Đề bài: Tìm hiểu mức độ quan tâm của học sinh lớp bạn đối với âm nhạc truyền thống
Bài tham khảo 1:
“Một em nhớ đôi bạn chung tình
Hai em nhớ yểu điệu
Ba em nhớ tiếng nói
Bốn em nhớ đến đôi người đồng tâm…”
Đó là lời ca trong bài hát quan họ “Mười nhớ” được cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương và các em học sinh lớp 3D thể hiện trong tiết dạy thực nghiệm chương trình Giáo dục địa phương lớp 3 với một nội dung “Hát quan họ” trong chủ đề “Tìm hiểu Âm nhạc truyền thống Bắc Giang” tại trường Tiểu học Thị Trấn Tân An vào buổi sáng ngày 17/3/2022. Tham gia vào bài học có các thầy cô giáo là chuyên viên phòng GD&ĐT Yên Dũng, Sở GD&ĐT Bắc Giang, cô Đỗ Thị Minh Chính là tác giả cuốn Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 3 với chủ đề 5. Rời xa cô giáo và các bạn nhỏ ấy rồi nhưng hình ảnh mềm mại của chiếc áo tứ thân, lời ca ngọt ngào bởi làn điệu Quan họ của cô và trò còn đọng lại trong trái tim tôi.
Từ phần xây dựng mục tiêu bài học, cô giáo đã bám sát vào CTGDPT 2018 để xây dựng nên những mục tiêu đặc thù và mục tiêu chung của bài học phù hợp với đối tượng học sinh lớp 3, cũng ngay từ đầu đã xác định được sự phân hóa theo các mức độ của các hoạt động học “biết, hiểu, thực hành, vận dụng”. Giáo viên đã sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học truyền thống và dạy học tích cực để tổ chức các hoạt động cho học sinh. Trong đó phương pháp đặc thù của môn Âm nhạc được đồng chí sử dụng linh hoạt. Trong quá trình tổ chức các hoạt động học đồng chí đã sử dụng học liệu đa phương tiện để giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức một cách dễ dàng.
Đặt chân đến lớp điều khiến tôi ấn tượng đầu tiên đó là không gian lớp học. Học sinh được bố trí ngồi học theo hình chữ U. Một kiểu bố trí độc đáo, tinh tế, linh hoạt của giáo viên - để tạo “ đất” cho cô và trò “diễn” trong giờ học. Tiếp đó là những trang phục rất “quan họ” của các em học sinh và cô giáo cùng chiếc nón quai thao. Nhìn nét mặt của các em học sinh rạng rỡ, vui thích đã tạo tâm thế cho các em ngay từ tiết học chưa bắt đầu. Sau những lời nói chuyện nho nhỏ của đồng nghiệp nhỏ dần và mất hẳn thay vào đó là một giai điệu da diết mượt mà vang lên kết hợp với một hình ảnh “liền anh”, “liền chị” mặc áo “mớ ba mớ bảy” và sự uyển chuyển của cô giáo cầm chiếc nón quai thao đang uốn mình theo nhạc điệu khiến chúng tôi cuốn hút theo. Sự vào bài tinh tế - nhẹ nhàng tạo cho học sinh một tâm thế thoải mái, cảm giác chơi mà học - học mà chơi. Khi giai điệu nửa bài hát “Ngồi tựa mạn thuyền” kết thúc cô nhẹ nhàng đặt câu hỏi nêu vấn đề: “Các em có biết bài hát đó thuộc thể loại gì không?”. Những cánh tay giơ cao với những ánh mắt vui tươi ai cũng muốn được cô gọi. Bằng sự khéo léo kết hợp giữa trực quan, hình ảnh, âm thanh đồng chí đã tổ chức rất thành công cho các em tham gia hoạt động đầu tiên của bài học. Đó là hoạt động “Khởi động”.
