văn minh. Khi chúng ta giao tiếp với nhau gián tiếp qua mạng xã hội, ranh giới giữa bày tỏ ý kiến và xúc phạm người khác đôi khi trở nên rất mỏng manh. Do đó, mỗi khi có ý định đặt ra lời phê phán, đánh giá nặng lời ai đó, hãy thử đặt mình hoặc những người thân yêu nhất của mình vào vị trí người nhận được những lời đó; nếu cảm thấy buồn hay bị tổn thương thì đồng nghĩa với việc bạn đã công kích, xúc phạm người khác mất rồi.
Thế giới số, mạng xã hội có thể là ảo nhưng tác động của nó là thật. Mạng xã hội là công cụ giúp con người gần nhau hơn, có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn nên con người đừng tự biến mình trở thành công cụ bị nó thao túng, điều khiển. Hãy trở thành người dùng mạng tỉnh táo, thông thái và cùng cộng đồng chung tay xây dựng, bảo vệ văn hoá ứng xử trên không gian mạng ngày càng tiến bộ, văn minh.