[Cánh diều] Giải SBT Ngữ văn 6 bài 3: Kí – Đọc hiểu Thời thơ ấu của Hon - đa

Giải SBT ngữ văn 6 bài 3: Kí – Đọc hiểu Thời thơ ấu của Hon - đa sách "Cánh diều". ConKec sẽ hướng dẫn giải tất cả câu hỏi và bài tập với cách giải nhanh và dễ hiểu nhất. Hi vọng, thông qua đó học sinh được củng cố kiến thức và nắm bài học tốt hơn.

Câu 1:  Trong đoạn trích, tác giả Hon-đa nhớ lại những việc gì trong thời thơ ấu của mình?

Trả lời: 

  • Hon - đa nhớ rằng mình học không tốt lắm (nếu không muốn nói là dở) nhưng lại vô cùng có hứng thú đối với các loại máy móc, chỉ cần có cơ hội cậu liền tham gia tất cả những hoạt động có liên quan đến máy móc. 

Câu 2:  Em hiểu như thế nào về câu nêu trong mục Chuẩn bị, bài Thời thơ ấu của Hon-đa (SGK Ngữ văn 6, tập một): “Qua đây, có thể nói: Tuổi thiếu niên là thời gian chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn trưởng thành của đời người.”?

Trả lời: 

  • Tuổi thiếu niên là thời kì hình thành thế giới quan, sở thích đam mê cá nhân, lúc chúng ta biết rõ bản thân thích và muốn gì. Hon - đa tuy học không giỏi nhưng lại có đam mê mãnh liệt đối với máy móc, đó là động lực vô cùng quan trọng thúc đẩy ông không ngừng đi theo con đường mình mong muốn, nhờ đó mà có được thành công vang dội.  

Câu 3: (Câu hỏi 3, SGK) Đặc điểm của thể hồi kí được thể hiện ở văn bản này như thế nào? Hãy chỉ ra một số biểu hiện cụ thể.

Trả lời: 

  • Đặc điểm thể hồi kí được thể hiện ở chỗ văn bản được kể theo ngôi thứ nhất, nói về quá khứ thuở còn thơ bé của nhà sáng lập hãng Hon - đa. 

Câu 4:  (Câu hỏi 4, SGK) Qua đoạn trích hồi kí trên, em thấy những dấu hiệu sớm bộc lộ thiên hướng về kĩ thuật của Hon-đa có liên quan gì đến sự nghiệp của ông sau này?

Trả lời: 

  • Những thiên hướng về kĩ thuật sớm bộc lộ liên quan rất lớn đến sự nghiệp của ông sau này. Những ước mơ sở thích đam mê từ thuở nhỏ làm ông ống biết rõ bản thân thích gì và mạnh về cái gì để có thể kiên trì với nó tới cùng, góp phần tạo nên thành công trong sự nghiệp của ông. 

Câu 5:  Tìm một bài hồi kí viết về thời thơ ấu và chỉ ra các đặc điểm của thể hồi kí trong bài viết đó. 

Trả lời: 