Sự kết nối mạch kiến thức trong các hoạt động của một bài học là một điều hết sức cần thiết. Các em hứng thú ở bước đầu sẽ là bàn đạp để các em tham gia vào các hoạt động sau khó hơn, sâu hơn cần sử dụng trí tuệ nhiều hơn để giải quyết vấn đề. Đối với học sinh lớp 3 thì những kiến thức về “Hát quan họ” là tương đối khó và xa lạ với các em. Để tổ chức cho các em hiểu về vấn đề đó quả thật không đơn giản. Khi đọc tài liệu Giáo dục địa phương ở chủ đề này, tôi cảm thấy còn xa lạ. Nhưng ở đây, đồng chí đã rất tinh tế chia nhỏ thành hai hoạt động nhỏ để học sinh dễ tìm hiểu và dễn nắm được kiến thức. Nếu như hoạt động “Khởi động” đang ở nốt “bổng” thì sang hoạt động “Khám phá” các em lại rơi vào nốt “trầm”. Nhưng nốt trầm ấy không tạo cho các em chán nản mà ngược lại đã tạo cơ hội cho các em được tư duy sâu. Việc học điềm tĩnh của các em khiến chúng tôi cuốn hút theo. Những ánh mắt dò tìm thông tin để hoàn thành phiếu học tập trên kênh chữ cô giáo cung cấp điều đó cho chúng tôi cảm nhận được các em đang học một cách thật sự và nghiêm túc. Các em đang làm chủ để giải quyết vấn đề. Lúc này “cá nhân hóa việc học của học sinh” được thể hiện rất rõ rệt. Đó là một cách tổ chức dạy học cần thiết để hình thành năng lực cho từng cá nhân học sinh. Vậy qua việc tổ chức cho học sinh tìm hiểu về quan họ như: trang phục, cách biểu diễn, hình thức…. học sinh đã được hình thành và phát triển năng lực đánh giá và phân tích âm nhạc.
Bài tham khảo 2:
Để tổ chức việc học cho học sinh hình thành năng lực cảm thụ âm nhạc, đồng chí đã khéo léo cho học sinh xem video bài hát “Khách đến chơi nhà” đồng thời kết hợp gõ đệm. Tiếng đệm thanh thanh kết hợp với sự biểu diễn của cô khiến những học sinh có năng khiếu bắt đầu bộc lộ. Các em vừa nghe để cảm nhận giai điệu bài hát và vừa kết hợp múa tay, có em thì gõ nhịp xuống bàn. Điều đó chứng tỏ rằng mặc dù học sinh là chủ thể của hoạt động học nhưng vai trò tổ chức hướng dẫn của giáo viên luôn có vai trò rất quan trọng dẫn đến sự thành công trong việc học của học sinh. Vậy với cách tổ chức kết hợp “trầm”, “bổng” đan xen giữa các hoạt động đã khiến cho học sinh không bị nhàm chán. Trong quá trình dạy, đồng chí đã hóa thân và nhập tâm vào liền chị trong giai điệu của bài hát quan họ. Thế nhưng đồng chí vẫn luôn tinh tế để ứng biến, quan sát việc học của học sinh và trợ giúp các em một cách kịp thời. Đồng thời linh hoạt trong cách thay đổi hình thức tổ chức khi học sinh gặp khó khăn. Điều đó được thể hiện khi giai điệu bài hát “Khách đến chơi nhà” kết thúc đồng thời cũng kết thúc phần biểu diễn của mình đồng chí đã đưa ra câu hỏi để cho học sinh tìm hiểu và cảm nhận về giai điệu của hát quan họ. “Lời ca, giai điệu của bài hát như thế nào?” Một câu hỏi tưởng chừng dễ nhưng lại khá khó với học sinh lớp 3 vì sự cảm nhận của các em còn hạn chế. Nếu các em biết thì chắc là đồng chí sẽ dùng phương pháp hỏi đáp. Nhưng khi đặt câu hỏi nhìn thấy ánh mắt của học sinh gặp khó khăn đồng chí đã linh hoạt chuyển hình thức tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm đôi. Đó là một nghệ thuật trong quá trình dạy học và đó cũng chính là một điều cần thiết để dạy theo hướng tiếp cận năng lực học sinh - khi học sinh gặp khó khăn thì giáo viên phải chủ động thay đổi hình thức tổ chức để học sinh làm chủ hoạt động học. Nếu không thay đổi thì nhiều học sinh sẽ bị bỏ rơi.
