Bí kíp luyện thi các môn khối C đạt điểm cao trong kì thi THPT quốc gia 2018

Một tháng cuối cùng cũng là khoảng thời gian để chúng ta tăng tốc, chuẩn bị tốt nhất để đạt kết quả cao trong kì thi. ConKec xin chia sẻ với các bạn Bí kíp luyện thi các môn khối C đạt điểm cao trong kì thi THPT quốc gia 2018. Mong rằng việc bật mí những bí kíp này sẽ giúp các sĩ tử vượt vũ môn thành công!

Kì thi THPT Quốc gia năm 2018 đang đến rất gần rồi, chỉ còn hơn 1 tháng, chính xác là chỉ còn 38 ngày nữa là các sĩ tử sẽ bước vào cuộc chiến khốc liệt cuối cùng trước khi đến cái đích đã được đặt ra. 1 tháng cuối cùng cũng là khoảng thời gian để chúng ta tăng tốc, chuẩn bị tốt nhất để đạt kết quả cao trong kì thi. ConKec xin chia sẻ với các bạn Bí kíp luyện thi các môn khối C đạt điểm cao trong kì thi THPT quốc gia 2018. Mong rằng việc bật mí những bí kíp này sẽ giúp các sĩ tử vượt vũ môn thành công!

Thời gian học quyết định chất lượng kiến thức

Não bộ của con người phân chia thành các chu kì hoạt động. Vì thế, sẽ có khoảng thời gian não bộ làm việc tối đa, tức là lượng thông tin não tiếp nhận sẽ được nhiều nhất. Khoảng thời gian còn lại não bộ làm việc kém hơn, khó tập trung hơn. Não bộ của chúng ta có những “khung giờ vàng” là 5h - 7h sáng; 14h - 16h chiều; 19h - 21h tối. Sau khung giờ này, đặc biệt là sau 22h đêm, não của chúng ta đã hoạt động cả một ngày dài, lương thông tin cũng tiếp thu quá nhiều nên nếu tiếp tục nạp kiến thức, những kiến thức ấy gần như bị đẩy ra trở lại.

Trên cơ sở này, các bạn có thể sắp xếp thời gian học trong một ngày của mình cho thật hợp lí. Vì chọn đúng thời điểm học sẽ giúp cho khả năng ghi nhớ kiến thức của não bộ tốt hơn rất nhiều.

Tập trung cao độ, nghỉ ngơi hợp lí - thành công 50% rồi

Chúng ta thường có suy nghĩ sai lầm rằng càng học lâu, kiến thức ta học sẽ càng được nhiều. Đặc biệt là khối C. Ta sẽ phải ngồi trong phòng học hàng giờ liền, lầm rầm đọc hết trang này đến trang khác và rất yên tâm với những gì mình học được. Nhưng sự thực đã chứng minh, đây là cách học phản khoa học. Bởi việc ngồi lì hàng giờ trong phòng, với một trạng thái cơ thể căng cứng, đầy áp lực khiến chúng ta nhanh chóng mệt mỏi, rất có thể sẽ bỏ cuộc giữa chừng.

Vậy thì phải có cách học nào vừa thoải mãi, vừa hiệu quả? Có chứ, chỉ là bạn chưa biết kêt hợp giữa việc tập trung cao độ và nghỉ ngơi hợp lí thôi. Chúng ta có thể tập trung cao độ trong khoảng từ 30 - 45 phút. Chính vì thế, thay vì ngồi “tụng kinh” 3-4h/ buổi học, các bạn hãy chia nhỏ bài học thành những phần nhỏ, ứng với 30-45 phút, sau đó nghỉ ngơi từ 10-15 phút. ConKec khẳng định, bạn sẽ bất ngờ với những gì mình có được. Sự thoải mái, thư giãn trong đầu óc sẽ khiến cho kiến thức ta dung nạp được dễ dàng hơn.

