Câu 2: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học "Hầu trời"?
Bài Làm:
A. Ngắn gọn những nội dung chính
1. Giới thiệu chung
- Tác giả: Tản Đà (1889 -1939) tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội). Bút danh Tản Đà được ghép từ núi Tản sông Đà quê hương ông.
- Tác phẩm: Bài thơ được in trong tập “Còn chơi” xuất bản năm 1921.
2. Phân tích văn bản
a. Kể về lý do, thời điểm lên hầu Trời
- 4 dòng thơ đầu
- Kể về 1 giấc mơ được lên tiên, lúc tỉnh mộng hãy còn bàng hoàng, mộng mà như tỉnh, hư mà như thực.
- Tài hư cấu nghệ thuật độc đáo, sáng tạo gợi trí tò mò và sức hấp dẫn đặc biệt.
- 6 khổ thơ tiếp (chữ nhỏ)
- Tản Đà ngâm văn 1 mình trong đêm trăng, tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà khiến trời mất ngủ sai các tiên nữ mời thi sĩ lên đọc văn. Cái duyên được hầu trời của Tản Đà gắn liền với văn thơ, với ý thức cao về giọng ngâm văn tốt của mình, khao khát người tri âm tri kỉ.
- Được lên tiên là ước mơ từ lâu của thi sĩ, thể hiện cái ngông rất Tản Đà.
b. Kể về cuộc đọc văn cho Trời và tiên nghe:
- Cảnh tiên giới:
- Cửa sơn đỏ chói, ghế bành như tuyết ...đẹp, trang nghiêm;
- Tiên ngồi im lặng, không khí trang nghiêm phù hợp với việc đọc văn, tạo hưng phấn cho thi sĩ.
- Buổi đọc thơ:
- Thi sĩ cao hứng và có phần tự đắc: “đắc ý đọc đã thích” “văn dài hơi tốt ran cung mây”; Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay”.
- Trời và chư tiên xúc động, tán thưởng, hâm mộ “nức nở, lè lưỡi, chau mày , lắng tai đứng, vỗ tay” ...
- Trời khen hết lời: văn thật tuyệt, lời văn đẹp như sao băng, khí văn hùng như mây chuyển, êm như gió thoảng ...
- Cá tính và tâm hồn thi sĩ:
- Rất có ý thức về tài năng của mình: sự sốt sắng, đắc ý của tác giả – xưng tên họ. Tự hào, sự khẳng định tài năng. Trước Tản Đà chưa ai nói trắng ra 1 cách đầy đủ cái hay, cái tuyệt của văn mình.
- Táo bạo, đàng hoàng bộc lộ “cái tôi”- “cái tôi” rất cá thể.
- Rất ngông: Cá tính độc đáo, khác đời.
- Càng ngông hơn khi tìm đến tận trời để khẳng định tài năng, đồng thời thể hiện 1 thực tế: ở hạ giới văn chương rẻ như bèo, nhà văn bị khinh bỉ, phải tìm tri kỉ ở tận trời cao.
- Giọng kể của tác giả: đa dạng, hóm hỉnh có phần ngông nghênh, tự đắc.
c. Trần tình với Trời về tình cảnh khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn:
- Cách xưng danh: tách tên họ, nói rõ bản quán, quốc tịch thể hiện bản sắc, dấu ấn Tản Đà rất rõ, là sự khẳng định ý thức cá nhân, ý thức dân tộc của nhà thơ.
- Tự cho mình là người của cõi tiên được trời sai xuống trần truyền bá “thiên lương”, khơi dậy cái thiện của con người. Tản Đà ý thức về trách nhiệm với đời và khao khát được gánh vác việc đời, lãng mạn nhưng không hoàn toàn thoát li cuộc đời.
- Bức tranh chân thực, cảm động về cuộc đời Tản Đà và những văn sĩ: cơ cực, tủi hổ “nghèo khó, thước đất không có, văn rẻ như bèo ...” một cách chua xót, bi hài. Văn chương là nghề kiếm sống mới, có kẻ bán, người mua, có thị trường tiêu thụ nhưng văn rẻ như bèo. Mâu thuẫn lý tưởng và thực tại.
d. Cuộc chia tay với trời và chư tiên:
- Tan mộng, bị ném về thực tại, tiếc nuối, ngậm ngùi, 1 nỗi buồn man mác. Tản Đà – 1 hồn thơ lãng mạn, mang nặng cái sầu, mộng, ngông, bất hòa với hiện thực tù túng, ngột ngạt khiến họ u uất, bất đắc chí, thoát li hiện thực bằng mộng tưởng. Bất hòa với xã hội càng sâu sắc thì giấc mộng thoát li càng đắm say, càng ngông tạo nên một bi kịch.
B. Phân tích chi tiết nội dung bài học
1. Tóm tắt nội dung và ý nghĩa nhan đề
a. Tóm tắt nội dung
Chuyện kể về nghệ sĩ Nguyễn Khắc Hiếu, tức Tản Đà lên hầu trời, đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe. Trời và chư tiên tấm tắc khen hay và hỏi chuyện. Tác giả đã đem những chi tiết thực về thơ và cuộc đời mình, đặc biệt là cảnh nghèo khổ của người sáng tác văn chương dưới hạ giới cho Trời nghe. Trời cảm động, thấu hiểu tình cảnh, nỗi lòng của người thi sĩ.
b. Nhan đề
Bài thơ có nhan đề mới nghe qua có vẻ lạ, nhưng nếu biết tác giả là thi sĩ Tản Đà thì ta có thể hiểu được vì sao lại có cái nhan đề Hầu Trời ấy. Qua nhan đề Hầu Trời, dường như tác giả muốn thể hiện khát vọng muốn khẳng định chính mình giữa cuộc đời, và thể hiện cái ngông của mình.
2. Phân tích chi tiết bài thơ
a. Diễn biến câu chuyện hầu Trời: được sắp xếp một cách rất logic
- Nằm một mình Ò buồn Ò đun nước uống Ò ngâm văn Ò đi lại chơi trăng. Tiên xuống Ò nêu lí do Ò đưa lên Trời. Được đón tiếp trọng vọng Ò được mời đọc thơ Ò chư tiên xúm vào ca ngợi, tán thưởng Ò Trời truyền hỏi danh tính.
- Kể tình cảnh và bày tỏ nỗi lòng Ò Trời đả thông tư tưởng Ò Trời sai đóng xe đưa về Ò lạy tạ ra về. Ò Chuyện như bịa đặt hoàn toàn mà như thật, lại rất vui, rất lạ và rất hóm hỉnh. Đó chính là nét mới trong nghệ thuật cấu tứ bài thơ dài của tác giả. Việc hư cấu nên cả một câu chuyện trong bài thơ này có ý nghĩa cách tân nhất định. Nó như muốn đưa thơ trữ tình dần thoát khỏi nhiệm vụ tỏ chí nghiêm trang, khắc khổ để tiện giãi bày cảm xúc phóng khoáng của con người cá nhân và xây dựng một quan hệ giao tiếp mới đối với độc giả thành thị khi đó.
b. Cách vào chuyện của tác giả
- Ai cũng biết câu chuyện lên thiên đình hầu Trời của tác giả là câu chuyện hoàn toàn hư cấu, không có thực. Nhưng ngay khổ thơ mở đầu, tác giả đã tạo ra cho người đọc thấy đây là một câu chuyện có thật với một nghệ thuật độc đáo. Câu thơ mở đầu tiên đã tạo ra một không khí nửa hư nửa thực để gây được ở người đọc một mối nghi vấn nhằm gợi trí tò mò: "Đêm qua chẳng biết có hay không". Chuyện có vẻ như mộng mơ, như bịa đặt, chẳng biết có hay không, nhưng dường như lại là thật, thật hoàn toàn bởi tác giả đã bồi đắp ba câu thơ bằng những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột, nhắc đi nhắc lại bốn lần chữ thật với nhịp thơ dồn dập ngăn cách bằng những dấu cảm thán như để củng cố thêm niềm tin:
"Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn ! Thật phách ! Thật thân thể !
Thật được lên tiên - sướng lạ lùng."
- Như vậy, ba câu thơ dường như muốn nói không còn điều gì phải nghi ngờ nữa. Cái bàng hoàng vì lạ lùng, đột ngột bị át đi bởi cái sướng lạ lùng vì được lên Trời, gặp tiên. Ò Cảm giác đó làm cho câu chuyện mà tác giả sẽ kể sẽ trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt, không ai có thể bỏ qua. Tác giả đã kết hợp kể và bình giá để tăng sự cuốn hút. Như vậy, cách vào chuyện thật độc đáo và có duyên, tạo được sự tò mò, chú ý cuốn hút người đọc về câu chuyện lên tiên của mình.
c. Cảnh đọc thơ
- Tâm trạng của thi sĩ trong cảnh đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe đã diễn ra khá sinh động pha chút hóm hỉnh thật thú vị qua lời kể của tác giả:
- Thi sĩ đọc rất nhiệt tình, cao hứng và có phần tự hào, tự đắc vì thơ văn của chính mình. Tác giả đã tưởng tượng cảnh chính mình đọc thơ cho những đối tượng đặc biệt (là Trời và chư tiên) nghe. Qua đó, tác giả đã vẽ lại chính tâm hồn và tư cách nghệ sĩ của chính mình trước bạn đọc. Nhà thơ chỉ cao hứng như thế khi gặp được người hiểu và thông cảm (là Trời) mà thôi. Ở hạ giới đâu dễ tìm được người tri âm như vậy!
