PHẦN LIÊN KẾT HÓA HỌC
Bài tập 1: Điền đầy đủ các từ hoặc cụm từ thích hợp vào các câu dưới đây:
a) Nguyên tử … (1) … có lớp electron ngoài cùng bền vững.
b) Nguyên tử của các nguyên tố khác có thể đạt được lớp electron ngoài cùng của khí hiếm bằng cách tạo thành … (2) …
c) Liên kết … (3) … là liên kết được hình thành bởi lực hút giữa các ion mang điện tích trái dấu.
d) Liên kết … (4) … được tạo nên do sự dùng chung một hay nhiều cặp electron.
Bài tập 2: Trong mật ong có chứa nhiều fructose. Phân tử fructose gồm có 6 nguyên tử carbon, 12 nguyên tử hydrogen và 6 nguyên tử oxygen. Theo em, trong phân tử fructose có liên kết ion hay liên kết cộng hóa trị? Giải thích và tính khối lượng phân tử fructose.
Bài tập 3: Khi nguyên tử X liên kết với nguyên tử Y đã diễn ra các quá trình như sau: nguyên tử X nhường electron để tạo thành cation X$^{+}$ và nguyên tử Y nhận electron để trở thành ion Y$^{-}$. Biết rằng trong cation X$^{+}$ và anion Y$^{-}$ đều có 18 electron.
a) Tính số electron có trong nguyên tử X.
b) Tính số proton có trong hạt nhân của nguyên tử Y.
Bài Làm:
Bài tập 1:
(1) khí hiếm
(2) liên kết hóa học
(3) ion
(4) cộng hóa trị
Bài tập 2: Các nguyên tố trong phân tử fructose chỉ gồm các nguyên tố phi kim nên trong phân tử fructose chỉ có liên kết cộng hóa trị.
Khối lượng phân tử: 12.6 + 1.12 + 16.6 = 180 (amu).
Bài tập 3: Nguyên tử X cho 1 electron để chuyển thành X$^{+}$; nguyên tử Y nhận 1 electron để chuyển thành Y$^{-}$. Vì X$^{+}$ và Y$^{-}$ đều có 18 electron nên:
a) Nguyên tử X có: 18 electron + 1 electron = 19 electron.
b) Nguyên tử Y có: 18 electron – 1 electron = 17 electron.
Do đó số proton trong hạt nhân Y = số electron của Y = 17.