4. VẬN DỤNG CAO (5 câu)
Câu 1: Đất ở khu vực khí hậu ôn đới lục địa nửa khô hạn có độ phì cao nhất trên thế giới. Giải thích tại sao?
Câu 2: Đất được xem là tấm gương phản chiếu môi trường tự nhiên. Giải thích tại sao?
Câu 3: Tại sao lại hình thành đất sơ đẳng xen lẫn đá ở khoảng 2.000m đến 2.800m của núi với sinh vật là rêu và địa y?
Câu 4: Sinh vật là sản phẩm tổng hợp của sự tác động chính của khí hậu, địa hình, đất và của sinh vật. Giải thích tại sao?
Câu 5: Tại sao về phân bố đất và thảm thực vật theo vĩ độ và theo độ cao lại có sự khác nhau?
Bài Làm:
Câu 1:
Đất ở khu vực khí hậu ôn đới lục địa nửa khô hạn có độ phì cao nhất trên thế giới vì:
- Độ phì của bất kì loại đất nào điều chịu ảnh hưởng bởi 2 nhóm nhân tố chính là nhiệt ẩm và sinh vật.
+ Nhiệt ẩm tác động đến sự hình thành đất thông qua các quá trình phong hóa lí hay hóa học, đồng thời nhiệt ẩm còn tác động gián tiếp thông qua các yếu tố sinh vật.
+ Sinh vật tác động đến sự hình thành đất dưới 2 hình thức: cung cấp vật chất hữu cơ và phân giải tổng hợp chất hữu cơ.
- Đối với kiểu khí hậu ôn đới lục địa nửa khô hạn thì chế độ nhiệt ẩm điều rất thấp chính vì vậy quá trình phong hóa diễn ra rất yếu, bên cạnh đó, sinh vật chủ yếu của vùng này đặc trưng là các loại thực vật thân thảo. Xét về cơ bản thì đất ở đây không có độ phì cao nhưng thực tế thì ngược lại mặc dù nhiệt ẩm thấp nhưng lại phân hóa điều trong năm nên cho dù quá trình phong hóa diễn ra yếu nhưng hầu như quá trình rửa trôi không diễn ra nên độ phì ở đây được tích tụ qua nhiều năm dẫn đến đây là nơi đất có độ phì cao nhất thế giới.
- Đất ở vùng này là loại đất secnôdôn hay còn gọi là đất đen, phân bố chủ yếu ở đồng bằng Đông Âu, một phần trên đất nước Mông Cổ,
Câu 2:
Đất (thổ nhưỡng) là tấm gương phản chiếu môi trường tự nhiên, bởi đất là nơi tiếp xúc, xâm nhập và tác động qua lại một cách trực tiếp và thường xuyên nhất của các thành phần tự nhiên. Đất còn là sản phẩm của tác động tương hỗ giữa các thành phần vô cơ và hữu cơ thông qua các vòng tuần hoàn sinh vật; do đó, đặc điểm của đất sẽ phản ánh một cách rõ nét và trung thực mối tác động đó.
Câu 3:
Ở khoảng 2,000m đến 2,800m của núi với sinh vật là rêu và địa y lại hình thành đất sơ đẳng xen lẫn đá, vì:
- Nhiệt độ giảm xuống thấp; lượng mưa ít; sinh vật nghèo nàn, đơn điệu, vì thế quá trình phong hóa hình thành đất diễn ra chậm, quá trình hình thành đất chưa hoàn chỉnh.
- Do quá trình xói mòn, rửa trôi diễn ra mạnh.
Câu 4:
Sinh vật phát triển và phân bố dưới sự tác động đồng thời của các nhân tố khí hậu, địa hình, đất và cả chính sinh vật.
- Khí hậu: Khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và phân bố sinh vật chủ yếu thông qua các yếu tổ nhiệt độ, độ ẩm không khí, nước và ánh sáng.
+ Nhiệt độ: Mỗi loài sinh vật thích nghi với một giới hạn nhiệt nhất định. Các loài ưa nhiệt thường phân bố ở các vùng nhiệt đới và Xích đạo. Trái lại, các loài chịu lạnh chỉ phân bố ở các vĩ độ cao và các vùng núi cao. Nơi có nhiệt độ thích hợp, sinh vật sẽ phát triển nhanh và thuận lợi hơn.
