Đề 1: Thuyết minh một tác phẩm văn học - văn học 10

Văn mẫu 10 - bài viết số 6 đề 1: Thuyết minh một tác phẩm văn học. Sau đây, ConKec gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Bài mẫu 1: Thuyết minh một tác phẩm văn học -Truyện Kiều của Nguyễn Du

Dàn ý: 

I. Mở bài: Giới thiệu về tác phẩm văn học - Truyện Kiều của Nguyễn Du

II. Thân bài: thuyết mình về truyện Kiều

  • Hoàn cảnh ra đời của truyện Kiều:
    • Có nhiều lười đồn cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc và có khi là trước khi đi sứ Trung Quốc.
    • Ngay sau khi ra đời, Truyện Kiều được nhiều nơi khắc in và lưu hành rộng rãi.
    • Hai bản in xưa nhất hiện còn là bản của Liễu Văn Đường (1871) và bản của Duy Minh Thị (1872), đều ở thời vua Tự Đức.
    • Truyện dựa theo bộ truyện văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, lấy bối cảnh Trung Quốc thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh (từ năm 1521 tới năm 1567).
  • Các nhân vật trong tác phẩm: Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Vương quan, tú bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư...
  • Giá trị tư tưởng của Truyện Kiều:
    • Khát vọng về tự do, công lí và ước mơ của con người
    • Là tiếng khóc thảm thiết của người phụ nữ phong kiến xưa
    • Phên phán những thế lực vì đồng tiền mà áp bức người khác
    • Là tình yêu thương của con người của ông
  • Giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều:
    • Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo
    • Nghệ thuật tự sự
    • Ngôn ngữ trong sang, điêu luyện
    • Giọng điệu thương cảm, phù hợp với giá trị tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du

III. Kết bài: cảm nghĩ của em về Truyện Kiều

  • Khẳng định tài năng của Nguyễn Du, lòng thương người của ông
  • Thể hiện nên sự phân biệt đối với phụ nữ ở thời phong kiến.

Bài làm

“Khi Nguyên Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn...”

Những câu thơ được trích trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của Tố Hữu. Những câu thơ ấy là lời khẳng định về giá trị trường tồn của Truyện Kiều trong nền văn học nước nhà. Bởi lẽ, truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...(Phạm Quỳnh)

Truyện Kiều có tên là Đoạn trường tân thanh  (Đoạn: đứt, trường: ruột, tân: mới, thanh: âm thanh, tiếng kêu). Ta có thể hiểu nhan đề ấy có nghĩa là “tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột”. Nhan đề Đoạn trường tân thanh được Nguyễn Du lấy gốc từ hai điển cố ở Trung Quốc. Một là từ câu chuyện của người đàn ông họ Trường ở Phúc Kiến, vào rừng bắt vượn con đánh để chúng kêu khóc vì muốn bắt vượn mẹ. Vượn mẹ không làm gì được, đứng trên cao nhìn, rú lên một tiếng rồi chết. Ông lão mang về nhà mổ bụng vượn mẹ thì thấy ruột đứt ra từng khúc. Câu chuyện ấy ca ngợi tình mẫu tử thiên liêng và nỗi đau đứt ruột khi chứng kiến con mình bị hành hạ, đánh đập. Và một là câu chuyện về nàng cung nữ Mạnh Tài Nhân của vua Đường Vũ Tông, trước khi vua băng hà, nàng đã múa một điệu cuối cùng rồi chết đứng. Khám tử thi thì thấy ruột nàng đứt ra từng đoạn. Câu chuyện đã nhắc tới nỗi đau đứt ruột của đôi lứa khi vợ chồng phải xa lìa nhau. Đó là tiếng kêu về nỗi đau đứt ruột từ xa xưa, được người đời truyền tụng. Nguyễn Du đã dựa vào 2 câu chuyện trên để đặt tên cho tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh. Ngày nay chúng ta gọi là Truyện Kiều- cách gọi tên truyện theo  nhân vật chính là Thúy Kiều

Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ viết theo thể lục bát - thể thơ đặc trưng của dân tộc, rất giàu âm điệu và nhạc tính. Truyện được viết dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nguyễn Du đã “hoán cốt đoạt thai” tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân để thổi một luồng gió mới vào trong tác phẩm, khiến nàng Kiều của Nguyễn Du mang vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và mang vào truyện Kiều những sáng tạo mới mẻ vê cả nội dung và nghệ thuật. Về thời điểm sáng tác, Từ điển văn học (bộ mới) ghi: "Có thuyết cho rằng Nguyễn Du viết ra sau khi ông đi sứ Trung Quốc (1814-1820), có thuyết cho nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn”.

Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều, một cô gái có tài sắc. Thúy Vân, Thúy Kiều và Vương Quan là con của Vương quan ngoại. Cả Vân và Kiều đều là người có nhan sắc nhưng Kiều không chỉ mang vẻ đẹp sắc sảo mà còn có đủ tài cầm, kì, thi, họa, đặc biệt là tài đánh đàn. Nhân một lần ba chị em đi du xuân trong tiết thanh minh, trên đường về Kiều đã gặp nấm mồ không hương khói của Đạm Tiên, nàng đã thắp một nén hương rồi gặp Kim Trọng. Đêm về, Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên báo cuộc đời nàng cũng phải trả kiếp nợ hồng nhan giống mình. Kim Trọng vì yêu mến Kiều đã chuyển về cạnh nhà nàng sinh sống. Nhân cha mẹ đi vắng, Kiều đã sang nhà bên cùng Kim trọng uống rươu thề nguyền dưới trăng. Cha và em Kiều bị thằng bán tơ vu oan, bị bắt giải lên nha môn, Kim Trọng phải về quê chịu tang chú nên không hay biết Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Trước khi đi, Kiều đã trao duyên cho Vân, nhờ Vân trả nghĩa chàng Kim. Kiều bị lừa bán vào tay Mã Giám Sinh - Tú Bà, những tay buôn người chuyên nghiệp. Bị ép tiếp khách nhưng Kiều không đồng ý mà dùng cái chết để giữ gìn trinh tiết của mình. Tú Bà sợ mất món tiền lớn đã vờ ngon ngọt, hứa gả Kiều cho người tử tế sau khi nàng lành bệnh nhưng lại âm thầm cấu kết với Sở Khanh ép Kiều ra tiếp khách. Kiều được Thúc Sinh cứu và cưới làm vợ lẽ nhưng lại bị Hoạn Thư đánh ghen, nàng đã trầm mình trên sông Tiền Đường nhưng được sư bà Giác Duyên cứu. Thế nhưng sư bà Giác Duyên đã gửi gắm Kiều vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh - những kẻ buôn người, Kiều rơi vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây nàng đã gặp Từ Hải - người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, đã cứu Kiều khỏi lầu xanh, giúp nàng báo ân báo oán và có cuộc sống hạnh phúc ngắn ngủi. Từ Hải vì nghe lời Kiều mà ra đầu hàng Hồ Tôn Hiến để rồi bị chết đứng. Kiều phải ra hầu đàn, hầu rượu cho kẻ thù giết chồng bị ép gả cho một viên quan quèn. Quá uất ức, nàng đã trẫm mình trên sông nhưng lại được sư bà Giác Duyên cứu. Kim Trọng sau khi chịu tang chú trở lại biết chuyện, nên duyên với Vân nhưng vẫn đi tìm Kiều. Cuối cùng tìm được Kiều nhưng Kiều tủi nhục, xấu hổ vì không xứng đáng với Kim. Hai người đã chấp nhận “Đem tình cầm sắt đổi sang cầm kì”

Truyện Kiều của Nguyễn Du sở dĩ trở thành kiệt tác bởi những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mà nó mang đến cho nền văn học Trung Đại Việt Nam. Trước hết, Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh sinh động về một xã hội phong kiến thối nát - nơi mà sức mạnh của đồng tiền có thể mua được tất cả: công lý, đạo đức, số phận của một con người. Xuyên suốt cả tác phẩm, ta như thấy được một thế lực đen tối của các ác trong xã hội đương thời không ngừng vùi dập, dìm sâu những khao khát rất đỗi nhân văn của con người xuống tận đáy sâu của sự tuyệt vọng. Truyện Kiều chính là bản cáo trạng đanh thép tội ác của kẻ thống trị và sức mạng của đồng tiền.

