Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện cười Lợn cưới áo mới

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 10 bộ chân trời sáng tạo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện cười Lợn cưới áo mới.

Đề bài: Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện cười Lợn cưới áo mới. 

Bài tham khảo 1:

Trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam, “Lợn cưới, áo mới” là một trong những câu truyện đặc sắc và ý nghĩa. Chuyện không chỉ mang lại những tiếng cười sảng khoái, bài học sâu sắc mà còn đặc biệt chế giễu tính khoe khoang của con người.

Truyện như một màn hài kịch ngắn, kể lại cuộc nói chuyện của hai anh chàng có tính khoe khoang, buồn cười thay là họ lại khoa khoang những thứ chẳng đáng là bao. Một anh thì khoe con lợn cưới bị xổng chuồng, còn một anh lại khoe chiếc áo mới may. Anh chàng đi tìm lợn kia rơi vào hoàn cảnh thật đặc biệt, đó là khi gia đình anh đang có việc lớn – đám cưới, con lợn để làm cỗ cưới lại bị xổng chuồng chaỵ mất và anh ta phải đi tìm.

Trong lúc công việc đang lu bu và tất bật, tưởng chường như anh ta chỉ mải đi tìm lợn thôi nhưng không ngờ anh ta vẫn còn tâm trí để khoe khoang. Điều đó thể hiện ở cách hỏi của anh ta, đáng lẽ ra anh ta chỉ cần hỏi rằng: “Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không?”, và thêm vào đó là màu sắc, kích thước, đặc điểm của con lợn. Nhưng không, anh ta đã hỏi rằng: “Bác có thấycon lợn cưới của tôi chạy qua đây không?”, có thể thấy, anh ta nói “con lợn cưới” chỉ để khoe ra chứ không phải là đặc điểm để chỉ cho con lợn, thông tin đó là không cần thiết đối với người được hỏi. Điều đó đã chứng tỏ, anh ta chỉ lấy việc tìm lợn làm cái cớ để khoe khoang con lợn của mình. Tuy nhiên, anh chàng được hỏi cũng không khác gì, anh ta cũng là một người thích khoe khoang. Anh ta mới may được một chiếc áo mới, muốn khoe đến mức không chờ dịp lễ tết hay đi chơi mới mặc mà liền đem ra mặc ngay.

Khoe áo mới thường là sở thích và thói quen của trẻ thơ, nhưng chính anh chàng này đã biến mình thành trẻ con, mặc áo mới với mục đích khoe của. Anh ta không chờ ai vào nhà rồi khoe mà lại đứng hỏng ở ngoài cửa, đợi có ai đi qua người ta khen, vì muốn được khoe mà anh ta đứng suốt sáng đến chiều, kiên nhẫn chờ khoe bằng được. May gặp được anh chàng đi tìm lợn hỏi thăm, khi được hỏi anh ta đã đáp rằng: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả”. Có thể thấy, tính khoe khoang của nhân vật đã được cường điệu hóa lên tới tột đỉnh, ở ngoài thực tế sẽ không có ai lại khoe của một cách vô duyên và trơ trẽn như thế.

Tuy nhiên nó đã nhấn mạnh được tính chất lời khoe và cách khoe quá phi lí, trái thường tình khiến cho người đọc không khỏi chế giễu. Tính khoe khoang, thích thể hiện và tỏ ra giàu có là một thói xấu thường thấy của những người giàu xổi, học đòi. Tính khoe khoang là một tật xấu nói chung, tuy nhiên trong truyện này các nhân vật không khoe tài, khoe địa vị hay công lao mà chỉ khoe những thứ tầm thường, nhỏ nhặt.

Như vậy, qua câu chuyện “Lợn cưới, áo mới”, chúng ta hiểu được thế nào là tính khoe khoang và nếu tính khoe đó trở thành một thói quen sẽ trở thành một thói xấu, gây khó chịu cho mọi người xung quanh, làm mất đi giá trị con người.

