Câu 1: trang 197 sgk Ngữ Văn 12 tập hai
Những phát hiện khác nhau về số phận và cảnh ngộ của người dân lao động trong các tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân). Phân tích nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm.
Bài Làm:
Mở bài: Giới thiệu 2 tác giả, tác phẩm
- Tác giả Tô Hoài và tác phẩm Vợ chồng A Phủ
- Tác giả Tô Hoài: cây bút có sức viết bền bỉ, dẻo dai, với gần 200 đầu sách trong suốt sự nghiệp sáng tác. Ông có tình cảm đặc biệt với mảnh đất Tây Bắc với vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục và văn hóa của con người nơi đây
- Tác phẩm Vợ chồng A Phủ là một trong 3 truyện ngắn đặc sắc viết về Tây Bắc của Tô Hoài, ra đời năm 1952.
- Tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt
- Tác giả Kim Lân: luôn tìm về với những thuần hậu nguyên thủy của nông thôn Bắc Bộ. Ông có biệt tài về truyện ngắn với những tác phẩm viết về vùng nông thôn.
- Tác phẩm Vợ nhặt được viết lại dựa trên cốt truyện Xóm ngụ cư, ra đời ngay sau nạn đói năm 1945, viết về số phận của những người nông dân Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp 1945
=> Cả hai tác phẩm đều viết về số phận và cảnh ngộ của những con người thấp cổ bé họng, những người dân lao động. Song dù có bị đọa đầy, chà đạp, ta vẫn thấy ánh lên ở những con người ấy phẩm chất tốt đẹp, Đó cũng chính là tinh thần nhân đạo trong hai tác phẩm.
Thân bài:
a) Vợ chồng A Phủ
- Nhân vật Mị
- Là cô gái trẻ trung, xinh đẹp, có tài thổi sáo. Cô yêu tự do và luôn khao khát một cuộc sống hạnh phúc với người đàn ông đeo nhẫn ở ngón tay trái. Đặc biệt, Mị là một đứa con hiếu thảo.
- Nhưng số phận nghiệt ngã khiến Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống Lí để rồi bị đầy đọa cả về thể xác và tinh thần. Mị biến thành cỗ máy chỉ biết làm việc, thẫn thờ như không có cảm xúc, linh hồn. Căn buồng với cái lõ vuông bằng bàn tay, trông ra chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng chính là ngục thất giam cầm tâm hồn và thanh xuân của Mị. Trong đêm tình mùa xuân, sức sống mãnh liệt của Mị trỗi dậy nhưng cuối cùng đã bị A Sử, đại diện của cường quyền, dập tắt bằng việc trói đứng Mị lên cột nhà.
=> Cuộc sống của một người con dâu gạt nợ đã cho thấy được số phận của con người, đặc biệt là người lao động nghèo khổ trước tục quyền, thần quyền và cường quyền của vùng cao Tây Bắc thời thực dân phong kiến đương thời. Con người bị đầy đọa và áp bức, trở thành một con vật vô hồn
- Nhân vật A Phủ
- Là một chàng trai H'mông khỏe mạnh, tài giỏi và yêu tự do, kiên cường và dũng cảm
- Nhưng số phận đã biến chàng trai ấy thành nô lệ cho nhà thống lí Pá Tra khi chàng lỡ tay đánh A Sử - con trai thống lí Pá Tra. Đặc biệt khi mải bẫy nhím để hổ bắt mất một con bò, A Phủ đã bị trói đứng vào cột, trải qua những giây phút bất lực, tuyệt vọng trong đêm đông lạnh giá của núi rừng. Chỉ đến khi tuyệt vọng được đẩy lên đến đỉnh điểm, giọt nước mắt mới lăn dài trên má của con người ấy.
=> Xã hội và quyền lực của kẻ thống trị đã biến một con người khỏe mạnh, tự do, yêu đời như A Phủ thành một nô lệ, đẩy A Phủ vào bước đường cùng của sự tuyệt vọng khi cái chết đã ở ngay trước mắt mà A Phủ không thể cứu được mình.
b) Vợ nhặt
- Tràng là một kẻ dở hơi, xấu xí, thô kệch, là dân ngụ cư của một xóm tản ngư nghèo mạt, cái chết đang đe dọa và có thể cướp đi sinh mạng của cả hai mẹ con Tràng bất cứ lúc nào. Vì thế nên Tràng cũng không hề mong lấy được vợ
- Thế nhưng, chỉ bằng vài câu bông đùa và bốn bát bánh đúc, Tràng bỗng nhiên có vợ. Người đàn bà vợ nhặt đã mạo hiểm để theo không Tràng về làm vợ, để có thể bám víu lấy Tràng mà sống sót được qua cảnh đói kinh khủng này. Đám cưới của hai vợ chồng lại diễn ra trong không khí của một đám ma, khi khắp nơi là mùi đốt đống rấm, tiếng quạ kêu, tiếng la khóc của những nhà có người chết.
- Bữa cơm của buổi sáng hôm sau với nồi cháo lõng bõng, lùm hoa chuối thái muối và một đĩa muối và sự xuất hiện của nồi cháo cám khiến cho không khí của bữa ăn trở nên im lăng lạ thường
=> Số phận và cảnh ngộ của con người trong nạn đói 1945. Họ đã phải tìm mọi cách để có thể sống được qua cái đói kinh hoàng ấy. Ngươi đàn bà vợ nhặt đẫ chấp nhận theo không Tràng về làm vợ với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn. Bữa cơm ngày đói thật thảm hại, và họ đã phải vật lộn với hoàn cảnh để giữ lại mạng sống của mình.
c) Giá trị nhân đạo trong hai tác phẩm
- Tố cáo xã hội đã chà đạp lên nhân phẩm của con người và hiện thực tàn khốc, tình cảnh thảm hại của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945
- Ca ngợi sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của Mị cùng A Phủ ngay cả khi họ bị chèn ép, chà đạp sống trong gia đình không có tình người và bản chất tốt đẹp, sức sống kì diệu của Tràng, của thị, của bà cụ Tứ
- Nỗi xót xa, đau đớn của tác giả khi chứng kiến hiện thực tăm tối của xã hội lúc bấy giờ
- Mở ra con đường giải thoát nhân vật của mình khỏi hoàn cảnh tăm tối, tù túng và cái chết đeo đuổi là đi theo cách mạng.
Kết bài: Khẳng định lại giá trị nhân đạo của tác phẩm