Cũng ở đó, ta bắt gặp số phận của một người con gái tài sắc nhưng lại truân chuyên, lênh đênh, chìm nổi. Khao khát được sống, được yêu, được hạnh phúc và tấm lòng sắc son của Thúy Kiều luôn được Nguyễn Du nhắc tới với một sự trân trọng, nâng niu. Trong suốt 15 năm lưu lạc, chưa bao giờ Kiều thôi nhớ về Kim Trọng và khao khát được trở về nhà. Nhưng ngặt một nỗi món nợ hồng nhan cứ cuốn chặt lấy nàng, càng giãy dụa, Kiểu càng bị thít chặt hơn. Và chỉ khi trả hết món nợ ấy, Kiều mới được trở về. Bởi vậy, Nguyễn Du mới đau đáu về thân phận của con người, đặc biệt là những người phụ nữ tài sắc trong xã hội xưa:

“Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần”

Đọc hết truyện Kiều, người đọc càng thương cảm cho số phận Kiều bao nhiêu thì khát vọng về tình yêu tự do và ước mơ công lý được Nguyễn Du gửi gắm càng hiện rõ bấy nhiêu. Khao khát tình yêu tự do ấy được Nguyễn Du gửi gắm trong bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều trong đêm thề nguyền dưới trăng với Kim Trọng. Có người đã nhận xét, khi Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình để gặp Kim Trọng cũng là lúc nàng đạp đổ những định kiến của xã hội phong kiến, phá bỏ những rào cản, xiềng xích trói buộc người phụ nữ đến với hạnh phúc cuộc đời mình. Ước mơ về công lý ấy được Nguyễn Du gửi gắm trong phiên tòa báo ân báo án của Thúy Kiều với Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà....Như một câu chuyện cổ tích, Kiều được gặp gỡ Từ Hải và được chàng yêu thương. Có lẽ, quãng thời gian ngắn ngủi bên từ Hải là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong suốt 15 năm lênh đênh chìm nổi của Kiều. Và chắc hẳn, Nguyễn Du cũng nhận ra chính Từ Hải và chỉ có Từ Hải mới mang đến cho Kiều hạnh phúc trọn vẹn như nàng mong muốn mà thôi.

Truyện Kiều cũng là bức chân dung tinh thần tự họa của Nguyễn Du, với “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. Con người chan chứa tình yêu thương con người ấy đau cùng nỗi đau của nhân vật, khóc cũng nỗi tủi hờn, nhục nhã của nhân vật và cũng vui sướng khi đứa con tinh thần của mình được yêu thương, trân trọng.

Với truyện Kiều, Nguyễn Du đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật với hai tuyến nhân vật thiện - ác rõ ràng. Mỗi nhân vật đều mang chân dung riêng biệt và chỉ được phác họa qua vài nét chấm phá nhưng cũng đủ để khắc sâu vào lòng người đọc một cô Kiều thông minh, sắc sảo, đa sầu đa cảm; một nàng Vân hiền lành, phúc hậu; một Kim Trọng thư sinh, một Mã Giám Sinh tục tằn, một Sở Khanh đểu giả, một Hoạn Thư ghê gớm, một Từ Hải oai hùng....tất cả nhân vật hiện lên như một mảnh ghép hoàn hảo hoàn thiện bức tranh hiện thực đương thời. Nguyễn Du đã lựa chọn lối kể chuyện mới mẻ: kể chuyện bằng thơ lục bát. Thơ lục bát vốn dĩ giàu âm điệu, thanh sắc là sự lựa chọn đúng đắn trong việc thể hiện nội tâm nhạy cảm, đa màu sắc, biến đổi tinh tế của nhân vật. Với truyện Kiều, ngôn ngữ tiếng Việt của ta đã khẳng định được vị thế trước chữ Hand và chứ Nôm bởi mức độ biểu đạt tinh tế, sâu sắc của mình. Truyện Kiều còn thành công trong việc sử dụng điển tích, điển cố, miêu tả tâm lý nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm đắt giá.

