Phần tham khảo mở rộng
Câu 1: Phân tích nghệ thuật nghị luận của nhà văn Mác-két trong văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình.
Bài Làm:
Trải qua hai cuộc chiến tranh tranh thế giới, kí ức về một thời bom đạn đã dần phai nhạt nhưng những nỗi đau do nó gây ra vẫn còn hiển hiện trong mỗi chúng ta. Những mái nhà đã sụp đổ, bao giọt nước cho những cái chết thương tâm và vô tội. Thế nhưng, một số cường quốc lớn vẫn đang ngầm chạy đua vũ trang, tồn tại những tham vọng thống trị trên thế giới. Nhận thức được điều đó, nhà văn Mác-két đã đưa ra những cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân và cất tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ cho hòa bình, cho sự sống của con người. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, ông đã sử dụng nghệ thuật nghị luận đầy sức thuyết phục trong văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình.
Văn nghị luận là kiểu văn bản mà ở đó người nói, người viết chủ yếu sử dụng lí lẽ, dẫn chứng, lập luận nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một quan điểm, tư tưởng nhất định. Văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Chính vì vậy, để làm sáng tỏ những luận đề trong văn bản của mình, nhà văn Mác-két đã đưa ra ba luận điểm rõ ràng và đầy sức thuyết phục
Thứ nhất, nhân loại của chúng ta đang đứng trước hiểm họa hạt nhân, nguy cơ về cái chết với toàn nhân loại. Nhà văn đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể, có thực thay cho những lí lẽ mơ hồ trừu tượng. Trả lời che câu hỏi "Chúng ta đang ớ đâu ?" là một tình thế xuyên quốc gia, vì hiểm hoạ eủa hơn 50 nghìn đầu đạn hạt nhân không tập trung ở một quốc gia nào, nó "đã được bố trí khắp hành tinh". Nguy cơ ấy đang lan rộng khắp hành tinh, là hiểm họa cho không chỉ riêng một quốc gia nào. Không những vậy, tác giả còn đưa ra những con số biết nói, hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân bố trí khắp hành tinh, mỗi con người đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ. Số vũ khí hạt nhân ấy có thể hủy diệt 12 lần mọi dấu vết sự sống trên trái đất; có thể "tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm 4 hành tinh nữa... "Mác-két ghê tởm lên án nguy cơ hạt nhân là “dịch hạch hạt nhân"vì "cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết"... Những con số như được nhân lên gấp bội cho thấy tác hại vô cùng khủng khiếp từ vũ khí hạt nhân đã và đang đe dọa loài người.
Kết hợp với những dẫn chứng cụ thể, tác giả sử dụng nghệ thuật lặp cấu trúc câu và lặp từ, điều đó góp phần nhấn mạnh những hậu quả của vũ khí hạt nhân. Nó là kết quả nghiên cứu, là công trình do các nhà khoa học đổ bao mồi hôi công sức tìm tòi. Nhưng khi khoa học không hướng tới sự sống, sự phát triển của loài người thì nó sẽ là tội ác, là hiểm họa cho toàn nhân loại.
Ở luận điểm thứ hai, nhà văn đã cho thấy sự vô lí và sự tốn kém phi lí trong cuộc chạy đua vũ trang. Thông qua những số liệu được tính toán cụ thể: “Chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mĩ và cho dưới 7.000 tên lửa vượt đại châu là 100 tỉ đô-la. Số tiền ấy có thể cứu trợ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh và tiếp tế thực phẩm, nước uống cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới.”; “Giá 10 chiếc tàu sân bay Ni-mít mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong 14 năm cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em ở châu Phi.”; “Số lượng ca-lo trung bình cho 575 triệu người thiếu dinh dưỡng tốn kém không bằng 149 tên lửa MX...; chỉ cần 27 tên lửa MX là đủ trả tiền mua nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong 4 năm tới.”…. Sự đầu tư cho những điều phi lí ấy, đáng lẽ có thể mang lại những giá trị nhân văn, tốt đẹp cho biết bao người dân nghèo khổ trên khắp thế giới, mang lại tiếng cười cho hàng triệu trẻ em ở vùng đất khô cằn vùng Xa-ha-ra. Nhưng sự ích kỉ, tham lam và tham vọng của một bộ phận những kẻ có tiền đã khiến cho ước mơ đó không thành hiện thức. Trong đó điểu vô lí, nghịch lí nhất là : kẻ huỷ diệt con người trên trái đất là kẻ tự đào huyệt chôn mình mà những kẻ quá điên cuồng đã không tự biết.
Nhà văn Mác-két cũng đã nghiêm khắc cảnh cáo: "Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí", đi ngược lại những quy luật tự nhiên “Sự sống trên Trái Đất phải trải qua 380 triệu năm thì con bướm mới biết bay; rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở, trải qua 4 kỉ địa chất (trên dưới 40 triệu năm), con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu”. Thế nhưng, với vũ khí hạt nhân, chỉ cần “bấm nút một cái”, mọi giá trị vật chất và tinh thần sẽ đều tiêu biến, Trái Đất sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Ngòi bút đa tài của nhà văn thêm một lần nữa được khẳng định, ông đã đưa ra những bức tranh tương phản về sự vô nghĩa và những điều có nghĩa cho loài người, về những giá trị ngàn năm mà nhân loại dựng xây có thể sẽ bị phá hủy trong vòng một tích tắc. Cách nói đã tác động đến những giác quan và cảm xúc của người đọc, gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh con người trước những điều phi nghĩa đang diễn ra trước mắt.
Trước những nguy cơ, hiểm họa hạt nhân và những điều phi lí đang diễn ra, tác giả đã đưa ra lời kêu gọi ở luận điểm thứ ba: Nhiệm vụ chặn đứng nguy cơ chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hoà bình là trách nhiệm thiêng liêng, cấp bách của loài người trên trái đất. Ông kêu gọi mọi người "chống lại việc đó - cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân; hãy " tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng". Tác giả cũng đưa ra giả định, ví như tai hoạ không chặn được thì sự có mặt của chúng ta, tiếng nói của chúng ta "không phải là vô ích". Bởi sự có mặt ấy, tiếng nói đấu tranh cho hoà bình ấy sẽ vĩnh viễn còn lại nhờ có "một nhà bâng lưu trữ trí nhớ". Cách nói đả kích, có phần châm biếm đó của tác giả nhằm lên án những kẻ hiếu chiến, chạy theo lợi ích và tham vọng của mình đã và đang đe dọa cuộc sống hòa bình, an vui của cả nhân loại.
Bằng những luận điểm rõ ràng, hợp lí kết hợp với giọng văn đầy tính linh hoạt, tác giả Mác-két đã làm nên một tác phẩm đầy sức thuyết phục với người đọc mà vẫn giữ được tính nghệ thuật của văn chương. Văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình thể hiện tài năng, trí tuệ và tấm lòng khao khát, yêu chuộng hòa của tác giả. Đó cũng là hồi chuông thức tỉnh loài người đừng thờ ơ với sự sống của chính mình và toàn nhân loại.