IV. Đề tham khảo, mở rộng
Câu 1: Vẻ đẹp về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn qua tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.
Bài Làm:
“Những ngôi sao xa xôi” ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, đó là năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc vẫn đang gay gắt. Thế nhưng dưới ngòi bút của Lê Minh Khuê người đọc đã thấy một bức tranh thật khác, được khắc họa qua nhân vật tôi “Phương Định” về vẻ đẹp của tuổi trẻ chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn.
Lê Minh Khuê là nhà văn lấy cảm hứng chủ đạo từ cuộc sống gian nan vất vả của tuổi trẻ trong kháng chiến chống Mỹ, nên những ngày làm thanh niên xung phong bà đã khắc họa cuộc sống ấy bằng những nét đẹp nhất, chân thực nhất. Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm đầu tay của bà.
Vẻ đẹp về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn đã biết bao người lấy đưa vào thơ ca, đã có những:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
Hay những: “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”
Nhưng có lẽ phải đến với những ngôi sao xa xôi thì người ta mới thấy nó chân thực đến thế, nó thực đến mức như ta chạm vào được bức tranh ấy, để rồi ta cảm nhận, ta lặng im nghe tiếng bức tranh ấy lên tiếng hát, giữa mưa bom bão đạn. Đó là câu chuyện về cuộc sống của những cô thanh niên xung phong- tổ trinh sát mặt đường gồm “Phương Định, Nho và chị Thao”; họ sống trong một cái hang trên cao điểm với công việc vô cùng gian nan “Việc của chúng tôi là ngồi đây: Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất phải lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Công việc vất vả trong hoàn cảnh khốc liệt “Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh thì căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ...”; khi nghe người ta cứ tưởng chừng như một sa trường khốc liệt, chỉ có chiến đấu và chiến đấu, chỉ có đau thương và sợ hãi. Nhưng không, với các cô công việc không làm mất đi được niềm lạc quan và những khát khao bé nhỏ trong lòng mỗi người. Cuộc sống dù khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng họ vẫn có những niềm vui hồn nhiên, những giây phút thanh thản, mơ mộng. Đặc biệt là ba chị em rất gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội, dù mỗi người một cá tính. Ở phần cuối, tác giả tập trung miêu tả hành động và tâm trạng của các nhân vật, chủ yếu là của Phương Định trong một lần phá bom. Nho bị thương đã được đồng đội lo lắng và săn sóc. Cơn mưa đá ở cao điểm khiến cho Phương Định hồi tưởng về tuổi học trò ở Hà Nội: Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thật xa…
Nhân vật tôi kể về cuộc sống hằng ngày của những nữ trinh sát trên tuyến đường Trường Sơn, gian khổ có, nhưng rất thú vị. Cái gian khổ không bao giờ làm mất đi nét vui vẻ, hồn nhiên của các cô gái ở tuổi mười tám, đôi mươi. Phương Định kể về cô và những người đồng đội của mình, kể về những niềm vui đơn thuần mà các cô cùng nhau có được. Ở chiến trường nhưng các cô gái này cũng thích làm đẹp cho cuộc sống của mình: Nho thích thêu thùa, chị Thao hay chép bài hát, Định thích soi gương, ngồi mơ mộng và hát. Tuy có những điểm chung như thế nhưng đồng thời ba cô gái cũng có những nét tính cách riêng biệt. Vốn là nữ sinh thành phố, Phương Định nhạy cảm, hồn nhiên hay mơ mộng sống với kỉ niệm cũ. Chị Thao nhiều kinh nghiệm sống hơn nên có mơ ước và dự tính tương lai có vẻ thiết thực hơn nhưng cũng không thiếu những khát khao và rung động của tuổi trẻ. Chiến đấu rất dũng cảm bình tĩnh nhưng chị lại rất sợ khi thấy máu chảy. Mưa bom bão đạn không làm chai sần đi những ước mơ lãng mạn và nhỏ bé của các cô gái trẻ, họ chiến đấu vì tương lai, vì mong một ngày mai tươi sáng, họ vẫn luôn chan chứa tình yêu đồng đội, yêu cuộc sống, vẫn luôn khát khao cháy bỏng chiến thắng đế quốc xâm lược. Hình ảnh các cô gái trẻ xung phong bộc lộ thật khác trong từng hoàn cảnh. Trong công việc, các cô là những thanh niên dung cảm, đối diện với thần chết vẫn không hề nao núng, luôn giữ vững thái độ và trách nhiệm cao với công việc, làm việc hết mình, tinh thần dũng cảm, bản lĩnh, vượt qua mọi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ các cô ngày ngày làm quen với bom nổ, với căng thẳng hàng ngày. Nhưng mỗi lần phá bom là một thử thách mới.
Nhân vật Phương Định đã tái hiện chân thực tâm lý khi phá bom, cô đi thẳng đến quả bom chưa nổ. Cô đào đất và đặt thuốc nổ vào dưới quả bom có thể nổ tung bất kì lúc nào. Hành động của cô thật nhanh gọn, khéo léo trong một không khí cực kì căng thẳng. Với cô, cái chết thật mờ nhạt trước điều quan tâm lớn nhất: Liệu mìn có nổ, liệu bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai. Trong công việc là thế, nhưng cuộc sống hàng ngày của các cô lại thật đẹp, nó hồn nhiên vô tư và trong sáng, không hề bị hoàn cảnh làm mất đi sự lạc quan đó. Những lúc rảnh rỗi Phương Định thì thích hát, thích ngắm đôi mắt cảu mình trong gương; Nho thì thích thêu thùa - những màu sặc sỡ, thích ăn kẹo; chị Thao thì mạnh mẽ cứng rắn nhưng laị sợ vắt, sợ máu, chị hát không hay nhưng thích ghi chép bài hát, chị có quyển sổ dày đặc bài hát. Trận mưa đá ở cuối truyện như gọi dậy bao ước mơ trẻ thơ, những khát khao bình thường và nỗi nhớ mong gia đình của các cô gái trẻ, nó đánh thức niềm vui đơn thuần trong khói đạn, trong chiến tranh và bạo lực, nó như xua đi cá nắng nóng, khắc nghiệt trong những giờ áp mặt với thần chết.
Để thiên truyện đi sâu vào lòng người, tác giả đã vận dụng nghệ thuật thành công trong suốt tác phẩm. Về ngôn ngữ, ngôn ngữ trần thuật cúa truyện phù hợp với nhân vật kể chuyện: Phương Định, cô gái xung phong người Hà Nội ra chiến trường đã khiến cho truyện có được một giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Hà Nội, trẻ trung và đặc biệt giàu chất nữ tính.
Tác giả thường dùng câu ngắn, nhịp nhanh thể hiện được không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến tranh. Riêng các đoạn hồi tưởng, nhịp kể chậm lại gợi nhớ một thời tuổi nhỏ đã qua, một thời vô tư hồn nhiên và không khí bình yên trước chiến tranh.
Cuộc sống của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn thật đẹp, trong hoàn cảnh sống và chiến đấu gian khổ hiểm nguy vẫn sáng lên tinh thần tự nguyện đón nhận trách nhiệm với cuộc chiến đấu về những phấm chất, tính cách cao đẹp và đáng yêu về ý nghĩa của sự cống hiến, hi sinh, của cách sống đẹp hết sức trong sáng, hồn nhiên... Vẻ đệp ấy như đi vào lòng dân tộc, để thế hệ mai sau như được tiếp thêm động lực để đấu tranh và xây dựng đất nước.