Đề cương ôn tập Sinh học 7 chân trời sáng tạo học kì 2

Đề cương ôn tập môn Sinh học lớp 7 bộ sách kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức được của môn Sinh học 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các dạng bài khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

CHỦ ĐỀ 2: CẢM ỨNG Ở SINH VẬT VÀ TẬP TÍNH Ở ĐỘNG VẬT

1. Cảm ứng ở sinh vật

- Cảm ứng ở sinh vật là khả năng tiếp nhận kích thích và phản ứng lại các kích thích từ môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể. Cảm ứng là một đặc trưng cơ bản của cơ thể sống, giúp sinh vật tồn tại và phát triển.

- Cảm ứng là đặc trưng của cơ thể sống, giúp sinh vật thích nghi với môi trường để tồn tại và phát triển.

- Cảm ứng ở thực vật là khả năng tiếp nhận và phản ứng lại các kích thích từ môi trường thông qua vận động của các cơ quan. Các hình thức của cảm ứng ở thực vật bao gồm tính hướng sáng, tính hướng nước, tính hướng tiếp xúc, tính hướng hóa, ...

- Dựa vào khả năng cảm ứng của thực vật, người ta tác động làm thay đổi môi trường sống nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng.

2. Tập tính ở động vật

- Tập tính là một chuỗi các phản ứng của cơ thể động vật trả lời kích thích từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài cơ thể.

- Tập tính giúp cho động vật tồn tại và phát triển. Tập tính bao gồm: tập tính bẩm sinh và tập tính học được hình thành trong đời sống của cá thể động vật.

- Dựa vào những hiểu biết về tập tính ở động vật, người ta ứng dụng để tạo ra môi trường sống phù hợp nhằm nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng, đáp ứng các nhu cầu khác của con người.

- Trong học tập, người ta vận dụng tập tính để nâng cao kết quả học tập và hình thành những thói quen tốt, như: học cách ghi nhớ từ vựng, học thuộc bài; học thói quen dậy sớm tập thể dục, ngủ đúng giờ, ...; xoá bỏ những thói quen không tốt.

CHỦ ĐỀ 3: SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT

1. Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

- Sinh trưởng là sự tăng lên về kích thước và khối lượng cơ thể do tăng lên về số lượng và kích thước tế bào.

- Phát triển là những biến đổi của cơ thể sinh vật bao gồm ba quá trình liên quan mật thiết với nhau là sinh trưởng, phân hóa tế bào và phát sinh hình thái các cơ quan của cơ thể.

- Sinh trưởng và phát triển là hai quá trình trong cơ thể sống có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sinh trưởng tạo tiền đề cho phát triển. Phát triển sẽ thúc đẩy sinh trưởng.

Sinh trưởng và phát triển ở thực vật Sinh trưởng và phát triển ở động vật
Mô phân sinh là nhóm các tế bào có khả năng phân chia, giúp cho thực vật tăng trưởng về kích thước. Mô phân sinh đỉnh nằm ở vị trí đỉnh của thân và rễ, có chức năng làm gia tăng chiều dài của thân và rễ. Mô phân sinh bên phân bố theo hình trụ và hướng ra phía ngoài của thân, có chức năng làm tăng độ dày (đường kính) của thân, rễ, cành. Mỗi sinh vật trong quá trình sống đều trải qua các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau gọi là vòng đời. Vòng đời của sinh vật khác nhau tùy thuộc vào mỗi loài.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

- Quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật chịu ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài khác nhau như nhiệt độ, ánh sáng, nước, dinh dưỡng. Ngoài ra, các nhân tố khác như hormone, chất kích thích cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển ở sinh vật. Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố phụ thuộc vào mỗi loài sinh vật.

- Trong thực tiễn, người ta vận dụng sinh trưởng và phát triển để điều khiển vật nuôi, cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức khỏe con người. Ngoài ra, hiểu biết về vòng đời một số động vật gây hại giúp chúng ta có biện pháp diệt và phòng trừ hợp lí.

CHỦ ĐỀ 4: SINH SẢN Ở SINH VẬT

- Sinh sản ở sinh vật là quá trình tạo ra những cá thể mới, đảm bảo sự phát triển liên tục của loài.

1. Sinh sản vô tính sinh vật

- Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái, con sinh ra giống nhau và giống cơ thể mẹ.

- Sinh sản sinh dưỡng là hình thức sinh sản mà cơ thể mới được hình thành từ một bộ phận (rễ, thân, lá) của cơ thể mẹ.

- Một số hình thức sinh sản vô tính ở động vật như mọc chồi, phân mảnh (tái sinh).

- Sinh sản vô tính duy trì được một số đặc điểm tốt từ cơ thể mẹ và tạo ra số lượng lớn cá thể mới trong thời gian ngắn.