Để giảm bớt sự kéo dài thời gian giữa hai tiết học cô Lan Phương đã rất thông minh khi lựa chọn trò chơi Bí mật các mảnh ghép. Khi tham gia trò chơi các em đã đươc cùng nhau hợp tác, chia sẻ hoàn thành nội dung trò chơi. Các em đã tìm ra điều bí mật đó là trang phục của liền anh liền chị sử dụng khi trình diễn bài hát quan họ rất hợp lý và hay. Thông qua trò chơi năng lực, phẩm chất của học sinh được phát triển.
Trò chơi khép lại, các em lại hào hứng đến với hoạt động thực hành, vận dụng những điều mình vừa trải nghiệm tìm tòi. Không khí lớp học bắt đầu nóng lên với tiếng nhạc của bài “Mười nhớ”. Tà áo cô tung bay với cánh tay múa rẻo cùng với tiếng nhạc da diết khiến cho các em học sinh em nào cũng muốn đứng ngay dậy để biểu diễn. Mặc dù mới chỉ được nghe cô và nghe nhạc qua 1, 2 lần cùng kết hợp với gõ đệm mà các em đã thuộc giai điệu của bài hát. Có em học sinh Nghĩa khi được cô mời lên hát 4 câu đầu quả thật giọng ca của em khiến tất cả các thầy cô bất ngờ và không chỉ riêng bản thân tôi mà các thầy cô cũng phải thốt lên rằng “Em hát hay quá!”. Em hát đúng cả những chỗ luyến đưa, cao độ, trường độ. Có lẽ đến giờ tôi vẫn ấn tượng với giọng ca của em nam học sinh đó. Một học sinh lớp 3 nhưng giọng ca làm tan chảy trái tim của thầy cô và các bạn trong lớp. Và sau đó lần lượt, lần lượt từng em học sinh được hát được thể hiện. Quả thật sự tương tác giữa cô và trò lúc này khiến chúng tôi ngưỡng mộ. Cô làm mẫu hướng dẫn trò thể hiện ngôn ngữ cơ thể để biểu diễn. Trò tham gia rất hăng say. Trong hoạt động này với cách thức tổ chức như vậy đồng chí Phương đã hình thành cho học sinh được năng lực biểu diễn vô cùng hiệu quả.
Bài tham khảo 3:
Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật âm thanh phản ánh cuộc sống xung quanh ta bằng các hình tượng âm thanh. Cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, với sức mạnh biểu cảm lớn lao, âm nhạc thể hiện với tất cả những gì gắn liền với cuộc sống của con người: niềm vui và nỗi đau khổ, đấu tranh sinh tồn, niềm suy tư thầm kín, chí hướng và ước mơ hạnh phúc.
Âm nhạc phản ánh các khía cạnh khác nhau của thực tại trước hết thông qua việc khai thác thế giới nội tâm, suy tư và tình cảm của con người. Nét đặc trưng điển hình, một trong những ưu thế nổi bật hơn cả của nghệ thuật âm nhạc là khi phản ánh quá trình phát triển và chuyển biến không ngừng từ trạng thái này sang trạng thái khác của tình cảm, nó có khả năng truyền đạt những sắc thái tinh tế nhất, gây ấn tượng vô cùng sâu sắc cho người nghe.
Lẽ dĩ nhiên, không nên từ đó mà suy ra là nội dung của âm nhạc hoàn toàn bó hẹp trong thế giới tâm tình của con người. Nội dung của nhiều tác phẩm âm nhạc vĩ đại là suy nghĩ về cuộc sống, là hoạt động căng thẳng của tư duy, là chí hướng và những niềm khát vọng mãnh liệt, là sự miêu tả các nhân cách khác nhau trong mối quan hệ qua lại, trong các tình huống xung đột và trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Thậm chí âm nhạc giao hưởng, hợp xướng và ô-pê-ra còn xây dựng cả những hình tượng vĩ đại của các tập thể quần chúng, cuộc đấu tranh giải phóng của con người, những biến cố lịch sử lớn lao, những xung đột xã hội sâu sắc.
