Câu 4: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học " Sang thu"
Bài Làm:
A. Ngắn gọn những nội dung chính
1. Giới thiệu chung
- Tác giả: Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Hữu Thỉnh rất gắn bó với cuộc sống nông thôn. Ông có nhiều bài thơ hay về con người và cuộc sống nông thôn.
- Bài thơ: sáng tác năm 1977
2. Phân tích bài thơ
a. Cảm nhận, tâm trạng của nhà thơ trước những tín hiệu báo thu sang
*Tín hiệu sang thu: Cảm nhận tinh tế và tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng của nhà thơ khi chợt nhận ra những tín hiệu báo thu sang:
- Hương ổi lan tỏa vào không gian.
- Những cơn gió mùa hè đã chuyển sang man mác se lạnh.
- Sương giăng mắc nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm.
- Nước trên sông không còn đục ngầu và cuồn cuộn chảy mà lững lờ trôi.
- Những cánh chim bắt đầu vội vã ở những buổi h/ hôn.
- Nắng cuối hạ còn sáng rực vàng, nhưng đã nhạt dần và cũng ít đi những cơn mưa rào ào ạt bất ngờ.
- Bớt đi những tiếng sấm bất ngờ rền vang làm lay động những hàng cây cổ thụ.
b. Những suy ngẫm của tác giả:
Thời tiết lúc sang thu:
- Nắng: vẫn còn
- Mưa: vơi dần
- Sấm: bớt bất ngờ
Suy ngẫm của tác giả:
- Nắng, mưa, sấm: khó khăn, gian khổ, vang động bất thường
- Hàng cây đứng tuổi- người từng trải
=> Ẩn dụ: khi con người đã tửng trải thì cũng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời
B. Phân tích chi tiết nội dung bài thơ
1. Cảm nhận, tâm trạng của nhà thơ trước những tín hiệu báo thu sang
Khổ thơ đầu, Hữu Thỉnh đã tái hiện khung cảnh thiên nhiên mùa thu nơi làng quê yên bình thanh tĩnh:
" Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se"
- Đây là khung cảnh một sáng chớm thu ở làng quê Bắc Bộ. Trước hết nhà thơ bất chợt nhận ra tín hiệu của sự chuyển mùa từ ngọn gió mang hương ổi chín. Gió se là làn gió nhẹ, thoáng chút hơi lạnh, còn gọi là gió heo may. Hương ổi gắn liền với bao kỉ niệm của thời thơ ấu, là mùi vị của quê hương đã thấm đẫm trong tâm tưởng nhà thơ và cứ mỗi độ thu về thì nó lại trở thành tác nhân gợi nhớ.
- Từ "chùng chình" gợi nhiều liên tưởng. Tác giả nhân hóa làn sương nhằm diễn tả sự cố ý đi chậm chạp của nó khi chuyển động. Nó bay qua ngõ, giăng mắc vào giậu rào, hàng cây khô trước ngõ xóm đầu thôn. Nó có cái vẻ duyên dáng, yểu điệu của một làn sương, một hình bóng thiếu nữ hay của một người con gái nào đấy. Đâu chỉ có thế, cái hay của từ láy "chùng chình" còn là gợi tâm trạng. Sương dềnh dàng hay lòng người đang tư lự hay tâm trạng tác giả cũng "chùng chình"?
- "Hình như" không có nghĩa là không chắc chắn mà thể hiện cái ngỡ ngàng, ngạc nhiên và chút bâng khuâng
Không gian nghệ thuật của bức tranh Sang thu được mở rộng, ở chiều cao, độ rộng của bầu trời với cánh chim bay và đám mây trôi, ở chiều dài của dòng sông qua khổ thơ thứ hai tiếp theo:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Thu đến, dòng sông không còn cuôn cuộn dữ dội như những ngày mưa lũ mùa hạ mà trôi một cách dềnh dàng, thanh thản. Chim bay “vội vã", đó là những đàn cu ngói, những đàn sâm cầm, những đàn chim đổi mùa, tránh rét, từ phương Bắc xa xôi bay về phương Nam. Trong số đàn chim bay “vội vã" ấy phải chăng có những đàn ngỗng trời mà nhà thơ Nguyễn Khuyến đã nói tới trong Thu vịnh: Một tiếng trên không ngỗng nước nào.
Dòng sông, cánh chim, đám mây mùa thu đều đươc nhân hóa. Bức tranh thu trở nên hữu tình, chứa chan thi vị. Hữu Thỉnh không dùng những từ ngữ như lang thang, lơ lửng, bồng bềnh, nhẹ trôi,... mà lại dùng chữ “ vắt”.
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Câu thơ tả đám mây mùa thu của Hữu Thỉnh khá hay và độc đáo: cách chọn từ và dùng từ rất sáng tạo. Đây là trường liên tưởng hết sức mới mẻ, độc đáo, gợi ra khung cảnh một làn mây mỏng nhẹ, đang uyển chuyển cựa mình chuyển bước sang thu. Đồng thời cũng có thấy tâm trạng lưu luyến, bịn rịn của đám mây: nửa lưu luyến mùa hạ, nửa háo hức nghiêng mình hẳn sang thu. Ở đoạn này tác giả tỏ ra hết sức tài tình khi mượn cái hữu hình của đám mây để gợi ra cái vô hình của không gian, ranh giới giao mùa.
2. Những suy ngẫm của tác giả.
Vẫn còn bao nhiêu nắng.
Đã vơi dần cơn mưa.
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Bức tranh mùa thu dường như được hoàn chỉnh, rõ nét hơn qua hai câu thơ tiếp theo: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa”. Mùa thu hiện ra rõ nét hơn qua sự thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên: mưa, sấm – vốn là những dấu hiệu đặc trưng của mùa hạ, nay cũng “vơi dần”, “bớt bất ngờ”, mùa thu ngày một đậm nét hơn. Sau những cảm nhận ấy, lắng lại là những suy tư chiêm nghiệm của tác giả về con người về cuộc đời:
Hai câu thơ cuối trước hết mang ý nghĩa tả thực: sang thu những cơn mưa lớn kèm sấm đã vơi dần, bớt dần, đồng thời trải qua một mùa hè đầy giông bão những hàng cây đã không còn giật mình bởi những tiếng sấm mùa hạ nữa. Nhưng bên cạnh đó, câu thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng: “sấm” là những vang động, những biến cố mà con người đã trải qua trong cuộc đời; “hàng cây đứng tuổi” là những con người trưởng thành đã từng trải qua bao thăng trầm, biến cố. Từ ý nghĩa đó nhà thơ gửi gắm suy tư, chiêm nghiệm của mình: khi con người đã trải qua những giông bão của cuộc đời sẽ bình tĩnh hơn trước những bất thường, những tác động của ngoại cảnh. Câu thơ chất chứa biết bao suy tư, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, về con người.
3. Tổng kết:
- Nội dung:
- Cảm nhận tinh tế trước mùa thu vào thời điểm giao mùa
- Suy ngẫm sâu lắng về con người và cuộc đời.
- Ý nghĩa: Bài thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên trong khoảng khắc giao mùa.
- Nghệ thuật:
- Khắc họa được hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm, đặc sắc về thời điểm giao mùa hạ-thu ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
- Sáng tạo trong việc sử dụng từ ngữ, phép nhân hoá, phép ẩn dụ.