Đề bài: Phân tích, so sánh tác dụng của từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp,... trong việc gợi tả cảnh sắc thiên nhiên chiều thu ở khổ 1 và khổ 4.
Bài tham khảo 1:
Đọc khổ thơ thứ nhất, ta thấy thi sĩ Xuân Diệu sử dụng những từ ngữ chỉ mối quan hệ giữa các cảnh vật như hòa trên, ríu rít, đổ… qua.; từ tượng hình (đổ) và từ tượng thanh (ríu rít) à mối quan hệ thắm thiết, hòa quyện. Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau tạo nên sự đa dạng cho cảnh sắc thiên nhiên. Đặc biệt là hình ảnh cây me – một hình ảnh thân thuộc của đường phố cổ Hà Nội vào thu, tạo cho người đọc cảm giác như đang được đắm chìm trong không gian phố cũ yêu thương của đất Tràng An xưa. Vần “uyên” (duyên, chuyền, huyền) gợi lên sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng trong một buổi chiều thu. Hình ảnh hòa quyện với âm thanh của “tiếng huyền” càng tô đậm nét những cảnh vật xung quanh trong một buổi “chiều mộng”. Ở khổ 4, tác giả sử dụng từ láy (gấp gấp, phân vân) tạo nên sự xa cách, sự thay đổi tâm trạng cảnh vật. Vần “ân” cùng nhịp thơ như nhanh hơn. Hình ảnh thơ quen thuộc với khung cảnh đồng quê (cánh cò). Cảnh vật dường như có sự xa cách hơn so với khổ thơ 1. Cảnh thu dường như từ đó cũng buồn hơn, cô đơn hơn khi cảnh vật được đặt trong sự to lớn, mênh mông của bầu trời.
Bài tham khảo 2:
Cảnh thu vào một buổi chiều mộng đầy trữ tình được diễn tả qua khổ 1. Hàng loạt từ ngữ chỉ mối quan hệ “hòa”, “cặp”, “đổ…qua” cho thấy sự gắn bó giữa các sự vật khi thu đến. Hơn nữa, cặp từ tượng thanh “ríu rít” làm tăng sự thân mật, gần gũi đến bất ngờ. Hình ảnh quen thuộc mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trên con đường phố cổ Hà Nội vào mùa thu, đấy chính là hình ảnh cây me. Xuân Diệu đưa chúng ta về với cảm giác ấm cúng, hoài niệm, yên bình, mang vẻ đặc trưng khó lòng phôi phai. Trong khổ thơ có 3 câu sử dụng vần “uyên” (duyên, chuyền, huyền) gợi lên sự đằm thắm, dịu nhẹ mà thơ mộng. Còn ở khổ 4 nói về cảnh vật đặt trong sự rộng lớn của không gian, không còn tươi tỉnh như khổ 1, hiện lên trong khổ 4 là sự buồn hiu, chạnh lòng. Hình ảnh rất đỗi quen thuộc của bao người con đất Việt, ấy chính là khung cảnh cánh đồng cò lúa bay. Đó là không gian rộng lớn, thoáng đãng. Tác giả sử dụng từ láy “gấp gấp” chỉ sự nhanh lẹ, chuyển động nhanh, có gì đấy gấp gáp còn từ láy “phân vân” cho bạn đọc thấy được sự lưng chừng, có gì đấy còn vương vấn, nửa muốn đi nửa muốn ở lại. Trong một khổ tác giả đã sử dụng 2 câu có vần “ân (vân, dần) kết hợp cùng nhịp thơ có sự chuyển biến nhanh, không còn chậm rãi như trước nữa, gợi lên sự vội vã đến nghẹt thở.
Bài tham khảo 3:
Ở khổ 1, cách gieo vần ở vần ''uyên'' : duyên, chuyền, huyền. Đây là vần bằng. Cách gieo vần tạo co khổ thơ nhịp điệu nhẹ nhàng, êm ái. Các từ láy được sử dụng như '' ríu rít'',''nơi nơi'' diễn tả một không bừng sáng, vui vẻ muôn nơi. Không gian ''chiều mộng'' nên thơ trữ tình. Hình ảnh '' ríu rít cạp chim chuyên'','' trời xanh ngọc'', miêu tả một khung cảnh vui vẻ, rộn rã với ''tiếng huyền''. Màu sắc gợi lên cảm giác trong xanh cùng với động từ "đổ" tạo cảm giác dứt khoát, lan tràn. Cụm từ "thu đến" như một tiếng reo vui mừng, phấn khích cho mơ ước bấy lâu giờ đã thành hiện thực. Khổ thơ nhiều vần trắc , thể hiện sự hối hả, gấp gáp hơn so với khổ 1. Còn khổ bốn mang đến cho độc giả cảnh thu trên không gian rộng lớn. Hoạt động của thiên nhiên cũng dần dồn dập, nhanh chóng hơn. Từ láy "gấp gấp" tạo cảm giác hối hả, thúc giục. ''Chim ngang trời rộng'', chiều thu tàn , bầu trời như mở rộng hơn. Càng chìm dần vào chiều thu, sương càng rơi xuống nhiều. "Hoa lạnh" vì có thể do "đẫm sương" hoặc do cơn gió nào đó. Chiều mùa thu bắt đầu lạnh làm cho người đọc cũng mang chút gì xao xuyến, bâng khuâng.