Con Cá Dìa Ở Sông Hàn                                                                           

Tôi vốn sinh ra tại Đà Nẵng Quảng Nam, nhưng thật sự biết rất ít về chốn chôn nhau cắt rốn của mình. Lý do là lúc còn bé, tôi đã phải theo cha tôi di chuyển về các thị xã khác, nơi ông đã phải nhận công tác, đôi khi sáu tháng, cũng có nơi một vài năm. Vì thế ký ức tôi không mấy nhiều về thành phố mà mình đã ra đời. Tôi chỉ nhớ là khi má tôi bị bịnh nặng vào mấy tháng đầu của năm 45, ba tôi đã phải nghỉ việc để đưa má tôi ra bệnh viện đa khoa ở Huế để giải phẫu.. Bà mắc phải bệnh lao xương, mà Đà Nẵng lúc đó không đủ phương tiện và bác sĩ giỏi để giải phẫu cho bà. Lúc đó tôi đã là một thiếu niên 10 tuổi, cái tuổi đáng lẽ phải được học hành đầy đủ, thì lại phải bỏ ngang để theo cha mẹ ra Huế trong mấy tháng dài bà nằm trong bệnh viện và sau đó 3 năm trường tản cư về miền quê hẻo lánh. Một đêm trong bệnh viện tôi nghe tiếng súng nổ rền vang bên tả ngạn sông Hương, mọi người trong bệnh viện hò hét tản cư vì Việt minh đã tiến đánh thành phố Huế. Cha tôi cũng tất tả đưa vợ và các con lên xe lửa để về lại Đà Nẵng ngay trong sáng hôm sau. Mẹ tôi thì được nằm trên cái võng cáng (*) đem lên xe lửa. Mấy tuần sau đó tại Đà Nẵng lại có tin quân đội Pháp thất thủ ở thành phố Huế, đến phiên Đà Nẵng bắt đầu rục rịch tản cư. Một lần nữa lại khăn gói quả mướp lên đường!  Ba tôi đành phải thuê một chiếc ghe bầu (ghe loại lớn có mui cả một gia đình có thể ở) để tản cư về quê. Năm 1945 đất nước mình còn nghèo lắm, Việt Minh nổì dậy kháng chiến chống Pháp khắp nơi, nhất là miền Trung, nơi mà thiên hạ vẫn cho là xứ chó ăn đá, gà ăn muối. Lúc đó không còn xe hơi chuyên chở hành khách, phương tiện chung cho dân chúng chỉ còn có xe lửa chạy bằng hơi nước. Xe hơi cá nhân thì chỉ dành riêng cho các quan chức bảo hộ người Pháp.  Sau khi lên ghe và phải đợi đến lúc tối trời ba tôi mới dám cùng gia đình chủ ghe khởi sự xuôi ghe để về quê ông ở làng Phú Mỹ, cách thị xã Đà nẵng khoảng chừng 3 hay 4 chục cây số. Vì đường bộ thì bị quân Việt Minh ngày đêm đắp mô quấy phá nên chỉ còn có phương tiện duy nhất là dùng đường thủy. Ghe xuôi trên sông Hàn vào đêm cho đến Ngũ hành sơn thì bắt đầu rẽ ra biển. Chạy theo ven biển về hướng Nam một cách lặng lẽ, tôi chỉ còn nghe tiếng mái chèo rẽ nước, tiếng kẽo kẹt của mái chèo cọ vào thân cột cùng tiếng nước róc rách đập vào mạn thuyền. Thỉnh thoảng người chủ ghe rít một hơi thuốc và phà ra một cách khoan khoái. Tôi mon men đến cận ông ta và hỏi ông hút thuốc gì vậy? Ông ta trả lời là thuốc lá Cẩm Lệ, một loại thuốc rê rất thơm trồng ở làng Cẩm Lệ có tiếng ở Quảng Nam mà hầu hết người dân quê xứ Quảng đều hút, thậm chí đến những cậu cô bé 6, 7 tuổi cũng phì phà điếu thuốc vấn trên môi rồi. Đàn bà ăn trầu cũng không quên nhét vào dưới môi trên một cục thuốc rê vo tròn làm cho cái miệng vều và lệch hẳn qua một bên xem chẳng đẹp chút nào, thỉnh thoảng lại nhổ bẹt xuống đất một bãi nước trầu đỏ như máu, thảo nào mà người Pháp khi mới đến Việt Nam đầu tiên đã phải viết trong nhật ký là dân Việt ta hầu hết đều bị thổ huyết (!!!) Nằm ngửa trên mui ghe cùng thằng em ngắm trăng sao, gió mát trên biển về đêm làm tôi càng thích thú. Đấy cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được cái thú phiêu lưu sông nước trong một chiếc ghe bầu trên biển. Với tuổi lên mười, hầu hết tuổi thiếu thời của tôi sống ở tỉnh thị, có bao giờ  được phiêu du như vậy đâu, nên tôi rất sung sướng tay vừa đập nhịp vào mạn thuyền, miệng khe khẽ hát. Tôi cũng không còn nhớ là tôi đã hát những gì, nhưng khi tôi hát to lên thì ba tôi đã vội vã la tôi và bảo nín đi kẻo Tây nó nghe thì chết cả lũ. Ông còn mắng thêm, đi tản cư mà hát mới xướng!  