Câu 2: Viết một bài văn ngắn, hãy trình bày những hiểu biết cơ bản về Nguyễn Dữ và “Truyền kì mạn lục”.
Bài Làm:
Văn học trung đại – một thời kì phát triển rực rỡ của văn chương Việt Nam đã chứng kiến sự trưởng thành và ghi nhận những thành tựu rực rỡ của nhiều tác giả. Trong đó phải kể đến Nguyễn Dữ và tác phẩm “Truyền kì mạn lục” của ông.
Nguyễn Dữ sống ở thế kỷ XVI, sinh và mất năm nào chưa rõ. Nói về Nguyễn Dữ, người ta thường nhắc về một thi sĩ ở ẩn với những hiểu biết sâu rộng về cuộc đời. Quê quán của ông thuộc xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Tương truyền, ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến (tức Cử nhân), ông làm quan với nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phú). Thế nhưng, nội chiến phân tranh liên miên giữa nhà Mạc, Lê, Trịnh đã khiến ông chán nản. Vì vậy làm quan được một năm, ông đã cáo quan về ở ẩn cùng mẹ già và viết sách, sống ẩn dật như nhiều trí thức đương thời khác.
Dù không có nhiều duyên phận với nghiệp quan trường nhưng với tầm hiểu biết của mình, ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm mang đầy tư tưởng lớn lao. Ông viết sách rất nhiều vào những năm sau khi cáo quan, thế nhưng tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất của ông chính là "Truyền kì mạn lục". Tác phẩm đồ sộ với tư tưởng lớn này của ông đã giúp ông ghi lại dấu ấn của mình vào nền thi ca trung đại Việt Nam. Truyền kỳ mạn lục được hoàn thành ngay từ những năm đầu của thời kỳ này, ước đoán vào khoảng giữa hai thập kỷ 20-30 của thế kỷ XVI.
Truyền kì là một thể văn xuôi thời trung đại phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, hoang đường. Trong truyện truyền kì, thế giới con người và thế giới cõi âm có sự tương giao. Người đọc có thể thấy đằng sau thế giới phi hiện thực chính là cốt lõi của hiện thực và những quan niệm, thái độ của tác giả. Đây là cuốn văn xuôi cổ gồm 20 truyện, mang yếu tố hoang đường, cốt truyện lưu truyền trong dân gian theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả. Nội dung chính xuyên suốt tập truyện thể hiển ở ba đặc điểm
Thứ nhất, Truyền kì mạn lục đã đề cập đến đề tài người phụ nữ - một đề tài ít được nói đến trong văn học trung đại. Tác phẩm thể hiện ca ngợi sự gắn bó thủy chung trong tình cảm vợ chồng, có ý thức bảo vệ tình cảm gia đình, hạnh phúc lứa đôi. Đồng thời, tác phẩm thể hiện sự cảm thông với thân phận những người phụ nữ bất hạnh, tiêu biểu như nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương.
Thứ hai, các tác phẩm phê phán, tố cáo gia cấp thống trị. Ông đã đại diện cho tiếng nói của những người dân thấp cổ bé họng, bị bè lũ giai cấp thống trị từ hôn quân bạo chúa trong triều đến bọn cường hào ác bá ở địa phương áp bức bóc lột. Đồng thời, tác giả ngợi ca những bậc nho sĩ, những quan lại chính trực đã không vì danh lợi mà quay lưng lại với nhân dân, giữ chí khí trong một xã hội đầy rối ren.
Thứ ba, thông qua các câu chuyện, tác giả còn bộc bạch những nỗi niềm ưu tư trước thời thế. Là một nhà Nho có tài nhưng phải chứng kiến sự thay đổi của đất nước, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp có nguy cơ sụp đổ, tan rã, nhà văn không khỏi rơi vào nỗi bi uất. Nguyễn Dữ mong muốn gìn giữ và phát huy những giá trị cao đẹp bền vững của cuộc sống
Về nghệ thuật, tác giả trong tác phẩm đã sáng tạo trên cơ sở những cốt truyện có sẵn. Đa phần những câu chuyện trong tác phẩm đều có nguồn gốc từ dân gian hoặc trong sách vở của người xưa. Và Nguyễn Dữ đã dựa vào những sự tích có sẵn, tổ chức lại kết cấu, xây dựng lại nhân vật, thêm bớt tình tiết, tu sức ngôn từ... tái tạo thành những thiên truyện mới. Truyền kỳ mạn lục vì vậy, tuy có vẻ là những truyện cũ nhưng lại phản ánh sâu sắc hiện thực thế kỷ XVI. Bên cạnh đó, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, yếu tố kì ảo trong mỗi câu chuyện đã giúp ông bộc lộ tâm tư, thể hiện hoài bão; ông đã phát biểu nhận thức, bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề lớn của xã hội, của con người trong khi chế độ phong kiến đang suy thoái".
Với sự thành công về mặt nội dung và nghệ thuật như vậy, Truyền kì mạn lục gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Dữ đã trở thành một tác phẩm văn học được người đọc đón nhận và khắc sâu, với những câu chuyện ảo mà rất thực, rất đỗi đời thường. Qua mỗi câu chuyện, ta thấy được những chân dung, số phận con người trong bức tranh về xã hội phong kiến.