5. Từ tác dụng của phép nghệ thuật tương phản và tăng cấp ở trong văn bản Sống chết mặc bay đã phân tích ở hoạt động 4, hãy phát biểu cảm nghĩ của em về:
a. Nỗi khổ của nhân dân.
b. Bản chất của tên quan phủ.
Bài Làm:
a.
Trong đêm mưa gió tầm tã, nước sông dâng lên dữ tợn như cuốn trôi tất cả, những người nông dân vẫn phải dầm mưa, khẩn trương làm các công việc hộ đê. Họ dường như đã mệt, sức người chẳng thể địch lại sức trời, tình cảnh ngày càng trở nên nguy cấp. Vậy nhưng biết kêu ai, than ai? Bởi quan phụ mẫu ở cách đó chẳng bao xa, nhưng ngài còn đang dở cuộc vui, chơi nốt ván tổ tôm với các vị quan khác. Người đứng đầu ấy chẳng mảy may lo cho dân cho nước mà còn đang bận hưởng thụ những thú vui bài bạc, ăn uống xa hoa. Tác giả đã diễn tả sự đối lập ngày càng tăng lên làm nổi bật nỗi thống khổ của người nông dân: một bên là cảnh náo loạn, gấp gáp, khẩn trương còn ở trong đình làng là thú vui, thong dong, nhàn nhã. Và khi nỗi lo của người dân đã thành sự thật, đê vỡ, họ như tuyệt vọng kêu cứu thì quan vẫn mắng và dọa sẽ bỏ tù. Nhà tù là nơi để giam giữ những kẻ hại dân nhưng ở đây là là giam giữ những kẻ cắt ngang cuộc vui của quan. Những người dân vô tội còn biết bám víu, trông cậy vào đâu. Truyện đã phê phán hiện thực xã hội phong kiến thối nát, quan lại mải mê ăn chơi sa đọa và đẩy người nông dân vào tình cảnh khốn cùng, đau thương và mất mát. Qua đó, ta thêm xót thương và cảm thông với cuộc sống lầm than cơ cực của người nông dân.
b.
Qua truyện Sống chết mặc bay, đã khắc họa chân dung về tên quan phụ mẫu thờ ơ, vô trách nhiệm trước tình cảnh thống khổ của nhân dân. Trong đêm mưa gió, người dân hết sức khẩn trương tìm cách giữ đê thì quan ngồi trong đình cao vững chãi, người hầu kẻ hạ đi lại rộn ràng, có người quỳ dưới đất gãi chân. Ngài đang uy nghi, chễm chệ bận chơi cuộc tổ tôm với đám quan lại nịnh hót. Vì cuộc chơi “hao sức” đó nên ngài được quân lính chuẩn bị yến hấp đường phèn, trầu vàng, rễ tía để thưởng thức. Xung quanh ngài là bao châu báu quý giá, nào ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, dao chuôi ngà. Đó là hình hài của viên quan ăn chơi, sa đọa, chỉ lo hưởng thụ cho bản thân, đối ngược hoàn toàn với những con người ướt như chuột lột, đang gào thét, rầu rĩ, tuyệt vọng giữa mưa bão. Sự đối lập đó dường như càng tăng lên, bởi quan vẫn nghe thấy ngoài kia là nghìn sầu muôn thảm nhưng vẫn thờ ơ, vì điều đó không đáng bận tâm bằng ván bài của quan. Ván bài có ma lực mãnh liệt cùng lũ quan xu nịnh xung quanh đã khiến vị quan quên đi trách nhiệm của mình cùng dân hộ đê, bỏ mặc mạng sống và tài sản, của cải của người dân. Mối quan tâm của ngài giờ đây làm sao ù to được ván bài, ngài vẫn ung dung xơi xong bát yến, vỗ râu rung đùi chờ đến lượt hạ bài. Và khi người dân chạy vào bẩm báo, như tiếng van xin quan hãy vì dân mà cứu đê thì ngài đã lớn giọng quát, dọa nạt bỏ tù. Quan phụ mẫu yêu nước, thương dân là như vậy đó sao? Người dân còn biết trông cậy vào ai? Bộ mặt thờ ơ, vô cảm của tên quan như lời tố cáo mạnh mẽ của tác giả với chế độ thực dân nửa phong kiến, Họ kiếm sống trên mồ hôi nước mắt, thậm chí là xương máu của người dân nhưng bỏ mặc, vô trách nhiệm, nhẫn tâm với mạng sống của bao người đau khổ. Bằng nghệ thuật tương phản, ngôn ngữ sinh động, tác giả đã vạch trần bộ mặt thật của những tên quan lại trong triều phong kiến mục nát lúc bấy giờ. Qua đó ta càng thêm xót thương, đồng cảm với nỗi thống khổ của người nông dân trong xã hội cũ.