Câu hỏi 4. Phân tích tác phẩm Tranh Đông Hồ- Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam
Bài Làm:
Cũng như tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, tranh Nam Hoàng, tranh Hàng Trống… tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh là một dòng tranh dân gian đặc sắc, đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người Việt. Tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Chúng ta có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trong tranh Đông Hồ như: đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…
Tranh Đông Hồ với giá trị nghệ thuật đậm chất dân gian đã đi vào sử sách, thơ ca, đi vào tâm hồn người Việt Nam. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu: Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột Loẹt lòe trên vách bức tranh gà Hay trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, nhà thơ Hoàng Cầm cũng miêu tả vẻ đẹp của tranh Đông Hồ với những câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” Không chỉ có những đặc điểm riêng biệt về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn – hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)… Đây là những gam màu cơ bản, không pha trộn và thường thì tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu để tương ứng với số bản khắc gỗ.
Để hoàn thành một bức tranh, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận và thực hiện nhiều giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ như thế, từng lớp, từng lớp dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh các hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân