3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Thương mại được coi là mạch máu của nền kinh tế. Giải thích tại sao?
Câu 2: Sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng. Giải thích tại sao?
Câu 3: Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và doanh thu du lịch?
Câu 4: Hoạt động nhập khẩu tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế?
Câu 5: Chứng minh rằng giá cả thị trường luôn biến động?
Bài Làm:
Câu 1:
Thương mại được coi là mạch máu của nền kinh tế do:
- Thương mại là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua. Trong nền kinh tế thị trường thì sản xuất hàng hóa phát triển mạnh làm tăng vai trò của thương mại.
- Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.
- Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới. Thương mại là cầu nối thị trường trong nước với thị trường thế giới. Trong thời đại ngày nay, thương mại phát triển thể hiện rõ xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, tử đó góp phần đẩy mạnh hội nhập với khu vực và thế giới.
- Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.
Câu 2:
Sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng do:
- Phân công lao động theo lãnh thổ: Mỗi lãnh thổ dựa vào thế mạnh của mình để sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá, trao đổi với các lãnh thổ khác; mặt khác, lại tiêu thụ các sản phẩm của các lãnh thổ khác mà mình cần. Mỗi lãnh thổ tham gia vào phân công lao động với cả hai khía cạnh: Cung cấp các sản phẩm hàng hoá, tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá.
- Xuất nhập khẩu là hoạt động trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia. Việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá giữa các lãnh thổ được tiến hành thông qua xuất nhập khẩu.
- Xuất nhập khẩu đòi hỏi tăng cường sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
- Xuất nhập khẩu tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn.
Câu 3:
- Tài nguyên du lịch trên lãnh thổ (tự nhiên, nhân văn).
- Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho ngành du lịch và cơ sở hạ tầng.
Nhân lực ngành du lịch: tính chuyên nghiệp của người phục vụ lữ hành, khách sạn, quảng bá.
- Thị trường du lịch (trong nước và quốc tế).
- Các nhân tố: an ninh, chính trị, sự phát triển các ngành kinh tế, hệ thống pháp luật,...
Câu 4:
- Tác động của hoạt động nhập khẩu đến sự phát triển kinh tế:
+ Nhập khẩu thiết bị, máy móc góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất kĩ thuật của các ngành kinh tế.
+ Nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu cho phép mở rộng sản xuất, bù đắp các nhu cầu trong nước mà chưa đáp ứng được, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
+ Việc nhập khẩu hàng hóa còn có thể tạo ra môi trường cạnh tranh cần thiết giữa hàng nội địa và hàng nhập, thúc đẩy các cơ sở sản xuất trong nước nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm...
Câu 5:
- Thị trường được hiểu là nơi gặp gỡ giữa người bán (bên bán) và người mua (bên mua).
- Giá cả trên thị trường luôn biến động vì phụ thuộc vào quan hệ cung và cầu.
+ Nếu cung lớn hơn cầu, thì hàng hóa ế thừa, giá cả trên thị trường có xu hướng giảm.
+ Nếu cung nhỏ hơn cầu, thì hàng hoá khan hiếm, giá cả tăng.