Bài văn mẫu lớp 9: Nghị luận Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh

Đề 5: Bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh

Bài Làm:

            Hồ Chí Minh được biết tới không chỉ với tư cách của một vị lãnh tụ vĩ đại, một người chiến sĩ cách mạng can trường, mà Người còn được biết đến với tư cách của một người nghệ sĩ tài hoa. Bác đem thơ làm vũ khí phục vụ kháng chiến nhưng đồng thời sáng tác thơ cũng là cách để Người tìm thấy niềm vui trong cuộc đời cách mạng khó khăn, gian khổ. Thơ Bác mang vẻ đẹp bình dị mà đậm tình thương yêu cuộc sống, con người. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được viết vào tháng 2/1941, trong thời gian Bác đang sống và làm việc gian khổ tại hang Pác Bó. Bài thơ là tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ.

             Bài thơ được mở ra với khung cảnh thiên nhiên Pác Bó và những hoạt động được lặp đi lặp lại hàng ngày của Bác:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang 

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”

Ngày nào cũng vậy, Bác “sáng ra bờ suối”, tối trở về hang. Biện pháp tiểu đối kết hợp với nhịp thơ 4/3 đã tạo ra cho câu thơ một nhịp điệu như sự lặp lại của các hoạt động trong cuộc sống của Bác. Bác làm việc bên bờ suối, tối trở về hang Pác Bó - không gian nhỏ, hẹp, ngột ngạt, để nghỉ ngơi. Bữa ăn của Bác cũng chẳng phải cao lương, mĩ vị, mà chỉ là những thức “cháo bẹ”, “rau măng”. Một lần nữa, biện pháp tiểu đối được Bác sử dụng trong câu thơ tạo ra sự đăng đối, nhịp nhàng. Cuộc đời của con người cách mạng sao thật khó khăn. Không chỉ phải buộc mình sống ở một nơi khắc nghiệt mà đến bữa ăn hàng ngày của Bác cũng ít ỏi đến đáng thương. Thế nhưng người đọc vẫn cảm thấy được phong thái ung dung, nhẹ nhàng của con người ấy. Chỉ bằng một từ “vẫn” và tính từ “sẵn sàng” cũng đủ để người đọc hiểu rằng, Bác biết trước hoàn cảnh sống khi làm cách mạng là khó khăn, thiếu thốn, song Người vẫn chấp nhận nó như một điều tất yếu. Bởi với Người, khó khăn, gian khổ về vật chất chỉ là cách giúp cho người chiến sĩ tôi luyện tinh thần, ý chí chiến đấu của mình mà thôi.

            Hình tượng của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh hiện lên với vẻ đẹp lồng lộng qua hai câu thơ cuối:

“Bàn đã chông chênh dịch sử Đảng, 

Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Hình ảnh chiếc “bàn đã chông chênh” là hình tượng trung tâm của bài thơ. Cuộc sống giữa núi rừng thật gian khổ, vất vả, thiếu thốn. Nơi làm việc cũng không lấy gì thoải mái vì bàn đá chông chênh, nhưng dáng điệu của Bác vẫn lồng lộng đường hoàng. Bác say mê với công việc, tập trung cao độ vào công việc mà chẳng hề quan tâm đến vật chất quanh mình. Từ láy chông chênh chỉ sự tạm bợ, nghèo về vật chất. Sống giữa thiên nhiên, làm việc giữa đất trời khoáng đạt, Bác cảm thấy vui và hăng say với công việc của mình. Trên cái bàn đá "thiên tạo" ấy, Bác vẫn miệt mài dịch sử Đảng, tìm ra đường lối để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong những ngày tháng ở núi rừng Việt Bắc, ở hang Pác Bó, cuộc sống thật kham khổ về vật chất nhưng qua giọng điệu, từ ngữ, hình ảnh thơ và cách nói của Người, ta thấy toát ra niềm vui lớn lao của Bác. Câu kết bài thơ là lời khẳng định của Bác về cuộc đời làm cách mạng. Bác tự hào về cuộc đời cách mạng, nó sang trọng, cao quí. Chữ sang ở cuối bài thơ đã tỏa sáng tinh thần của toàn bài thơ. Sang ở đây không phải là vật chất sang trọng, giàu sang phú quý mà đây để chỉ sự thoải mái trong tinh thần, cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng. Với Bác, cứu dân, cứu nước là niềm vui, là lẽ sống, là lí tưởng của mình. Hơn nữa, dường như ở Bác luôn sẵn có, cái thú lâm truyền: Bác thích sống ở núi rừng, được sống hòa hợp cùng thiên nhiên, cây cỏ. Tuy nhiên, cái vui thú của Bác không phải là được làm một ẩn sĩ mà là một chiến sĩ, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rõ ràng ở Bác có những nét đẹp của phong cách cổ điển đan xen với nét đẹp của phong cách hiện đại. Vẻ đẹp này đã thể hiện trong phong cách thơ của Bác. 

            Không hừng hực khí thế như những vần thơ hào hùng của Tố Hữu

“Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

 Dấn thân vô là phải chịu tù đày

 Là gươm kề cận cổ, súng kề tai

 Là thân sống chỉ coi còn một nửa”

nhưng đọc Tức cảnh Pác Bó của Bác, ta vẫn thấy hiện lên tinh thần thép, một ý chí sắt đá của một người chiến sĩ cách mạng. Và điều ấy lại được hiện lên qua những hình ảnh rất đỗi bình dị pha giọng vui đùa. Với con người ấy, khó khăn gian khổ có là gì?

Xem thêm Bài tập & Lời giải

Trong: Viết bài tập làm văn số 7 Ngữ văn 9 tập 2 trang 99, giải tất các đề

Đề 1: Suy nghĩ của em về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ (tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố)

Xem lời giải

Đề 2: Số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao

Xem lời giải

Đề 3: Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri.

Xem lời giải

Đề 4: Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng của Ta-go

Xem lời giải

Đề 6: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Xem lời giải

Đề 7: Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Xem lời giải

Xem thêm các bài Soạn văn 9 tập 2, hay khác:

Xem thêm các bài Soạn văn 9 tập 2 được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 9 giúp bạn học tốt hơn.

BÀI 18

BÀI 19

BÀI 20

BÀI 21

BÀI 22

BÀI 23

BÀI 24

Xem Thêm

Lớp 9 | Để học tốt Lớp 9 | Giải bài tập Lớp 9

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 9, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 9 giúp bạn học tốt hơn.