Câu 4: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học "Hạnh phúc của một tang gia"?
Bài Làm:
A. Ngắn gọn những nội dung chính
1. Giới thiệu chung
- Tác giả: Vũ Trọng Phụng (1912-1939) sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình nghèo. Ông quê ở làng Hảo (Bần Yên Nhân), huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
- Tác phẩm: Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, thuộc chương XV của tiểu thuyết Số đỏ, được đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 - 10 -1936 và in sách lần đầu năm 1938.
2. Phân tích văn bản
a. Hạnh phúc của tang gia và những người ngoài gia quyến
- Niềm vui chung cho cả gia đình
- Nguyên nhân: “Cụ cố tổ chết cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hành chứ không còn lí thuyết viễn vông nữa”
- Không khí gia đình: Trước khi phát tang thì nhốn nháo, nóng ruột đem chôn cho chóng cái xác chết của cụ tổ. Khi phát tang “ai cũng vui vẻ cả”, “ bối rối”
- Giọng điệu mỉa mai châm biếm, thủ pháp đối lập (ngôn ngữ) đã khắc họa chân thực hình ảnh một gia đình đại bất hiếu.
- Niềm vui của những thành viên trong gia đình
- Cố Hồng (con trai cả): Khoe đám ma để khoe của, khoe chữ hiếu. Khoe già để khẳng định gia đình có phúc, có lộc. Bức hí hoạ một kẻ ngu dốt háo danh.
- Ông Văn Minh (cháu nội) băn khoăn, đăm chiêu, vẻ mặt, thái độ vô tình lại “hợp thời trang”. Một con người giả dối, bất nhân.
- Bà Văn Minh (cháu dâu) lăng xê các mốt y phục.
- Cô Tuyết “buồn lãng mạn” ,“đúng mốt một nhà có đám”.
- Cậu Tú Tân sướng điên vì được dùng máy ảnh mới mua. Một con người vô tâm, đáng lên án.
- Ông Phán sung sướng vì không ngờ rằng cái sừng trên đầu mình lại có giá trị. Con người chỉ biết trục lợi, vô lương tâm, không biết liêm sĩ.
- Giọng văn mỉa mai, phô bày sự lố bịch, thiếu văn hóa, vô đạo đức.
- Niềm vui của những người ngoài gia đình
- Hai vị cảnh sát Min Đơ và Min Toa “sung sướng cực điểm” vì thích thú khi được giữ trật tự cho đám tang.
- Bạn bè cụ cố Hồng khoe đủ thứ huân chương, các kiểu râu ria…nhưng phô trương không đúng lúc, đúng chỗ.
- Sư cụ tăng phú sung sướng và vênh váo.
- Xuân tóc đỏ có được cả tiền, tình, danh vọng.
- Hàng phố được xem đám ma to, cơ hội tán tỉnh, ve vãn.
- Đó chính là sự suy đồi về đạo đức, sự tha hoá về nhân cách con người. Đó là lời tố cáo của tác giả đối với xã hội âu hoá rởm.
b. Cảnh đám ma gương mẫu
- Bề ngoài thật long trọng, “gương mẫu” nhưng thực chất lại là một đám rước nhố nhăng.
- Người đi đưa đủ mọi thành phần, được núp dưới vẻ mặt buồn râu.
- Hàng phố “nhốn nháo”, thỏa mãn sự hiếu kì, thích cái lạ đời, dị thường.
- Sự giả tạo, đóng kịch của giới tri thức rởm, đạo đức suy đồi của nền văn minh Âu hoá rởm.
c. Cảnh hạ huyệt:
- Cậu Tú Tân yêu cầu mọi người tạo dáng để chụp ảnh, con cháu tự nguyện trở thành những diễn viên đại tài.
- Cụ Cố Hồng ho khạc, mếu máo và ngất đi.
- Đặc biệt là “màn kịch siêu hạng” của ông Phán mọc sừng cứ oặt người đi khóc to “Hứt!…Hứt!…Hứt!…” và dúi vào tay Xuân một cái giấy bạc năm đồng gấp tư”
- Đám tang diễn ra như một tấn đại hài kịch. Nó nói lên tất cả sự lố lăng vô đạo đức của cái xã hội thượng lưu ngày trước. Cái xã hội mà tác giả gọi là Chó đểu, khốn nạn.
