Đề 20 : Lựa chọn một tác phẩm truyện mà bạn yêu thích, gợi cho bạn nhiều hứng thú và suy ngẫm ( có thể là tác phẩm chưa học).
Bài tham khảo 1 :
Victor Hugo là một trong những tác giả lớn của nền văn học hiện đại thế giới nói chung, nền văn học Pháp nói riêng. Trong đó với những thành công cụ thể của sự nghiệp viết tiểu thuyết, ông đã góp nhiều thành tựu vào kho tàng tiểu thuyết nhân loại, đặc biệt là tác phẩm “Nhà thờ Đức bà Paris” (Notre Dame de Pais) và “Những người khốn khổ” (Les Mierable), một đột phá mới. Nhà thờ Đức bà Paris được xem như một trong số các tác phẩm đặc sắc của V.Hugo, thuộc thể loại tiểu thuyết lãng mạn Pháp. Trong đó, bằng thủ pháp nghệ thuật tương phản, tác giả đã cấu trúc nên nhiều tầng triết mỹ cho cuốn tiểu thuyết, nhằm đưa tính trí tuệ và đẩy tính tư tưởng lên cao độ. Đặc biệt, tính hư cấu ở đây được thể hiện ngầm ẩn thông qua các nhân vật, hoàn cảnh và sự việc xuyên suốt tác phẩm.
Tác phẩm ra đời xuất phát từ việc tác giả muốn viết một cuốn tiểu thuyết về ngôi nhà thờ nổi tiếng ở Paris. Ông đã nhiều lần đến nhà thờ Đức bà Paris để ngắm kiến trúc cổ của ngôi nhà thờ và nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ. Ông muốn ngôi nhà thờ cổ kính tráng lệ vượt lên trên thời gian và tất cả những biến cố. Tác phẩm đã thể hiện được sự vươn đến một tầm cao triết lý, qua cách mô tả một định mệnh đã dẫn các nhân vật gắn liền với ngôi nhà thờ này cho đến chỗ chết, chỗ hủy diệt. Chính cảm hứng bi quan này đã đem đến cho tác phẩm vẻ lớn lao và hoang dại.
Tác phẩm được chia làm 11 quyển và dày hơn 600 trang, nội dung cụ thể của từng quyển:
Quyển 1, 2, 3: Esméralda là một cô gái xinh đẹp cô làm nghề múa rong trước nhà thờ Đức Bà, công việc này bị sự cấm đoán của phó giám mục nhà thờ là Claude Frollo. Ông này đã say mê cô vũ nữ lúc nào không hay và ông đã lệnh cho Quasimodo bắt cóc Esméralda, sự việc không thành Quasimodo bị bắt, cô vũ nữ bắt đầu yêu đại úy Phoebus người đã cứu cô.
Quyển 4- 6: Là cô gái có lòng nhân từ, Esméralda bỏ qua vụ bắt cóc và đã đem nước cho Quasimodo uống trong lúc hắn bị giam giữ. Chính vẻ đẹp và tấm lòng của Esméralda đã đánh thức trái tim hoen rỉ, tâm hồn hoang dại của hắn. Và Quasimodo bắt đầu yêu, một tình yêu bất diệt không cần đền đáp.
Quyển 7: Esméralda yêu Phoebus một cách mù quáng, dù Phoebus thực chất chỉ là một gã sở khanh, đã có hôn thê là một cô tiểu thư. Khi Esméralda hẹn hò với viên đại úy phó giám mục yêu Esméralda đã theo dõi đôi tình nhân và y đã không kìm chế được nỗi ghen tuông khi thấy 2 người quan hệ đã đâm Phoebus rồi bỏ trốn. Esméralda bị kết án vì hai tội: giết người và làm phù thủy.
Quyển 8-10: Esméralda bị kết án treo cổ, Quasimodo phá pháp trường để cứu Esméralda, đem cô vào trú ẩn an toàn trong nhà thờ Đức bà. Những người ăn mày chờ Esméralda nhưng không thấy cô trở lại đã tấn công vào nhà thờ để cứu cô nhưng Quasimodo tưởng họ đến giết Esméralda nên tấn công và đẩy lùi họ.
