4. VẬN DỤNG CAO (5 câu)
Câu 1: Cơ cấu dân số già và cơ cấu dân số trẻ có những thuận lợi, khó khăn gì và làm thế nào để khắc phục những khó khăn đó?
Câu 2: Tại sao ở các địa phương, quốc gia, khu vực, châu lục trên thế giới tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô có sự khác nhau?
Câu 3: Tại sao ở các nước phát triển có tỉ suất tử thô cao hơn so với các nước đang phát triển dù chất lượng cuộc sống của nhân dân cao?
Câu 4: Tại sao tháp tuổi lại được sử dụng rộng rãi trong dân số học? Có những kiểu tháp tuổi cơ bản nào?
Câu 5: Tại sao để đánh giá chất lượng cuộc sống của mỗi quốc gia đều sử dụng tiêu chí đánh giá cơ cấu dân số theo trình độ văn hóa?
Bài Làm:
Câu 1:
- Dân số già: tập trung ở các nước phát triển.
+ Thuận lợi: số người trong độ tuổi lao động nhiều, tỉ lệ dân số phụ thuộc ít.
+ Khó khăn: thiếu nguồn lao động bổ sung cho tương lai, tăng chi phí chăm sóc cho người già.
+ Biện pháp: khuyến khích lập gia đình, sinh con và cần nhập cư hợp pháp.
- Dân số trẻ: tập trung ở các nước đang phát triển.
+ Thuận lợi: có nguồn dự trữ lao động dồi dào trong tương lai và thị trường tiêu thụ rộng lớn.
+ Khó khăn: gây sức ép cho việc phát triển kinh tế, xã hội, môi trường.
+ Biện pháp: thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế –xã hội và xuất khẩu lao động.
Câu 2:
- Giải thích tỉ suất sinh thô khác nhau trên thế giới:
+ Tỉ suất sinh thô chịu tác động của nhiều nhân tố khác nhau: tự nhiên - sinh học (số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhiều tác động đến tỉ suất sinh thô), phong tục tập quán và tâm lí xã hội, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách phát triển dân số của từng nước.
+ Các nhân tố này khác nhau ở các địa phương, quốc gia, khu vực, châu lục trên thế giới; ngay cả ở trong một nước cũng khác nhau ở các thời kì. Do vậy, tỉ suất sinh thô khác nhau.
- Giải thích tỉ suất tử thô khác nhau trên thế giới:
+ Tỉ suất tử thô chịu tác động của nhiều nhân tố khác nhau: tiến bộ về y tế và khoa học - kĩ thuật, sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là điều kiện sống, mức sống và thu nhập; chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật,... và thiên tai (động đất, núi lửa, sóng thần, hạn hán, bão, lụt,...).
+ Các nhân tố này khác nhau ở các địa phương, quốc gia, khu vực, châu lục trên thế giới; ngay cả ở trong một nước cũng khác nhau ở các thời kì. Do vậy, tỉ suất tử thô khác nhau.
Câu 3:
- Tỉ suất tử thô chịu tác động của các nhân tố: Kinh tế - xã hội (mức sống, thu nhập, các tiến bộ về y học, điều kiện sống, chiến tranh, đói kém, dịch bệnh,...), thiên tai (sóng thần, động đất, bão, lũ lụt,...), cơ cấu dân số (trẻ, già).
- Ở các nước kinh tế phát triển thường có cơ cấu dân số già, tỉ lệ người cao tuổi trên tổng số dân lớn. Do dân số già, nên tỉ suất tử vong cao, dù rằng điều kiện sống nói chung và chất lượng sống nói riêng tốt hơn nhiều so với các nước đang phát triển.
vong
- Ngược lại, các nước đang phát triển có cơ cấu dân số trẻ, tỉ lệ người cao tuổi thấp. Hiện nay, do sự phát triển của y tế và khoa học kĩ thuật nói chung, sự tiến bộ của chất lượng cuộc sống, nên tỉ suất tử ở trẻ em giảm nhiều ở các nước đang phát triển, không chênh lệch lắm so với các nước có nền kinh tế phát triển.
Câu 4:
Tháp tuổi lại được sử dụng rộng rãi trong dân số học do:
- Vì tháp tuổi phản ánh nhiều mặt của tình trạng dân số một nước: kết cấu dân số theo độ tuổi, theo nam nữ, tuổi thọ, những biến động về dân số,..
- Dựa vào tháp tuổi có thể suy ra được tình hình sinh tử và các nguyên nhân tăng giảm số dân của từng nhóm tuổi.
Các kiểu tháp tuổi cơ bản: kiểu mở rộng, kiểu thu hẹp, kiểu ổn định.
Câu 5:
- Văn hóa, giáo dục là nhân tố cơ bản trong sự phát triển bền vững, là một thành phần của phúc lợi, đồng thời là phương tiện để cá nhân nhận được kiến thức.
- Giáo dục góp phần làm giảm mức sinh và giảm mức tử vong, nâng cao chất lượng dân số.
- Trình độ văn hóa của dân cư cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, nâng cao năng suất lao động
và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy các mặt khác của đời sống xã hội.