Các thể loại âm nhạc là luôn phục vụ cho đời sống của con người, qua các loại hình tác phẩm khác nhau của nghệ thuật âm nhạc, chẳng hạn như bài ca lao động, bài hát ru, vũ khúc, hành khúc. Các tác phẩm âm nhạc thuộc cùng một thể loại tùy nội dung hết sức đa dạng, xong vẫn có không ít những nét giống nhau về phương thức biểu hiện âm nhạc, về tính chất của mối quan hệ giữa nó và thực tại, với đời sống. Ngay những thính giả mới tiếp xúc với âm nhạc, khi nghe tác phẩm mới cũng có thể phân biệt được một cách dễ dàng bài hát ru, bản hành khúc chiến đấu, hành khúc tang lễ, bài ca cách mạng và các loại vũ khúc...
Sáng tác môn nghệ thuật âm nhạc phải gắn liền với thực tiễn lịch sử đã sản sinh ra nó, với đời sống sinh hoạt bằng một phương thức nhất định của xã hội, con người... Cũng như các lĩnh vực sáng tác nghệ thuật khác, âm nhạc rất phong phú về thể loại. Chỉ cần giới thiệu sơ qua những thể loại âm nhạc quan trọng nhất cũng đã có thể phần nào giúp cho các thính giả yêu âm nhạc nhận thức được sâu sắc và nghiêm túc hơn kho tàng vô cùng phong phú của âm thanh.
Nếu phân chia tất cả các loại tác phẩm âm nhạc thành những nhóm cùng loại, xuất phát từ đặc tính biểu diễn thì ta có thể rõ những nhóm lớn như: âm nhạc dân gian truyền miệng gồm bộ phận thanh nhạc và khí nhạc; âm nhạc sinh hoạt và âm nhạc giải trí đơn ca độc tấu; âm nhạc thính phòng, do một hoặc một số nghệ sĩ điêu luyện biểu diễn các phòng hòa nhạc nhỏ. Âm nhạc giao hưởng hợp xướng - kể cả các loại âm nhạc sân khấu biểu diễn trong ô-pê-ra, ba lê, hài nhạc kịch, ô-pê-ra tất cả các loại âm nhạc đó đều là phục vụ cho đời sống tinh thần của con người. Tuy nhiên, cũng có thể phân loại theo một phương thức khác, nghĩa là chia tất cả các thể loại âm nhạc thành hai nhóm: một nhóm viết cho giọng hát và một nhóm khí nhạc viết cho nhạc cụ diễn tấu.
Để phân loại theo phương thức này người ta không những căn cứ vào đặc điểm phương thức biểu diễn, mà cả các quy luật mĩ học rất quan trọng gắn liền với những khả năng hoàn toàn khác trong việc thể hiện nội dung. Chúng ta muốn nói tới quan hệ trực tiếp của hầu hết các thể loại thanh nhạc với lời ca, một ngôn từ, một yếu tố giúp cho người nghe dễ tiếp thu tác phẩm, cho dù đó là một bài dân ca đơn giản, một bản nhạc nào hoặc một chương hợp xướng hay cả một vở ô-pê-ra.
Vì thế, tốt hơn hết ta nên nghiên cứu riêng từng loại.
Lịch sử lâu đời của nền nghệ thuật chứng minh rằng trong nhiều thế kỷ qua, ở khắp các nước trên thế giới, đã xuất hiện và phát triển nhiều loại hình âm nhạc khác nhau, với những phương tiện biểu hiện độc đáo và những đặc điểm ngôn ngữ riêng biệt. Con đường mà nền nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp đã trải qua trong nhiều thế kỷ là con đường đi từ điệu hò lao động hết sức đơn giản, từ những bài dân ca mộc mạc, những vũ khúc sinh hoạt đến những tác phẩm giao hưởng và hợp xướng phức tạp của các nhạc sĩ cổ điển (để biểu diễn những tác phẩm này cần tới sự tham gia của hàng chục, thậm chí hàng trăm nhạc công và ca sĩ chuyên nghiệp).