Quyển 11: Phó giám mục Claude Frollo tuyệt vọng đến mức mất cả lý trí và nhân tính. Hắn phát hiệnra Esméralda đang trú ẩn trong nhà thờ nên đã ép buộc và đe dọa cô. Với sự che chở của Q uasimodo, Esméralda vẫn sống bình an và vẫn yêu Phoebus. Frollo đã ra điều kiện buộc Esméralda phải ưng thuận mình nếu không sẽ báo cho cảnh binh, cô thà chết chứ không chịu. Frollo đã giao cô cho một bà tu điên dại với mục đích hành hạ Esméralda cho đến chết nhưng hai mẹ con đã nhận ra nhau nhờ đôi giày trẻ em cô luôn mang bên mình. Cuối cùng cô cũng bị phát hiện và bị treo cô lần thứ hai. Quasimodo biết được đầu đuôi câu chuyện nên đã xô ngã Frollo từ trên tháp chuông nhà thờ xuống đất và ôm xác Esméralda chết chung trong hầm mộ. Khi khai quật hầm mộ người ta thấy 2 bộ xương,một bộ không bình thường ôm lấy bộ xương kia, họ định tách ra thì bộ xương không bình thường tan thành tro bụi.
Với “Nhà thờ Đức Bà Paris”, Victor Hugo đã làm một phép cộng gộp tài tình những đỉnh cao nghệ thuật của nhân loại. Nhà sử học Giuyn Misơlê nhận xét vào năm 1833: “Cạnh ngôi nhà thờ lớn cổ kính, Victor Hugo xây dựng một toà nhà thờ lớn khác bằng thi ca, cũng vững chắc như nền móng, cũng ngất cao như dãy tháp của toà nhà thờ nọ”. Điều đó có thể cho thấy được rằng, tài năng nghệ thuật của Victor Hugo trong “Nhà thờ Đức Bà Paris” đã hoàn toàn thuyết phục độc giả. Trong tiểu thuyết cũng như trên sân khấu, Hugo ưa miêu tả cái cao cả cạnh cái tầm thường: ở đây ông đưa ra cốt truyện đầy phiêu lưu kịch tính, với diễn biến thăng trầm lúc bi thảm khi hài hước. Nét nổi bật nhất thể hiện Chủ nghĩa lãng mạn là ông đã sử dụng bút pháp tương phản.
Dưới ngòi bút của V. Hugo, sự tương phản xuất hiện ngay trong mỗi tình huống truyện, nhân vật, giữa địa vị xã hội và phẩm chất đạo đức, giữa diện mạo bên ngoài và thế giới nội tâm. Đó là Paris của dân chúng hiện lên với những phố hẻm tối tăm, với những cảnh hoang tàn…tương phản với những giờ phút rạng rỡ, buổi sáng những ngày lễ lớn, khi mặt trời phát đi một tín hiệu thần kỳ, Paris thức dậy với muôn ngàn tiếng chuông thoạt đầu thưa thớt rồi ngày càng dóng dả và trở thành một giàn nhạc giao hưởng với những đàn bướm âm thanh sặc sỡ, làm rung rinh những chân trời xa tắp.
Ngay từ đầu tác phẩm Victor Hugo đã khéo léo xây dựng nên những khung cảnh thiên nhiên, những bức tranh đầy gam màu của bút pháp tương phản nhằm dự báo cuộc sống của những con người trong bức tranh đó cũng đầy những màu sắc, nhiều cung bậc trong thời kì trung cổ. Một bên là những con người đại diện cho tầng lớp dưới đáy xã hội, họ tuy là những lũ ăn mày, gã thi sĩ vô danh, gã kéo chuông nhà thờ hay chỉ là cô gái múa hát rong nhưng ở nơi họ vẫn toát lên sức sống mãnh liệt, sự yêu đời và đầy ắp tình người, một bên là những con người thuộc tầng lớp tu sĩ quý tộc, thế nhưng với lối sống với những luật lệ hà khắc, những hủ tục đáng lên án đã vô tình đẩy họ vào sự cô độc và rút vào bóng tối.
Sự tương phản giữa các tình huống được ông sử dụng thường xuyên như một động lực để phát triển các tình tiết của cốt truyện, tạo nên sự căng thẳng hồi hộp, làm nhịp điệu của cốt truyện dồn dập thu hút, và qua đó cũng thể hiện quan điểm nhân đạo của ông. Để tạo nên các tình huống tương phản, Victor Hugo đã phải hy sinh chính những nhân vật mà ông yêu quý, dù đau đớn.
