3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Trình bày vấn đề sử dụng và cải tạo đất ở Việt Nam.
Câu 2: Nêu tình trạng suy thoái tài nguyên đất và các biện pháp bảo vệ đất ở vùng đồi núi và vùng đồng bằng nước ta.
Câu 3: Trình bày giá trị sử dụng của đất feralit trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Câu 4: Trình bày giá trị sử dụng của đất phù sa trong nông nghiệp, thủy sản.
Câu 5: Khi không có biện pháp sử dụng đất hợp lý sẽ gây ra những tác hại nào?
Bài Làm:
Câu 1:
- Đất đai là tài nguyên quý giá. Ngày nay, nhiều vùng đất nông nghiệp đã được cải tạo và sử dụng có hiệu quả.
- Tuy nhiên, việc sử dụng đất ở nước ta vẫn còn nhiều điều chưa hợp lí. Tài nguyên đất bị giảm sút, có tới 50% diện tích đất tự nhiên có vấn đề cần phải cải tạo. Riêng đất trống, đồi trọc bị xói mòn mạnh đã tới trên mười triệu hecta.
- Cần phải sử dụng đất hợp lí, chống xói mòn, rửa trôi, bạc màu đất ở miền đồi núi và cải tạo các loại đất chua, mặn, phèn ở miền đồng bằng ven biển.
Câu 2:
- Suy thoái tài nguyên đất:
+ Trong 5,35 triệu ha đất chưa sử dụng thì ở đồng bằng có khoảng 350 nghìn ha, còn lại 5 triệu ha là đất đồi núi bị thoái hóa nặng (năm 2015).
+ Diện tích đất đai bị thoái hóa vẫn còn rất lớn. hiện có khoảng 9,3 triệu ha đất bị đe dọa thoái hóa (chiến 28% diện tích đất đai).
- Các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất:
+ Đối với vùng đồi núi:
- Áp dụng tổng thể các biện pháp thủy lợi, canh tác như: làm ruộng bậc thang, đào hố vẩy cá, trồng cây theo băng.
- Cải tạo đất hoang, đồi núi trọc bằng các biện pháp nông- lâm kết hợp.
- Bảo vệ rừng và đất rừng, tổ chức định canh, định cư.
+ Đối với vùng đồng bằng:
Cần phải có biện pháp quản lí chặt chẽ và có kế hoạch mở rộng diện tích đất nông nghiệp.
- Thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cần canh tác hợp lí, chống bạc màu, glây, nhiễm mặn, nhiễm phèn.
- Bón phân cải tạo đất thích hợp; chống ô nhiễm do chất độc hóa học, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp chứa chất độc hại, chất bẩn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh hại cây trồng.
Câu 3:
- Đối với sản xuất nông nghiệp:
+ Đất feralit thích hợp để trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, phát triển đồng cỏ để chăn nuôi gia súc lớn,...
+ Ở những nơi có độ dốc nhỏ, có thể kết hợp trồng cây công nghiệp hàng năm, cây thực phẩm và cây lương thực.
- Đối với sản xuất lâm nghiệp: đất feralit thích hợp để phát triển rừng sản xuất với các loại cây như thông, keo, bạch đàn và các loại cây lấy gỗ khác.
Câu 4:
- Đối với sản xuất nông nghiệp: đất phù sa ở nước ta có độ phì cao, thích hợp với trồng lúa và các cây lương thực khác, cây công nghiệp hàng năm, rau và hoa màu,...
- Đối với sản xuất thuỷ sản:
+ Các vùng cửa sông, ven biển có điều kiện thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thuỷ sản.
+ Ở những khu vực ngập mặn ven biển, các bãi triều và vùng cửa sông là địa bàn thuận lợi cho nuôi trồng nhiều loại thuỷ sản khác nhau.
Câu 5:
Chỉ xét riêng Việt Nam là một quốc gia phát triển chủ yếu dựa trên nông nghiệp. Hàng năm chúng ta xuất khẩu một lượng hàng nông sản vô cùng lớn ra nước ngoài. Nhờ vậy mà tạo nên công ăn việc làm và thu nhập cho mọi người. Tuy nhiên chính việc sử dụng đất không hợp lý đã và đang gây nên những hệ lụy. Theo như nghiên cứu thì độ phì nhiêu của đất ở nước ta đang có sự giảm sút nghiêm trọng về lượng mùn và chất hữu cơ trong đất. Đất ở những đồng bằng phù sa màu mỡ cũng chỉ còn dưới 1% hàm lượng hữu cơ.
Đất trồng đang bị vắt kiệt bởi việc canh tác liên tục và đất không hề được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Tình trạng này kéo dài đã khiến cho đất nông nghiệp trở nên khô cứng, bạc màu.
Thực trạng hiện nay đã có hơn 1,3 triệu ha đất bị suy thoái. Hơn 2,3 triệu ha đất có dấu hiệu và 6,6 triệu ha có nguy cơ bị suy thoái. Những con số này chính là hồi chuông cảnh tỉnh nếu như không có biện pháp sử dụng đất hợp lý.