Câu 1: (Trang 91 - SGK Ngữ văn 10) Bài 1 đây là lời đối đáp vui đùa của nam nữ thường thấy trong ca dao. Nó đem đến cho ta một tiếng cười mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Hãy đọc kĩ bài ca dao và cho biết:
- Việc dẫn cưới và thách cưới ở đây có gì khác thường? Cách nói của chàng trai và cô gái có gì đặc biệt? Từ đó, anh chị hãy nêu cảm nhận của mình về tiếng cười của người lao động trong cảnh nghèo.
- Bài ca dao có giọng điệu hài hước, dí dỏm, đáng yêu là nhờ yếu tố nghệ thuật nào?
Bài Làm:
- Việc hôn nhân là việc quan trọng của đời người, vì thế thường được chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận. Nhưng ở bài ca dao, việc dẫn cưới lại có nhiều nét khác thường:
- Lời của chàng trai: Tuy nghèo khó, nhưng vì coi trọng lễ cưới, yêu quý người bạn trăm năm, nên chàng trai đã nói lên những dự định rất sang trọng trong lễ cưới rồi tìm cớ rất hợp lý để gạt bỏ dự định đó. Qua cách nói này, chàng trai thể hiện được nỗi lòng của mình rất coi trọng ngày cưới nhưng cũng vì hoàn cảnh mà không được như ý nguyện, từ đó nhận được sự cảm thông, sẻ chia và tiếng cười đến từ hình thức nói quá đầy ý nhị của chàng:
Muốn dẫn voi ==> sợ quốc cấm
Muốn dẫn trâu==> sợ họ máu hàn
Muốn dẫn bò ==> sợ họ nhà nàng co gân.
- Lời đối đáp của cô gái: Trước dự định dẫn cưới của chàng trai, cô gái vẫn cảm thấy hài lòng
Chàng dẫn thế, em thấy làm sang
Một con chuột béo đối với cô là đã sang rồi.
Và trong việc thách cưới, cô gái cũng không đòi hỏi gì nhiều:
Người ta thách lợn thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
Qua đó, ta thấy được nét đẹp trong tâm hồn cô gái: Không chỉ chấp nhận, cô còn lấy làm sang cho dù vật dẫn cưới chỉ là một con chuột béo! Cùng cảnh nghèo như nhau, cô dễ dàng thông cảm và sẵn sàng chấp nhận. Nhưng còn cao đẹp hơn là lời thách cưới của cô: Nhà em thách cưới một nhà khoai lang. Không chỉ là lời thách cưới vô tư, thanh thản mà còn là một tâm hồn lạc quan yêu đời, một triết lí trong cuộc sống của người lao động - không mặc cảm mà còn tìm thấy niềm vui trong cảnh nghèo và nhất là luôn giữ được cuộc sống thanh cao của mình.
Lời thách cưới thật đáng yêu, đáng trân trọng, cho dù nó chỉ là lời đùa cợt trong chặng hát cưới của dân ca. Cho thấy cuộc sống của người dân lao động tuy nghèo về vật chất nhưng luôn ấm áp, hạnh phúc về tinh thần.
- Nghệ thuật bài ca dao:
- Lối nói khoa trương, phóng đại: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò… (đây là nối nói thường gặp trong ca dao, đặc biệt là trong sự “tưởng tượng” ra các lễ cưới thật sang trọng, linh đình của các chàng trai đang yêu).
- Lối nói giảm dần: Voi - trâu - bò - chuột (chàng trai)
- Củ to - củ nhỏ - củ mẻ - củ rím, củ hà (cô gái)
- Cách nói đối lập. Dẫn voi / sợ quốc cấm Dẫn trâu / sợ họ máu hàn Dẫn bò / sợ họ co gân Lợn gà / khoai lang
- Chi tiết hài hước, dí dỏm: “Miễn là” có thú bốn chân “Dẫn” con chuột béo, / mời dân, mời làng.