Bài tham khảo 2:

Truyện cười là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ dân gian, được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Truyện cười được sáng tác không chỉ nhằm mang đến tiếng cười giải trí sau những phút giây lao động mệt mỏi mà còn ngầm phê phán những thói hư tật xấu, qua đó gửi gắm những bài học, ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Một trong những tác phẩm truyện cười nổi tiếng nhất trong kho tàng văn học dân gian có thể kể đến, đó là "Lợn cưới áo mới".

Truyện cười "Lợn cưới áo mới" kể về cuộc gặp gỡ và đối thoại đầy hài hước của hai anh chàng có tính khoe khoang. Anh chàng có chiếc áo mới thì mặc lên người, đứng ngoài cổng từ sáng sớm để khi có người đi qua sẽ nhận được lời khen ngợi, trầm trồ. Thế nhưng, đen đủi thay anh ta đứng từ sáng đến tận chiều mà không ai quan tâm, cũng không ai dành cho anh ta lời khen ngợi như điều anh ta kì vọng. Có thể thấy anh chàng khoe áo mới là một người rất kiên trì, anh ta chấp nhận đứng từ sáng đến tối để nhận được lời khen mà không hề bỏ cuộc giữa chừng. Thế nhưng đặt sự kiên trì ấy vào mục đích của anh ta: chỉ muốn nhận được lời khen thì ta lại thấy hành động ấy có chút trẻ con, lố bịch. Vì những lời khen sáo rỗng mà bỏ ra bao thời gian, công sức và tất cả sự kì vọng, trông đợi. Câu chuyện khoe áo của anh chàng vừa nực cười vừa đáng chê trách.

Tình tiết gây cười được đẩy lên cao trào khi anh chàng có áo mới "may mắn" gặp được một người. Thế nhưng oái oăm thay, anh chàng đi tìm lợn mà anh ta gặp lại là một người có tính khoe khoang giống mình. Cuộc đối thoại giữa hai anh chàng mang đến tiếng cười sảng khoái vì nó thể hiện được "cuộc chiến" cân tài cân sức, ai cũng cố gắng khoe khoang một các lố bịch. Câu chuyện sẽ không có gì bất thường nếu anh chàng mới đến hỏi thăm một cách bình thường về con lợn bị mất nhà mình. Có thể thấy anh ta đang rất vội vàng tìm lợn để làm đám cưới, thế nhưng sự gấp gáp của thời gian không đánh mất đi bản tính thích khoe khoang, khoác lác của mình. Câu hỏi "Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?" khiến người đọc bật cười bởi sự thừa thãi trong nội dung câu hỏi và mục đích gây chú ý và muốn được khen ngợi. Con lợn thì ai cũng biết nhưng anh ta lại nhấn mạnh "lợn cưới" để khoe khoang nhà đang có việc, hơn nữa còn được tổ chức ăn uống rất linh đình.

Cuộc đối thoại càng trở nên thú vị hơn khi anh chàng có áo mới cất tiếng trả lời "Từ khi tôi mặc chiếc áo mới này, chẳng thấy có con lợn nào chạy qua đây cả". Nghe qua câu trả lời vẫn đáp ứng được nội dung câu hỏi của anh đi tìm lợn, rằng: Tôi không thấy con lợn nào cả. Thế nhưng cách anh ta trả lời lại mang đến những tràng cười sảng khoái, bởi mục đích của anh ta đâu phải trả lời anh chàng tìm lợn mà để khoe chiếc áo mới mua của mình đó chứ. Đúng là khi kẻ năm lạng gặp người nửa cân, để nhận được lời khen sáo rỗng cả hai anh chàng đều dựng lên một kịch bản "hoàn hảo" và bản thân trở thành diễn viên chính nhưng vô tình lại mang đến một vở hài kịch với những tràng cười sảng khoái.

