II. DẠNG 2 – ĐỀ KIỂM TRA TỰ LUẬN
ĐỀ 1
Câu 1 (4 điểm). Nêu khái niệm năng lượng và các dạng năng lượng trong tế bào.
Câu 2 (6 điểm). Vì sao khi gia tăng về nồng độ cơ chất đến mức nhất định cũng không làm tăng hoạt tính của enzyme? Khi nhiệt độ tăng quá cao thì hoạt tính của enzyme bị ảnh hưởng như thế nào? Vì sao?
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
Câu 1:
- Khái niệm: Năng lượng là khả năng sinh công hay khả năng tạo nên sự chuyển động của vật chất.
- Năng lượng trong tế bào tồn tại ở 2 dạng: động năng và thế năng.
+ Động năng: là năng lượng làm vật khác di chuyển hay thay đổi trạng thái như nhiệt năng, cơ năng, điện năng.
+ Thế năng: là năng lượng tiềm ẩn do vị trí hoặc trạng thái của vật chất tạo ra như năng lượng trong các liên kết hóa học, sự chênh lệch về điện thế và nồng độ các chất giữa bên trong và bên ngoài tế bào.
- Trong các dạng năng lượng của tế bào, hóa năng là dạng năng lượng chính được tích lũy và sử dụng cho các hoạt động sống của tế bào.
Câu 2:
- Với một lượng enzyme không đổi, nếu tăng dần lượng cơ chất trong dung dịch thì thoạt đầu hoạt tính của enzyme tăng dần, nhưng đến một lúc đó thì sự gia tăng về nồng độ cơ chất cũng không làm tăng hoạt tính của enzyme do lượng enzyme có trong môi trường đã hoạt động tối đa.
- Khi tăng nhiệt độ lên quá cao so với nhiệt độ tối ưu của một enzyme thì hoạt tính của enzyme bị giảm, thậm chí là mất hẳn hoạt tính.
- Vì mỗi enzyme có một nhiệt độ tối ưu, tại đó enzyme có hoạt tính tối đa làm cho tốc độ phản ứng xảy ra nhanh nhất. Ngoài khoảng nhiệt độ đó, hoạt tính enzyme sẽ giảm, thậm chí mất hoàn toàn.