Tình huống truyện được đẩy lên tới mức cao trào trong cặp nhân vật Gudulier- Esméralda. Đến phút cuối cuộc đời Gudulier mới nhận ra Esméralda là đứa con gái mình đã rứt ruột đẻ ra. Nhưng đó cũng là đỉnh điểm của tấn bi kịch: Sự đoàn tụ trên cái chết ấy gây một ấn tượng mạnh trong lòng độc giả và thét lên lời tố cáo đối với sự tàn nhẫn của xã hội phong kiến thần quyền.
Tình huống thật đối nghịch khi Frollo- vị linh mục uyên thông, sống trong u uẩn hà khắc lại bị chính cô gái Bôhemieng sống tự do, hoang dã chinh phục.
Nhân vật của Victor Hugo dường như không tuân theo quy luật của cuộc sống, chính tình yêu làm cho họ đau khổ. Chính cô gái Bôhêmiêng xinh đẹp đó cũng đặt trọn tình yêu mù quáng vào Phoebus. Hay Quasimodo- dù anh ta xấu xí nhưng anh vẫn yêu Esméralda say đắm. Tình huống truyện còn được đẩy đến kịch tính khi ông để chính những nhân vật của mình tự kết án, tự đóng dấu cho một kết thúc thảm kịch- Quasimodo đẩy Phoebus, vị linh mục mà anh ta hằng tôn thờ xuống tháp chuông. Giữa cái thiện và cái ác, giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa những cái xinh đẹp và cái xấu xí, giữa những cái được coi là cao trọng trở nên thấp hèn và đáng lên án, giữa những con người tưởng chừng đáng khinh bỉ loại bỏ lại trở nên đẹp đẽ lạ thường điều đó được V. Hugo tái hiện sống động và sắc sảo khi xây dựng những tình huống truyện tưởng chừng như xuôi thuận nhưng thật ra là tương phản với những quan niệm đạo đức lúc bấy giờ.
“Nhà thờ Đức bà Paris” là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu của nền văn học hiện đại nói chung, của nền văn học Pháp và bản thân tác giả V.Hugo nói riêng. Tìm hiểu về tác phẩm đặt ra những yêu cầu nền tảng về lý luận tiểu thuyết, lịch sử xã hội và khả năng tri nhận triết lí cũng như việc nắm bắt tâm lí nhân vật. Trong đó, thủ pháp nghệ thuật tương phản nổi bật nhất của tác phẩm được chúng tôi tìm hiểu qua hai khía cạnh: nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và giọng điệu tác phẩm. Ở đấy, một mặt, cho ta thấy được quan hệ, tính cách, tâm lí giữa các nhân vật, góp phần thể hiện nổi bật tư tưởng mà nhà văn muốn gửi tới độc giả.
Mặt khác, bằng một giọng điệu đặc biệt V. Hugo đã thể hiện những triết luận sâu sắc, đôi khi là sự lãng mạn nhưng cũng có khi là một nụ cười giễu cợt đầy châm biếm. Chính sự tương phản trong giọng văn ấy, giúp cho người đọc có những cảm nhận đầy màu sắc, đưa chúng ta quay về với một thời Paris, một thời với những lối sống chân thực nhất.
V.Hugo uyên bác, thông minh, khuấy động ngôn từ, sử dụng những thủ pháp nghệ thuật mang âm hưởng chủ nghĩa lãng mạn và văn học dân gian, mang đến cho văn chương những tác phẩm để đời “Nhà thờ Đức bà Paris” là một áng văn tiêu biểu. Bên cạnh đấy, sự đan chéo những yếu tố bi – hài, cái đẹp- cái dị dạng cũng là một nét độc đáo. Cái kết thúc của thiên tình sử vừa bi đát, vừa hài hước. Mỗi nhân vật là một biểu tượng về những trải nghiệm bản thân V. Hugo. Bởi thế, nhân vật của V. Hugo không phải hoàn toàn trừu tượng mà có đời sống hoàn toàn phức tạp. Họ vừa bị tác giả đặt trong tình thế châm biếm, bóc trần đến tận sâu bản chất, nhưng cũng chính từ sự u tối và tuyệt vọng ấy, đã mở ra sự cảm thông sâu sắc cho thế hệ này. Nói cho cùng, đó là một hệ mất mát hoài thai trong một hoàn cảnh mất mát. Hai khía cạnh này thống nhất, tạo lập lẫn nhau làm nên diện mạo của một thời đại với những tương phản. Tựu trung lại, qua đấy, những đặc trưng cơ bản và sâu sắc nhất của thể loại tiểu thuyết đã được biểu hiện tinh tế và triết mỹ trong tác phẩm đòi hỏi quá trình tiếp nhận cao độ này.