Thông qua xây dựng một cuộc gặp gỡ đầy hài hước của hai anh chàng có tính hay khoe, tác giả dân gian đã ngầm phê phán thói khoe khoang, khoác lác, đây cũng là thói hư tật xấu phổ biến ở một bộ phận người trong xã hội xưa. Bằng cách kể chuyện tự nhiên, ngắn gọn với những yếu tố gây cười tự nhiên, truyện cười Lợn cưới áo mới không chỉ mang đến những tiếng cười hài hước mà còn truyền tải, gửi gắm được những bài học ý nghĩa.

Bài tham khảo 3:

Lợn cưới, áo mới là một trong những truyện cười đặc sắc của kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam. Truyện chế giễu những người có tính hay khoe của. Tính xấu ấy thường biến người khoe của thành trò cười cho thiên hạ.

Truyện ngắn gọn như một màn hài kịch nhỏ, kể lại cuộc tranh tài thú vị, bất ngờ giữa hai anh có tính hay khoe, mà của đem khoe chẳng đáng là bao. Một anh khoe con lợn cưới bị sổng chuồng và một anh khoe chiếc áo mới may. Anh đi tìm lợn khoe của trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Đó là lúc nhà anh ta có việc lớn (đám cưới), lợn để làm cỗ cưới lại bị sổng mất, nghĩa là trong lúc việc nhà đang bận bịu và bối rối, một tình huống tưởng như người trong cuộc không còn tâm trí nào để khoe khoang.

Khi đi tìm lợn, lẽ ra anh ta chỉ cần hỏi: Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không? Hoặc nói rõ con lợn ấy là lợn gì, to hay nhỏ, trắng hay đen, thì anh ta lại hỏi: Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không? Câu hỏi thừa từ cưới, vì từ cưới không phải là từ thích hợp để chỉ đặc điểm của con lợn bị sổng và cũng không phải là thông tin cần thiết đối với người được hỏi. Người được hỏi không cần biết con lợn ấy được dùng vào việc gì (đám cưới hay đám tang). Thế nhưng nó lại rất quan trọng đối với anh đi tìm lợn vì nó là cái cớ để anh ta khoe con lợn của mình. Thành ra câu hỏi của anh ta vừa có mục đích tìm lợn, vừa có mục đích khoe của, nhưng để khoe của là chính.

Anh có áo mới cũng thích khoe đến mức may được cái áo, không đợi ngày lễ, ngày Tết hay đi chơi mới mặc mà đem ra mặc ngay. Tính thích khoe của đã biến anh ta thành trẻ con. (Già được bát canh, trẻ được manh áo mới). Nhưng trẻ con thích khoe áo mới thì đó là lẽ thường tình bởi chúng rất ngây thơ, trong sáng; còn nhân vật trong truyện cười này mặc áo mới với mục đích là để khoe của.

Cách khoe của anh ta cũng thật buồn cười: đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen. Vì nôn nóng khoe áo mới mà anh ta đã đứng mãi từ sáng tới chiều, kiên nhẫn đợi để khoe bằng được. Đợi mãi chẳng thấy có ai hỏi đến, anh ta tức lắm. Đang lúc cụt hứng vì không có ai để mà khoe áo mới thì anh chàng mất lợn chạy tới hỏi thăm. Mừng như bắt được vàng, anh có áo mới vội giơ ngay vạt áo ra để khoe và trả lời rằng: Từ lúc tôi mặc CÁI ÁO MỚI này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả. Đúng ra, anh ta chỉ cần đáp là có nhìn thấy hay không nhìn thấy, nhưng anh ta lại cố tình khoe áo mới cả bằng điệu bộ lẫn lời nói. Đấy là những yếu tố thừa nhưng lại là nội dung, mục đích thông báo chính của anh ta.