Âm nhạc tồn tại ở mọi thời đại và trong đời sống của con người tất thảy các dân tộc. Nó ra đời từ thời cổ đại xa xưa như một phương tiện giao tiếp có hiệu lực cao của loài người, qua những thời kỳ âm nhạc đã gắn liền mật thiết với hoạt động thực tiễn và nhu cầu vật chất của con người. Những người thợ săn, những người bẫy chim rừng hay dùng cây sáo trúc để bắt chước rất tài tình tiếng chim hót để đưa chúng vào bẫy. Những người săn nai hay dùng tiếng tù và (phần nhiều là ở miền Bắc) để gọi nai. Xuất phát từ đó dần dần, người ta đã biết dùng nhạc cụ và phân biệt được các loại nhạc cụ, nhạc cụ để phản ánh tiếng nói sinh động của thiên nhiên.
Cũng như tiếng hò trong lao động có tác dụng liên kết một cách nhịp nhàng nỗ lực chung của mọi người khi cần khiêng vác hoặc di chuyển những vật nặng. Từ thời cổ xưa, người ta đã thấy xuất hiện nhạc hiệu săn bắn, vũ khúc chiến binh, những bài ca cầu nguyện thiên nhiên huyền bí. Ngay những hình thức âm nhạc và ca hát đơn giản, mộc mạc nhất của các bộ lạc săn bắn thời nguyên thủy cũng đã có khả năng gây ấn tượng sâu sắc, khích lệ con người đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt hùng vĩ, và các thế lực thù địch. Ngay từ những thời kỳ của một nền văn hóa sơ khai nhất, sáng tác thơ ca và âm nhạc cũng đã phụ thuộc vào khái niệm thẩm mĩ của con người thời bấy giờ về cái đẹp, cái hay.
Trong nhiều thế kỷ qua, các thể loại ca khúc và khí nhạc đa dạng đã là người bạn đời thường của nhân loại. Các bà mẹ ngân nga những điệu hát ru êm ái bên nôi em bé. Các trò chơi trẻ thơ của mỗi dân tộc khác nhau nhưng đều kèm theo những bài hát vui, dí dỏm hay những điệu hò điệu hát tập đếm, châm chọc... Âm nhạc còn đệm cho thanh niên nhảy múa, vui chơi, những giai điệu nhẹ nhàng êm dịu, những câu hò sâu lắng giúp cho tuổi già thư giãn, hay là những bài ca hôn lễ tuyệt diệu của các dân tộc ca ngợi trí tuệ, sắc đẹp và đức chuyên cần lao động của những cặp vợ chồng trẻ. Còn có biết bao bài ca điệu nhạc muôn màu muôn vẻ, chan hòa trong lao động và giờ phút nghỉ ngơi của người nông dân, công dân. Tiếng đàn tiếng hát vang dội trong những ngày hội gia đình, những ngày lễ tết chung của dân tộc.
Từ bao đời nay tiếng kèn xung trận hùng tráng đã khích lệ cho các chiến sĩ nơi trận tuyến. Mỗi thể loại âm nhạc đều có những phương tiện diễn cảm âm nhạc tiêu biểu, đã được gọt dũa qua nhiều thế kỷ trong sáng tác âm nhạc của các dân tộc khác nhau. Trong quá trình gạn lọc các âm điệu đặc sắc, có khả năng gây ấn tượng mãnh liệt nhất, chọn các hình giai điệu, các loại nhịp múa, các kiểu bước hùng dũng, trang nghiêm, đã hình thành phương pháp điển hình hóa nghệ thuật tiêu biểu cho từng thể loại âm nhạc trong việc phân các hiện tượng khác nhau của thực tại. Chính vì thế mà Thể loại âm nhạc là yếu tố có ý nghĩa hết sức lớn lao. Nhiều đặc tính diễn cảm hình tượng âm nhạc, ta không thể nhận thức và đánh giá đúng chuẩn xác được nếu tách khỏi các thể loại đã sản sinh ra chúng.