Lúc đó thật tình tôi nghe ba tôi la thì tôi im, nhưng tôi nào biết tản cư là cái quái gì? Chỉ cứ tưởng là một chuyến phiêu lưu về làng quê của ba tôi thôi. Cũng như những lần trước, thỉnh thoảng ông dắt tôi về thăm quê ông trên chiếc xe hàng cọc cạch Con Gà. Đã lâu lắm nên tôi cũng không còn nhớ cái hãng xe đó tên gì, chỉ nhớ có vẽ hình con gà hai bên hông và trước khi đi khoảng một tiếng đồng hồ thì người lơ phải ra đằng sau xe, nơi đặt hai cái ống thụt to cao bằng người anh ta. Anh trèo lên dùng hai tay nắm lấy càng ống thụt, thụt lấy thụt để, cho đầy hơi vào cái thùng hơi nén ở đằng trước mũi xe. Tiếng gió trong ống thụt phì phò nghe như trâu thở chen lẫn với tiếng rọt rẹt của nồi than, hơi lửa đốt cháy phừng phừng lên mỗi lần anh lơ gồng hai tay thụt lên thụt xuống. Khi thấy đủ hơi cho chiếc xe mình, anh tài mới lên tay lái mở máy, và anh lơ lại ra đằng trước mũi xe đã có sẵn chiếc cần quay, tiếng Pháp gọi là cái manivel quay lấy quay để cho máy nổ. Chắc cũng vì thế nên lúc đó người ta gọi chiếc xe đò đó là chiếc xe hơi! Thời đó chỉ có quan quyền người Pháp mới được đi xe hòm Citroën bốn cửa bằng xăng mà thôi, còn người dân thuộc địa thì đi xe hàng như trên đã là quý hoá và tối tân lắm rồi! Tôi còn nhớ mỗi lần xe lăn bánh là cả cái thùng xe rung chuyển, hành khách trong xe phải ngồi cho vững, hai tay nắm chắc cái ghế đằng trước, không khéo có cơ lọt ra ngoài. Chính mắt tôi đã thấy một cụ già rơi cái bịch xuống đường sau khi xe khởi sự lăn bánh cũng chỉ vì lo cầm chắc chiếc dù sợ bị mất cắp. Chỉ khổ cho anh lơ phải nhảy xuống xe nhấc vội cụ lên. Trên xe hàng chỉ có anh tài và anh lơ, nhưng tôi cảm phục anh lơ nhất, chẳng phải vì mọi việc nặng nhọc anh đều cáng đáng, như thụt cho đầy hơi trước khi xe chạy, lo giúp đỡ bạn hàng đi buôn đem hàng hóa để trên mui xe, thu tiền hành khách và nhất là khi xe đã chạy anh còn đu đưa bên hông xe nom như con khỉ orangutang mặt dính than đen sì, một tay víu lấy cửa xe một tay vẫy qua vẫy lại để mời mọc khách lên thêm cho đầy xe. Nhiều chuyến xe khởi sự đi từ sáng tinh sương, khoảng 4 giờ sáng, nhưng cứ loanh quanh lẩn quẩn mãi để đón khách cho đầy đến 5 giờ rưỡi, 6 giờ mới thực sự chạy. Đang ngồi thõng hai chân bên mạn thuyền, ba tôi gọi tôi vào trong khoang để đi ngủ. Đêm đó tôi nào có ngủ được chỉ vì lạ nước lạ cái, lạ cả cái giường tre trên ghe, phần vì bị rệp cắn tôi cứ trằn trọc mãi cho đến sáng mới thiếp đi được. Ghe xuôi một đêm trên ven biển bấy giờ đã đi vào sông. Tôi còn nhớ nhánh sông ấy là một trong những đoạn cuối của con sông Thu Bồn chảy ra biển. Đến sáng ghe dừng lại và neo ở giữa sông cạnh một cồn cát trắng phau. Lần đầu tiên tôi được ăn một buổi sáng trên ghe với xôi và cá cơm kho khô. Không biết có phải vì cái gió mát buổi sáng và cái không khí trong lành thanh tịnh trên sông hay sao, mà tôi ăn rất ngon miệng. Má tôi nằm trong khoang ghe nhưng bà vẫn lo lắng đốc thúc hai anh em tôi ăn sáng cho no, vì còn phải đi một khoảng đường nước nữa, đến trưa mới đến bến Chợ Được. Ba tôi thì đã nhảy xuống sông tắm tự hồi nào, ông bảo tôi cởi quần áo cùng nhảy xuống tắm với ông. Vì ghe neo ở cạnh cồn cát nên nước cũng cạn, chỉ đến lưng quần, tôi bèn nhảy xuống tắm. Sau này khi lớn lên tôi mới nhớ có một câu ca dao tả thú tắm sông là hạng nhứt.  