2. Em hãy tả cô giáo (hoặc thầy giáo) của em trong một giờ học mà em nhớ nhất
Gợi ý:
Để bài thuộc thể loại văn tả người, cụ thể là tả cô giáo (hoặc thầy giáo) của em. Ở đây, em cần chú ý là tả cô giáo (thầy giáo) trong một giờ học cụ thế.
Em cần tả các hoạt động của cô giáo (thầy giáo): dạy học, giúp đỡ học sinh. Qua các cử chỉ, hoạt động đó, em có thể nêu lên cảm nhận của em về tính cách của cô giáo (thầy giáo) ấy, những tình cảm sâu sắc của em với thầy cô.
Bài Làm:
Bài mẫu 1
Nếu cha mẹ là những người cho em nhìn thấy ánh mặt trời, cho em được khôn lớn thành người thì cô giáo chính là ngọn đuốc sáng đưa em đến bến bờ tri thức. Cô đã dạy em từng nét chữ, từng phép toán, biết yêu thương và chia sẻ với mọi người. Hình ảnh về cô giáo Ngọc Anh đã dạy em từ lớp 1 đến nay luôn khắc sâu trong tâm trí em.
Hàng ngày, sau khi tiếng trống trường ròn rã vang lên, cô giáo bước vào lớp mang theo nụ cười hiền dịu như cơn gió mát lành đưa chúng em vào những giờ học đầy say mê và hứng thú. Cô giáo của em cao cao, dáng người mảnh dẻ và nước da trắng. Cô thường mặc váy đến lớp hàng ngày, những chiếc váy với màu sắc dịu nhẹ càng tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của cô.
Cô Ngọc Anh rất tận tụy dạy chúng em, cô giảng bài rất hay. Ở lớp, những bạn học sinh kém, không hiểu bài, cô đều ân cần giảng dạy, chỉ bảo từng li, từng tí. Em thích nhất là những giờ học Tiếng việt của cô dạy. Ngày hôm nay chúng em được cô giảng bài Tập đọc: Sắc màu em yêu. Cô yêu cầu chúng em nhắm mắt và tưởng ra một màu sắc mà mình yêu thích nhất, màu sắc ấy gắn với những đồ vật, những cảnh vật nào mà chúng em nhìn thấy. Tất cả các bạn trong lớp đều hào hứng tham gia trò chơi của cô. Sau đó, từng nét chữ mềm mại, tròn trịa được cô giáo nhẹ nhàng viết lên bảng. Bàn tay cô lướt nhanh như một người họa sĩ làm ảo thuật trên bức tranh của mình. Vào bài giảng, giọng nói truyền cảm, ấm áp của cô đã dẫn dắt chúng em vào bài học. Khuôn mặt cô luôn tươi cười khi giảng bài. Cô dẫn dắt chúng em tìm hiểu bài qua các câu hỏi, các vấn đề thảo luận. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay với những ngón tay thon nhỏ lên vuốt vuốt mái tóc dài, điềm tĩnh chờ chúng em trình bày câu trả lời. Có những câu hỏi khó chúng em chưa biết trả lời, cô nhẹ nhàng gợi ý để chúng em khám phá kiến thức. Đôi mắt cô nhìn chúng em hiền dịu, luôn thể hiện sự cổ vũ, tin tưởng với học sinh. Chính vì vậy, chúng em dần dần hiểu hơn ý nghĩa của bài học. Vừa say sưa giảng bài, cô vừa viết lên bảng những kiến thức quan trọng cần nhớ, khuôn mặt cô lấm tấm giọt mồ hôi mà cô không để ý. Có những bụi phấn thoáng bay trên bục giảng và vương trên mái tóc của cô. Chúng em cảm nhận được sự vất vả của cô nên đều cố gắng lắng nghe cô giảng và hiểu bài. Ngoài khung cửa sổ lớp học, có những chú chim nhỏ cũng như lặng tiếng hót, nán lại thêm một lát để lắng nghe tiếng cô giảng bài.
Có những lúc các bạn phạm lỗi hay không làm bài tập cô giao về nhà. Cô không bao giờ đánh hay mắng chúng em mà ôn tồn giảng giải và phân tích để chúng em hiểu những lỗi sai của mình. Cô luôn có những cách giảng bài hay hoặc cô tổ chức những trò chơi, hoạt động sôi nổi trong bài học để chúng em tham gia tích cực. Vì vậy, cả lớp ngày càng đoàn kết và thêm gắn bó. Chúng em ngày càng yêu quý cô và cô chính là người mẹ thứ hai đã giúp chúng em khám phá bầu trời tri thức rộng mở của nhân loại.