- Tác giả có nhu cầu muốn đọc hết cho Trời và chư tiên nghe những tác phẩm văn chương - những đứa con tinh thần của mình. Bằng thủ pháp liệt kê, tác giả đã kể hết những tác phẩm văn chương của mình. Ở đây, Tản Đà rất ý thức về tài năng của mình và ông cũng là người táo bạo, dám đường hoàng bộc lộ bản ngã cái tôi của mình. Ông cũng rất ngông khi tìm đến tận Trời để khẳng định tài năng của mình trước Ngọc Hoàng và chư tiên. Đây cũng là niềm khao khát chân thành trong tâm hồn thi sĩ. Phải chăng, giữa chốn văn chương hạ giới rẻ như bèo, thân phận nhà văn bị rẻ rúng, khinh bỉ, ông không tìm được tri âm tri kỉ nên phải lên tận cõi tiên mới có thể thỏa nguyện.
- Thái độ của Trời và chư tiên
- Trời khen nhiệt tình và đánh giá rất cao thơ văn thi sĩ. Thái độ cảm xúc, tình cảm của Trời là vừa khâm phục, vừa thích thú, như hòa cùng dòng cảm xúc trong văn thơ của tác giả. Những câu thơ đó như đã cực tả niềm tự hào, tự nhận thức của nhà thơ về tài năng sáng tạo nghệ thuật của mình. Có lẽ, trước Tản Đà ít ai nói trắng ra cái hay, cái tuyệt của văn thơ mình như vậy, hơn nữa, lại nói trước mặt Trời (một ông Trời cũng khá bình dân). Ở đây, ý thức cá nhân ở nhà thơ đã phát triển rất cao và Tản Đà không hề vô lối khi tự khen mình, mà để cho Trời khen thì cũng là một hình thức tự khen, vì có ai kiểm chứng được lời nói của Trời đâu. Nhà thơ đã thấy được cái tài, cái giàu, lắm lối là phẩm hạnh đặc thù của văn thời mình, bên cạnh những phẩm hạnh mang tính chất truyền thống như nhời văn chuốt đẹp, khí văn hùng mạnh, êm, tinh,...
- Tình huống hầu Trời đã làm cho nhà thơ có một cơ hội tuyệt vời để phô bày một cách sảng khoái tài năng của bản thân. Ò Lời khen của Trời hẳn là sự thẩm định có sức thuyết phục nhất, không thể bác bỏ hay nghi ngờ. Đây đúng là một lối tự khẳng định rất ngông của vị trích tiên. Chư tiên nghe thơ rất xúc động, tán thưởng và hâm mộ (thể hiện qua thái độ của ngôi sao Tâm, Cơ, của Hằng Nga, Song Thành, Tiểu Ngọc; và đặc biệt là câu thơ thật hóm hỉnh của Tản Đà khi ông đề cao thơ của mình)
- Những phản ứng về mặt tâm lí của các nhân vật (sao Tâm, sao Cơ, Hằng Nga, Song Thành, Tiểu Ngọc) được đan xen vào nhau một cách linh hoạt làm cho buổi nghe thơ trở nên sôi nổi, hào hứng. Người đọc thơ hay mà tâm thế người nghe cũng cảm thấy hay. Điều này làm cho người đọc, người nghe bài thơ này có cảm tưởng mình đang tham gia thực sự vào câu chuyện. Trong phút đồng tâm cũng thấy đắc ý, sướng lạ lùng.
- Như vậy, Tản Đà muốn khẳng định giá trị văn chương của mình. Ông muốn văn chương của mình được nhiều người yêu thích, biết đến và trân trọng.
- Cách xưng danh của tác giả
- Tác giả đã tâu trình rõ ràng về họ tên, xuất xứ của mình cho Trời nghe. Việc xưng danh của Tản Đà đã diễn ra khá tự nhiên, phù hợp với mạch truyện và mang dấu ấn Tản Đà trong cung cách xưng danh vẫn thể hiện khá rõ. Tác giả đã tách tên, họ theo một kiểu công khai lí lịch rất hiện đại, lại còn nói rõ bản quán, quốc tịch, châu lục, tên của hành tinh,...