- Trong thực tiễn, con người ứng dụng các hình thức sinh sản vô tính như giâm cành, chiết cành, ghép cành/ ghép cây, nuôi cấy mô thực vật để tạo số lượng lớn cây giống trong thời gian ngắn.

2. Sinh sản hữu tính ở sinh vật

- Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái tạo thành hợp tử, hợp tử phát triển thành cơ thể mới.

Sinh sản hữu tính ở thực vật Sinh sản hữu tính ở động vật

- Hoa là cơ quan sinh sản hữu tính ở thực vật Hạt kín. Các bộ phận của hoa gồm: cuống hoa, đế hoa, lá đài (đài hoa), cánh hoa (tràng hoa), nhị hoa (cơ quan sinh sản đực), nhuỵ hoa (cơ quan sinh sản cái). Hoa có cả nhị và nhuỵ được gọi là hoa lưỡng tính; hoa chỉ có nhị hoặc nhuỵ gọi là hoa đơn tính.

- Thụ phấn là hiện tượng hạt phấn tiếp xúc lên đầu nhuỵ.

- Thụ tinh là sự kết hợp của giao tử đực với giao tử cái để tạo thành hợp tử.

- Quả do bầu nhuỵ phát triển thành, quả lớn lên được là do tế bào phân chia. Khi quả lớn lên và chuyển từ xanh đến chín, quả có độ cứng, màu sắc, hương vị đặc trưng.

- Quá trình sinh sản hữu tính ở động vật gồm ba giai đoạn: Hình thành giao tử đực (tinh trùng) và giao tử cái (trứng); thụ tinh tạo thành hợp tử; phát triển phôi và hình thành cơ thể mới.

- Hình thức sinh sản hữu tính ở động vật gồm có động vật đẻ trứng (một số loài bò sát, chim), động vật đẻ con (thú).

- Sinh sản hữu tính đã tạo ra những cá thể mới đa dạng, kết hợp được các đặc tính tốt của bố và mẹ. Vì vậy, chúng thích nghi hơn trước điều kiện môi trường luôn thay đổi.

- Ứng dụng sinh sản hữu tính trong thực tiễn nhằm tạo ra các giống vật nuôi và cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi tốt với điều kiện môi trường và đáp ứng nhu cầu của con người.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật

- Yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật bao gồm: các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, thức ăn, gió, ...; yếu tố bên trong cơ thể sinh vật như hormone, loài.

- Hormone là yếu tố điều hoà sinh sản ở sinh vật, cụ thể hormone điều hoà sự phát sinh giao tử đực và giao tử cái.

- Dựa vào một số yếu tố như hormone và yếu tố môi trường, con người đã chủ động điều khiển quá trình sinh sản của sinh vật nhằm đạt được mục đích về năng suất và chất lượng của vật nuôi, cây trồng.

- Vận dụng hiểu biết về sinh sản hữu tính trong thực tiễn:

  • Con người đã sử dụng một số loại hormone sinh sản và điều chỉnh yếu tố môi trường nhằm điều khiển sinh sản ở sinh vật sinh sản hữu tính.
  • Trong chăn nuôi, sử dụng một số biện pháp điều khiển sinh sản để được đàn vật nuôi theo ý muốn như: điều khiển số con, điều khiển giới tính, ...
  • Trong trồng trọt, sử dụng biện pháp thụ phấn nhân tạo nhằm tăng hiệu quả sinh sản (tạo nhiều quả).

CHỦ ĐỀ 5: CƠ THỂ SINH VẬT LÀ MỘT THỂ THỐNG NHẤT

- Tế bào vừa là đơn vị cấu trúc, vừa là đơn vị chức năng của cơ thể sống. Mọi hoạt động sống trong cơ thể sinh vật đều diễn ra trong tế bào, giúp cho cơ thể sinh trưởng, phát triển và thích nghi với môi trường ngoài.

- Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất thể hiện ở mối quan hệ giữa tế bào – cơ thể – môi trường và mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể.

Bài tập & Lời giải

B. CÁC DẠNG BÀI TẬP

CHỦ ĐỀ 2: CẢM ỨNG Ở SINH VẬT VÀ TẬP TÍNH Ở ĐỘNG VẬT

Dạng 1: Cảm ứng ở sinh vật

Bài tập 1: Cảm ứng ở sinh vật là gì? Vai trò của cảm ứng với sinh vật là gì? Cho một vài ví dụ về cảm ứng.

Bài tập 2: Quan sát các hiện tượng cảm ứng của một số sinh vật thường gặp và hoàn thành bảng sau:

Tên sinh vật

Kích thích

Hiện tượng cảm ứng

Bướm đêm

 

 

Chim sẻ

 

 

Cây hoa hướng dương

 

 

Cây đậu (rễ cây)

 

 

Bài tập 3: Các hiện tượng cảm ứng ở thực vật như ngọn cây hướng về phía ánh sáng (hướng sáng dương), rễ cây đâm sâu vào đất (hướng sáng âm) có vai trò gì đối với đời sống của thực vật?