Truyện Kiều có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của con người Việt Nam. Từ đó, lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... đã phát sinh trong cộng đồng người Việt. Bên cạnh đó, một số nhân vật trong truyện cũng trở thành nhân vật điển hình, Sở Khanh (chỉ những người đàn ông phụ tình), Tú bà: (chỉ những người dùng phụ nữ để mại dâm, và thu lợi về mình), Hoạn thư (chỉ những người phụ nữ có máu ghen thái quá), v.v....

Ngoài ra, Truyện Kiều còn là đề tài cho các loại hình khác, như âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, thư pháp,vân vân. Hiện nay, Truyện Kiều đang được giảng dạy trong môn Ngữ văn lớp 9 và lớp 10 với các đoạn trích được đặt tên như Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã giám sinh mua Kiều, Kiều báo ân báo oán...

Không chỉ có ảnh hưởng ở Việt Nam, truyện Kiều còn chinh phục được cả bạn bè quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau. Và gần như mỗi năm, truyện Kiều đều được tái bản. Từ năm 1975 đến nay cứ cách khoảng 10 năm lại có một bản Truyện Kiều được dịch sang tiếng Nhật. Truyện Kiều cũng là cuốn sách duy nhất trên thế giới có thể đọc ngược từ cuối đến đầu để câu chuyện về nàng Kiều diễn ra theo chiều thời gian ngược lại, như đang xem một cuốn phim tua ngược chiều (đúng với nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du).

Đọc truyện Kiều của Nguyễn Du ta không chỉ thấy lênh đênh, chìm nổi một cuộc đời của một người phụ nữ tài hoa mà ta còn thấy ở đó một trái tim, một con người với tầm nhìn vượt xa thời đại lúc bấy giờ.

Bài mẫu 2: Thuyết minh một tác phẩm văn học - Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm cần thuyết minh - Truyện Kiều của Nguyễn Du

2. Thân bài:

  • Bình Ngô đại cáo là thông báo bằng văn bản và được viết theo bằng văn biền ngẫu, theo thể cáo – thường dùng để thông báo sự kiện quan trọng của quốc gia, dân tộc.
  • Nhan đề cho thấy đây là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô
  • Mở đầu Bình Ngô đại cáo, tác giả Nguyễn Trãi đã nêu nguyên lí chính nghĩa làm chỗ dựa, làm nền tảng xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo.
  • Ở phần 2 – cảm hứng căm thù giặc xâm lược, Nguyễn Trãi đã thể hiện lòng uất hận sục sôi
  • Ở phần 3, với nguồn cảm hứng dồi dào, phong phú, Nguyễn Trãi đã khắc họa lại quá trình gian nan, vất vả của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
  • Và ở phần 4 – phần kết thúc, Nguyễn Trãi đã không giấu được niềm vui chung của dân tộc, thay lời Lê Lợi trịnh trọng tuyên bố nền độc lập lâu dài:

3. Kết bài: 

  • “Bình Ngô đại cáo” từ khi ra đời đã được xem làm một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc.
  • Nguyễn Trãi – nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi thời, nhà thơ, nhà văn xuất sắc sẽ mãi mãi được khắc ghi 

Bài làm

Nguyễn Trãi là một tác gia lớn của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Nhưng dường văn chương của ông dường như cũng chịu chung số phận như con người – phải trải qua bao phen thăng trầm chìm nổi. Trong đó, “Bình Ngô đại cáo” - viết sau đại thắng năm 1427, là bản tổng kết xuất sắc quá trình kháng chiến mười năm, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước bảo vệ độc lập, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, còn đặc biệt nêu cao “chí nhân, đại nghĩa” như một giá trị văn hóa ngời sáng của dân tộc Đại Việt. Với bút lực hào hùng và lời văn truyền cảm mạnh mẽ, tác phẩm đã trở thành một áng “thiên cổ hùng văn”.

Bình Ngô đại cáo là thông báo bằng văn bản và được viết theo bằng văn biền ngẫu, theo thể cáo – thường dùng để thông báo sự kiện quan trọng của quốc gia, dân tộc. Nguyên tác được viết bằng chữ Hán, và được các học giả như Ngô Tất Tố, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim dịch sang tiếng Việt ngày nay. Tác phẩm có giữ một vị trí quan trọng về phương diện lịch sử lẫn phương diện văn học. Ức Trai đã thừa lệnh Lê Lợi viết tác phẩm vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải kí hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập, hòa bình.

