B. CÁC DẠNG BÀI TẬP
CHỦ ĐỀ: TỪ
Dạng 1: Nam châm
Bài tập 1: Nêu sự tương tác giữa hai nam châm? Nếu ta biết tên một cực của nam châm, có thể dùng nam châm này để biết tên cực của nam châm khác không?
Bài tập 2: Có một chiếc kim khâu rơi trên thảm khó nhìn được bằng mắt thường. Em hãy nêu một cách để nhanh chóng tìm ra chiếc kim đó?
Bài tập 3: Vì sao người ta lại chế tạo các đầu của vặn đinh ốc (tournevis) có từ tính?
Bài Làm:
Bài tập 1:
- Khi đặt hai nam châm gần nhau, hai từ cực khác tên hút nhau, hai từ cực cùng tên đẩy nhau.
- Nếu ta biết tên một cực của nam châm, có thể dùng nam châm này để biết tên cực của nam châm khác được.
Ví dụ: Ta biết cực Bắc của nam châm A thì nó sẽ hút được cực Nam của nam châm B cần xác định, tương tự với cực còn lại.
Bài tập 2: Cách tìm chiếc kim khâu bị rơi trên thảm: dùng một nam châm di chuyển qua lại trên thảm. Vì kim khâu làm bằng thép nên khi nam châm di chuyển qua, nó sẽ bị nam châm hút lại.
Bài tập 3: Người ta chế tạo các đầu của vặn đinh ốc có từ tính để dễ dàng thao tác với các ốc vít nhỏ, siêu nhỏ. Sau khi vặn lỏng các ốc vít này, chúng ta có thể trực tiếp dùng đầu của vặn đinh ốc để hút chúng ra.