Âm nhạc phát triển theo bối cảnh lịch sử từng thời kỳ cũng như văn hóa, mà lịch sử đã ghi. Ví dụ như: Thời văn học lãng mạn thì có âm nhạc lãng mạn, văn học cổ điển, cũng có âm nhạc cổ điển; Văn học phương Tây cũng có âm nhạc phương Tây; Văn học dân gian thì âm nhạc cũng có âm nhạc dân gian... theo bối cảnh lịch sử từng thời kỳ. m nhạc, văn học và nghệ thuật thường phát triển song song với nhau, kết hợp chặt chẽ với nhau. Ở thời trung cổ, âm nhạc vẫn liên kết chặt chẽ với cơ sở sinh hoạt của nhân dân và đời sống xã hội các đô thị trung cổ. Ngoài ca khúc, vũ khúc, các nhạc sĩ thời đại xa xưa thường sáng tác những nhạc hiệu nhà binh và săn bắn, theo bối cảnh lịch sử của thời ấy. Tất cả những thể loại âm nhạc sinh hoạt đó ra đời là do vai trò phục vụ thực tiễn của nghệ thuật âm nhạc thời bấy giờ.
Đời sống xã hội ngày một phát triển và trở nên phức tạp hơn, tầm nhìn của con người trong lĩnh vực tư tưởng cũng được mở rộng hơn, do đó cần có những tác phẩm âm nhạc với nội dung sâu sắc hơn. Trong âm nhạc dân gian, thể loại ca khúc trữ tình phong phú và đa dạng về giai điệu dân gian đã trở thành thể loại âm nhạc chủ đạo. Trong âm nhạc chuyên nghiệp ta thấy những thể loại cổ mất dần đi tính chất thực dụng. Thể loại âm nhạc cổ đã được cải biên phục vụ riêng cho mục đích thực tiễn. Dần dần những thể loại khí nhạc xuất hiện trong sinh hoạt gia đình đã trở thành những thể loại âm nhạc biểu diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ phải có quan hệ trực tiếp và chân tình hơn với thính giả, điều này được thực hiện một cách tự nhiên.
Khi nhận thấy các thể loại âm nhạc, các nhà soạn nhạc đã viết trong các thể loại âm nhạc khác nhau, nền âm nhạc giao hưởng dường như chiếm vị trí hàng đầu. Nó có nội dung sâu sắc hơn cả và là vị thống soái của vương quốc âm nhạc. Các loại hình âm nhạc từ thô sơ đơn điệu tiến đến ngày càng vững chắc lớn mạnh hoành tráng. Câu hò lời ru, hát dặm, dân ca cổ truyền thuộc các dân tộc đã đi vào lòng người dân lao động, đời xưa và đời nay, chúng ta thấy rõ các thể loại, hình thức âm nhạc rất phong phú và đa dạng, là món án tinh thần cho tất cả mỗi một con người trên thế giới.
Bài tham khảo 4:
Khi đồng tiền không còn là nỗi lo, gánh nặng, người ta bắt đầu quan tâm hơn về các loại hình giải trí nhằm thư giãn, bồi đắp tinh thần. Nếu trước kia chỉ là ăn no, mặc ấm thì giờ đây, trong xã hội hiện đại, con người hướng tới ăn ngon, mặc đẹp, thưởng thức và hưởng thụ. Và một trong những món ăn không thể thiếu cho tâm hồn là âm nhạc. Tuy nhiên, âm nhạc khác với các cách giải trí khác ở chỗ, ai cũng có thể yêu, ai cũng có thể rung cảm bất kể tầng lớp, độ tuổi. m nhạc gắn liền với cuộc sống, tô điểm cho cuộc sống. Cả một đời người có khi chỉ vỏn vẹn trong một bản nhạc.
