2. Cùng người thân tìm hiểu về đồ dùng, trang phục... của các dân tộc trên đất nước ta
Bài Làm:
Một số đặc điểm về trang phục truyền thống của một số dân tộc Việt Nam:
- Trang phục truyền thống dân tộc Thái: gồm váy dài, suông, phần chân váy được thêu họa tiết thổ cẩm cầu kì. Các họa tiết được ưa chuộng là hình Mặt Trời, hoa lá, rồng,... Áo may khéo léo ôm sát cơ thể. Đi kèm váy áo là thắt lưng và khăn Piêu cùng một vài trang sức bằng bạc.
- Trang phục truyền thống dân tộc H'Mông hết sức cầu kì và sặc sỡ, thường làm bằng vải lanh với nhiều màu sắc nổi bật cùng hoa văn đa dạng, cầu kì. Một bộ trang phục hoàn chỉnh thường gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, xà cạp và mũ đội đầu. Nữ phục H'Mông rất đẹp và nổi bật, họ thường đính kèm các đồng xu, chuỗi hạt trên trang phục để tăng tính thẩm mỹ.
- Trang phục truyền thống dân tộc Mường là áo pắn (áo ngắn) là loại áo cánh khá ngắn, xẻ ngực, ở nhóm Mường Thanh Hóa thì áo được thiết kế chui đầu, khá ngắn. Váy dài thường màu đen hay màu nâu nhạt, có cạp cao, ôm lấy thân trên. Đầu váy và cạp váy được dệt thổ cẩm cầu kì. Phụ nữ Mường thường đội khăn trắng hoặc xanh, thắt lưng màu xanh lá.
- Trang phục truyền thống dân tộc Chăm: gồm áo dài may kín, không xẻ tà, phần dưới được may vừa bước chân của người phụ nữ sao cho bước đi vừa phải, duyên dáng; váy đi kèm với áo thường cùng màu áo chỉ khác nhau độ đậm nhạt. Điểm nhấn trên bộ trang phục chính là thắt lưng được buộc chéo qua ngực và vòng quanh eo, chúng được thiết kế nổi bật với tông vàng óng ánh, cùng họa tiết tỉ mỉ.
- Trang phục dân tộc Ba na: Gồm áo chui đầu và váy, váy là một tấm vải đen quấn quanh thân dưới. Họa tiết trên trang phục thường là hình đối xứng, lấy cảm hứng từ âm dương, trời đất, thiên nhiên,... Màu sắc trên trang phục thường là màu đen (tượng trưng cho đất), màu đỏ (máu và lửa), màu vàng (ánh sáng Mặt Trời)....