Tính khoe của của nhân vật được đẩy tới tột đỉnh bằng nghệ thuật cường điệu, bởi trên đời nay không có ai lại khoe của một cách vô duyên và trơ trẽn như anh lợn cưới và anh áo mới. Đọc truyện chúng ta bật cười vì nhiều lẽ: Trước hết là về hành động, lời nói của nhân vật. Của chẳng đáng là bao, chỉ là chiếc áo, con lợn mà vẫn thích khoe. (Đây cũng chính là đặc điểm của loại người này). Sau đó là lời khoe và cách khoe đều quá đáng và phi lí.

Tác giả dân gian đã tạo ra cuộc ganh đua gay cấn trong việc khoe của giữa hai nhân vật. Người đi tìm lợn sổng mà cứ nhấn mạnh là lợn cưới. Kẻ trả lời là không thấy lợn thì lại cố đưa thêm cái áo mới của mình vào. Cái trái tự nhiên, không hợp với lẽ thường xuất hiện khiến cho tiếng cười chế giễu vang lên. Anh áo mới đứng hóng ở cửa, kiên nhẫn đợi suốt từ sáng đến chiều mà vẫn chưa khoe được áo. Đang tức tối thì lại bị anh lợn cưới khoe của trước. Anh áo mới đã không bỏ lỡ cơ hội cả ngày chỉ có một lần khoe áo mới trước mặt anh lợn cưới. Kết thúc bất ngờ của truyện tạo cảm giác rất hấp dẫn và thú vị cho người đọc.

Tính khoe của là thói thích tỏ ra, trưng ra cho mọi người biết là mình giàu có. Đây là thói xấu thường thấy ở những người mới giàu (giàu xổ), thích học đòi. Nó biểu hiện qua cách ăn mặc, nói năng, giao tiếp, cách trang sức và xây cất, bài trí nhà cửa lố lăng, kệch cỡm.

Tính khoe của là thói xấu của con người nói chung nhưng ở truyện này nó lại mang một sắc thái khá đặc biệt. Nhân vật trong truyện không phải là khoe tài, khoe lộc, khoe trí tuệ, học vấn, công lao đóng góp hay địa vị trong xã hội mà là khoe những thứ tầm thường, nhỏ nhặt, chẳng đáng đem khoe.

Khi khoe của đã trở thành một thói quen, một nhu cầu cần thiết đến mức không khoe không chịu được thì nó sẽ là thói xấu và thói xấu ấy làm cho những người xung quanh khó chịu. Câu chuyện dí dỏm Lợn cưới, áo mới là một bài học bổ ích cho tất cả chúng ta.

Bài tham khảo 4:

Câu chuyện Lợn cưới, áo mới nói về hai anh chàng có tính thích khoe khoang. Tính khoe khoang (khoe của, khoe danh, khoe tài, khoe chức tước,...) là thói thích tỏ ra, trưng ra cho người khác biết là mình giàu, mình tài giỏi, mình danh giá. Đó là một thói xấu. Thói xấu này thường lộ ra ở cách ăn mặc, trang sức, xây cất, bài trí nhà cửa, nói năng, giao tiếp,.... Truyện Lợn cưới, áo mới kể về hai anh chàng thích trưng diện, khoe khoang, ra điều mình có... của.

Một anh đi tìm con lợn bị sổng khi nhà anh đang chuẩn bị đám cưới. Trong tình huống gia đình bận bịu, bối rối, anh ta không tập trung tư tưởng để tìm lợn cho nhanh, cho mau mà lại nghĩ đến việc khoe khoang. Khi gặp người bạn, đáng lẽ anh chỉ cần hỏi "Bác có thấy con lợn nào chạy qua đây không". Hoặc có thể tả vài nét về con lợn để người nghe dễ "nhận diện", chẳng hạn : lợn to hay nhỏ, lông trắng hay đen... Nhưng anh chàng lại nói kèm theo cụm từ "lợn cưới của tôi". Như vậy từ "cưới" (lợn cưới) là thừa, không cần thiết, khiến người nghe dễ bật cười. Chúng ta chứng kiến sự việc, thấy rõ anh chàng lợn cưới ấy thật là... hợm của, khoe khoang, đáng cười.

