Bài tập 4. Đọc lại văn bản Chữ bầu lên nhà thơ trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 82 – 84) và trả lời các câu hỏi:
1. Nhan đề của văn bản đã gợi cho bạn những suy nghĩ gì?
2. Bạn thích nhất ý kiến nào được nêu trong văn bản? Vì sao?
3. Các luận điểm chính trong văn bản được xây dựng dựa trên cảm hứng đối thoại với những quan điểm và ý kiến khác về thơ, nhà thơ, lao động thơ, chữ trong thơ. Hãy phân tích một ví dụ lấy từ văn bản để làm sáng tỏ điều này.
4. Quan niệm “Chữ bầu lên nhà thơ đã được tác giả triển khai như thế nào ở đoạn cuối phần 2?
5. Văn bản chủ yếu được viết bằng những câu văn ngắn và xuống hàng liên tục. Mặc dù vậy, người đọc vẫn cảm nhận được một mạch văn, mạch ý thông suốt. Theo bạn, điều gì đã khiến văn bản tạo được ấn tượng ấy?
Bài Làm:
1. Văn bản gợi sự tò mò trong em cụm “chữ bầu lên” là gì bởi nó đưa tới nhiều cách hiểu:
- Chữ: không chỉ hiểu đơn giản là vỏ âm thanh mà quan trọng đó chính là ngôn ngữ được sử dụng, tổ chức một cách nghệ thuật.
- Chữ bầu lên nhà thơ: là khẳng định vai trò của ngôn ngữ đối với nhà thơ. Ngôn ngữ góp phần: chuyên chở điệu hồn thi nhân; khẳng định tài năng, phong cách của người nghệ sĩ; tôn vinh vị thế nhà thơ.
- Ngôn ngữ là chất liệu, yếu tố đầu tiên của văn học. Ngôn ngữ thơ là tinh hoa tối cao của ngôn ngữ, là kiến trúc ngôn từ đặc biệt.
2. “Dẫu có theo con đường nào, một nhà thơ cũng phải cúc cung tận tụy đem hết tâm trí dùi mài và lao động chữ, biến ngôn ngữ công cộng thành ngôn ngữ đặc sản độc nhất làm phong phú cho tiếng mẹ như một lão bộc trung thành của ngôn ngữ” là một trong những ý kiến khiến em tâm đắc. Bởi lẽ, người nghệ sĩ khi sáng tác nghệ thuật, luôn cần đến sự sáng tạo. Sự sáng tạo ở đây không chỉ tạo nên sự mới mẻ trong cách hành văn mà đó còn là cách để gây dựng dấu ấn cho độc giả. Làm được điều này không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên, khi đã yêu hết mình với con chữ, phải gắng tạo câu hay ý đẹp ngắn gọn, súc tích làm phong phú con đường văn thơ.
3. Với luận điểm: “Tôi rất biết những câu thơ hay đều kì ngộ, nhưng là kì ngộ kết quả của một thành tâm kiên trì, một đa mang đắm đuối, làm động lòng quỷ thần, chứ không phải may rủi đơn thuần” cần phải nói được các ý:
- Quan niệm “những câu thơ hay đều kì ngộ” xuất hiện từ xưa và được nhiều người tán đồng, nhấn mạnh cách sáng tác trông cậy chủ yếu vào yếu tố ngẫu hứng, bột phát, đôi khi may mắn và nhà thơ lúc này như nhận được sự trợ giúp của thần linh.
- Đó là linh hồn của tác phẩm, làm nên điều diệu kì hay trôi vào dĩ vãng phụ thuộc ở yếu tố này. Không thể ngồi chờ đợi sự may đến với mình mà hãy tự mình tạo cho mình cơ hội để làm nên điều tuyệt vời trên hành trình làm nghệ thuật.
- Tác giả không bác bỏ yếu tố “kì ngộ” (cuộc gặp gỡ lạ lùng gây cảm xúc hân hoan) nhưng ông cho rằng không nên nghĩ một cách hời hợt về những cái thường được nói tới khi tán đồng quan niệm này như “thần hứng; “thần trợ” Từ kinh nghiệm của bản thân và kinh nghiệm của nhiều nhà thơ khác mà tác giả quan sát được, ông cho rằng cuộc “kì ngộ” ấy chỉ đến một cách có điều kiện, khi nhà thơ đã trải qua nhiều trăn trở, vật vã, tìm cách làm nổi bật được điều thường xuyên ám ảnh mình. Như vậy, không thể sáng tác thơ theo kiểu cầu may, chỉ ngồi chờ thành quả mà không phải “kiên trì, “đa mang “đắm đuối” gì cả.
4.
- Dẫn ý kiến của các nhà thơ, nhà văn lớn trên thế giới (Ét-mông Gia-bét – Edmond Jabès, Gít-đơ – Gide, Pét-xoa – Pessoa).
=> Xem như đó là sự hậu thuẫn tích cực cho cách lí giải vấn đề của mình.
- Diễn giải ý kiến của Ét-mông Gia-bét, đồng thời phát triển thêm cái mới. Đó chính là sáng tạo con chữ. Rõ ràng, “nhà thơ” không phải là danh vị được tạo một lần cho mãi mãi. Nó có thể bị tước đoạt nếu nhà thơ không chịu khổ công lao động với ngôn từ mỗi khi viết một bài thơ mới.
5. Theo em, điều làm nên sự ấn tượng này chính là người viết đã cho độc giả thấy được làm nghệ thuật là cả một quá trình dài. Thông tin trong văn bản đem đến nhiều, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, câu chữ trong bài được triển khai, lập luận một cách mạch lạc, logic.