Ai ở vùng quê mà không biết hai cái thú sướng:  nhất là tắm sông, nhì là “ị” đồng!  Tản cư về làng quê gần ba năm tôi mới được “dinh tê”(**), sau khi quân Pháp chiếm lại các tỉnh thị. Trong thời gian ba năm trong làng quê tôi đã được đi cùng ba tôi thăm viếng các làng khác như Xuân Lư, Quế Sơn và cũng lên tận Thu Bồn nơi có giòng sông cùng tên đến mùa lũ là nước thượng nguồn chảy xiết mang theo cả người, vật và nhà cửa ven sông trôi theo ra biển. Bình thường giòng sông nầy rất hiền hòa, nhưng đến mùa lũ nước chảy hai giòng, giữa giòng nước chảy xuống, nhưng hai bên tách ra và chảy ngược lại. Ghe nào xuôi dòng xuống từ thượng nguồn thì chạy phom phom ở giữa giòng không cần buồm, nhưng các ghe chạy ngược lên mạn thì phải xuôi theo hai ven sông. Mỗi đầu ghe người ta cột dây thừng vào và có người đi dọc ven sông kéo. Tùy theo ghe lớn hay nhỏ, lớn thì hai, nhỏ thì một người kéo, và ghe chở nặng thì nhiều người kéo hơn.  Người sau ghe thì chống chứ không chèo, vừa chống vừa hò dô ta râm ran cả giòng sông. Nếu hôm đó trời có gió thì ghe dương buồm chạy “ zig zag” (chạy xéo qua lại) mà dân đi ghe miền Trung gọi là chạy dát (!) Thị trấn Thu Bồn lúc đó là một làng quê nhộn nhịp. Tôi còn nhớ hai ven sông tre lồ ô mọc san sát. Thỉnh thoảng có nhiều cây phượng vĩ rũ cành xuống nước mà trên cành thì chi chít những con dơi treo ngược, có con to bằng con gà ri. Ban đêm trên sông nhộn  nhịp hẳn lên vì những đoàn ghe đi đánh cá đêm, mỗi ghe thắp một ngọn đèn “măng sông” sáng rực. Họ chạy hàng ngang và đập rầm rập trên ghe để lùa cá vào lưới. Thật là một khung cảnh rộn rịp chen lẫn với tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng hò trên sông, ánh đèn phản chiếu lấp lánh trên mặt nước, tạo nên một khung cảnh như một lễ hội về đêm. Đặc biệt Thu Bồn cũng trồng rất nhiều cây dâu để lấy lá nuôi tằm, cả nguyên một làng đều nuôi tằm dệt tơ nên ban ngày tiếng khung cửi chạy nghe rầm rập vang dội tận bên kia sông. Vì ba tôi có bà con ở đó, nên ông thường dắt hai anh em tôi đến nhà người bà con xem cách thức nuôi tằm để kéo tơ. Thoạt tiên người ta đặt nhiều cái nong to mà mỗi cái đường kính cũng đến 4 feet. Trên nong đầy đặc những con ngài đang đập cánh tìm bạn tình và đâu đít lại với nhau. Sau đó, tôi không nhớ bao lâu thì con ngài cái đẻ trứng, trứng lại nở thành con tằm. Người nuôi tằm bèn bắt nó ra cho lên một cái vỉ lớn bằng tre cao hơn đầu người, trên vỉ gài những nhánh dâu lá thật tươi. Con tằm bắt đầu ăn từ dưới cuống lá ăn lên ngọn (vì thế nên ta có câu: ăn như tằm ăn lên). Tiếng tằm ăn dâu nghe rào rào suốt ngày đêm. Khi con tằm ăn no và đã lớn nó bèn tự nhả tơ và cuộn mình lại trong cái kén. Người nuôi tằm chờ đủ ngày tháng bèn lấy kén ra bỏ vào nồi nước sôi đun lên và bắt đầu kéo tơ ra trục để quay tơ. Có kén thì màu trắng nhưng cũng có kén thì lại màu vàng óng ánh. Người ươm tơ phải biết chọn đúng lúc để ươm tơ, nếu để lâu ngày, con tằm nằm trong kén sẽ biến thành con ngài có cánh và nó tự động cắn cái kén để chui ra rồi tiếp tục ái ân trong cái vòng lẩn quẩn để đẻ trứng nở thành con tằm. Sau khi người ta đã kéo hết tơ trên cái kén, lòi ra con tằm lúc đó hình dáng nửa giống như con ngài nhưng chưa có cánh, người ta gọi nó là con nhộng. Tụi tôi chỉ chờ đến lúc đó là nhảy tửng lên, vì biết họ sẽ bỏ hết ra đĩa và đem lên cho chúng tôi xúc bánh tráng. Tằm vừa nóng hổi, cắn vào nghe bùm bụp, mùi béo ngậy của con tằm và bánh tráng gạo lức miền quê, thật ngon hơn cả mỹ vị cao lương. Đến bây giờ đã trên mấy chục năm xa xứ, nhưng nhớ đến những buổi ăn nhộng xúc bánh tráng ở Thu Bồn là tôi vẫn còn chảy nước miếng. Lụa ở vùng đó có hạng như hai làng Bảo An và Xuân Đài, nơi tơ lụa có tiếng ở tỉnh Quảng nam. Người ta cũng dệt lụa dày để may áo veste cho đàn ông gọi là tuissor, một thứ lụa không óng ánh lắm nhưng màu vàng mỡ gà và tấm lụa rất mắc tiền, sản xuất ra đủ chỉ để bán cho các người giàu có ở tỉnh thị lớn như Đà Nẵng, Huế vào thời bấy giờ mà thôi.  