+ Nước và độ ẩm không khí: Những nơi có điều kiện nhiệt, nước và ẩm thuận lợi như vùng Xích đạo, nhiệt đới ẩm, cận nhiệt gió mùa, ôn đới ẩm,... sẽ có nhiều loài sinh vật sinh sống. Còn ở hoang mạc, khi hậu rất khô nên có ít loài sinh vật cư trú tại đó.
+ Ánh sáng quyết định quá trình quang hợp của cây xanh. Những cây ưa sáng thường sống và phát triển tốt ở nơi có đầy đủ ánh sáng. Những cây chịu bóng thường sống trong bóng râm, dưới tán lá của các cây khác.
- Đất:
+ Các đặc tính li, hóa, độ phì của đất ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của thực vật.
+ Đất đỏ vàng ở khu vực nhiệt đới ẩm và Xích đạo thường có tầng dày, độ ẩm và tính chất vật lí tốt nên có nhiều loài sinh vật sinh trưởng và phát triển.
+ Đất ngập mặn ở các bãi triều ven biển nhiệt đới có các loại cây ưa mặn như sú, vẹt, đước, bần, mắm. Vì thế, rừng ngập mặn chỉ phát triển và phân bố ở các bãi ngập triều ven biển.
- Địa hình:
+ Độ cao, hướng sườn, độ dốc của địa hình ảnh hưởng đến sự phân bố của sinh vật ở vùng núi.
+ Nhiệt độ, độ ẩm không khí thay đổi theo độ cao địa hình, dẫn đến hình thành các vành đai sinh vật khác nhau.
+ Các hướng sườn khác nhau thường nhận được lượng nhiệt, ẩm và chế độ chiếu sáng khác nhau, do đó ảnh hưởng đến độ cao bắt đầu và kết thúc của các vành đai sinh vật.
- Sinh vật:
+ Thức ăn là nhân tố sinh học quyết định đối với sự phát triển và phân bố của động vật.
Câu 5:
Theo vĩ độ và theo độ cao lại có sự khác nhau về phân bố đất và thảm thực vật do:
- Từ cực về Xích đạo lần lượt có các loại đất: Đài nguyên, pốt dôn, thảo nguyên, hoang mạc, đỏ vàng cận nhiệt và feralit. Từ cực về Xích đạo có sự thay thế của các thảm thực vật: Đài nguyên, rừng lá kim, rừng hỗn hợp, rừng lá rộng ôn đới, thảo nguyễn, rừng và cây bụi cận nhiệt, rừng nhiệt đới ẩm, xa van và rừng Xích đạo.
- Các vành đai thực vật ở núi Chim-bô-ra-giô (Nam Mỹ) từ thấp lên cao có: Rừng nhiệt đới, rừng lá rộng cận nhiệt, rừng lá kim, đồng cỏ núi cao, tuyết và băng vĩnh cửu. Các vành đai thực vật trên núi Ki-li- man-gia-rô (châu Phi) từ thấp lên cao có: Xavan cỏ; xa van cây bụi; rừng mù sương; đồng cỏ núi cao; đá, rêu, địa y; băng tuyết.
- Như vậy, có thể thấy trình tự phân bố các vành đai cao của thực vật và đất cũng tương tự như sự phân bố các thảm thực vật và đất theo đới ngang (riêng đồng cỏ núi cao không có ở đới ngang). Tuy nhiên, chúng khác nhau về đặc điểm; sự khác nhau đó bắt nguồn từ nguyên nhân dẫn đến sự phân bố của chúng:
+ Sự phân bố theo đới ngang chịu tác động trực tiếp của sự thay đổi năng lượng bức xạ của Mặt Trời từ Xích đạo về cực.
+ Sự phân bố theo đại cao là do địa hình núi cao tạo ra, liên quan đến thời gian và cường độ chiếu sáng, độ ẩm. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, độ ẩm và lượng mưa thay đổi, dẫn đến sự hình thành các vành đai thực vật và vành đai đất.