- Có một nụ cười hóm hỉnh ẩn đằng sau vẻ thật thà, thành khẩn trước đấng trí tôn, nhưng điều đáng nói hơn hết vẫn là ý thức cá nhân, ý thức dân tộc của nhà thơ. Một cái tên thật chứ không phải tự hay hiệu, được nói ra trịnh trọng đến vậy thì hẳn là nhà thơ phải thấy có một giá trị không thể phủ nhận gắn liền với nó.
- Hơn nữa, ông còn muốn Trời thấy được Nguyễn Khắc Hiếu chính là con người của Á châu, của xứ sở có một nền văn minh tinh thần cao quý, đáng tự hào. Tác giả còn kiêu hãnh khi khai mình là đứa con đích thực của sông Đà núi Tản nước Nam Việt. Đồng thời qua đó, tác giả đã ngầm cho biết lai lịch của bút hiệu Tản Đà - một điều đã từng được ông thể hiện trong nhiều bài thơ khác.
- Cách nói của nhà thơ không chỉ là cách nói của ý thức cá nhân, của cái ngông mà còn chứa đựng một thái độ tự tôn dân tộc, một tình cảm yêu nước đáng quý. - Những trường hợp xưng danh trong thơ thời văn học trung đại
d. Tình cảnh khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn và thực hành thiên lương ở hạ giới
- Tản Đà nói đến nhiệm vụ truyền bá thiên lương mà Trời giao cho. Điều đó đã chứng tỏ Tản Đà lãng mạn, nhưng không hoàn toàn thoát li cuộc đời. Ông vẫn ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm với đời và khao khát được gánh vác việc đời. Đó cũng là một cách để tự khẳng định chính mình trước cuộc đời
- Tản Đã đã phản ánh rất chân thực và cảm động về cuộc sống của mình cũng như tầng lớp văn nghệ sĩ đương thời. Tản Đà không chỉ muốn thoát li cuộc đời bằng những cuộc mơ ước lên trăng, lên tiên. Ông vẫn sống và viết cho đến chết giữa cuộc đời nghèo khổ. Những lời giãi bày chân thật với Trời về hoàn cảnh sống của ông dưới trần là hoàn toàn chân thực. Tản Đà vẫn muốn giúp đời, cứu người.
- Tất cả họ đều bị rơi vào cảnh nghèo khó, túng quẫn, sức khỏe yếu, sinh kế khó khăn, tuổi già mà vẫn chưa làm được gì cho đời. Tản Đà tài năng là thế, ý thức về trách nhiệm sâu sắc là thế, song xã hội thực dân nửa phong kiến đã cướp đi của ông tất cả: không tấc đất cắm dùi, thân phận bị rẻ rúng, bị o ép nhiều chiều,... Qua đó, nhà thơ còn lên án xã hội bất công đã đẩy họ vào những tình huống bi đát nhất.
- Trong bài thơ, Tản Đà không trực tiếp phát biểu quan niệm của mình về văn và nghề văn. Tuy vậy, ẩn sau câu chữ, ta vẫn thấy một sự hình dung khác trước về hoạt động tinh thần đặc biệt này. Dường như Tản Đà đã ý thức được sự cần thiết phải chuyên tâm với nghề văn, phải trường vốn để theo đuổi nó dài dài. Trong mắt Tản Đà, văn chương lúc này là một nghề kiếm sống mới, có người bán, kẻ mua, có thị trường tiêu thụ và bản thân thị trường cũng hết sức phức tạp, không dễ chiều
- Tản Đà cũng chớm nhận ra: đa dạng về thể loại là một đòi hỏi thiết yếu của hoạt động sáng tác và với những sáng tác mới thì tiêu chí đánh giá tất nhiên là phải khác xưa. Cuối cùng, Trời cũng thấu hiểu nỗi lòng của Tản Đà và đã có những lời an ủi, động viên thi sĩ. Lời thơ thể hiện tâm sự khao khát được đồng cảm của nhà thơ, đó cũng là bản lĩnh của Tản Đà trước hiện thực cuộc sống. Lời dặn của Trời: Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết ! như một lời khẳng định sự chấp nhận gian khổ và nghĩa vụ của người nghệ sĩ chân chính về con đường và sự nghiệp văn chương mà họ đã lựa chọn (trong đó có Tản Đà).
3. Tổng kết:
- Nội dung: Bài thơ là câu chuyện kể lên tiêm gặp trời của thi sĩ Tản Đà.
- Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, giọng điệu thoải mái, ngôn ngữ tự nhiên, giản dị sinh động.
- Ý nghĩa: Ý thức cá nhân, ý thức nghệ sĩ và quan niệm về nghề văn của Tản Đà.