Đề 2: Số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Bài Làm:
Tính cách sẽ tạo nên số phận của con người, đó là quy luật của cuộc sống. Có lẽ vì thế mà Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao đã lựa chọn một kết thúc buồn cho chính cuộc đời mình vì nhân cách của ông không chấp nhận sống trong hoàn cảnh mà mỗi ngày sự lương thiện trong con người lại bị mài mòn đi một chút, vì miếng ăn, vì sự cô độc.
Nam Cao sinh ra tại Lý Nhân, Hà Nam, một làng quê nghèo đói, xa tỉnh lị, không gian ấy đã trở đi trở lại nhiều lần trong sáng tác của ông sau này như một sự ám ảnh trong tâm trí Nam Cao. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn và truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. Lão Hạc là một trong những truyện ngắn xuất sắc viết về người nông dân của Nam Cao, đăng báo lần đầu năm 1943. Ở đó, ta thấy hiện lên số phận nghiệt ngã và phẩm chất cao quý của Lão Hạc, một người nông dân hiền lành, lương thiện.
Giống như tất cả những người nông dân trong xã hội thực dân phong kiên đương thời, Lão Hạc cũng mang một số phận đau thương, nghiệt ngã. Hiện lên trong tác phẩm của Nam Cao là một lão nông bất hạnh: vợ mất sớm, nhà nghèo, lão ở vậy nuôi con nhưng lại không có đủ tiền cho con trai cưới vợ khiến con lão phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão sống “ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình” lại bị bủa vậy bởi tuổi già, yếu, bệnh tật, đói kém mất mùa liên miên. Lão có nuôi một con chó, đặt tên là cậu Vàng, yêu thương nó nhưng cuối cùng lão cũng phải bán đi vì nghèo đói, không nuôi nổi nó. Cùng đường, lão Hạc đã tìm tới cái chết. Một cái chết kinh khủng, mà chỉ đọc lên thôi người ta cũng hình dung ra hình ảnh của một con chó đang giãy giụa trong đau đớn khi ăn phải bả: lão Hạc “vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc....tru tréo, bọt mép sùi ra...chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên” và phải “vật vã đến hai giờ đồng hồ mới chết”. Nam Cao đã khắc họa số phận của lão Hạc bằng một lối trần thuật đầy lôi cuốn, hấp dẫn với vẻ ngoài thờ ơ, lạnh lùng. Nhưng đằng sau ấy, người đọc có thể nhận ra sự đồng cảm, xót thương của ông khi chứng kiến những con người lương thiện bị chính xã hội thối nát đè ép, chà đạp.
Ấn tượng đọng lại trong lòng người đọc không chỉ là số phận khổ đau của lão Hạc, mà hơn thế, người ta sẽ không thể quên phẩm chất cao quý ẩn sâu bên trong người nông dân lương thiện ấy. Lão Hạc trước hết hiện lên là một người giàu lòng nhân ái, vị tha và đầy yêu thương. Lão sống một mình, vợ chết sớm, con đi biền biệt, chỉ có cậu Vàng ở bên cạnh làm bầu bạn nên lão coi nó như đứa cháu trong nhà. Nhà văn đã để ông giáo nhận ra tình cảm đáng quý này qua cách lão Hạc đối xử với cậu Vàng “lão bắt rận hay đem ra ao tắm”, “cho ăn cơm trong ái bát như một nhà giàu”, “lão ăn gì cũng chia cho nó cùng ăn”, trò chuyện với nó như thể một người bạn tri kỷ. Chỉ bằng một vài lời nhận xét, người đọc cũng có thể hình dung về niềm vui tuổi già của lão Hạc, chỉ đơn giản là chăm sóc cho con chó Vàng - con chó mà người con trai trước khi đi đồn điền để lại cho lão. Hạnh phúc ấy sao mà giản đơn, bình dị quá!
Lão Hạc còn là một người cha vô cùng yêu thương và lo lắng cho con. Lão chỉ có duy nhất một đứa con trai nên suốt cuộc đời, lão lo lắng và chăm lo cho nó. Con trai lão muốn lấy vợ, nhà gái thách cưới quá cao, nhà lại nghèo, hắn định bán mảnh vườn đi để cưới nhưng lão Hạc khuyên con và kiên quyết không cho bán. Con lão quẫn chí đăng kí đi đồn điền khi hay tin cô gái kia đi lấy chồng. Hành động dứt khoát ấy của con trai càng làm cho lão Hạc đau khổ, dằn vặt. Lão cầm ba đồng bạc con biếu trước khi đi, chỉ biết khóc mà không cản được con. Bởi lão cho rằng, vì lão quá nghèo nên không thể lo được lễ cưới cho con, vì lão ngăn cản đám cưới mà con lão mới quyết chí đi đồn điền - nơi mà “Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng khi về bùng beo”. Người cha tội nghiệp ấy luôn tự trách mình, mọi sự đều là do lão. Lão mong chờ con trở về từng ngày, nhưng càng chờ lại càng vô vọng. Thư con trai gửi về càng lúc càng ít, vài dòng lão nhận được chỉ là thông báo con đi lâu hơn, và ngót một năm nay đứa con trai không gửi thư về nữa. Tuổi già cô đơn, quạnh quẽ chỉ có một mình nhưng lão lại chẳng hề lo cho bản thân, có gì ăn nấy, còn hoa màu, tiền bạc dành dụm được đều để dành cho con với niềm tin “thế nào đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc...”. Có cha mẹ nào lại không thương con? Lão Hạc đã dùng cả sinh mệnh của mình để quyết giữ cho bằng được mảnh vườn làm vốn liếng cho con trai lão, khi hắn trở về. Mà cũng không biết, con trai lão có trở về được nữa hay không...
Đọc Lão Hạc, người ta còn nhận ra con người ấy là một người giàu lòng tự trọng. Lão giàu lòng tự trọng tới nỗi, tự thấy xấu hổ khi đã nhẫn tâm lừa một con chó. Người đọc hẳn sẽ không thể quên khuôn mặt của lão Hạc khi báo tin cho ông giáo đã bán cậu Vàng “cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước”, “mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...”. Những câu văn đặc tả khuôn mặt của lão Hạc giây phút ấy khiến ta hình dung một nỗi ân hận đang cuộn trào trong lòng của lão. Lão có thể chịu đựng được cái đói, cái nghèo nhưng lại không chịu nhờ vả, làm phiền đến hàng xóm láng giềng. Vì thế mà lão đã mang số tiền còn lại sang gửi ông giáo, nhờ ông lo ma chay nếu chẳng may lão chết. Đến tận giây phút cuối cùng, khi xin bả chó của Binh Tư, lão Hạc vẫn nghĩ rằng, đó chính là kết cục của một kẻ đã nỡ lừa cả một con chó. Cái chết dữ dội của lão Hạc khiến cho cả ông giáo và người đọc cảm thấy ngạc nhiên tới ngỡ ngàng. Thì ra, nhân cách và lòng tự trọng của con người có thể giết chết chính họ, khi phải sống trong hoàn cảnh nhân cách và lòng tự trọng bị bào mòn đi từng chút, từng chút một.
Bằng một tài năng kể chuyện xuất sắc và bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật tinh vi bậc thầy, Nam Cao đã khắc họa một cách chân thực, cảm động số phận đau thương của lão Hạc, hình ảnh đại diện cho người nông dân trong xã hội cũ và phẩm chất cao quý tiềm tàng của họ. Đồng thời, truyện cũng cho ta thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với người nông dân của nhà văn.