III. VẬN DỤNG
Câu 1: Thông qua việc sưu tầm tài liệu lịch sử, em hãy kể cuộc kháng chiến chống quân nhà Lương của Triệu Quang Phục thay cho Lý Nam Đế.
Câu 2: Vì sao trong thế kỉ VIII nhân dân ta khởi nghĩa chống chế độ cai trị của nhà Đường?
Câu 3: Sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhà Hán đã có thay đổi gì về bộ máy cai trị so với trước? Nhận xét gì về sự thay đổi này?
Bài Làm:
Câu 1:
- Triệu Quang Phục là người kế tục sự nghiệp của Lý Nam Đế. Ông là người huyện Chu Diên, là con của Triệu Túc, một thủ lĩnh địa phương có lòng yêu nước không chịu khuất phục nhà Lương. Triệu Quang Phục nổi tiếng giỏi võ nghệ. Năm 545, Triệu Quang Phục được Lý Nam Đế trao quyền chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Lương, ông quyết định lui quân về vùng Dạ Trạch (Hưng Yên). Ông chọn Dạ Trạch làm căn cứ kháng chiến và phát triển lực lượng.
- Triệu Quang Phục đã bí mật đem quân đóng trên bãi nổi (giữa đầm Dạ Trạch): Ban ngày, nghĩa quân tắt hết khỏi lửa, im hơi lặng tiếng. Đêm đến, nghĩa quân chèo thuyền đánh úp trại giặc, cướp vũ khí, lương thực.
- Quân Lương tăng cường lực lượng bao vây Dạ Trạch và cố sức tấn công. Nghĩa quân anh dũng chống trả, tình thế giằng co kéo dài. Đến năm 550, nhà Lương có loạn, Trần Bá Tiên phải về nước. Chớp thời cơ đó, nghĩa quân phản công, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.
Câu 2:
Tại vì:
- Sau khi nhà Đường thay thế nhà Lương cai trị nước ta, nhà Đường thực hiện chính sách cai trị hà khắc:
+ Nhà Đường chia lại khu vực hành chính và đặt tên mới. 022 men nåb
+ Nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ và chia thành 12 châu.
+ Nhà Đường nắm quyền cai trị đến các huyện, chỉ còn hương, xã do người Việt tự quản.
- Nhà Đường thi hành chính sách thuế khóa và lao dịch nặng nề:
+ Bắt nhân dân ta đóng nhiều thứ thuế, cống nạp các thứ quý hiếm: vàng bạc, ngà voi, ngọc trai...
+ Bọn thống trị vơ vét đến cùng kiệt tài nguyên của nước ta, chúng bắt nhân dân cống nộp cả quả vải.
Tóm tắt các cuộc khởi nghĩa:
- Khởi nghĩa Mai Thúc Loan:
+ Năm 713, Mai Thúc Loan phát động cuộc khởi nghĩa và nhanh chóng làm chủ vùng đất Hoan Châu. Tại đây, ông cho xây thành Vạn An (Văn Diên, Nam Đàn, Nghệ An) và xưng là Mai Hắc Đế.
+ Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thu hút hàng chục vạn người ở khắp các vùng miền tham gia. Trên đà thắng lợi, nghĩa quân Mai Thúc Loan tiến ra Bắc, đánh và làm chủ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay).
+ Năm 722, nhà Đường đưa quân sang đàn áp, khởi nghĩa Mai Thúc Loan thất bại.
- Khởi nghĩa Phùng Hưng:
+ Tiếp sau cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, Phùng Hưng cùng em trai tập hợp quân khởi nghĩa. Nghĩa quân nhanh chóng làm chủ thành Tống Bình.
+ Sau khi chiếm được Tống Bình, sắp đặt việc cai trị thì Phùng Hưng qua đời. Con ông Phùng An lên nối nghiệp và tôn ông là “Bố Cái đại vương”.
+ Cuối thế kỉ VIII, nhà Đường đưa quân sang đàn áp, cuộc khởi nghĩa kết thúc.
Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan và Phùng Hưng là sự nối tiếp truyền thống đấu tranh kiên cường của người Việt. Mặc dù thất bại, các cuộc khởi nghĩa đó đã cổ vũ trực tiếp cho tinh thần đấu tranh giành độc lập hoàn toàn của người Việt đầu thế kỉ X.
Câu 3:
Những thay đổi về chính sách cai trị:
- Sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chính quyền đô hộ phương Bắc cai trị đến cấp huyện.
- Bộ máy cai trị đã có sự thay đổi khác trước:
+ Thời Triệu Đà, các Lạc tướng là người Việt vẫn nắm quyền cai trị dân ở các huyện
+ Đến thời nhà Hán, các Huyện lệnh là người Hán trực tiếp cai quản các huyện.
Nhận xét:
- Việc thay đổi, đưa người Hán trực tiếp cai quản các huyện thay cho người Việt, nhằm loại bỏ người Việt ra khỏi bộ máy cai trị để chúng dễ bề áp bức, bóc lột nhân dân ta.
- Đây cũng là mưu đồ trong việc thôn tính vĩnh viễn nước ta của nhà Hán, thực hiện chính sách đồng hoá, dần dần “Hán hoá” dân tộc ta.