Âm nhạc là những thanh âm đơn sắc, kết hợp với nhau tạo thành giai điệu trầm bổng, có nhịp điệu, có cao trào, có sâu lắng. m nhạc có thể không đi kèm lời, có thể được phổ thêm lời bài hát nhằm tạo ra ý nghĩa, nội dung thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Có nhiều thể loại âm nhạc như nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển, nhạc trữ tình, nhạc hiện đại,... Chủ yếu âm nhạc được tạo nên bởi những loại nhạc cụ như đàn piano, đàn guitar, sáo, trống,... Mỗi một thể loại, mỗi một giai đoạn lịch sử, âm nhạc lại mang một bản sắc riêng. Người ta đặt tên cho âm nhạc để phân biệt chúng với nhau. Xuất hiện từ thời tiền sử, dựa trên những khu khảo cổ thời kì đồ đá, những nhà khoa học phát hiện ra sáo được khắc từ xương người. Tới thời Ai Cập cổ đại, âm nhạc được khắc lên tường, trong những vách tường của Kim Tự Tháp, đồng thời, những bằng chứng về bộ dụng cụ gõ, đàn lia, ... cũng đã khẳng định sự xuất hiện lâu đời của âm nhạc. Là một bộ phận không thể thiếu của cuộc sống, âm nhạc phản ánh thực tế đời sống một cách trực tiếp và chính xác. Trong âm nhạc, ta tìm thấy những xúc cảm chân thực và đời thường, tình yêu nam nữ nhớ nhung, mặn nồng, tình cha tình mẹ thiêng liêng, cao cả, niềm vui mừng khi vụ mùa bội thu, niềm tự hào về con người, đất nước, sự buồn thương với nỗi đau nước nhà,... Tất cả các phương diện cuộc sống đều được đưa vào âm nhạc với ca từ phù hợp, thể hiện lối tư duy cũng như trình độ phát triển của dân tộc, đất nước đó.
Âm nhạc phản ánh một cách khách quan mong ước, tâm trạng, cảm xúc của con người. Những bản nhạc nổi tiếng, được yêu thích của mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia phần lớn mang âm hưởng và nội dung giống với mong muốn của đại đa số nhân dân. Giai điệu dễ nhớ, âm nhạc thể hiện mong ước của nhân dân qua những bản anh hùng ca, nói nên nỗi niềm yêu thương qua những bản tình ca lãng mạn. Với nhu cầu âm nhạc lớn, đáp ứng mọi độ tuổi, mọi tầng lớp, âm nhạc là kênh giao tiếp giữa người và người. Ở Việt Nam, những em thiếu nhi thường thích nghe những bản nhạc vui nhộn, tươi sáng, những bài hát dễ thuộc, dễ nghe. Qua đó, các bé có thể bước đầu tiếp nhận những bài học nhân cách, lời hay ý đẹp. Lớn hơn một chút, những thanh thiếu niên có sở thích nghe những bài hát bộc lộ rõ nét về tính cách cá nhân. Dựa vào thể loại nhạc yêu thích có thể phần nào đánh giá con người, người ưa thích nhạc nhẹ thường có phong thái bình tĩnh, người thích nghe các thể loại sôi động thường hướng ngoại, hoạt náo,... Người lớn tuổi thích nghe những ca khúc trữ tình, những bài hát Cách mạng hào hùng để tưởng nhớ về một thời xa xưa,... Như vậy, âm nhạc vô hình nhưng lại bao quát những sự vật, sự việc có thật, đồng thời thỏa mãn nhu cầu thức ăn tâm hồn cho con người.
Với khả năng tác động vào tâm lý và tư tưởng con người, âm nhạc có khả năng tác động tới tâm lý con người, chính vì vậy, âm nhạc được coi là một cách trị bệnh hoặc tăng cường phát triển trí tuệ. Đứa trẻ trong bụng mẹ được cho nghe nhạc giao hưởng vì nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu người mẹ nghe nhạc và thư giãn, con sẽ thông minh hơn. Cho trẻ con học đàn, đặc biệt là đàn piano giúp phát triển đồng đều não bộ hai bên, rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Từ những năm 1940, âm nhạc được đưa vào y học, trở thành một biện pháp trị liệu nhằm cải thiện kỹ năng giao tiếp của bệnh nhân tại Mỹ, số liệu thống kê cho thấy 35% bệnh nhân tại quốc gia này đang được trị liệu bằng phương pháp âm nhạc. Có tác dụng tuần hoàn máu, xoa dịu tâm trạng và giảm stress, âm nhạc đang ngày càng được áp dụng phổ biến vào y học, giúp con người giảm lo âu, căng thẳng mệt mỏi, mở rộng thế giới quan và phục hồi những tổn thương tinh thần hiệu quả.
