Phần tham khảo mở rộng
Câu 1: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học "Câu cá mùa thu"?
Bài Làm:
A. Ngắn gọn những nội dung chính
1. Giới thiệu chung
- Tác giả: Nguyễn Khuyến (1835 – 1905) hiệu là Quế Sơn, quê ở làng Và, Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam. Ông làm quan hơn 10 năm rồi lui về dạy học.
- Tác phẩm: Thu điếu là bài thơ thuộc loại thơ trữ tình phong cảnh. Bài thơ là một bức tranh đẹp về mùa thu ở làng quê Việt Nam. Một không gian thu trong trẻo, thanh sang và bình yên với những hình ảnh, đường nét xinh xẻo. Bài thơ là một bức họa bằng ngôn từ thể hiện đựơc tài năng và tấm lòng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.
- Bài thơ Câu cá mùa thu nằm trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến (gồm ba bài: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh) được viết trong thời gian khi Nguyễn Khuyến về ở ẩn tại quê nhà.
2. Phân tích văn bản
a. Cảnh thu
- Điểm nhìn từ trên thuyền câu nhìn ra mặt ao nhìn lên bầu trời rồi nhìn tới ngõ vắng trở về với ao thu. Cảnh thu được đón nhận từ gần đến cao xa rồi gần. Cảnh sắc thu theo nhiều hướng thật sinh động với hình ảnh vừa đối lập vừa cân đối, hài hòa.
- Mang nét riêng của cảnh sắc mùa thu của làng quê Bắc bộ. Không khí dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật. Hình ảnh thơ bình dị, thân thuộc, không chỉ thể hiện cái hồn của cảnh thu mà còn thể hiện cái hồn của cuộc sống ở nông thôn xưa.
- Màu sắc: Trong veo, sóng biếc, xanh ngắt
- Đường nét, chuyển động: Hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, mây lơ lửng.
- Không gian thu tĩnh lặng, phảng phất buồn: Vắng teo, trong veo, khẽ đưa vèo, hơi gợn tí, mây lơ lửng. Các hình ảnh được miêu tả trong trạng thái ngưng chuyển động, hoặc chuyển động nhẹ, khẽ.
- Đặc biệt câu thơ cuối tạo được một tiếng động duy nhất: Cá đâu đớp động dưới chân bèo không phá vỡ cái tĩnh lặng, mà ngược lại nó càng làm tăng sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Đây là thủ pháp lấy động nói tĩnh.
b. Tình thu
- Nói chuyện câu cá nhưng thực ra là để đón nhận cảnh thu, trời thu vào cõi lòng.
- Một tâm thế nhàn: Tựa gối ôm cần
- Một sự chờ đợi: Lâu chẳng được.
- Một cái chợt tỉnh mơ hồ: Cá đâu đớp động..
- Không gian thu tĩnh lặng như sự tĩnh lặng trong tâm hồn nhà thơ, khiến ta cảm nhận về một nỗi cô đơn, man mác buồn, uẩn khúc trong cõi lòng thi nhân.
- Nguyễn Khuyến có một tâm hồn hồn gắn bó với thiên nhiên đất nước, một tấm lòng yêu nước thầm kín mà sâu sắc.
B. Phân tích chi tiết nội dung bài học
1. Phân tích chi tiết bài thơ
a. Cảnh mùa thu ở vùng quê Bắc Bộ
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo."
- Điểm nhìn:
- Cảnh vật được đón nhận từ gần đến cao rồi từ cao trở lại gần: điểm nhìn cảnh thu là chiếc thuyền câu, nhìn mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn tới ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với thuyền câu. Từ điểm nhìn ấy, từ một khung ao hẹp, không gian mùa thu, cảnh sắc mùa thu mở ra nhiều hướng thật sinh động với những hình ảnh vừa cân đối, hài hòa. Một khung cảnh với những cảnh vật hết sức thanh sơ được mở ra: ao nhỏ trong veo, thuyền câu bé tẻo teo, sóng biếc gợn, lá vàng khẽ đưa, tầng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co, sắc xanh của trời hoà lẫn cùng sắc xanh của nước.
- Tất cả tạo nên một không gian xanh trong, dịu nhẹ, một chút sắc vàng của lá rụng trên cái nền xanh ấy khiến cảnh thu, hồn thu càng thêm phần sống động. Những đường nét, màu sắc... gợi lên trong tưởng tượng của người đọc khung cảnh của một buổi sớm thu yên bình trên một làng quê miền Bắc với bầu trời thu cao rộng, khoáng đạt, những ao chuôm trong vắt phản chiếu màu trời, màu lá, thôn xóm với những con đường nhỏ quanh co hun hút xanh màu tre trúc, gió thu dịu mát khẽ làm xao động mặt nước, thỉnh thoảng một vài chiếc lá rụng cắt ngang không gian... Trong bức tranh thu này mọi cảnh vật hiện ra đều rất đỗi bình dị, dân dã. Khung cảnh ấy vận thường hiển hiện vào mỗi độ thu về trên những làng quê và đi vào tâm thức của bao người, nhưng lần đầu tiên được Nguyễn Khuyến vẽ ra với nguyên cái thần thái tự nhiên của nó và khiến ta không khỏi ngỡ ngàng xúc động. Đó là một mùa thu trong trẻo, thuần khiết, mát lành.
- Cảnh sắc mùa thu đẹp nhưng đượm buồn. Không gian tĩnh lặng, phảng phất buồn: vắng teo, trong veo, khẽ đưa vèo, hơi gợn tí, mây lơ lửng,…Đặc biệt câu thơ cuối tạo được một tiếng động duy nhất: “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Ở đây không phá vỡ cái tĩnh lặng, mà ngược lại nó càng làm tăng sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Tác giả đã sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh.
- Cảnh sắc thu đẹp nhưng tĩnh lặng vắng bóng người, vắng cả âm thanh dù đó là sự chuyển động nhưng đó là sự chuyển động rất khẽ khàng và cả tiếng cá đớp mồi cũng không làm không gian xao động.
b. Tình thu
- Nói chuyện câu cá nhưng thực ra là để đón nhận cảnh thu, trời thu vào cõi lòng. Nhân vật trữ tình mang một tâm thế nhàn "tựa gối ôm cần", một sự chờ đợi "lâu chẳng được" và một cái chợt tỉnh mơ hồ "cá đâu đớp động"..Người đọc có thể cảm nhận rất rõ sự giao hòa giữa tâm hồn thi nhân và thiên nhiên trời đất. Không gian thu tĩnh lặng như sự tĩnh lặng trong cõi lòng của nhà thơ. Sự tĩnh lặng ấy khiến ta cảm nhận về một nỗi cô đơn, man mác buồn, uẩn khúc trong cõi lòng thi nhân. Nguyễn Khuyến có một tâm hồn hồn gắn bó với thiên nhiên đất nước, một tấm lòng yêu nước thầm kín mà sâu sắc.
3. Tổng kết:
- Nội dung: Bài thơ là bức tranh cảnh sắc mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước cùng tâm trạng đau xót của tác giả trước thời thế.
- Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn bát cú với cách gieo vần độc đáo; nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc trưng của văn học trung đại; nghệ thuật sử dụng từ ngữ đạt mức tinh tế, trong sáng và giàu phẩm chất nghệ thuật.
- Ý nghĩa: Vẻ đẹp của bức tranh mùa thu, tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng thời thế của tác giả.