Một hôm tôi được đi xe bò vào Trà Kiệu để xem tháp Chàm. Với kiến thức của một cậu bé 12, lúc đó tôi chỉ biết mang máng do ba tôi kể,  tháp Chàm là của một giống người Chiêm đã đến đây lập quốc từ nhiều trăm năm về trước, và bây giờ họ đã bị hủy diệt. Chỉ có thế thôi và tôi cũng không thắc mắc chi cho lắm, cho đến khi lớn khôn về lại Đà Nẵng viếng lại Cổ viện Chàm tôi mới ý thức đầy đủ về một dân tộc có một nền văn minh và văn hiến rất xưa khởi từ Phan Rang ra quá Thừa Thiên. Đà Nẵng vào thời niên thiếu của tôi là cả một trời mộng mơ.  Những ngày nghỉ học cuối tuần lúc còn ở tiểu học, và sau này khi ra Huế học vì Đà Nẵng lúc ấy chưa có trường trung học (vào năm 1949)  mỗi dịp nghỉ hè về lại Đà Nẵng là những dịp tôi được rong chơi từ Chợ Mới ăn bánh bèo chén thịt heo nạc, qua cầu De Lattre lên Non nuớc, xuôi theo sông Hàn ra tận núi Sơn Chà lặn xuống biển xem cá đủ màu mà bây giờ bên Mỹ gọi là đi snorkeling, hoặc rủ bạn bè ra tắm biển Thanh Bình. Nhưng trong những cái thú nhất của tôi là được về trong quê cùng ba tôi để thăm lại Thu Bồn, Thanh Quít, làng chằm nón lá có tiếng cùng Duy Xuyên, Điện Bàn nơi quê của mẹ tôi.Tôi dứt áo rời Đà Nẵng từ năm 1950 để ra Huế rồi sau đó vào Saigon tiếp tục việc học, và cũng từ đó tôi đã thật sự xa Đà Nẵng và Quảng Nam cho đến khi mất nước cùng đoàn người di tản sang Hoa Kỳ, thì Đà Nẵng Quảng Nam của tôi đã đi vào huyền thoại. Dẫu vậy sau 55 năm rời xa Đà Nẵng nhưng thâm tâm tôi vẫn cứ hằn nhớ rõ những ngày còn bé thả bộ bên cạnh sông Hàn, xuống Trẹm ra cầu tàu trước Công sứ đi câu cá dìa. Từ nhỏ tôi đã mê câu cá, sau vườn nhà tôi không có chỗ nào mà tôi không đào không xới để bắt giun đất đi câu. Có một loại cá ven sông Hàn, mình dẹp hai bên lườn lốm đốm hoa màu tím nhạt. Thứ cá này đụng mồi gì nó cũng đớp, mỗi lần bỏ lưỡi câu 3 móc xuống thì cả một đoàn lớn bé xúm vào rỉa mồi, cứ giật lên là không bao giờ trật. Cái thói ăn bẩn và hùng hục cái gì cũng ăn giống như loại cá bên các sông hồ Amazon ở Nam Mỹ có tên là Piranha; một loại cá ăn bẩn nhưng dễ câu, song câu lên là phải quăng xuống vì đem về nhà là bà má tôi căng nọc ra đánh, không phải vì đi câu mà vì câu phải con cá dìa gớm ghiếc chuyên ăn đồ dơ dọc ven sông.
Nguồn: http://etruyen.com

Xem thêm các bài Giải SBT ngữ văn 6 tập 1 cánh diều, hay khác:

Xem thêm các bài Giải SBT ngữ văn 6 tập 1 cánh diều được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 6 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 6 | Để học tốt Lớp 6 | Giải bài tập Lớp 6

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 6, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 6 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 6 - cánh diều

Giải sách giáo khoa

Giải sách bài tập

Trắc nghiệm

Lớp 6 - chân trời sáng tạo

Giải sách giáo khoa

Giải sách bài tập

Trắc nghiệm

Lớp 6 - kết nối tri thức

Giải sách giáo khoa

Giải sách bài tập

Trắc nghiệm

Tài liệu & sách tham khảo theo chương trình giáo dục cũ