Suy nghĩ của em về vấn đề Có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường

Tuyển tập những bài văn mẫu hay lớp 7 chân trời sáng tạo. Những bài văn, đoạn văn hay của lớp 7 bộ sách chân trời sáng tạo sẽ được tổng hợp ở dưới đây. Bộ đề gồm nhiều bài văn tham khảo khác nhau. Mời các em học sinh tham khảo.

Suy nghĩ của em về vấn đề Có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường.

Bài tham khảo 1 : 

Điện thoại thông minh đang dần trở thành người bạn thân thiết của mỗi học sinh. Vậy nhưng, việc sử dụng điện thoại thông minh không chỉ đem lại những lợi ích thiết yếu và mà còn có những ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, học tập của mỗi người.

Các bạn học sinh sử dụng điện thoại gần như vào hầu hết các thời gian trong ngày. Nó tạo ra hình ảnh của một thế hệ cúi đầu, chỉ mải chăm chăm vào màn hình smartphone mà quên đi cuộc sống thực tại. Cũng có một bộ phận học sinh rất chăm chỉ, rất chịu khó, các bạn dùng điện thoại thông minh một cách thông minh cho việc học tập, phát triển bản thân, biến nó từ một đồ vật vô tri thành những lợi ích thiết thực. Tuy vậy, không ít học sinh vì không kiểm soát được con sâu lười biếng trong bản thân mà để nó điều khiển. Các bạn sử dụng điện thoại không đúng cách, có thể kể đến là những học trò dùng điện thoại trong các giờ học nhưng không vì mục đích học tập mà để nhắn tin nói chuyện riêng; trong các giờ kiểm tra thì dùng tải tài liệu trên Internet để đối phó. Cũng không ít các bạn mang theo sự non nớt của tuổi mười bảy, mười tám mà dùng điện thoại một cách không ý thức. Các bạn sử dụng điện thoại với mục đích chưa tốt: dùng tải các hình ảnh, các loại văn hóa phẩm đồi trụy, hoặc phát tán các clip có nội dung xấu lên mạng; dùng để trêu chọc người khác thái quá (nhắn tin hù dọa, nháy máy)...

Điện thoại thông minh đã đánh dấu bước tiến của công nghệ, nhưng nếu mỗi bạn trẻ - mỗi bạn học sinh đều lệ thuộc như vậy thì chẳng mấy chốc, những gì tối tân, thông minh ấy lại quay lại hủy hoại chúng ta. Hãy biết đâu là điểm dừng, biết nhìn nhận những ích lợi, hậu quả qua sự cư xử của bạn với điện thoại thông minh.

Bài tham khảo 2 :

Cuộc sống của chúng ta đang được hỗ trợ rất nhiều bởi các thiết bị công nghệ thông minh. Việc một cá nhân nào đó sở hữu chiếc smartphone, laptop hay máy tính bảng đã không còn là điều quá xa vời. Trong công việc hay học tập, các thiết bị này đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vậy, theo các bạn, có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường lớp hay không?

Đầu tiên,  việc dùng điện thoại sẽ khiến chúng ta không thể tập trung vào tiết học. Khi giáo viên giảng bài phía trên, một vài học sinh bên dưới lại dùng điện thoại để lướt Facebook, chơi game,... Cứ như vậy, ngày qua ngày, các bạn ấy không chú tâm lắng nghe bài học, dẫn đến hổng kiến thức. Sau đó, để đạt điểm cao trong thi cử, một số cá nhân sẽ dùng phao, copy bài bạn hoặc chép trên mạng. Dần dần, học sinh không chỉ thiếu hụt tri thức mà còn xuống cấp về đạo đức.

Tiếp theo, sử dụng điện thoại quá thường xuyên còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mỗi người. Trong lớp học, để không muốn giáo viên phát hiện việc dùng điện thoại, một số người đã cho ánh sáng màn hình giảm xuống rất thấp. Điều này sẽ làm mắt chúng ta bị cận thị. Đó còn là những bạn học sinh chỉ mải ngồi một chỗ để lướt điện thoại nên lười vận động.

Tuy nhiên, học sinh có thể sử dụng điện thoại trong giờ học khi có sự đồng ý của giáo viên. Chẳng hạn, điện thoại sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tiếp cận với các câu hỏi trắc nghiệm trên kahoot, quizizz. Ngoài ra, chúng ta có thể tra cứu tài liệu, thảo luận nhóm, làm bài tập online từ các ứng dụng, phần mềm.

Bài tham khảo 3 : 

Việc cấm HS sử dụng điện thoại di động là rất khó. Nhưng nếu cho phép sử dụng thì chúng ta cần giáo dục ý thức, tổ chức chuyên đề nói về tác hại của game, ảnh hưởng của mạng xã hội... để các em sử dụng điện thoại có chọn lọc và hiệu quả hơn. Điện thoại di động có thể làm cho người ta gần nhau hơn. Tuy nhiên, cũng rất dễ làm cho người ta trở nên vô cảm, nhiều khi nói chuyện với nhau bằng miệng nhưng tay và mắt lại tập trung vào điện thoại di động. Cần giúp các em hiểu rằng điện thoại di động là một phương tiện, phải sử dụng như thế nào, cách nào cho đúng. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khi dạy cũng nên lồng ghép việc giáo dục cách sử dụng điện thoại cho HS.

Xem thêm các bài Văn mẫu 7 chân trời sáng tạo, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu 7 chân trời sáng tạo được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 7 | Để học tốt Lớp 7 | Giải bài tập Lớp 7

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 7, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.