Ôn tập theo chu kì - Đưa kiến thức vào vùng ghi nhớ dài hạn của não bộ

Sau 2 tuần học, chúng ta có thể nhớ được 10% những gì đọc, 20% những gì nghe, 30% những gì nhìn thấy, 50% những gì nghe và nhìn, 70% những gì nói và 90% những gì được nói và thực hành. Đó cũng chính là mức độ ghi nhớ thông tin của mỗi chúng ta. Việc ôn tập lại những kiến thức theo chu kì 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng,...sẽ giúp những kiến thức ở vùng trí nhớ ngắn hạn được chuyển sang vùng trí nhớ dài hạn (giống như việc bạn gấp một chiếc áo và cất vào trong tủ vậy).

Một tháng cuối cùng này, sĩ tử khối C hãy chia kiến thức các môn thành phần và có kế hoạch thật cụ thể để ôn tập lại tránh tình trạng kiến thức bị “ngâm” quá lâu khiến “râu ông nọ cắm cằm bà kia nhé”

Học Văn  - Sử - Địa theo sơ đồ Minmap - Tại sao không?

Sơ đồ Minmap là một phương pháp học tập không còn xa lạ với học sinh vì nó trở nên quá phổ biến trong thời gian gần đây. Không thể phủ nhận những lợi ích mà sơ đồ tư duy mang tới cho người học. Bởi bản chất của sơ đồ tư duy giúp người học tận dụng cả hai bán cầu não một cách hiệu quả nhất. Sự sáng tạo của người học sẽ tạo ra những diện mạo riêng cho sơ đồ tư duy.

Muốn học theo sơ đồ tư duy, các bạn cần phải nắm thật chắc kiến thức, hiểu bản chất để tóm tắt những phần quan trọng (những từ khóa) tránh rườm rà, dư thừa mất thời gian vô ích. Thông thường, với các môn của khối C, các kiến thức cơ bản cần được thể hiện trên sơ đồ tư duy là tác giả, tác phẩm (hoàn cảnh sáng tác, năm sáng tác, nhan đề), nội dung chính, đặc điểm tự nhiên, dân cư - xã hội, ảnh hưởng (tích cực, tiêu cực), hoàn cảnh cuộc chiến/thời kì; đặc điểm, kết quả,...

Điều quan trọng nhất khi xây dựng sơ đồ tư duy là các bạn sử dụng thật nhiều màu sắc, hình ảnh, những con số và bất cứ điều gì có thể gây ấn tượng khắc sâu vào trí óc của bạn.

Văn - Sử - Địa là các môn xã hội, nên hãy gắn chúng với xã hội

Thật vậy, Văn - Sử - Địa là những môn học cung cấp cho chúng ta những kiến thức trong thực tế đời sống nên việc học cũng cần phải gắn những kiến thức ấy với thực tế đời sống. Càng liên hệ với thực tế nhiều bao nhiêu thì kiến thức ghi nhớ được càng chắc chắn bấy nhiêu.

Chẳng hạn, với môn Sử, khi học tới quá trình Toàn cầu hóa, các bạn hãy liên hệ với quá trình phát triển của đất nước xem chúng đặt ra những thời cơ và thách thức gì, biểu hiện của những điều ấy ở nước ta ra sao.

Còn với môn Văn, khi học đến Chiếc thuyền ngoài xa các bạn có thể liên hệ với hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam truyền thống, nạn bạo hành gia đình vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện nay,...những điều ấy nên lên án hay được ủng hộ?

Khi gắn những kiến thức sách vở của khối C vào trong thực tế, bạn sẽ thấy chúng gần gũi và thiết thực hơn rất nhiều. Chúng sẽ trở thành cơ sở để bạn quan sát và thực hành ngay ở ngoài đời và không còn là những kiến thức chết trên giấy tờ nữa.

Học khối C - Hãy học nhóm nhé!

