Thảo luận nêu suy nghĩ của em về vấn đề gây tranh cãi giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học

Tuyển tập những bài văn mẫu hay lớp 7 chân trời sáng tạo. Những bài văn, đoạn văn hay của lớp 7 bộ sách chân trời sáng tạo sẽ được tổng hợp ở dưới đây. Bộ đề gồm nhiều bài văn tham khảo khác nhau. Mời các em học sinh tham khảo.

Thảo luận nêu suy nghĩ của em về vấn đề gây tranh cãi giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học?

Bài tham khảo 1 : 

Trong các tiết học hiện nay, thuyết trình cá nhân hay theo nhóm đã trở nên rất phổ biến và hữu ích. Là một người học sinh được trải nghiệm nhiều phương pháp, kĩ thuật học khác nhau, các bạn có suy nghĩ như thế nào trước việc "Giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học?". Sau đây, em xin trình bày ý kiến của mình như sau: 

Đầu tiên, khi giáo viên yêu cầu thuyết trình, học sinh sẽ chủ động tìm hiểu kiến thức của bài. Dần dần, các bạn rèn luyện được tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Đối mặt với tri thức mới, mọi người không còn bỡ ngỡ mà trở nên nhạy bén, dễ dàng vận dụng vào thực hành, luyện tập.

Tiếp theo, trong quá trình tự tìm hiểu bài, học sinh phải "cày sâu bừa kĩ" các kiến thức mới lạ, khó hiểu. Từ đó, chúng ta dễ dàng nắm chắc bản chất vấn đề. Không còn tình trạng học trước quên sau, mọi người sẽ hiểu sâu, nhớ lâu những tri thức mà bản thân đã khám phá và tích lũy.

Cuối cùng, việc thuyết trình thường xuyên còn giúp rèn luyện kĩ năng nghe nói tương tác. Muốn nắm bắt chính xác thông tin mà người nói đề cập, mỗi người phải tập trung lắng nghe và biết cách tóm tắt ngắn gọn các nội dung. Ngoài ra, thuyết trình cũng là cách để chúng ta trở nên tự tin khi đứng trước đám đông.

Bài tham khảo 2 : 

Như mọi người đã biết, thuyết trình là một phương pháp học tập quen thuộc và thường được sử dụng trong các tiết học. Có ai cảm thấy nhàm chán với phương pháp này hay không? Và các bạn có suy nghĩ gì về việc "Giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học?".

Trước tiên, nhóm mình thấy rằng việc thường xuyên thuyết trình sẽ làm học sinh mất cân đối trong quá trình học tập. Để có thể chuẩn bị đầy đủ và chi tiết cho bài thuyết trình, một cá nhân hoặc nhóm phải dành ra rất nhiều thời gian đọc, tìm hiểu và nghiên cứu kiến thức mới. Nếu không biết phân bổ thời giờ hợp lý, học sinh sẽ thiếu tập trung với các môn học khác.

Tiếp đó, tiết học nào cũng áp dụng thuyết trình còn gây cảm giác nhàm chán "một màu". Thời gian đầu, học sinh cảm thấy hào hứng, vui vẻ với hình thức này nhưng tần suất quá nhiều, quá dày khiến mọi người nản chí và không còn say mê học tập.

Thông thường, một tiết học thường diễn ra trong vòng 45 phút. Qũy thời gian này là quá ít để tất cả học sinh có thể thuyết trình sản phẩm của mình. Điều này đã vô tình cản trở việc giáo viên tổng kết lại toàn bộ kiến thức. Với những tiết học bị hạn chế thời gian, một số nhóm nêu sai tri thức nhưng không điều chỉnh kịp thời, dẫn đến tình trạng các bạn tiếp nhận chưa đúng. Bên cạnh đó, khi nhóm khác thuyết trình trên bảng thì phía dưới có nhiều học sinh lại làm việc riêng và không chú ý vào bài. Như vậy, kiến thức được truyền tải nhưng chẳng có ai lắng nghe và thu nhận.

Chúng ta không thể phủ nhận thuyết trình là một phương pháp học hiệu quả, kích thích tinh thần tự học của người học. Để giờ học thuyết trình trở nên hấp dẫn, mọi người cần có sự tương tác, trao đổi với nhau nhiều hơn.

Bài tham khảo 3 : 

Ngày nay, chúng ta được tiếp cận với nhiều hình thức học tập khác nhau. Điển hình trong số đó là phương pháp thuyết trình, lấy học sinh làm trung tập. Vậy, các bạn có bao giờ suy nghĩ tới việc "Giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học?" Theo ý kiến của  mình hoàn toàn đồng tình với vấn đề này. Sau đây, mình xin được làm rõ những quan điểm, suy ngẫm ấy.

Thứ nhất, thường xuyên thuyết trình đồng nghĩa với việc chủ động tìm tòi tri thức bài học. Muốn chuẩn bị thật tốt cho sản phẩm của mình, các bạn học sinh phải dành thời gian nghiền ngẫm, khám phá kiến thức mới lạ. Từ đây, chúng ta rèn luyện và bồi dưỡng được năng lực tự học, tự giải quyết.

Tiếp đến, khi giáo viên đưa ra yêu cầu thuyết trình, mỗi cá nhân cần phải nỗ lực và tự giác nhiều hơn. Trong quá trình tự nghiên cứu ấy, người học cần liên tục trau dồi và mở mang tri thức. Điều này giúp người học hiểu sâu, nhớ lâu, dễ dàng nắm chắc các vấn đề đã được tích lũy, vun đắp.

Cuối cùng, phương pháp này còn giúp rèn luyện kĩ năng nói và nghe ở học sinh. Những bạn thuyết trình tốt sẽ luôn tự tin bày tỏ quan điểm trước đám đông. Ngoài ra, để nắm bắt các thông tin được đề cập trong bài nói của người khác, mỗi người phải biết tập trung lắng nghe, ghi chép tóm tắt ý chính, từ khóa.

Tuy nhiên, có đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy nhàm chán khi phải thuyết trình quá thường xuyên. Chúng ta không còn hăng hái, say mê tìm hiểu các tri thức mới. Chính bởi vậy, các tiết học nên có sự cân bằng giữa việc giảng dạy và thuyết trình. Bên cạnh đó, để giờ thuyết trình không bị tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn, mọi người nên tương tác, trao đổi với bạn bè phía dưới nhiều hơn.

Xem thêm các bài Văn mẫu 7 chân trời sáng tạo, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu 7 chân trời sáng tạo được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 7 | Để học tốt Lớp 7 | Giải bài tập Lớp 7

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 7, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.