Dù sau này sẽ không được cô dìu dắt nữa nhưng chúng em sẽ luôn ghi nhớ những kỉ niệm khi được cô giảng bài. Có những lúc chúng em nghịch ngợm hay không nghe lời cô khiến cô phải buồn, thực lòng chúng em muốn nói lời xin lỗi và mong cô tha thứ. Mong rằng cô sẽ luôn khỏe mạnh để có những bài giảng thật hay cho chúng em và những thế hệ học sinh được cô dạy dỗ. Với em, ước mơ sau này lớn lên sẽ được làm cô giáo và ước mơ ấy được ấp ủ, nuôi dưỡng từ những bài giảng của cô hôm nay.
Bài mẫu 2
Cô giáo của em là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền. Cô thường dạy minh hoạ cho các giáo viên trường bạn dự giờ. Cô dạy các môn đều rất hay nhưng với em, tiết học cô dạy mà em nhớ nhất là tiết Lịch sử hồi đầu năm học, bài đầu tiên của chương trình Lịch sử lớp Năm, bài “Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định”.
Cô giáo của em hơi đứng tuổi, áng chừng cô đã ba mươi tư, ba mươi lăm tuổi. Dáng cô dong dỏng cao và hơi gầy. Cô có bờ vai tròn nhỏ nhắn xinh xinh và cái eo “thắt đáy lưng ong” nên cô mặc áo dài rất đẹp. Khuôn mặt trái xoan của cô tươi tắn nhờ bờ môi hồng thắm tự nhiên. Với đôi mắt bồ câu to và sáng, long lanh tia nhìn ấm áp, trông cô thật dịu hiền.
Hôm ấy là thứ hai. Cô mặc áo dài màu thiên thanh vẽ hoa hồng trắng rất đẹp. Tóc cô kẹp gọn gàng trong cái kẹp nơ màu xám bạc.
Sau giờ ra chơi là tiết Lịch sử. Cô ghi tên môn học lên bảng rồi hỏi chúng em: “Các em đã đọc bài nào trong sách Lịch sử chưa?”. Chúng em đồng thanh đáp: “Thưa cô chưa ạ.”. Cô cười nhẹ:
- Vậy thì hôm nay cô dạy các em tiết đầu tiên của chương trình Lịch sử lớp Năm, Bài học về một vị quan triều Nguyễn trở thành người chỉ huy cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp: Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định.
Cô kể câu chuyện lịch sử về tướng quân Trương Định. Giọng cô to, dõng dạc rõ ràng đưa chúng em đến thăm ba tỉnh miền Đông Nam kì lúc các tỉnh này bị thực dân Pháp chiếm. Bằng lời kể truyền cảm, sôi nổi, cô giáo em vẽ lại bối cảnh đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân các tỉnh Nam kì do tướng quân Trương Định làm chỉ huy lực lượng khởi nghĩa. Chúng em như trông thấy quang cảnh hào hùng, hừng hực ý chí chiến đấu của nghĩa quân khi suy tôn tướng quân Trương Định lên làm nguyên soái. Chúng em cảm nhận được trái tim và ý chí của tướng quân trước lệnh vua và ý dân. Lớp học im phăng phắc. Dường như cả thảy chúng em đều nín thở để theo dõi lời kể của cô giáo. Cô giáo em đưa mắt nhìn khắp lớp, đôi má hồng lên vì xúc động. Mắt cô sáng long lanh như say sưa, để hết tâm hồn vào lời giảng. Cô vẽ lại buổi lễ nghĩa quân tôn tướng quân Trương Định là Bình Tây Đại Nguyên Soái bằng lời giảng nhiệt huyết, rành mạch, dễ hiểu. Kết thúc chuyện kể cô đặt câu hỏi cho chúng em kể lại. Khuôn mặt cô giáo em trở nên dí dỏm, khích lệ. Đôi mắt cô lấp lánh vẻ hóm hỉnh của nụ cười động viên học sinh. Cô gọi chúng em đọc ghi nhớ của bài rồi hỏi: “Em nào có thể kể lại câu chuyện và thuộc phần ghi nhớ ngay tại lớp?”. Một vài cánh tay học sinh đưa lên. Cô mời bạn Sang kể lại câu chuyện, sau đó cho chúng em ghi bài. Tiết học đầy xúc cảm của môn Lịch sử kết thúc trong không khí vui vẻ, sôi nổi của lớp học.
Lịch sử là một trong những môn học mà em yêu thích. Cô em vẫn dạy chúng em: “Là người Việt, chúng ta phải nắm vững lịch sử nước Việt Nam. Không thể tha thứ cho một học sinh Việt Nam không biết gì về lịch sử hiển hách của dân tộc.”. Cô giáo đã dạy cho em không chỉ bằng chuyên môn sư phạm mà còn bằng tình yêu đất nước nồng này, bằng lòng tự hào của một công dân nước Việt.