I. ĐỐI TƯỢNG, LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU VÀ MỤC TIÊU MÔN SINH HỌC
1. Đối tượng và lĩnh vực nghiên cứu môn Sinh học.
- Đối tượng nghiên cứu của sinh học là các sinh vật sống và các cấp độ tổ chức khác của thế giới sống, hay nói cách khác đây là ngành tập trung nghiên cứu về các cá thể sống cũng như mối quan hệ giữa các cá thể sống với nhau và với môi trường.
- Ngành sinh học bao gồm nhiều lĩnh vực nghiên cứu như:
+ Di truyền học
+ Sinh học tế bào
+ Vi sinh vật học
+ Giải phẫu học
+ Động vật học
+ Sinh thái học và môi trường
+ Công nghệ sinh học
2. Mục tiêu học tập môn Sinh học
- Giúp chúng ta hiểu rõ được sự hình thành và phát triển của thế giới sống, các quy luật của tự nhiên để từ đó giữ gìn và bảo vệ sức khoẻ;
- Biết yêu và tự hào về thiên nhiên, quê hương, đất nước;
- Có thái độ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên;
- Ứng xử với thiên nhiên phù hợp với sự phát triển bền vững.
- Giúp hình thành và phát triển năng lực sinh học, gồm các thành phần năng lực như: nhận thức sinh học; tìm hiểu thế giới sống; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn.
- Giúp rèn luyện thế giới quan khoa học, tinh thần trách nhiệm, trung thực và nhiều năng lực cần thiết.
II. VAI TRÒ CỦA SINH HỌC
- Đối với con người:
+ Góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi mạnh mẽ nền công nghiệp, nông nghiệp, y học,...
+ Tăng chất lượng, hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường.
+ Góp phần thay đổi cuộc sống hằng ngày, giúp con người giảm bệnh tật, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, nâng cao điều kiện chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh, gia tăng tuổi thọ.
- Đối với môi trường: giúp đánh giá các vấn đề xã hội như sự nóng lên toàn cầu, mức độ ô nhiễm môi trường, sự thủng tầng ozone, suy kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên,... từ đó đưa ra các biện pháp hợp lí hướng đến sự phát triển bền vững.
III. SINH HỌC TRONG TƯƠNG LAI
- Ứng dụng công nghệ sinh học góp phần tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
- Việc tạo ra nhiều loài sinh vật biến đổi gene mang những đặc tính tốt, có khả năng chịu được môi trường khắc nghiệt vẫn đang được đẩy mạnh.
- Các loại thuốc mới và thực phẩm chức năng được sản xuất để ứng dụng trong việc điều trị bệnh ở người.
- Ứng dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
+ Con người đã chủ động dùng vi sinh vật để xử lí nước thải, xử lí dầu tràn trên biển, phân huỷ rác thải để tạo phân bón,...
+ Việc tạo ra xăng sinh học cũng là một trong những phát minh giúp bảo vệ môi trường.
1. Nhóm ngành sinh học cơ bản
- Y học: phát triển các kĩ thuật cấy ghép nội tạng, kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, liệu pháp gene, liệu pháp tế bào gốc, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ con người,...
- Dược học: sản xuất nhiều loại vaccine, enzyme, kháng thể, thuốc,... nhằm phòng và chữa trị nhiều bệnh ở người.
- Pháp y: xét nghiệm DNA hoặc dấu vân tay để xác định mối quan hệ huyết thống, xác định tình trạng sức khoẻ hoặc tình trạng tổn thương trong các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động,...
2. Nhóm ngành ứng dụng sinh học
- Công nghệ thực phẩm: tạo ra các sản phẩm mới phục vụ cho nhiều linh vực như thực phẩm, y học, chăn nuôi,... góp phần nâng cao sức khoẻ con người.
- Khoa học môi trường: đưa ra biện pháp xử lí kịp thời, đồng thời chế tạo và sản xuất nhiều vật liệu, dụng cụ, thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ môi trường,…
- Nông nghiệp: áp dụng các kĩ thuật hiện đại góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm (gạo, trái cây, thuỷ sản,...) và giảm chỉ phí sản xuất, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực trong nước và xuất khẩu.
- Lâm nghiệp: phối hợp chặt chẽ giữa việc trồng, bảo vệ và khai thác rừng một cách hợp lí; ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho việc quản lí và bảo vệ rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được khôi phục đáng kể.
- Thủy sản: giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
IV. SINH HỌC VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI.
1. Sinh học đối với phát triển bền vững
- Góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học, xây dựng các mô hình sinh thái để bảo vệ và khôi phục môi trường sống;
- Các công trình nghiên cứu về di truyền, sinh học tế bào được áp dụng trong nhân giống, bảo toàn nguồn gene quý hiếm của các loài sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.
- Quản lí và khai thác hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao.
- Sản xuất các chế phẩm sinh học;...
2. Mối quan hệ giữa sinh học với những vấn đề xã hội
a. Tìm hiểu mối quan hệ giữa sinh học và đạo đức sinh học.
- Đạo đức sinh học ra đời với nhiệm vụ đưa ra những quy tắc, các giá trị đạo đức trong khoa học nghiên cứu sự sống cũng như ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
- Việc nghiên cứu và thử nghiệm những phương pháp mới trên người, động vật, thực vật, vi sinh vật cần làm rõ nguồn gốc và tuân thủ những quy định chặt chẽ về đạo đức nghiên cứu của quốc gia và quốc tế nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho đối tượng tham gia nghiên cứu.
b. Sinh học và sự phát triển kinh tế, công nghệ.
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y học,... tạo ra nhiều sản phẩm như các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, chi phí thấp, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sức khoẻ người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Việc nghiên cứu tập tính, hoạt động của động vật, giúp chế tạo hoặc cải tiến các thiết bị, máy móc phục vụ cho đời sống con người.
Ví dụ: chế tạo các robot có cử động và cảm xúc như con người nhằm thay thế con người trong lao động nặng, hướng tới thời đại kĩ thuật cao.
- Việc bảo tồn đa dạng sinh học cũng gắn liền với sự phát triển kinh tế, mục tiêu bảo tồn và quản lí tài nguyên thiên nhiên được lồng ghép vào các dự án phát triển kinh tế như xây dựng các khu du lịch sinh thái. Ngược lại, sự phát triển kinh tế và công nghệ là nền tảng cho sự phát triển của ngành Sinh học.