Đồng ý là mỗi người sẽ có cách học khác nhau nhưng với những môn của khối C - môn xã hội nhé, thì các bạn nên lập thành các nhóm nhỏ từ 3-5 người để học cùng nhau. Việc hình thành những nhóm nhỏ như thế sẽ giúp chúng ta có thêm động lực, có người nhắc nhở, kiểm tra và quan trọng nhất là ta có thể chia sẻ với nhau phương pháp học, những kiến thức mở rộng.

Ngoài việc ngồi học theo cách truyền thống, nhóm cũng có thể thay đổi hình thức học tập, kiểm tra bằng việc tổ chức các trò chơi liên quan đến các môn học hoặc đối đáp về các sự kiện lịch sử, địa lí,...

Học Sử - Địa bằng bảng biểu và phương pháp so sánh, đối chiếu

Đối với các sĩ tử, môn Sử thường là môn khó nhằn vì chúng có nhiều sự kiện, ngày tháng, đặc điểm cần phải nhớ. Vì thế các bạn thường rất ngại khi phải rờ vào cuốn sách. Để khắc phục tình trạng này, các bạn nên học sử theo các giai đoạn, lập các bảng với thời gian, nội dung kết quả, ý nghĩa của mỗi trận đánh; các chiến dịch, hội nghị, hiệp định,...khiến cho kiến thức được hình thành theo một hệ thống. Bạn sẽ không quá căng thẳng khi phải đối mặt với một đống các số liệu, ngày tháng, sự kiện nữa.

Địa không có nhiều số liệu song lại là môn với nhiều đặc điểm tự nhiên và có những kiến thức liên quan tới Toán, Lí, Hóa. Trong khi học Địa, các bạn cũng nên kẻ bảng phân chia các kiểu địa hình, khí hậu, vùng kinh tế,...để có cái nhìn đối chiếu, so sánh và nắm được đặc điểm chính của từng vùng.

Cá nhân - Yếu tố ghi điểm trong bài Văn

Trong quá trình làm Văn, các bạn thường quá tuân thủ theo những gì đã học trên lớp mà quên mất không đưa màu sắc của cá nhân mình vào trong bài văn. Điều có thể tạo được ấn tượng với người chấm không phải là những kiến thức mà ai cũng có thể viết mà chính là cái tôi của bạn. Muốn làm được điều đó, bạn cần đọc sách mở rộng các vấn đề trong tác phẩm, liên hệ thực tế. Đặc biệt, có một nền tảng lí luận văn học vững chắc và đưa được vào trong bài viết là một lợi thế của bạn so với những thí sinh khác.

Cùng với đó, việc đưa quan điểm cá nhân theo cách bình luận, nhận xét sau mỗi đoạn phân tích cũng là cách để thể hiện bản thân với người chấm.

Một số lưu ý khi vào phòng thi

Khi nhận được đề, đừng vội làm ngay, hãy đọc đề một lượt từ câu đầu tiên đến cuối cùng sau đó ngồi yên lặng một chút để bình tĩnh lại, hít một hơi thật sâu rồi mới bắt đầu làm bài. Làm cẩn thận, không chủ quan, hấp tấp.

Môn Văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận, với thời gian là 120 phút, cấu trúc đề là 3 câu. Các bạn cần phải nắm rõ cấu trúc đề, phân chia thời gian hợp lí để có thể đảm bảo làm hết tất cả các câu trong đề thi. Không được phép bỏ lại một câu nào.

Với môn Văn, các bạn nên dành khoảng 5-7 phút đầu để lập dàn ý cho bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Như thế vừa định hình được các bạn sẽ viết gì trong bài vừa tính toán được mình sẽ viết mỗi phần trong bao lâu.

Trên đây là Bí kíp luyện thi các môn khối C đạt điểm cao trong kì thi THPT quốc gia 2018. Chúc tất cả các sĩ tử có một mùa thi thành công!

Lớp 12 | Để học tốt Lớp 12 | Giải bài tập Lớp 12

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 12, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 12 giúp bạn học tốt hơn.