B. Phân tích chi tiết nội dung bài học
1. Tóm tắt nội dung và ý nghĩa nhan đề
a. Tóm tắt nội dung
Câu chuyện xoay quanh cái chết của cụ tổ, sau thời gian mắc bệnh cụ qua đời trong sự hân hoan của nhiều thành viên trong gia đình, họ đã đợi cái chết của cụ quá lâu. Đám tang như mang lại cho nhiều người lợi lộc, từ người thuê trông coi, con cháu, khách đến dự…trong đám tang ai cũng cố gắng diện những bộ trang phục rực rỡ, hào nhoáng. Tất cả như để chứng minh cho sự hoành tráng của buổi lễ chứng tỏ mình là người có hiếu. Đám tang được tổ chức linh đình với rất nhiều khách thượng lưu đến tham gia họ thoải mái bàn tán, bình phẩm. Khung cảnh đưa tang diễn ra trên nhiều con phố lớn, đi đến đâu là rộn ràng, nhốn nháo đến đó. Xuân Tóc Đỏ xuất hiện khiến cho cụ cố Hồng cảm thấy sung sướng, mãn nguyện lắm. Cảnh hạ huyệt diễn ra có nhiều điều chú ý, cậu Tú Tân chỉ mải mê chụp ảnh liên tục, cụ cố Hồng giả vờ thương tiếc người đã khuất còn ông Phán lén lút trả tiền cho Xuân tóc đỏ. Đám tang thường là nơi đưa tiễn người đã khuất nhưng đây là một đám tang lạ đời nhất khi ai cũng vui vẻ, sung sướng đến lạ kỳ, con cháu ai cũng trông đợi để chia tài sản của người quá cố.
b. Ý nghĩa nhan đề
Nhan đề chứa đựng mâu thuẫn trào phúng hàm chứa tiếng cười chua chát, kích thích trí tò mò của người đọc. Nhà có tang mà lại vui vẻ, sung sướng, hạnh phúc. Đây là nỗi hạnh phúc của một gia đình vô phúc, niềm vui của lũ con cháu đại bất hiếu. Nhan đề phản ánh một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn. Con cháu của đại gia đình này thật sung sướng khi cụ cố tổ chết. Đây cũng là tình huống trào phúng chủ yếu của toàn bộ chương truyện.
2. Phân tích chi tiết văn bản
a. Hạnh phúc của những người trong gia quyến
- Bối cảnh của đoạn trích là sự ra đi của ông cụ tổ là bố của cụ cố Hồng, đã ngoại tám mươi tuổi và nay ra đi bởi vì uất ức trước việc cháu rể chồng của cụ ngoại tình. Cái chết của cụ cố tổ dường như lại chính là niềm mong đợi mòn mỏi của các thành viên từ rất lâu, để lại cho mỗi nhân vật một hạnh phúc riêng, một niềm vui khôn tả
- Cụ cố Hồng hạnh phúc vì sẽ được mọi người trọng vọng về tuổi thọ của người con giai nhớn là “cố Hồng”. Dù vẫn còn trẻ chưa đến cái tuổi “thọ” nhưng cụ luôn thích được mọi người trọng vọng, kính nể, thích được tôn sùng như một vị cụ cố đức cao trọng vọng. Ông Văn Minh thì mừng vì đây là thời kì cái chúc thư đi vào thời kì thực hành. Ông nội mất thì cái sản nghiệp của ông mới được chính thức để lại cho con cháu mà người cháu trai này hẳn đang sốt ruột như ngồi trên tổ kiến mong chờ nó được thực hiện. Bà Văn Minh thì mừng vì đây là cơ hội quảng cáo cho những mốt áo tang, đem lại lợi nhuận cho tiệm may.
- Cô Tuyết thì vui mừng vì đây là cơ hội trưng diện y phục mốt nhất trước mặt người yêu cùng mọi người. Với cái vẻ đẹp xuân sắc cùng sự giàu có của gia đình, cô có thể sắm những bộ cánh điệu đà để Xuân tóc đỏ cùng mọi người ngắm nhìn sự thơ ngây của mình. Với cậu Tú Tân thì đây là cơ hội để cậu điều khiển các nhà tài tử điện ảnh thi thố tài năng trước mắt mọi người. Có vẻ như gia đình nhà cụ cố tổ ai cũng theo đuổi những nét đẹp nghệ thuật hiện đại và đời mới nhất.
