Câu 5: Trang 128 sgk ngữ văn 11 tập 1
Anh (chị ) nhận xét gì về nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng ở đoạn trích này?
Bài Làm:
Bằng nghệ thuật trào phúng sắc bén “ Hạnh phúc của một tang gia” là một bi hài kịch, phơi bày bản chất nhố nhăng, đồi bại của một gia đình. Đồng thời phản ánh bộ mặt thật của xã hội thượng lưu thành thị trước Cách mạng tháng Tám. Từ một tình huống cơ bản, ban đầu tác giả đã phát triển theo nhiều hướng khác nhau tạo ra một vở hài kịch lớn.Tác giả còn phát hiện thủ pháp đối lập trong chính mỗi con người, mỗi sự vật, để tạo nên tiếng cười châm biếm. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng nhiều thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa nào là hạnh phúc của một tang gia, nào là cái đam ma to tát, cái đám ma gương mẫu, ...Nhà có đám nhưng lại hạnh phúc, hạnh phúc của lũ con cháu bất hiếu, không có nhân tính. Rồi cái chết của cụ cố tổ lại đem đến niềm vui cho mọi thành viên trong gia đình, ai cũng có những dự định riêng của mình cần làm trong cái dịp này. Đám ma mà tác gỉa dùng những từ chỉ niềm hạnh phúc nào là đám đi đến đâu là huyên náo đến đó, cả góc phố huyên náo chỉ chỏ cái đám ma to,.. rồi những người đưa đám có dịp để mà hẹn hò nhau, chim chuột, khoe gia sản, của cải, vợ, chồng, con cái,... một cái "đám ma gương mẫu" đến kỳ lạ. Việc vận dung linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng đã đem lại hiệu quả lớn, nó lột tả đến trần trụi cái bộ mặt của xã hội "thượng lưu" đương thời.
Tác giả còn có con mắt tinh đời để nhìn thấy và miêu tả đúng cái nét riêng của từng nhân vật xuất hiện trong đoạn trích. Ngòi bút miêu tả của Vũ Trọng Phụng linh hoạt, biến hóa, giàu yếu tố hài hước gây cười và sắc sảo tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Vũ Trọng Phụng xứng đáng là một bậc thầy – một nhà văn hiện thực xuất sắc trong việc sử dụng nghệ thuật trào phúng.