Câu chuyện tiếp diễn và còn buồn cười hơn nữa là người nghe câu hỏi của anh lợn cưới lại không cười mà bình thản đáp bằng một câu làm nổ ra tiếng cười vang to. Đó là anh chàng sắm được chiếc áo mới. Có áo mới, anh không đợi ngày lễ, ngày tết, hay đi đâu đó, đem ra mặc. Anh mặc áo ngay, rồi ra đứng hóng ở cửa, đợi khách qua người ta khen. Tính thích khoe đã biến anh thành trẻ con. Trẻ con có áo mới thích được khen là tâm lí ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu mà tục ngữ đã đúc kết : "Già được bát canh, trẻ được manh áo mới".

Anh áo mới trong câu chuyện tuy chưa già nhưng cũng không còn trẻ. Vậy mà anh mang tâm lí rất... trẻ con. Mặc áo rồi, anh "đứng hóng ngoài cửa, đứng mãi từ sáng đến chiều, chả thấy ai hỏi, anh ta tức lắm". Tính kiên trì và sự bực tức của anh ta thật không đúng chỗ, đáng buồn cười. Đáng cười hơn nữa là khi nghe anh "lợn cưới" hỏi, chỉ cần trả lời ngắn gọi : "Tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua", hoặc "Tôi đứng đây từ sáng..." anh lại dài dòng, mở đầu lời đáp bằng cụm từ : "Từ lúc tôi mặc cái áo mới này...", thế là thành ra... thừa lời, vô duyên, đáng cười.

Đọc, nghe truyện Lợn cưới, áo mới, chúng ta được cười nhiều lần. Tiếng cười vang lên xung quanh con lợn cưới và chiếc áo mới. Của chẳng đáng là bao, mà hai anh chàng kia cứ thích khoe khoang. Thái độ và ngôn ngữ của cả hai đều quá mức, lố bịch. Điều thú vị là tác giả dân gian đã xây dựng được tình huống vừa song song vừa đối lập. Hai nhân vật giống nhau cái tính thích khoe, cũng đua nhau khoe để được người khác chú ý, khen ngợi. Nhưng rồi điều trái ngược đã xảy ra.

Chả ai được khen cả, mà chỉ khiến người chứng kiến cuộc gặp gỡ và nghe những lời nói của họ, phải bật cười. Tiếng cười nổ ra ở cuối truyện vừa vang to vừa có ý nghĩa chế giễu sâu sắc. Tính hay khoe là một tính xấu nhưng lại thường xuất hiện nhiều trong cuộc sống chúng ta. Đọc và suy ngẫm về truyện này, chúng ta giật mình vì đôi khi chính bản thân ta cũng vướng tính xấu này. Cười anh chàng trong truyện, ta tự cười mình và nhắc mình phải sửa ngay tính thích khoe khoang, đồng thời rèn lấy tính khiêm tốn, nhún mình trong ứng xử hằng ngày ở nhà, ở trường và ngoài xã hội.

Nhìn chung, ý nghĩa, tác dụng của truyện cười là như thế. Vừa chế giễu, phê phán, mỗi truyện cười vừa nhắc nhở chúng ta tránh thói xấu, rèn luyện tính tốt. Vì thế, các nhà nghiên cứu đánh giá : truyện cười mang tính chiến đấu cao. Đó là những viên thuốc đắng, hoặc... ngọt thơm giúp con người giã tật.

 

Xem thêm các bài Văn mẫu 10 chân trời sáng tạo, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu 10 chân trời sáng tạo được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 10 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 10 | Để học tốt Lớp 10 | Giải bài tập Lớp 10

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 10, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 10 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 10 - Kết nối tri thức

Giải sách giáo khoa

Giải sách bài tập