Bài tham khảo 2 :
Người nổi tiếng bởi quan điểm: "Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần" không ai khác chính là Lỗ Tấn. Là một nhà thơ tiên phong và là tấm gương noi theo của nhiều thế hệ, Lỗ Tấn đã có sự nghiệp văn nghệ không nhỏ. Ông là người đã khai sinh ra nền văn học cách mạng Trung Quốc. Với phong cách trong nóng ngoài lạnh, các tác phẩm của ông đều để lại những bài học sâu sắc. Và trong đó là " Thuốc".
"Thuốc" được sáng tác vào năm 1919 khi xã hội Trung Quốc là nước thuộc địa nửa phong kiến, các nước đế quốc tranh nhau xâu xé, nhân dân an phận chịu nhục, phong trào Ngũ Tứ nổ ra. Tác phẩm được đăng lần đầu trên Tân thanh niên sau được in trong "Gào thét". "Thuốc" là sự phanh phui về sự u mê lạc hậu của quần chúng, là bức tranh miêu tả bi kịch của người cách mạng tiên phong và là sự đồng cảm, trân trọng ngợi ca của tác giả đối với những người tiên phong ấy. Trong tác phẩm là hai câu chuyện: câu chuyện mùa thu là mua thuốc – ăn thuốc – bàn về thuốc và câu chuyện mùa xuân – hậu quả của thuốc.
Tác phẩm gây ấn tượng đầu tiên bởi nhan đề: "Thuốc". Theo nghĩa thực, nhan đề này chỉ một thứ dược phẩm, thứ thuốc truyền thống chữa bệnh lao: "bánh bao tẩm máu người chết chém" – một thứ thuốc quái đản, mê tín, phản khoa học. Nhưng ý nghĩa nhan đề không dừng lại ở đó. Nhà văn muốn gửi đến người đọc bức thông điệp. Đó là cần phải cảnh tỉnh, cần có một thứ thuốc đặc hiệu để chữa sự u mê, mu muội, vô cảm của quần chúng; chữa trị cho người cách mạng bởi họ chưa thoát khỏi tư tưởng tư sản, còn xa rời, thoát ly quần chúng nhân dân. Với ý nghĩa như vậy nên "thuốc" đã trở thành tác phẩm có tiếng vang lớn thời kỳ này.
Mở đầu bằng câu chuyện lúc "đêm thu gần về sáng", lão Hoa đến pháp trường để mua thứ thuốc "thần dược" về chữa bệnh lao cho con trai độc đinh của lão. Trên đường đi mua thuốc, tâm trạng lão sảng khoái, trẻ lại như được cải tử hoàn sinh. Vì sao ư? Bởi lẽ lão sắp cứu được đứa con trai của gia đình mười đời độc đinh. Thứ "thần dược" ấy chính là chiếc bánh bao tẩm máu người chết chém. Lão để tinh thần vào cái gói bánh ấy nâng niu như đứa con. Mặc dù lúc đầu thái độ của lão còn sợ, run không dám cầm nhưng sau lão sung sướng. Mua được thuốc rồi, lão đem về cho con trai ăn. Chiếc bánh bao ấy được bọc trong lá sen đem nướng. Quái đản như vậy mà vợ chồng lão Hoa vẫn tin tưởng nói với con: "Ăn đi con!Sẽ khỏi ngay". Rồi hai vợ chồng lão lại "trố mắt nhìn con như muốn rót vào người con một cái gì đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì". Không chỉ có vợ chồng lão tin vào thứ thuốc này mà những người đang bàn luận sôi nổi ngoài quán trà kia cũng như vậy. Họ tin nó là một thần dược: "cam đoan thế nào cũng khỏi, nhất định thế nào cũng khỏi, thứ thuốc này đặc biệt lắm"…. Nhưng cuối cùng chiếc bánh bao tẩm máu người tử tù đã không cứu được con trai lão. Bằng câu chuyện này nhà văn đã vạch trần được sự u mê tăm tối mu muội của người dân lao động lúc bấy giờ. Bánh bao tẩm máu người là thứ thuốc quái đản, gây chết người, thứ thuốc độc, phản khoa học. Muốn chữa bệnh lao phải có một thứ thuốc đặc hiệu.