Nhan đề cho thấy đây là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô -một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược. Bài cáo có bố cục chặt chẽ mạch lạc, khắc họa, lên án, tố cáo tội ác của giặc và khẳng định chủ quyền dân tộc. Chính vì vậy, bài cáo xoay quanh các cảm hứng chính sau đây: cảm hứng về chính nghĩa (nhận thức sâu sắc về nguyên lí chính nghĩa và thái độ khẳng định sức mạnh của nguyên lí đó); cảm hứng căm thù giặc xâm lược; cảm hứng về cuộc khời nghĩa Lam Sơn, về tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân Đại Việt; cảm hứng độc lập dân tộc và tương lai đất nước. Với bốn cảm hứng đó, bài cáo thường được chia thành bốn phần tương đương. Phần 1 là nêu luận đề chính nghĩa (Từ đầu đến “chứng cớ còn ghi”). Phần 2 là lên tiếng tố cáo tội ác, vạch trần âm mưu xâm lược Đại Việt với cớ phù Trần diệt Hồ của giặc (tiếp theo phần 1 cho đến “Ai bảo thần dân chịu được”). Phần 3 là quá trình kháng chiến và sự thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn (tiếp theo phần 2 đến “cũng là chưa thấy xưa nay”). Phần còn lại - phần 4 là phần nêu ra bài học lịch sử và sự khẳng định chính nghĩa sẽ thắng thế lực phi nghĩa, bất nhân. 

Mở đầu Bình Ngô đại cáo, tác giả Nguyễn Trãi đã nêu nguyên lí chính nghĩa làm chỗ dựa, làm nền tảng xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Tiếp thu từ tinh thần Nho giáo cùng với sự phát triển nội dung nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã nêu ra một luận đề có tính dân tộc: 

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điểu phạt trước lo trừ bạo”

Với Nguyễn Trãi, việc trước hết là “trừ bạo” để nhân dân có được một cuộc sống yên ổn, ấm no, hạnh phúc. Ông cho rằng nếu muốn trị vì thiên hạ thì việc phải nghĩ đến đầu tiên chính là “nhân nghĩa”.  Dân tộc ta chiến đấu chống xâm lược là nhân nghĩa, là phù hợp với nguyên lí chính nghĩa. Sau đó, tác giả nêu lên chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập của nước Đại Việt, sự tồn tại đó như có cơ sở chắc chắn từ tháng ngày lịch sử:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác”

Ở phần 2 – cảm hứng căm thù giặc xâm lược, Nguyễn Trãi đã thể hiện lòng uất hận sục sôi, viết nên một bản cáo trạng đanh thép với một trình tự tư duy logic: vạch trần âm mưu xâm lược, lên án chủ trương cai trị thâm độc, tố cáo mạnh mẽ những hành động tội ác. Qua việc phân tích luận điệu bịp bợm “phù Trần diệt Hồ”, tác giả đi sâu những việc làm phi nhân, diệt chủng:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”

Tội ác của chúng được ghi lại bằng cái vô cùng, vô hạn:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi”

Ở phần 3, với nguồn cảm hứng dồi dào, phong phú, Nguyễn Trãi đã khắc họa lại quá trình gian nan, vất vả của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chính những gian khổ ngày đầu đã dẫn đến thắng lợi vẻ vang về sau. Cảm hứng anh hùng ca bao trùm toàn bộ đoạn trích. Những chiến công thần tích được miêu tả một cách dồn dập. Nhạc điệt trong câu sảng khoái, hào hùng như sóng triều dâng:

“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn

Voi uống nước, nước sông cũng phải cạn.

Đánh một trận, sạch không kình ngạc

Đánh hai trận, tan tác chim muông”

Và ở phần 4 – phần kết thúc, Nguyễn Trãi đã không giấu được niềm vui chung của dân tộc, thay lời Lê Lợi trịnh trọng tuyên bố nền độc lập lâu dài:

“Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới

Kiền khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh”

Từ đó, ta thấy được viễn cảnh huy hoàng, tươi sáng của non sông xã tắc. Hiện thực hôm nay chính là nhờ những ngày tháng đau thương của quá khứ “Muôn thuở thái bình vững chắc”. Lời kết thúc “Xa gần bá cáo/ Ai nấy đều hay” đã sẻ chia sự vui mừng, niềm tự hào và niềm tin về ngày mai, về tương lai đất nước. 