Âm nhạc là một ngoại hình nghệ thuật phi ngôn ngữ. Dù bài hát đó có được sáng tác ở thời đại nào, quốc gia nào, ngôn ngữ nào, nhưng giai điệu mới là yếu tố quyết định, những người có cùng gu âm nhạc có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ để tiến tới đồng cảm. Một bài hát hay được yêu thích toàn thế giới, chưa chắc tất cả những người nghe đều có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa của ca từ, nhưng, giữa họ có một sợi dây cảm xúc vô hình, khiến họ nhìn thấy mình trong bài hát, yêu thích và thuộc lòng bài hát đó. "Khi ngôn ngữ bất lực, âm nhạc lên tiếng", âm nhạc chính là ngôn ngữ toàn cầu mà ai cũng có thể nghe, có thể cảm nhận. Giai điệu vui tươi khiến ai cũng muốn nhún nhảy, âm thanh da diết khiến con người như trầm tĩnh, lắng đọng,... Cái hay của nghệ thuật là ở chỗ, không cần nói nên lời, người ta cũng có thể hiểu được thông điệp gửi gắm.
Cũng giống như mĩ thuật, âm nhạc phản ánh văn hóa, lịch sử của một quốc gia, một dân tộc. Nếu ở các nước phương Tây, nhạc cụ chủ yếu được sử dụng là kèn đồng, trống, guitar, piano và các nhạc cụ được làm tỉ mỉ, công phu, phản ánh ngành công nghiệp đúc đồng phát triển rất sớm, âm nhạc mang giai điệu rành mạch, dứt khoát thể hiện lối tư duy thẳng thắn, nhanh gọn. Trong khi đó, các nước phương Đông sử dụng những vật liệu rất thô sơ để làm nhạc cụ như ống tre, trúc, lá,..., giai điệu âm nhạc thương da diết với những âm luyến láy. Đó là nét đẹp văn hóa của nền văn minh lúa nước với những cảnh sắc thôn quê yên bình, thư thái, cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, mang tính cộng đồng cao. Chính vì thế, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong các lễ hội, mang đến không khí hứng khởi đặc trưng của từng vùng miền, khuấy động quần chúng và tăng thêm phần rộn ràng cho sự kiện.
Với những ưu điểm tích cực đó, âm nhạc được cho là gắn liền với cuộc sống con người. Tuy nhiên, chính vì có sức ảnh hưởng tới định hình tư tưởng và tâm lý, lợi dụng khía cạnh đó, âm nhạc đã và đang trở thành công cụ để tiêm nhiễm tư duy kém lành mạnh vào một bộ phận công dân, đặc biệt là giới trẻ... Những bài hát mang ca từ không phù hợp hoặc tác động xấu tới nhận thức con người, những bài hát không phù hợp với độ tuổi hoặc nội dung vô bổ, cổ súy cho những hành động trái với luân thường đạo lý đang được lan truyền và gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng. Các bậc phụ huynh cần để tâm tới con em, lựa chọn và định hướng những loại âm nhạc phù hợp, hỗ trợ phát triển trí tuệ toàn diện, cảm thụ âm nhạc thực thụ, đồng thời lưu ý sở thích âm nhạc của con em mình để thấu hiểu tính cách của trẻ.
Âm nhạc và cuộc sống song hành, gắn liền với nhau. Có cuộc sống, âm nhạc mới được hình thành, phát triển, và có âm nhạc, cuộc sống mới thêm đa dạng, phong phú. Cá nhân mỗi người đều có một sở thích, một gu âm nhạc riêng, hãy bồi dưỡng cho tâm hồn phong phú bằng những bản nhạc ý nghĩa, hãy chọn lọc những bản nhạc hay và có giá trị để tăng khả năng nhận thức của bản thân, Có như vậy, âm nhạc mới làm tròn vai trò của mình trong việc tô điểm cuộc đời.