Đề bài: Dựa vào những câu chuyện cổ tích về dũng sĩ em đã học hoặc đã đọc, hãy miêu tả lại hình ảnh người dũng sĩ theo trí tưởng tượng của em
Bài Làm:
Những câu truyện cổ tích luôn để lại trong lòng biết bao thế hệ một niềm tin bất điệt về sự công bằng trong cuộc sống. Và một trong những nhân vật mà em ngưỡng mộ nhất chính là những người dũng sĩ như Thạch Sanh, một dũng sĩ tài ba và tốt bụng.
Chàng dũng sĩ Thạch Sanh trong câu chuyện cổ tích là một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh. Đầu chàng chít khăn, quanh năm ở trần, đóng khố. Nước da vì dãi dầu mưa nắng mà mang màu nâu bóng như đồng hun. Các cơ bắp ở chân, ở tay vì làm việc nặng mà trở nên cuồn cuộn, rắn chắc. Tấm lưng trần chắc nịch cùng khuôn ngực nở nang khiến cho vẻ đẹp của chàng trở thành vẻ đẹp điển hình, hoàn hảo của một người dũng sĩ. Bản thân Thạch Sanh là thái tử, con trai của Ngọc Hoàng được phái xuống trần làm việc nghĩa trừ hại cho dân. Cũng bởi thế mà chàng có sức khỏe hơn người. Gánh củi của Thạch Sanh lớn gấp mấy lần gánh củi của người khác.
Dũng sĩ Thạch Sanh là một chàng trai chăm chỉ, siêng năng. Chàng mồ côi từ nhỏ, nên sống lủi thủi một mình, kiếm củi nuôi thân. Chàng làm việc từ sáng tới tối, những vẫn không đủ ăn, nghèo vẫn hoàn nghèo. Không chỉ vậy, chàng còn là một con người thật thà, cả tin. Thạch Sanh hoàn toàn tin tưởng vào Lý Thông mà không hề nghĩ rằng mình đang bị lợi dung hay bị lừa. Với chàng, mọi lời nói của Lý Thông đều chân thật. Ngay cả việc chàng đã lập được công lớn nhưng theo lời Lý Thông đó là tội chết mà chàng không mảy may nghi ngờ. Khi được nhờ giúp đi cứu công chúa, Thạch Sanh cũng tin người anh em kết nghĩa mà bước vào chốn nguy hiểm. Năm Thạch Sanh chín tuổi, được Ngọc Hoàng phái các vị thần tiên trên trời xuống dạy cho đủ loại võ nghệ và mọi phép thần thông. Cũng chính nhờ thế mà chàng đã chiến thắng được hai con yêu quái là chằn tinh và đại bàng.
Trong cuộc chiến đấu với hai con yêu quái độc ác, chuyên gây hại cho dân, Thạch Sanh mới hiện lên đúng là một người dũng sĩ. Thạch Sanh đã đánh nhau với chằn tinh bằng cây rừu lúc nào cũng mang bên mình. Chàng xả xác nó làm hai, chém đứt đầu con yêu quái, đốt xác của nó rồi xách bộ cung tên về nhà. Với đại bàng cũng thế, Thạch Sanh đã dùng mũi tên bắn trúng cánh của nó, khiến nó bị thương và lần theo vết máu xuống tận hang ổ của nó, giết con đại bàng và cứu được công chúa và cả con trai vua Thủy Tề.
Những người đọc ngưỡng mộ chàng dũng sĩ này nhất, có lẽ bởi chính sự độ lượng và bao dung của chàng. Dù bị mẹ con Lý Thông lừa biết bao nhiêu lần, tìm cách đẩy chàng vào chỗ chết nhưng đến khi chàng có thể trả lại mẹ con họ những gì mà chàng đã phải chịu đựng thì Thạch Sanh đã tha cho mẹ con hắn về quê làm ăn. Sự nhân hậu trong tính cách cũng là lời khẳng định của tác giả dân gian về nhân vật dũng sĩ.
Thạch Sanh sẽ mai là hình ảnh của người dũng sĩ đẹp đẽ, tài hoa và nhân hậu trong trái tim của biết bao thế hệ người Việt Nam.