Đề 2: Trình bày suy nghĩ của em về câu tục ngữ:" Muốn lành nghề. chớ nề học hỏi"
Bài Làm:
Ca dao tục ngữ là kho tàng quý báu của dân tộc, lưu giữ bao bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong kho tàng đó, cha ông ta thường gửi gắm những lời khuyên thấm thía về tình yêu thương và đức tính tốt đẹp. Một trong những đức tính được nhắc đến nhiều nhất chính là ý chí nghị lực, sự cầu tiến, khiêm nhường. Câu tục ngữ “Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi” đã đem đến cho chúng ta nhiều suy nghĩ về đức tính đó.
Câu tục ngữ nêu trên có ý nghĩa sâu sắc và vô cùng đúng đắn. “Lành nghề” là từ ngữ ý chỉ sự thành thạo, giỏi giang đối với một công việc, một ngành nghề hay rộng hơn là một lĩnh vực nào đó. “Nề” là không né tránh, không ngại, cố gắng và chịu khó. Còn “học hỏi” là việc tiếp thu, học tập và rèn luyện để trau dồi vốn tri thức, nâng cao năng lực của bản thân. Như vậy, qua câu tục ngữ, thế hệ đi trước muốn nhắn nhủ tới mọi người rằng: muốn thành thạo, giỏi giang thì phải ham học hỏi, có ý chí cầu tiến, khiêm nhường, không ngại khó, ngại học, học hỏi từ tất cả mọi người xung quanh, kể cả bạn bè của mình.
Qua câu tục ngữ, ta có thể nhận thấy được nhiều giá trị sâu sắc. Mỗi con người trong xã hội, ai cũng có ước mơ, hoài bão và những dự định tương lai của riêng mình. Chúng ta được bảo bọc trong vòng tay cha mẹ, được đón nhận tình yêu thương và sự quan tâm từ gia đình lẫn xã hội, được học tập và rèn luyện. Song, mục đích của quá trình trưởng thành, nâng cao bản thân đó suy cho cùng chính là sự thành thạo, giỏi giang hay đơn giản hơn chỉ là làm tốt được công việc, ngành nghề mà chúng ta đã lựa chọn sau này.
Để có đủ khả năng bắt đầu công việc, ngành nghề, học hỏi chính là điều kiện đầu tiên mà bất cứ ai cũng phải có. Từ những người nông dân bình thường đến những nhà bác học nổi tiếng, ai cũng phải học hỏi mới có đủ khả năng làm những việc họ muốn. Người nông dân phải học cách gieo giống, làm đồng, học cách chăm sóc cây lúa qua từng thời kỳ mới có thể làm được nghề nông từ năm này sang năm khác. Để trở thành một giáo viên, sinh viên trường sư phạm mất 4 năm để học kiến thức và học cách đứng lớp, cách truyền tải kiến thức đến học sinh. Trong khi đó, sinh viên trường Y muốn cầm dao mổ cứu người, muốn trở thành bác sĩ thực sự phải mất 7 năm và lâu hơn thế để học và thực tập. Không có bất kì ai thành thạo một ngành nghề nào mà không cần học hỏi.
Học hỏi ở đây không đơn thuần là việc học trên lớp, học ở trường mà còn là việc học từ cuộc sống. Tri thức của nhân loại là vô cùng, vô tận, không hề bó gọn trong một phạm vi nào. Hơn nữa, sự học là vô biên, không thể ngày một ngày hai mà có thể hoàn thành. Qúa trình học hỏi để tạo tiền đề cho công việc của bản thân sau này là dài lâu và đầy thử thách. Những gì chúng ta học được hôm nay không phải là tất cả, cũng không phải cao siêu nhất. Khiêm nhường và cầu tiến là yếu tố cần thiết cho việc học hỏi không ngừng nghỉ. Thực tế đã chứng minh, “học thầy không tày học bạn”, từ chính người bạn cùng trang lứa của mình, chúng ta có thể học được rất nhiều bài học. Học cái chưa tốt để tránh, rút kinh nghiệm, học cái tốt để hoàn thiện bản thân. Ngay cả những thầy cô giáo có thời gian giảng dạy hơn 10 năm vẫn không ngừng học hỏi những cái mới hơn để nâng cao năng lực của mình.
Câu tục ngữ đưa ra lời khuyên vô cùng ý nghĩa, nhắc nhở mỗi người về con đường học và làm. Cuộc sống không ngừng đổi thay, nếu không học hỏi, chúng ta sẽ không theo kịp thời đại, công việc sẽ gặp nhiều khó khăn. Học để tích lũy vốn tri thức, để biến những dự định thành hiện thực và để trở thành những công dân có ích. Hãy chủ động và tích cực học tập, tích lũy thêm cho bản thân thật nhiều điều có ích. Đồng thời, cần khiêm nhường trong quá trình học hỏi “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, “núi cao còn có núi cao hơn”, đứng trước mọi thử thách, đừng ngần ngại vượt qua. Kiên trì và quyết tâm, học hỏi không ngừng nghỉ, thành công nhất định sẽ đến.