Xem lời giải

Dạng 2: Tập tính ở động vật

Bài tập 1: Tập tính là gì? Hãy cho biết vai trò của tập tính ở động vật.

Bài tập 2: Tất cả các con ve sầu non (ấu trùng) sau khi nở sẽ chui xuống đất, khi trưởng thành sẽ chui ra và leo lên cây để lột xác. Đây là tập tính bẩm sinh hay học được của ve sầu? Giải thích.

Bài tập 3: Tập tính bảo vệ lãnh thổ của động vật có ý nghĩa gì đối với đời sống của chúng? Lấy ví dụ minh hoạ.

Xem lời giải

CHỦ ĐỀ 3: SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT

Dạng 1: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Bài tập 1: Hãy nêu khái niệm sinh trưởng phát triển ở sinh vật, cho ví dụ? Mối quan hệ giữa chúng là gì?

Bài tập 2: Khi tất cả các chồi đều bị ngắt bỏ, sự sinh trưởng của cây sẽ như thế nào?

Bài tập 3: Vận dụng kiến thức đã học, mô tả đặc điểm thể hiện các dấu hiệu sinh trưởng và phát triển ở người.

Xem lời giải

Dạng 2: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

Bài tập 1: Sinh trưởng và phát triển của sinh vật chịu ảnh hưởng của các nhân tố nào? Đâu các nhân tố bên ngoài/ bên trong ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thực vật?

Bài tập 2: Hãy giải thích tại sao khi cắt bỏ đỉnh ngọn thì cây lại có nhiều hoa đơn.

Bài tập 3: Tại sao vào những ngày mùa đông cần cho gia súc non ăn nhiều hơn để chúng có thể sinh trưởng và phát triển bình thường?

Xem lời giải

CHỦ ĐỀ 4: SINH SẢN Ở SINH VẬT

Dạng 1: Sinh sản vô tính sinh vật

Bài tập 1: Thế nào là sinh sản vô tính? Nêu các ưu thế (vai trò) của sinh sản vô tính?

Bài tập 2: Sinh sản vô tính ở thực vật và động vật có điểm gì giống nhau?

Bài tập 3: Trồng cây bằng cách chiết cành hay giâm cành có ưu điểm gì so với việc trồng cây bằng hạt?

Xem lời giải

Dạng 2: Sinh sản hữu tính ở sinh vật

Bài tập 1: Trình bày sinh sản hữu tính ở sinh vật. Quá trình sinh sản hữu tính diễn biến theo những giai đoạn nào?

Bài tập 2: Hãy chỉ ra điểm khác nhau giữa sinh sản hữu tính của chim bồ câu và thỏ.

Bài tập 3: Vụ trước, bà của An trồng giống lúa mới, bà thấy giống lúa này cho năng suất cao, nấu cơm dẻo và thơm, vụ này bà muốn tiếp tục trồng giống lúa đó nên bà đi mua lúa giống. An thắc mắc tại sao không lấy hạt lúa nhà mình vừa thu hoạch để trồng tiếp vụ này. Em hãy vận dụng những kiến thức đã học để giải thích cho An hiểu.

Xem lời giải

Dạng 3: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật

Bài tập 1: Kể tên một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.

Bài tập 2: Ở cóc, mùa sinh sản vào khoảng tháng 4 hằng năm. Sau sinh sản, khối lượng hai buồng trứng ở cóc giảm. Sau tháng 4, nếu nguồn dinh dưỡng dồi dào, khối lượng buồng trứng tăng, cóc có thể đẻ tiếp lứa thứ hai trong năm. Yếu tố môi trường nào đã ảnh hưởng đến sinh sản của loài cóc trên?

Bài tập 3: Tại sao người ta có thể điều chỉnh tỉ lệ đực : cái ở vật nuôi. Điều đó có ý nghĩa gì trong thực tiễn?

Xem lời giải

CHỦ ĐỀ 5: CƠ THỂ SINH VẬT LÀ MỘT THỂ THỐNG NHẤT

Bài tập 1: Nêu vai trò của tế bào trong cơ thể và mô tả mối quan hệ giữa tế bào và cơ thể.

Bài tập 2: Vẽ sơ đồ về mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể thực vật. Cho biết hoạt động sống nào là trung tâm chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các hoạt động sống còn lại?

Xem lời giải

Xem thêm các bài Đề cương ôn tập lớp 7 chân trời sáng tạo, hay khác:

Để học tốt Đề cương ôn tập lớp 7 chân trời sáng tạo, loạt bài giải bài tập Đề cương ôn tập lớp 7 chân trời sáng tạo đầy đủ kiến thức, lý thuyết và bài tập được biên soạn bám sát theo nội dung sách giáo khoa Lớp 7.

Lớp 7 | Để học tốt Lớp 7 | Giải bài tập Lớp 7

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 7, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.