Song song với câu chuyện xung quanh thuốc của gia đình lão Hoa là chuyện người tử tù Hạ Du. Nhân vật này xuất hiện gián tiếp qua lời bàn luận của các nhân vật. Hạ Du là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, đấu tranh với tư tưởng "thiên hạ Mãn Thanh chính là của chúng ta". Thế nhưng trong mắt mọi người anh chỉ là: "thằng quỷ sứ", "nhãi con", "khốn nạn", "điên"…. Người chú ruột của anh tố cáo cháu mình chỉ để lấy hai mươi lạng bạc. Bác Cả Khang lại coi anh là công cụ bán máu để trục lợi. Lão Nghĩa cũng chỉ tiếc cái áo. Còn đối với vợ chồng lão Hoa, anh là phương thuốc chữa bệnh cho con trai họ. Tất cả con mắt mọi người đều cho anh là giặc, chết là phải. Một cán bộ cách mạng, một con người đi theo lý tưởng của cách mạng mà lại bị coi là giặc trong cái xã hội mà chính anh bảo vệ. Một nghịch lý đáng nực cười của cái xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Hình ảnh người tử tù Hạ Du đã tố cáo gay gắt tình trạng tê liệt, u mê của quần chúng về chính trị, chỉ rõ sự xa rời thoát ly quần chúng của người cách mạng, khẳng định đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ là một con bệnh thập tử nhất sinh, cần có thứ thuốc để chữa trị, tránh nạn vong quốc.
Cuối tác phẩm là con đường mòn ở nghĩa địa. Cả hai bên "mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ". Những người chết oan giống con trai lão Hoa và những người phải đổ máu giống Hạ Du đều đã hi sinh tính mạng chỉ vì tập quán, lối suy nghĩ ấu trĩ, mê muội và lạc hậu. Suy nghĩ ấy như con đường mòn nơi nghĩa địa kia. Nhưng thật kì diệu, con đường mòn ấy đã bị xóa bỏ bởi bà Hoa đã sang an ủi mẹ của Hạ Du. Chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du vừa là tấm lòng của tác giả dành cho người liệt sĩ, vừa là sự gửi gắm niềm tin. Một kết thúc có hậu cho tất cả sự hi sinh. Máu của người chiến sĩ đã thức tỉnh được một bộ phận quần chúng, có người đã hiểu cái chết vinh quang của họ và nguyện đi theo họ.
Khép lại truyện ngắn, Lỗ Tấn không khỏi khiến người đọc thôi băn khoăn. Nghĩ về cái xã hội Trung Quốc thời kỳ bấy giờ. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là truyện mà còn là bức thông điệp, bài học lịch sử mà Lỗ Tấn muốn gửi gắm. Câu truyện đã đến với người đọc nhờ giá tri nội dung sâu sắc ấy.
Bài tham khảo 3 :
Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất trữ tình của nhà văn Thanh Tịnh. Truyện không đi vào những biến cố, những xung đột xã hội gay gắt mà đó là những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật tôi trong ngày đầu tiên đến trường. Câu chuyện vì thế mặc dù nhẹ nhàng nhưng vẫn vô cùng sâu lắng, in những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
Câu chuyện được bắt đầu bằng không gian thấm đẫm chất thơ, không gian của tiếng trống khai giảng, của những ngày cắp sách đến trường: “hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”.
Từ những ngày của hiện tại, nhân vật tôi nôn nao nhớ về quá khứ, nhớ về ngày đầu tiên đến trường của mình. Sự thay đổi cả về tâm trạng và nhận thức của nhân vật tôi diễn ra theo từng chặng, phù hợp với cách đọc và tư duy của các bạn nhỏ, nhưng vẫn khiến người lớn thấy xúc động vì được sống lại những cảm giác về ngày đầu tiên đến trường của mình.
Sự thay đổi ấy trước hết là ở cảm giác về con đường đến trường: “con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”. Nhân vật tôi tự thấy bản thân đã thay đổi, đã trưởng thành, bởi vậy không chỉ khung cảnh thay đổi mà ngay cả những hoạt động hàng ngày của cậu như thả diều hay ra đồng nô đùa với chúng bạn đã không còn nữa. Trong nhận thức non nớt của mình, cậu bé nhận rằng bản thân đã chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời, mình đã khôn lớn và trưởng thành hơn.
