I. TỪ ĐỒNG ÂM VÀ TỪ ĐA NGHĨA
- Từ đồng âm là từ có âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau, không liên quan với nhau;
- Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa, các nghĩa khác nhau lại có liên quan với nhau.
II. GỢI Ý GIẢI SGK
Bài tập 1
a. Lờ đờ bóng ngả trăng chênh → bóng: hình ảnh của vật do phản chiếu mà có;
b. Bóng đã lăn ra khỏi đường biên dọc → bóng: quả cầu rỗng bằng cao su, da hoặc nhựa, dễ nẩy, dùng làm đồ chơi thể thao;
c. Mặt bàn được đánh véc-ni thật bóng → bóng: nhẵn đến mức phản chiếu được ánh sáng gần như mặt gương.
→ Những từ có âm thanh giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì với nhau → từ đồng âm.
Bài tập 2
a. - Đường lên xứ Lạng bao xa → đường: chỉ khoảng không gian phải vượt qua để đi từ một địa điểm này đến một địa điểm khác;
- Những cây mía óng ả này chính là nguyên liệu để làm đường → đường: chỉ chất kết tinh có vị ngọt, dùng trong thực phẩm;
b. – Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát → đồng: khoảng đất rộng và bằng phẳng, dùng để cày cấy, trồng trọt;
- Tôi mua cái bút này với giá hai mươi nghìn đồng → đồng: đơn vị tiền tệ
→ Những từ có âm thanh giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì với nhau → từ đồng âm.
Bài tập 3
a. Cây xoài trước sân nhà em có rất nhiều trái
b. Bố vừa mua cho em một trái bóng
c. Cách một trái núi với ba quãng đồng
→ Trái trong ba ví dụ đều biểu thị sự vật có dạng hình cầu → Từ đa nghĩa.
Bài tập 4
a. Con cò có cái cổ cao → Cổ: chỉ một bộ phận cơ thể, nối đầu với thân;
b. Con quạ tìm cách uống nước trong một chiếc bình cao cổ → Cổ: chỗ eo ở gần phần đầu của một đồ vật, giống hình dáng cái cổ
→ Từ đa nghĩa.
c. Phố cổ tạo nên vẻ đẹp của riêng Hà Nội → Cổ: tính từ, chỉ sự cổ kính, lâu đời, không liên quan gì đến nghĩa của từ cổ trong hai câu a. và b. → Từ đồng âm.
Bài tập 5
- Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non
→ Nặng: tính chất, mức độ nhiều tình cảm.
- Một số ví dụ có từ nặng được dùng với nghĩa khác:
+ Túi hoa quả này nặng quá ;
+ Em rất buồn vì bà nội bị ốm nặng.