II. THÔNG HIỂU
Câu 1: Trên đà thắng lợi, nghĩa quân tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động tiến quân ra Bắc như thế nào?
Câu 2: Cuối năm 1426 – cuối năm 1427 khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng với hai chiến thắng nào?
Câu 3: Theo em, những nguyên nhân nào dẫn đến thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn ?
Câu 4: Trình bày ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Câu 5: Hãy cho biết vai trò của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn?
Bài Làm:
Câu 1:
- Tháng 9-1426, trên đà thắng lợi, dựa vào cơ sở của vùng mới giải phóng. Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định tiến công ra Bắc theo ba hướng để vừa ngăn chặn giặc từ Vân Nam sang, vừa giải phóng vùng hạ lưu sông Nhị (sông Hồng) và chặn đường rút của giặc từ Nghệ An về Đông Quan và tiến thẳng ra Đông Quan.
- Nhờ tinh thần chiến đấu và những chủ trương đúng đắn của bộ chỉ huy nghĩa quân, nhân dân khắp nơi đã nổi dậy nhiệt liệt ủng hộ và tham gia chiến đấu. Các vùng đất nước lần lượt được giải phóng.
Câu 2:
- Cuối năm 1426 – cuối năm 1427 khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng với hai chiến thắng:
+ Chiến thắng Tốt Động – Chúc Động (cuối năm 1426)
+ Chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang (10-1427)
Câu 3:
- Mười năm liên tục chiến đấu anh dũng, mưu trí, từ một nhóm nghĩa quân nhỏ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển lên thành một lực lượng hùng mạnh trên 35 vạn người, hàng trăm tướng tá, lần lượt giải phóng hết vùng này đến vùng khác và cuối cùng hoàn toàn đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Thắng lợi oanh liệt đó do các nguyên nhân sau:
+ Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi do nhân dân ta luôn nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm giành độc lập cho dân tộc.
Đặc
+ Toàn dân đã đồng lòng đoàn kết chiến đấu, đóng góp của cải, lương thực, vũ khí, chịu nhiều hy sinh để giành thắng lợi cuối cùng.
+ Nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của bộ chỉ huy nghĩa quân, đứng đầu là những lãnh tụ kiệt xuất như Lê Lợi và Nguyễn Trãi, cùng những vị tướng tài như Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Nguyễn Biểu,... Họ là những người có đức tính hy sinh, chịu đựng gian khổ và luôn thể hiện tài năng thao lược của mình về quân sự và ngoại giao.
+ Khởi nghĩa quân Lam Sơn đã quy tụ được trí tuệ và ý chí chiến đấu của mọi tầng lớp nhân dân, đã duy trì trong lòng dân và được nhân dân bảo vệ.
Câu 4:
- Ý nghĩa lịch sử
+ Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành được thắng lợi đã kết thúc hai mươi năm đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh.
+ Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã đưa đất nước sạch bóng quân xâm lược, giành lại được độc lập, tự chủ, chủ quyền dân tộc.
+ Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã mở ra thời kì phát triển mới của xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam – thời Lê sơ.
+ Khởi nghĩa Lam Sơn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá.
Câu 5:
- Vai trò của Lê Lợi
- Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ khi mở đầu tới kết thúc thắng lợi (tháng 12-1427), qua các giai đoạn phát triển về chiến lược, chiến thuật của nó đã chứng minh Lê Lợi là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, là người mở đường, khai sáng cho cuộc khởi nghĩa.
- Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là Hội thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách.
- Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa. Không có Lê Lợi, không có khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi không chỉ là người nhen nhóm, tạo lập ra tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn mà ông còn là nhà chỉ đạo chiến lược kiệt xuất.
- Lê Lợi đã tập hợp được nhiều nhân tài, hào kiệt và các lực lượng, tạo nên một sức mạnh tổng hợp để tổ chức kháng chiến, chống quân giặc.
- Lê Lợi biết dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu. Đây là một cống hiến, sáng tạo to lớn về nghệ thuật, đường lối quân sự của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, để lại bài học lịch sử quý giá.
- Lê Lợi còn là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh “vây thành diệt viện”. Cuộc vây hãm Vương Thông ở Đông Quan và tiêu diệt viện binh giặc tại Chi Lăng – Xương Giang cuối năm 1427 là kết quả thắng lợi của tư tưởng quân sự của Lê Lợi và Nguyễn Trãi.