Bài mẫu 4: Kể chuyện mà em biết về gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc bảo vệ thiếu nhi: Bà Tám cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi
Bài Làm:
Trẻ em sinh ra và lớn lên đều có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ. Đó không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ của của ông bà , bố mẹ mà còn là nghĩa vụ của những người xung quanh và xã hội. Câu chuyện sau đây, sẽ chứng minh điều đó cho các bạn thấy.
Thường ngày, đúng 6 giờ sáng bác Tám đều chạy bộ xung quanh hồ ở công viên gần nhà để thư thái đầu óc và vận động cơ thể được khỏe mạnh. Hôm thứ bảy vừa rồi cũng là một ngày như vậy, vừa chạy ra khỏi cổng tôi đã nghe tiếng bà Tám hét lớn:
- Bé Hân, hôm nay chạy một mình hả con, bố con đâu?
Tôi ngoảnh lại mỉm cười và nói:
- Dạ bố cháu tối qua phải trực khuya nên nay để bố ngủ thêm một lúc, cháu chạy một mình ạ!
- Vậy hai bà cháu mình chạy cùng cho vui đi, nay bà cũng chạy một mình, ông về quê tế họ từ tối qua rồi.
- Vâng ạ!
Vậy là hai bà cháu vừa chạy vừa nói chuyện phiếm. Đang chạy, bỗng bà dừng lại. Bà thấy có cái hộp đựng gì đấy có vẻ như nó mới động đậy.
Tiến lại gần bỗng có tiếng em bé khóc, làm tôi và bà giật mình. Đó là một em bé chừng một tháng tuổi đang nằm trong chiếc thùng xốp có lót tấm chăn ở dưới. Em bé cứ khóc liên hồi không chịu dứt.
Có mấy người đi qua thấy vậy cũng lại xem. Lúc đó bà Tám vừa dỗ em bé vừa hỏi:
- Có ai biết bố mẹ cháu là ai không? Sao lại để cháu bé ở đây không biết?
Từ phía sau có người lên tiếng:
- Hazzza, chắc lại bỏ nó đấy. Tôi thấy thời sự đưa tin mấy việc này liên tục trên ti vi. Toàn là bố mẹ để con ở cổng bệnh viện, rồi ở gốc cây, công viên đủ kiểu. Đúng la bọn thanh niên giờ ẩu quá, xem con cái như rác rưởi.
Một người khác lên tiếng:
- Đích thị là bé này bị bố mẹ nó bỏ rơi rồi, có thể mới bỏ nó vào thùng xốp như vậy chứ?
Nghe các cô, các bác khác nói có lí nên bà Tám quyết định mang bé lên công an Phường trình báo.
Sau khi làm biên bản giao em bé, bà Tám lại chạy vội về nhà và bảo tôi ngồi đó đợi bà một chút.
Một lúc sau bà hớt hải chạy đến trên tay có cầm một bình sữa. Hóa ra bà đã về nhà xin sữa cô con dâu vừa mới sinh để mang đến cho bé uống. Em bé uống sữa xong im hẳn không còn khóc nữa. Bà vừa nói chuyện với bé, bé cứ cười như biết bà đang nói chuyện với nó. Lúc này, nhìn em thật đáng yêu.
Chơi với bé và đợi đến lúc bé thiếp ngủ, bà tiến gần lại chú công an và nói:
- Nếu bây giờ, không tìm được bố mẹ của bé thì làm sao hả đồng chí?
Chú công an thở dài trả lời:
- Buộc chúng cháu phải gửi vào trại trẻ mồ côi thôi bác ạ. Nhưng nhìn bé còn nhỏ thế này, gửi vào đó cũng tội nghiệp.
- Vậy không còn cách nào khác nữa sao? Bà lại hỏi tiếp
- Không thì tìm cho bé một gia đình nhận con nuôi thôi ạ. Nhưng giờ việc bỏ rơi con cái diễn ra nhiều lắm ạ, nên chúng cháu cũng khó tìm được hết cho các bé.
Bỗng bà Tám hét lên:
- A.a.a.a. có rồi, tôi biết rồi, tôi sẽ tìm gia đình nhận nuôi cho cháu bé. Nhà tôi có hai đứa cháu hiếm con đang có nhu cầu tìm con nuôi, nếu nhìn được đứa bé kháu khỉnh như thế này làm con nuôi tụi nó mừng lắm.
- Vậy thì tốt quá rồi ạ. Chú công an vui vẻ trả lời.
Vậy là hôm đó, bà Tám đưa bé về nhà mình cho bé bú sữa cô con dâu để đợi hai đứa cháu đi công tác về lên nhận bé làm con nuôi. Trong thời gian đó, bà chăm sóc bé rất cẩn thận, chu đáo, còn mua nhiều đồ chơi và quần áo cho bé.
Đó là câu chuyện mà tôi đã giới thiệu ở đầu câu chuyện. Câu chuyện về bà Tám tốt bụng, đầy lòng thương yêu đối với mọi người và nhất là trẻ em. Qua câu chuyện tôi vừa được chứng kiến, tôi cảm thấy quý trọng bà hơn, cảm thấy vui khi có một người hàng xóm giàu lòng nhân ái như bà.