Bài cáo đã thể hiện thành công những đặc sắc về thể loại. Bên cạnh đó, giọng điệu thay đổi linh hoạt trong mỗi phần, khi cao tràn uất hận, khi hào hùng dữ dội, khi cuồn cuộn như sóng triều dâng trên đề tài lịch sử - văn học đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Sự am hiểu hơn người của Nguyễn Trãi về lịch sử, về điển cố, điển tích đã mang lại tính thuyết phục, hấp dẫn hơn cho tác phẩm. 

“Bình Ngô đại cáo” từ khi ra đời đã được xem làm một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, vừa tố cáo tội ác của giặc Minh vừa khẳng định được độc lập chủ quyền dân tộc. Đã qua bao thăng trầm biến đổi nhưng giá trị của “Bình Ngô đại cáo”  vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay và Nguyễn Trãi – nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi thời, nhà thơ, nhà văn xuất sắc sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lòng mỗi người con nước Việt.

Bài mẫu 3: Thuyết minh một tác phẩm văn học - Lặng lẽ Sa pa của Nguyễn Thành Long

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm sẽ thuyết minh - Lặng lẽ Sa pa của tác giả Nguyễn Thành Long

2. Thân bài:

  • Tác giả:
    • Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên viết về tiểu thuyết và truyện ngắn từ thời kháng chiến chống Pháp.
    • Văn ông đậm đà chất thơ, giàu ý vị nhẹ nhàng, tình cảm
    • Lặng lẽ Sapa là kết quả của chuyến đi Lào Cai thực tế của tác giả vào năm 1970, nó được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972).
  • Tác phẩm:
    • Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của anh thanh niên, ông họa sĩ, cô kĩ sư và bác lái xe
    • Ông họa sĩ và cô kĩ sư lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên 
    • Anh bộc bạch về công việc và cuộc sống của mình.
    • Họa sĩ đã kịp ghi lại kí họa chân dung về anh.
    • Anh đã làm cô kĩ sư và ông họa sĩ sống dậy những khát vọng cống hiến.
    • Họ đã chia tay trong tình cảm lưu luyến, xúc động.
  • Giá trị nội dung:
    • Truyện ngắn khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động thầm lặng công hiến cho đời
    • Ngợi ca vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng nhưng quan trọng vô cùng.
  • Giá trị nghệ thuật:
    • Xây dựng tình huống thành công
    • Miêu tả nhân vật kết hợp với tự sự và biểu cảm

III. Kết bài:

  • “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và giàu cảm xúc
  • Xứng đáng là một tác phẩm mà mỗi chúng ta nên đọc và cảm nhận

Bài làm

Mỗi lĩnh vực trong đời sống đều mang đến cho con người nguồn cảm hứng và những cảm xúc khác nhau. Văn học cũng vậy, nó là lĩnh vực mà khi tiếp cận, con người có thể sống cùng, vui cùng, khóc cùng nhân vật, cảm thụ được những tư tưởng đạo lý mà người nghệ sĩ gửi gắm. Với tôi, có lẽ trong suốt hành trình văn học mà tôi đã trải qua, tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Thành Long, ông là một cây bút chuyên viết về tiểu thuyết và truyện ngắn từ thời kháng chiến chống Pháp. Từng trang văn của Nguyễn Thành Long đều đậm đà chất thơ, giàu ý vị nhẹ nhàng, tình cảm, khiến người đọc như bước vào một thế giới tinh mơ, thanh thảo, bên cạnh đó cũng giàu chất triết lý sâu xa trong từng câu từ. Và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” cũng là một trong số đó.

Tác phẩm là kết quả của chuyến đi Lào Cai thực tế của tác giả vào năm 1970, nó được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972). Với tác phẩm này, nhà văn đã làm nổi bật lên đề tài về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Từ đó, ca ngợi những con người sống và làm việc thầm lặng, cống hiến cho đất nước cho cuộc sống.

