2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành thương mại?
Câu 2: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành tài chính ngân hàng?
Câu 3: Trình bày cơ cấu của ngành dịch vụ?
Câu 4: Phân biệt cán cân xuất nhập khẩu?
Câu 5: Phân biệt cơ cấu xuất nhập khẩu?
Bài Làm:
Câu 1:
Tình hình phát triển và phân bố của thương mại:
+ Nội thương: Hoạt động thương mại diễn ra trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia (còn gọi là thương mại nội địa); tạo ra thị trường thống nhất trong nước và thúc đẩy phân công lao động giữa các vùng. Thương mại bán lẻ còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân. Việc mua bán hàng hoá và dịch vụ thường diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ, chợ, cửa hàng tạp hoá, siêu thị, trung tâm thương mại,...
+ Ngoại thương: Hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia (còn gọi là thương mại quốc tế). Hoạt động ngoại thương (xuất khẩu, nhập khẩu) gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Thông qua việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá, nền kinh tế trong nước có động lực mạnh mẽ để phát triển, các lợi thế được khai thác có hiệu quả hơn. Kết quả hoạt động ngoại thương thể hiện bằng trị giá xuất nhập khẩu.
Câu 2:
Tình hình phát triển và phân bố: Hoạt động tài chính ngân hàng sôi động cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, chính sách tài chính năng động và phù hợp.
Câu 3:
Cơ cấu của ngành dịch vụ:
- Là khu vực có cơ cấu ngành hết sức phức tạp.
- Ở nhiều nước, người ta chia các ngành dịch vụ ra thành ba nhóm: -
+ Dịch vụ kinh doanh: gồm vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp,...
+ Dịch vụ tiêu dùng: bao gồm các hoạt động bán buôn, bán lẻ, du lịch, các dịch vụ cá nhân (như y tế, giáo dục, thể dục thể thao)...
+ Dịch vụ công: bao gồm dịch vụ hành chính công, các hoạt động đoàn thể...
Câu 4:
Cán cân xuất nhập khẩu:
+ Quan hệ so sánh giá trị giữa hàng xuất khẩu với giá trị hàng nhập khẩu được gọi là cán cân xuất nhập khẩu.
+ Nếu trị giá hàng xuất khẩu mà lớn hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là xuất siêu. Ngược lại, nếu trị giá hàng xuất khẩu mà nhỏ hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là nhập siêu.
Câu 5:
Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu:
+ Các mặt hàng xuất khẩu có thể chia thành các nhóm: Nguyên liệu chưa qua chế biến và các sản phẩm đã qua chế biến,...
+ Các mặt hàng nhập khẩu có thể chia thành các nhóm: Tư liệu sản xuất (nguyên liệu, máy móc, thiết bị...) và sản phẩm tiêu dùng,...
+ Ngoài việc xuất và nhập khẩu hàng hoá, các nước còn xuất và nhập khẩu các dịch vụ thương mại.