Trong bộ quần áo vải dù đen được mẹ bị chu đáo chuẩn bị, cậu thấy mình trang trọng và đứng đắn hơn. Tác giả đã thật tinh tế khi dùng hai từ “trang trọng” “đứng đắn” để diễn tả tâm trạng, sự trưởng thành của nhân vật tôi. Hành trình thay đổi nhận thức còn được thể hiện trong hành động hết sức đáng yêu của cậu bé, cậu cầm hai quyển vở trên tay đã thấy nặng nhưng còn yêu cầu “mẹ đưa bút thước cho con cầm” với ý nghĩ ngây thơ “chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước”. Ý nghĩ non nớt có chút buồn cười nhưng cũng thật đáng trân trọng của cậu bé.
Khi đến trường là một chuỗi những cung bậc cảm xúc khác nhau, cho thấy cậu bé là một người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Trước sân trường Mĩ Lí dày đặc người, ai cũng quần áo tươm tất, gương mặt tươi vui, sáng sủa, khiến cậu bé đâm ra lo sợ vẩn vơ. Có lẽ đây là cảm giác của bất cứ ai vào ngày đầu tiên đến trường, cảm giác cô đơn, lạc lõng, vừa muốn hòa cùng mọi người mà lại vừa lo lắng, sợ hãi. Nhưng đâu chỉ có cậu bé, những người bạn như cậu cũng như những chú chim non đứng nép bên người thân.
Khi đứng trước sân trường cảm giác “chơ vơ” lại dấy lên. Rồi khi được thầy thống đốc gọi tên nhân vật tôi giật mình, lúng túng, quả tim như ngừng đập. Và đáng yêu nhất chính là lúc cậu bé bất giác òa khóc lên nức nở khi sắp phải chia tay mẹ để vào lớp học. Cậu bé được bước vào một thế giới mới, rời xa thế giới quen thuộc có mẹ ở bên chăm sóc, đùm bọc.
Bước vào lớp học là cảm giác vừa xa lạ, vừa gần gũi, vừa ngỡ ngàng nhưng cũng rất tự tin. Nhân vật tôi cảm thấy mùi hương lạ xông lên trong lớp, mọi thứ xung quanh đều lạ, tự nhận chỗ ngồi làm của riêng, ngay cả người bạn lần đầu tiên gặp cũng không hề có cảm giác lạ lẫm. Nhân vật tôi đã tái hiện một cách đầy đủ, chân thật những cung bậc cảm xúc khác nhau về ngày đầu tiên đến trường. Một cách thật tự nhiên, mỗi chúng ta dường như cũng được sống lại bầu không khí của ngày tựu trường đầu tiên ấy.
Tác phẩm không chỉ đề cập đến cung bậc cảm xúc về ngày đầu đến trường của các bạn nhỏ mà còn cho người đọc thấy chân dung của bậc phụ huynh, của thầy cô để làm bật lên tầm quan trọng của giáo dục với thế hệ trẻ. Phụ huynh chuẩn bị chu đáo cho con em vào ngày tựu trường: quần áo, sách vở tươm tất; cầm đồ dùng học tập giúp con; tham dự buổi khai giảng của con.
Các thầy cô hết sức tận tình, nhân hậu, hiền từ với các em học sinh, đặc biệt là với các bạn học sinh mới. Thầy hiệu trưởng từ tốn, bao dung, nhìn học sinh bằng cặp mắt hiền từ, khuyên nhủ, động viên các em: “Các em đừng khóc. Trưa nay các em còn được về nhà cơ mà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa”. Qua câu nói ta thấy được thầy hiệu trưởng là người am hiểu tâm lí trẻ em lần đầu tới lớp, chưa quen với việc học. Những lời động viên của thầy giúp những đứa trẻ bớt lo lắng và vững tâm hơn. Còn thầy giáo trẻ là người vui tính, giàu tình yêu thương, gương mặt luôn tươi cười, ân cần với các em.
Tác phẩm đã xây dựng một tình huống truyện thật đặc biệt – ngày đầu tiên đến trường với biết bao cảm xúc, tâm trạng về dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Kết cấu câu chuyện phù hợp: theo dòng hồi tưởng. Kết hợp linh hoạt các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm diễn tả đầy đủ và hợp lí các cung bậc cảm xúc nhân vật. Ngôn ngữ nhẹ nhàng, sâu lắng, giọng văn thơ mộng, mượt mà, tinh tế.
Với ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng, giàu chất thơ, tác phẩm đã làm sống dậy những cung bậc cảm xúc về ngày đầu tiên đến trường. Buổi tựu trường sẽ là kỉ niệm ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng mỗi người. Đồng thời cũng nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của giáo dục đối với thế hệ tương lai.