Truyện mở đầu bằng hoàn cảnh của chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai với ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ. Ông họa sĩ và cô kĩ sư đã được bác lái xe đã giới thiệu về anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Cuộc gặp gỡ tuy chóng vánh, anh thanh niên đã để lại biết bao ấn tượng cho mọi người. Anh tặng hoa cho cô kĩ sư, pha trà và trò chuyện với họ về cuộc sống và công việc của mình, như sở thích nuôi gà, trồng hoa, làm bạn với công việc. Đặc biệt, khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh thanh niên, anh đã từ chối và giới thiệu với ông những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn. Khi chia tay, ông họa sĩ hứa sẽ quay trở lại còn cô kĩ sư thì thấy xúc động. Người thanh niên đã làm rung động trái tim của những vị khách mới quen.

Truyện được chia làm ba đoạn, với ba sự kiện: Đoạn 1 là việc bác lái xe giới thiệu về anh thanh niên qua lời kể của mình, đoạn 2 là cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư, và đoạn 3 là cuộc chia tay đầy ấn tượng. Song sóng với đó, người đọc có thể cảm nhận được nét vẽ chấm phá rõ nét về cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa và vẻ đẹp con người Sa Pa.

Thiên nhiên Sa Pa đẹp dịu dàng, giàu chất thơ ấm áp với nắng, con đèo, cây hoa tử kinh, rừng, ấy bị nắng xua, các vòm lá ướt sương, “rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.”

Chỉ với một vài nét vẽ cơ bản, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp thơ mộng, thanh thảo, bằng ngôn ngữ trong sáng, đường nét như “mạ bạc”, “nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”, “cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương”. Bức tranh ấy như gợi mở phần nào về con người nơi đây.

 Vẻ đẹp con người nơi núi rừng Sa Pa không phải là những vị thần trong truyền thuyết, cũng không phải những người anh hùng lẫy lừng vang danh sử sách muôn đời, họ là những con người âm thầm làm việc, ngày qua ngày. Đó là anh thanh niên mà qua lời kể của bác lái xe là người “cô độc nhất thế gian”, rất “thèm người”, làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm làm bạn với mây mù và cây cỏ, trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Trong ấn tượng của bác hoạ sĩ, đó là người mà “Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”. Người thanh niên ấy có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc cao, tự tìm thấy niềm vui trong công việc của mình; có sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách đáng quý khi tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe, vui sướng khi có khách đến chơi nhà. Và ở anh là sự khiêm tốn và một nếp sống ngăn nắp gọn gàng mà anh tự tạo ra với những thói quen đọc sách, trồng hoa, nuôi gà, ... Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, và chỉ bằng những nét vẽ đơn giản, nhà văn đã khắc hoạ lên một con người giàu ý chí, tinh thần cống hiến, yêu đời, yêu cuộc sống.

Ngoài ra còn có những nhân vật như ông hoạ sĩ, cô kỹ sư, bác lái xe, ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Họ là những nhân vật đã góp phần đem đến những gam màu sắc đa dạng cho câu chuyện.

Truyện đã khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng trong cuộc sống, Cốt truyện đơn giản, nhân vật được xây dựng qua điểm nhìn của nhân vật khác là một yếu tố đặc sắc của tác phẩm. Qua truyện này, bài học về tinh thần hi sinh, cống hiến cho cuộc sống, cho cuộc đời đã được nhà văn gửi gắm đến người đọc.

“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và giàu cảm xúc. Nó xứng đáng là một tác phẩm mà mỗi chúng ta nên đọc và cảm nhận một lần trong cuộc sống.

Xem thêm các bài Văn mẫu 10, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu 10 được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 10 giúp bạn học tốt hơn.

Bài viết số 1

Bài viết số 2

Bài viết số 3

Bài viết số 4

Bài viết số 5

Bài viết số 6

Bài viết số 7

Đề văn tham khảo

Đề văn kể chuyện, tượng tưởng

Đề văn thuyết minh

Đề văn nêu cảm nghĩ

Lớp 10 | Để học tốt Lớp 10 | Giải bài tập Lớp 10

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 10, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 10 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 10 - Kết nối tri thức

Giải sách giáo khoa

Giải sách bài tập