Vận dụng
Tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long và nêu suy nghĩ của em về giá trị của di sản này đối với cuộc sống hôm nay và mai sau.
Bài Làm:
Giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long đối với cuộc sống hôm nay và mai sau:
- Giá trị nhận diện bản sắc: Di sản Hoàng Thành Thăng Long là minh chứng sống động về nét độc đáo riêng biệt của Hà Nội dựa trên sự hội nhập các yếu tố cổ và hiện đại. Hơn nữa, bảo tồn di sản Hoàng Thành cũng là bảo tồn minh chứng hữu hình về sự phát triển liên tục của lịch sử dân tộc Việt Nam và đặc trưng của tổ chức Nhà nước Việt Nam hơn 1.000 năm qua.
- Giá trị lịch sử: Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, kể cả di tích khảo cổ học phát hiện trong lòng đất và các di tích trên mặt đất, phản chiếu bề dày lịch sử gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thế kỷ 7 – 9 thời thuộc Đường, đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê trung hưng cuối thế kỷ 18, rồi thành Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn thế kỷ 19, qua thời Pháp thuộc cho đến hiện nay.
- Giá trị văn hoá: Di tích Hoàng Thành góp phần tăng cường hiểu biết lịch sử nhân loại, nâng cao hình ảnh của Hà Nội và Việt Nam như một trung tâm văn hoá có bề dày lịch sử, từ đó khuyến khích niềm tự hào dân tộc.
- Giá trị tuyên truyền giáo dục về truyền thống: Di tích Hoàng Thành là một giáo cụ trực quan sống động về lịch sử, là nguồn cung cấp nhiều tư liệu độc đáo, minh chứng thuyết phục vị thế của Hà Nội là kinh đô của nước Đại Việt, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về quá trình phát triển Hà Nội và lịch sử dân tộc.
- Giá trị phát triển du lịch: Việc bảo tồn khu di tích Hoàng Thành sẽ tạo sức hút lớn về du lịch cho thành phố Hà Nội và Việt Nam nói chung. Phát triển hệ thống di sản Hoàng Thành góp phần quan trọng đưa Hà Nội vào danh sách điểm đến trên thế giới. Đây là nhân tố ảnh hưởng lớn trong việc khuyến khích nghành du lịch trong nước đi lên theo hướng chuyên nghiệp và thu hút được nhiều lợi ích từ bên ngoài.
- Giá trị khoa học: Khu di tích với bề dày lịch sử khoảng 13 thế kỷ, trong đó có gần 10 thế kỷ từ khi vua Lý Thái Tổ định đô Thăng Long đến nay, là nơi diễn ra sự giao thoa nhiều giá trị nhân văn có ý nghĩa toàn cầu của phương Đông và thế giới, biểu thị trong quy hoạch đô thị, tạo dựng cảnh quan, trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật xây dựng. Trên cơ sở nền văn hóa có cội nguồn bền vững bên trong, các giá trị và ảnh hưởng bên ngoài được tiếp thu và kết hợp với các giá trị bên trong, được vận dụng một cách hài hòa phù hợp với điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Di tích này sẽ cung cấp những tư liệu lịch sử độc đáo, xác thực phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu.
- Giá trị kiến trúc quy hoạch:
- Di tích thành cổ Thăng Long - Hà Nội là trung tâm chính trị của nước Việt Nam trong suốt thời gian dài và liên tục từ năm 1010 đến năm 1802 và sau năm 1954 cũng là căn cứ của Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Khu di tích KCH 18 Hoàng Diệu nằm trong khu vực Cấm Thành tức trung tâm của Hoàng Thành.
- Thông qua hệ thống mặt bằng kiến trúc của di tích bao gồm nền nhà, sân gạch, chân tảng đá, trụ móng, cột gỗ và hệ thống đường cống thoát nước, đường đi, giếng nước có thể bước đầu nhận diện về quy mô và diện mạo của các kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long.
- Giá trị nghệ thuật và vật liệu xây dựng:
- Sự đa dạng về đề tài, kiểu dáng trang trí trên các vật liệu đất nung được tìm thấy ở khu di tích Hoàng Thành cho thấy nghệ thuật tạo hình đã rất phát triển. Thông qua đó có thể hiểu thêm về phong cách nghệ thuật, ứng dụng kỹ thuật dân gian và sự phối hợp tài tình các vật liệu của thời đại trước.
- Dựa vào quy mô của các phế tích kiến trúc cho thấy với kỹ thuật truyền thống có thể dựng những công trình có quy mô lớn gấp nhiều lần với ngôi nhà dân gian. Kết quả khảo cổ cho thấy có nhiều sáng tạo trong xử lý nền móng như: gia cố trụ móng bằng sỏi, đất, gạch trên nền đất yếu. Kỹ thuật xây giếng, vỉa nền, sản xuất vật liệu, gạch, ngói… là những kinh nghiệm dân gian quí báu có thể khai thác khi phục chế, tu bổ, tôn tạo công trình cổ.