- Ông Phán mọc sừng thì mừng bởi cuộc thương thảo với Xuân tóc đỏ đã kết thúc tốt đẹp, đúng như ông mong đợi, thành công mỹ mãn. Ông vừa có thể công khai cho gia đình nhà vợ cái hãnh diện vì mình được là một người chồng mọc sừng, có thể vạch trần cô vợ lăng loàn Hoàng Hôn.
b. Hạnh phúc của những người ngoài gia quyến
- Đối với bạn của cụ cố Hồng, đây là cơ hội trưng diện các kiểu râu và các loại mề đay. Không phải bỗng dưng mà trời cho cơ hội để khoe những cái đó với bàn dân thiên hạ. Đồng thời đây cũng là cơ hội để họ chen nhau đi gần quan tài để nhìn bộ ngực của cô Tuyết qua làn áo voan của bộ váy ngây thơ.
- Đối với đám bạn của con cháu: bà phó Đoan, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, cô Tuyết… gồm toàn giai thanh gái lịch, nam thanh nữ tú của đô thành nhưng họ đi ở đây là để trưng diện những bộ cánh hiện đại nhất, đám tang sẽ là một sân khấu lớn và họ sẽ là những người mẫu thời trang catwalk trên sàn diễn của mình. Đây cũng là cơ hội để họ chim chuột nhau, cười tình với nhau, bình phẩm chê bai nhau.
- Sư cụ Tăng Phú thì “sung sướng và vênh váo ngồi trên một chiếc xe. Hai viên cảnh sát Min Đơ, Min Toa lại “sung sướng cực điểm vì được thuê giữ trật tự cho đám tang. Riêng Xuân Tóc Đỏ cũng được hưởng lợi từ cái chết của ông già “danh dự của Xuân lại càng to thêm” và được ông Phán thanh toán tờ giấy bạc năm đồng gấp tư vì có công giúp ông gây ra cái chết cho cụ cố Tổ.
c. Cảnh đám tang diễn ra
- Đó là một “đám ma gương mẫu” được tổ chức linh đình nhưng kì thực là một đám rước, đám hội: Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cậu tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ”. Tuyết rất buồn và đau khổ vì chưa thấy “bạn giai” đến nhưng rất nhanh nhẹn, hãnh diện vì bộ y phục Ngây thơ hở hang của mình. Những ông tai to mặt lớn thì cảm động “khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết” hơn là nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng.
- Đám ma rất to, rất đông đến mức “đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy. Cả một thành phố nhốn nháo lên khen đám ma to, đúng với ý muốn của cụ cố Hồng”. Đám ma thiếu hẳn niềm tiếc thương, nỗi đau buồn chân thành, sự tưởng nhớ không nguôi đối với người đã khuất mà cứ tràn ngập không khí vui vẻ, lòng sung sướng, hả hê, sự lố lăng, kệch cỡm của những người đưa đám.
- Điệp khúc “Đám cứ đi…” thật mỉa mai, bởi người đọc dễ liên tưởng đây là đám rước, đám hội vui vẻ, linh đình chứ không phải là đám ma nữa. Cảnh hạ huyệt cũng được nhà văn miêu tả bằng những chi tiết sống động: trong lúc cậu tú Tân bắt bẻ mọi người tạo dáng để chụp ảnh làm kỉ niệm thì các bạn hữu của cậu “rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp “để cho ảnh khỏi giống nhau”. Cuối cùng thì đám tang cũng có tiếng khóc nhưng là những âm thanh đặc biệt: cụ Hồng “ho khạc mếu máo”, ông Phán mọc sừng khóc to, khóc mãi không thôi “Hứt. Hứt. Hứt!…”. Cùng với đó là dáng điệu “cứ oặt người đi” và động tác dúi tiền cho Xuân Tóc Đỏ của “ông cháu rể quý hoá” này khiến mặt nạ của ông Phán và những kẻ giả dối, lố bịch như ông bị lột trần không thương tiếc ở phần kết thúc chương.
3. Tổng kết:
- Nội dung: Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” là một bi hài kịch, phơi bày bản chất nhố nhăng, đồi bại của một gia đình đồng thời phản ánh bộ mạt thật của xã hội thượng lưu thành thị trước Cách mạng tháng Tám.
- Nghệ thuật: Nghệ thuật tạo tình huống cơ bản rồi mở ra những tình huống khác; phát hiện những chi tiết đối lập gây gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật, sự việc; thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa,… được sử dụng một cách linh hoạt; miêu tả biến hóa, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, nói trúng nét riêng của từng nhân vật.
- Ý nghĩa: Sự tha hóa trong nhân cách con người và sự thối nát của xã hội phong kiến nửa thực dân được phơi bày. Sự đau xót của tác giả cho một bộ phận được gọi là thượng lưu ở thành thị cũ.